Bản án 04/2018/HS-ST ngày 02/02/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẢO LÂM, TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 04/2018/HS-ST NGÀY 02/02/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 02 tháng 02 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 01/2018/HSST ngày 12 tháng 01 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2018/HSST-QĐ ngày 19 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo:

Vàng A T, tên gọi khác: Không có, sinh năm 1962 tại xã T, B1, tỉnh Cao Bằng; nơi cư trú: xóm N, xã V, huyện B1, tỉnh Cao Bằng; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hoá: Mù chữ; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vàng A S1 (đã chết) và bà Sùng Thị K (đã chết); vợ: đã chết; con: 01 con; tiền án, tiền sự: Không có; bị bắt, tạm giam ngày 21/6/2017 (có mặt).

- Người bào chữa: Ông Nông Văn S2, Trợ giúp viên pháp lý công tác tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cao Bằng (Có mặt).

- Bị hại: Bà Thào Thị M1 (Đã chết).

- Người đại diện hợp pháp của bị hại:

1. Vàng Thị S3, sinh năm: 1974,

Nơi cư trú: xóm N, xã V, huyện B1, tỉnh Cao Bằng (Có mặt);

2. Hoàng Thị V, sinh năm: 1968 (Có mặt),

3. Vàng A T1, sinh năm 1981 (Có mặt),

Cùng trú tại: Xóm C, xã K, huyện B2, tỉnh Cao Bằng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đồng thời là người làm chứng: Anh Vàng A L, sinh năm: 1991, nơi cư trú: xóm N, xã V, huyện B1, tỉnh Cao Bằng (Có mặt).

- Người làm chứng:

1. Vàng Thị C, sinh năm: 1963 (Vắng mặt);

2. Vừ Thị M2, sinh năm: 1992 (Có mặt);

Cùng trú tại: xóm N, xã V, huyện B1, tỉnh Cao Bằng (có mặt).

- Người phiên dịch tiếng dân tộc Mông: Ông: Dương Văn S4; sinh năm:

1986; nơi cư trú: Xóm P, xã N, huyện B1, tỉnh Cao Bằng (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 08 giờ ngày 20/6/2017, Vàng A T đang ngồi ăn cơm với vợ là Thào Thị M1 tại nhà riêng tại xóm N, xã V, huyện B1, tỉnh Cao Bằng thì xảy ra mâu thuẫn giữa đôi bên. Do bực tức và đã uống rượu nên Vàng A T lấy một đoạn gỗ tròn có chiều dài 58 cm đường kính đầu to 4cm đầu nhỏ 3cm đánh 04 (Bốn) phát vào vùng đầu của Thào Thị M1 các vị trí bị đánh đều chảy máu, bầm tím; đến khi Vừ Thị M2 là con dâu nhìn thấy đến can ngăn T mới dừng đánh.

Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, do đã bị đánh đau Thào Thị M1 lên giường ngủ, khi dậy M1 ra bàn ăn ngồi và nói không muốn làm vợ chồng với T nữa. T lại bực tức dùng hai tay cầm một đoạn cây trúc dài 97cm đường kính 4cm, dùng đầu nhọn đâm nhiều phát vào hai bàn chân và cẳng chân của M1. Sau đó T tiếp tục đâm 07 phát vào hai tay, 02 phát vào đầu và 01 phát vào bả vai trái của M1. Đến khi có Vàng A L (con riêng của T) đến can ngăn; lúc này T thấy M1 bị chảy nhiều máu, sợ M1 chết nên T dừng đánh, sau đó M1 tự lên giường nằm ngủ.

Khoảng 17 giờ, Vàng A T gọi M1 dậy ăn cơm. Sau đó đến khoảng 18 giờ cùng ngày, T cùng M1 đi ngủ. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, khi tỉnh dậy không thấy M1 ngủ bên T cầm bóng đèn đang thắp sáng trong nhà ra tìm thì thấy M1 đã chết trong tư thế treo cổ bằng một sợi dây vải màu đen trên đầu xà nhà gần của ra vào. T gỡ dây treo cổ ra đặt M1 xuống đất ngay dưới vị trí treo cổ, sau đó T sang nhà Vàng A L báo việc Thào Thị M1 tự tử.

Ngày 21/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Cao Bằng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, đồng thời trung cầu giám định pháp y làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của Thào Thị M1.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về tử thi số: 031/17/TT ngày 27/6/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết: Ngạt hơi do hậu quả có ngoại lực tác động chặn tắc vùng cổ, trên nạn nhân có nhiều vết sưng nề, bầm tím vùng đầu và rải rác toàn thân.

