Bản án 04/2018/DS-ST ngày 02/01/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 04/2018/DS-ST NGÀY 02/01/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong các ngày 29 tháng 12 năm 2017 và ngày 02 /01/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 114/2017/TLST- DS ngày 14 tháng 4 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 68/2017/QĐXX ST-DS ngày 14 tháng 7 năm 2017, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Cao Thị Bích M;

Địa chỉ: đường T, phường A, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; có mặt;

Bị đơn:  Ông Phan Văn Đ và bà Trần Thị T. P;

Địa chỉ: Đường K, phường X, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Ông Đ vắng mặt, bà P có mặt;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Đinh Thị Kim Y;

Địa chỉ: đường N, phường A, Tp. B, tỉnh Đăk Lăk; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn bà Cao Thị Bích M trình bày:

Ngày 22/9/2016, ông Phan Văn Đ và bà Trần Thị Thúy P vay của bà Cao Thị Bích M số tiền 800.000.000 đồng theo Hợp đồng vay tiền có công chứng tại Văn phòng công chứng Đại An; khoản vay trên, ông Đ, bà P dùng để trả nợ cho khoản vay tại Ngân hàng S Đăk Lăk và hẹn đến 02/11/2016, ông Đvà bà P trả khoản nợ trên. Ông Đbà P đã trả nợ như sau: Ngày 26/9/2016 trả 200.000.000 đồng; đến tháng 12/2016, trả 30.000.000 đồng; khoảng 5 ngày sau trả thêm 40.000.000 đồng; đến 10/3/2017, khi mua nhà đất của Phan Hoàng Bảo Tuấn là con ông Đ, bà P thì anh Tuấn trả nợ thay cho ông Đ, bà P thêm 200.000.000 đồng; như vậy tổng luậcộng, ông Đ, bà P đã trả được 470.000.000 đồng và còn nợ lại 330.000.000 đồng; nay, bà M yêu cầu ông Đ, bà P trả số nợ còn lại là 330.000.000 đồng. Về Lãi, tuy trong hợp đồng không thể hiện mức lãi nhưng các bên thỏa thuận bằng lời nói là tính lãi theo lãi ngân hàng, nên nay bà M yêu cầu ông Đ, bà P phải trả lãi theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án, mặc dù Tòa án đã tống đạt đầy đủ và hợp lệ các văn bản tố tụng, nhưng ông Đ và bà P vẫn không có mặt tại Tòa án để giải quyết vụ việc và Tòa án đã phải hoãn phiên tòa; ngày 10/10/2017, bà P đã có mặt tại Tòa án để cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung vụ án.

Theo bà Y và người đại diện theo ủy quyền của ông Đ, bà P thì nguồn gốc khoản vay 800.000.000 đồng thể hiện ở “Hợp đồng cho vay tiền” lập ngày 22/9/2016 có công chứng của Văn phòng Công chứng A thực chất chỉ là 707.500.000 đồng gốc mà bà P và ông Đ vay để trả vào Ngân hàng S, số còn lại là tiền lãi “nóng”, cụ thể như sau:

Do trước đó (trước ngày 22/9/2016), ông Đ, bà P có khoản nợ tại Ngân hàng S Đăk Lăk đến hạn nên ông bà đã nhờ bà M cho vay nóng để trả nợ vào Ngân hàng S, sau đó bà M sẽ giao dịch với Ngân hàng để vay lại bằng hợp đồng mới cho ông Đ, bà P (theo bà P thì bà M làm dịch vụ cho vay đáo hạn lấy lãi). Theo đó, ngày 06/9/2016, ông Đ, bà P có vay của bà M số tiền 707.500.000 đồng để trả vào Ngân hàng S Đăk Lăk với mức lãi mỗi ngày 3.000 đồng/một triệu đồng. Sau khi trả tiền vào Ngân hàng S Đăk Lăk, do Ngân hàng S không đồng ý cho vay lại với mức 800.000.000 đồng như dự kiến nên bà M nói là để đi vay hộ ở ngân hàng khác; do đó, bà M viết giấy vay thể hiện ông Đ, bà P có vay của bà M 725.000.000 đồng; trong đó là 707.500.000 đồng là tiền gốc và số tiền còn lại là tiền lãi nóng theo số ngày dự kiến chờ vay được ở Ngân hàng khác nhưng bà M không ghi cụ thể mức lãi. Ngoài việc ghi số nợ trên, bà M còn là người giữ hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ngân hàng S trả lại để bà M giúp ông Đ, bà P vay tiền ngân hàng và cũng để nắm chắc khả năng thu hồi nợ ngay sau khi vay được tiền từ ngân hàng.

Do không vay được tiền trong thời gian dài nên tiền lãi ngày càng lên cao (3.000/1000.000/ngày), do đó, ngày 22/9/2016, bà M ép ông Đ, bà P phải lập hợp đồng công chứng với khoản nợ cũ là 707.500.000 đồng thành khoản vay mới là 800.000.000 đồng; thời hạn vay đến hết ngày 02/11/2016.

Vì bị bà M bắt ký giấy vay với khoản vay mới bao gồm cả gốc và lãi vào ngày 22/9/2016 nhưng lại không chịu trả giấy vay gốc ngày 06/9/2016 (Giấy vay 725.000.000 đồng) nên bà P đã yêu cầu được xác nhận vào mặt sau của giấy vay ngày 06/9/2016 với nội dung thứ nhất là để xác định khoản vay gốc là 707.500.000 đồng; thứ hai là để xác định khoản vay này đã nằm trong số tiền vay 800.000.000 đồng ngày 22/9/2016 tránh trường hợp cùng một khoản vay nhưng lại thành hai khoản vay vì có hai giấy vay (giấy vay ngày 06/9/2016 và giấy vay ngày 22/9/2016). Như vậy, theo bà P thì thực chất ông Đ, bà P chỉ nợ gốc là 707.500.000 đồng từ ngày 06/9/2016 chứ không phải là 800.000.000 đồng như bà M trình bày.

Về việc trả nợ, theo bà P trình bày, bà đã trả xong khoản nợ 707.500.000 đồng và khoản lãi như sau:

Ngày 26/9/2016, khi bà M giúp ông Đ, bà P vay được 270.000.000 đồng tại phòng Giao dịnh Thành Nhất chi nhánh A Buôn Đôn, bà M đã lấy nợ 200.000.000 đồng; việc thanh toán nợ này được chính bà M ghi vào mặt sau của Lời chứng của Văn phòng Công chứng Đ kèm “Hợp đồng cho vay tiền ngày 22/9/2016”.

Ngày 19/12/2016, sau khi vay được tiền ở