Ngày 05/7/2017, CQĐT Công an huyện Bảo Lâm đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 46, giám định thương tích của Thào Thị M1 dựa trên hồ sơ pháp y về tử thi. Tại bản Kết luận pháp y trên hồ sơ số: 001/17/TgT ngày 25/7/2017 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế Cao Bằng kết luận: Nếu nạn nhân còn sống tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên ngày 20/6/2017 là 34%.

Ngày 30/8/2017, CQĐT Công an huyện Bảo Lâm đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 52, giám định dấu vết nghi máu thu tại hiện trường và dấu vết nghi máu thu trong buồng tim tử thi; Số 53, giám định vi vết trong lòng bàn tay của tử thi Thào Thị M1 và vi vết sợi vải của hai sợi dây thu tại hiện trường.

Tại bản Kết luận số: 4452/C54(TT3) ngày 23/10/2017 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Dấu vết nghi máu thu tại mặt ngoài tấm ván vị trí số 1 không phải là máu người. Các dấu vết màu nâu thu trong buồng ngủ; tại vị trí số 5 trong nhà; trong buồng ngủ (trên tường phía cửa ra vào) và trên đoạn cây cạnh tử thi đều là máu của Thào Thị M1.

Tại bản Kết luận số: 4453/C54(TT3) ngày 09/11/2017 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Do xơ sợi vải ghi thu trên lòng bàn tay của tử thi Thào Thị M1 có số lượng ít và kích thước ngắn nên không đủ cơ sở khoa học để so sánh với xơ sợi vải của hai đoạn dây ghi thu ở thanh đầu xà nơi phát hiện tử thi. Vi vết vải sợi ghi thu xơ sợi vải ghi thu vi vết ở trên cổ tử thi cùng loại với xơ sợi vải của hai đoạn dây ghi thu ở thanh đầu xà nơi phát hiện tử thi.

Lời khai của Vàng A T tại CQĐT phù hợp với lời khai của những người làm chứng Vàng A Lầu, Vừ Thị M1.

Hành vi của Vàng A T đã bị Công an huyện Bảo Lâm lập hồ sơ đề nghị truy tố. Tại bản Cáo trạng số 01/KSĐT ngày 09/01/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng truy tố bị cáo Vàng A T về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị:

- Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Vàng A T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Về hình phạt: Áp dụng khoản 3 Điều 104; Điều 33; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Vàng A T từ 06 (Sáu) năm đến 07 (Bảy) năm tù.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các điểm b khoản 1 Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Buộc bị cáo Vàng A T phải có trách nhiệm bồi thường cho các đại diện hợp pháp của người bị hại.

- Về hướng xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật hình sự 1999; khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy toàn bộ vật chứng vụ án là các công cụ phạm tội và các vật chứng không còn giá trị sử dụng.

- Về án phí: Bị cáo Vàng A T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa người bào chữa cho bị cáo T có ý kiến: Đề nghị hội đồng xét xử xem xét vì Kết luận giám định có trong hồ sơ vụ án là tổng hợp tỷ lệ % với tổng tỷ lệ 34%; nên xem xét vì thời gian bị cáo gây thương tích cho bị hại Thào Thị M1 02 lần, mỗi lần dùng hung khí khác nhau, tỷ lệ thương tật cũng khác nhau khoảng thời gian cách nhau là 04 giờ đồng hồ; sau khi sự việc xảy ra người bị hại tự vẫn, 02 (Hai) con bò mà anh Vàng A L mổ để lo việc hậu sự cho bị hại là tài sản của bị cáo, do vậy bị cáo được tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự như vậy có căn cứ để áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo là có căn cứ pháp luật.

Các đại diện hợp pháp của bị hại là Hoàng Thị V và Vàng A T1 cùng có ý kiến; về trách nhiệm dân sự, yêu cầu bị cáo Vàng A T có trách nhiệm bồi thường khoản tiền đã bỏ ra lo mai táng phí cho người bị hại với Tổng số tiền là 6.580.000 đồng, về trách nhiệm hình sự yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Riêng người đại diện hợp pháp Vàng Thị S3, không có yêu cầu gì đối với bị cáo, Yêu cầu hội đồng xét xử tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi bị cáo đã gây ra đối với bị hại, ngoài ra không có yêu cầu gì thêm.

Người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án Vàng A L có ý kiến tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về trách nhiệm hình sự, cần xử lý nghiêm khắc đối với hành vi gây thương tích của Vàng A T đối với người bị hại, tại phiên tòa và không có yêu cầu gì thêm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa, bị cáo Vàng A T đã thừa nhận bản Cáo trạng phản ánh đúng hành vi của mình, lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra và lời khai của những người làm chứng cùng các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Do đó có đủ cơ sở để xác định khoảng 08 giờ, ngày 20/6/2017 tại xóm xóm N, xã V, huyện B1, tỉnh Cao Bằng bị cáo Vàng A T dùng một đoạn gỗ tròn dài 58 cm đường kính đầu to 4cm đầu nhỏ 3cm đánh 04 phát vào đầu của bị hại Thào Thị M1 gây thương tích. Khoảng 12 giờ cùng ngày, bị cáo lại dùng đầu nhọn của một đoạn cây trúc còn tươi dài 97cm đường kính 4cm đâm nhiều phát vào đầu, vai, tay, chân của bị hại Thào Thị M1 gây thương tích, với mục đích là gây thương tích cho bị hại, không có mục đích tước đoạt tính mạng của bị hại; Sau đó người bị hại Thào Thị M1 đã treo cổ tự vẫn. Nếu người bị hại Thào Thị M1 còn sống; tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên trong ngày 20/6/2017 là 34%. Hành vi cố ý gây thương tích do bị cáo Vàng A T thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp đã xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người khác được pháp luật hình sự bảo vệ. Căn cứ quy định tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 04 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử nhận định việc bị cáo sử dụng đoạn gỗ tròn và đoạn cây trúc tươi có đặc điểm như trên để gây thương tích cho bị hại thuộc trường hợp “Dùng hung khí nguy hiểm”. Đồng thời xác định tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, bị hại Thào Thị M1 đã 72 tuổi là “người già yếu” do đó hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại Điều 104 của Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm, Cao Bằng đã truy tố đối với hành vi của bị cáo đã thực hiện là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

Tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự quy định như sau:

“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc từ 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

a) Dùng hung khí nguy hiểm...

Khoản 3 Điều 104 quy định; phạm tội gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến điểm k khoản Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm năm..

Với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên mà bị cáo T gây ra đối với người bị hại Thào Thị M1 là 34% (Ba mươi tư phần trăm) do vậy bị cáo T phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 điều 104 của Bộ luật hình sự.

Về nhân thân người phạm tội: Bị cáo T là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với vợ bị cáo đã có hành vi cố ý gây thương tích cho người bị hại, hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, nhưng xem xét về nhân thân bị cáo, thì bị cáo T là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ văn hóa mù chữ, khi áp dụng quyết định hình phạt cần xét tình tiết Người phạm tội có nhận thức pháp luật hạn chế. Trong quá trình nghị án Hội đồng xét xử xem xét áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự để áp dụng đối với bị cáo Vàng A T.

Khi sự việc người bị hại tự vẫn xảy ra, bị cáo T bị bắt tạm giữ tại cơ quan điều tra Công an huyện Bảo Lâm bị cáo T đã được người bào chữa phân tích và thông qua người bào chữa, tác động cho gia đình để khắc phục hậu quả; cụ thể đem thịt 02(Hai) con bò là tài sản của bị cáo, để lo tổ chức việc tang lễ cho bị hại; với tình tiết trên Vàng A T được hưởng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 là“Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” ngoài ra tại phiên tòa các đại diện hợp pháp của người bị hại có yêu cầu bị cáo một khoản tiền 6.580.000 đồng, được bị cáo T nhất trí bồi thường cho các đại diện hợp pháp của bị hại; tuy nhiên, với hành vi Cố ý gây thương tích đã gây ra cho bị hại Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhất định thì mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa chung.

[2] Về trách nhiệm dân sự: tại phiên tòa các đại diện hợp pháp cho người bị hại anh Vàng A T1 và chị Hoàng Thị V là con riêng của người bị hại Thào Thị M1 (đã chết) có đơn yêu cầu bị cáo T phải thanh toán giá trị đối với số tài sản bỏ ra lo việc mai táng phí với tổng số tiền là 6.580.000 đồng,(Sáu triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng ) được bị cáo Vàng A T chấp nhận. Riêng người đại diện hợp pháp Vàng Thị S3 không yêu cầu bị cáo bồi thường trách nhiệm dân sự, yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thương tích bị cáo đã gây ra cho bị hại.

Hội đồng xét xử xét thấy sự tự nguyện thỏa thuận của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, giữa bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại là hoàn toàn tự nguyện, do vậy chấp nhận về sự tự nguyện thỏa thuận của những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa là có căn cứ pháp luật; tuy nhiên, các đại diện hợp pháp của bị hại là Hoàng Thị V và Vàng A T1 vẫn chưa nhận được khoản tiền nào mà bị cáo đã nhất trí bồi thường; do vậy, bị cáo Vàng A T phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với khoản tiên trên. Đồng thời bị cáo T phải chịu số tiền án phí dân sự có giá ngạch 5% của số tiền chưa thi hành 6.580.000 đồng x 5% = 329.000 đồng, (Ba trăm bảy mươi năm nghìn đồng) để sung quỹ Nhà nước.

[3] Về hướng xử lý vật chứng: Hội đồng xét xử xác định 01 (Một) đoạn gỗ tròn dài 58 cm và 01 (Một) đoạn trúc dài 97cm là công cụ phạm tội; 02 (Hai) sợi dây vải màu đen là công cụ bị hại dùng để treo cổ tự tử; 04 (Bốn) sợi tóc của bị hại và 09 (Chín) túi đựng các dấu vết khi khám nghiệm hiện không còn giá trị sử dụng; 01 (Một) đoạn trúc dài 70cm; 01 (Một) đoạn trúc dài 1,08cm, 01 (Một) con dao nhọn dài 32 cm, 01(Một) liềm cán nhựa và 01 (Một) ống điếu bằng kim loại màu đỏ là vật dụng trong nhà bị cáo, tại phiên tòa bị cáo không có yêu cầu lấy lại. Các vật chứng trên xét thấy không có giá trị sử dụng, do vậy cần tịch thu tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa người bào chữa đã viện dẫn đối với hành vi mà bị cáo T đã gây ra cho người bị bị hại Thào Thị M1 là 02(Hai) lần, mỗi lần dùng loại hung khí khác nhau, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Xét thấy yêu bào chữa đối chiếu với tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi bị cáo T đã gây ra cho bị hại, bị cáo đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích đối với bị hại, tại thời gây ra thương tích người bị hại Thào Thị M1 đã trên 70 tuổi; do vậy Hội đồng xét xử xét thấy cần giữ nguyên quan điểm truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bao Lâm, tỉnh Cao Bằng áp dụng khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp luật và đúng với hành vi bị cáo đã thực hiện gây thương tích cho người bị hại.

[4] Về án phí: Bị cáo Vàng A T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016 và theo quy định tại khoản 2 Điều 135 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Vàng A T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Về hình phạt: Áp dụng khoản 3 Điều 104; Điều 33; điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật Hình sự 1999. Xử phạt bị cáo Vàng A T 05 (Năm) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, ngày 21/6/2017.

3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Buộc bị cáo Vàng A T có trách nhiệm bồi thường cho những người đại diện hợp pháp của người bị hại Hoàng Thị V, sinh năm 1968 và Vàng A T1, sinh năm 1981; cùng trú tại Xóm C, xã K, huyện B2, tỉnh Cao Bằng tổng số tiền là 6.580.000 đồng,(Sáu triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật Hình sự, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy toàn bộ vật chứng vụ án gồm 01(Một) đoạn gỗ tròn dài 58cm, đầu to 04cm, đầu nhỏ 03cm, bị nứt gẫy; 03 (Ba) đoạn trúc trong đó: 01 đoạn dài 97cm, đường kính 4cm, một đầu bằng một đầu nhọn, có nhiều vết nứt; 01 đoạn dài 70cm đường kính 4,3cm, một đầu bị khuyết một nửa; 01 đoạn dài 1,08m, đường kính 2,5cm, một đầu bị dập vỡ thành nhiều mảnh; 04 (Bốn) sợi tóc; 01 (Một) con dao nhọn 32cm, bản rộng nhất 4,7cm; 01(Một) liềm cán nhựa; 01(Một) ống điếu bằng kim loại màu đỏ (gồm 06 vỏ hộp cá hộp nối lại); 02 (Hai) sợi dây vải màu đen; 09 (Chín) túi đựng các dấu vết khi khám nghiệm( 03 túi nilon, 01 phong bì, 05 bì giấy màu nâu).

Xác nhận toàn bộ vật chứng trên hiện lưu giữ tại kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao bằng theo Biên bản Giao nhận vật chứng, tài sản số: 09 ngày 25/12/2017).

5. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 và khoản 2 Điều 135 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Bị cáo T phải chịu 200.000 đồng, tiền Án phí hình sự sơ thẩm và 329.000 đồng, Án phí dân sự sơ thẩm, để sung quỹ Nhà nước. Tổng hai khoản án phí bị cáo T phải chịu là 529.000 đồng, (Năm trăm hai mươi chín nghìn đồng).

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

Án xử sơ thẩm công khai; bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

284
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 04/2018/HS-ST ngày 02/02/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:04/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bảo Lâm - Cao Bằng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 02/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;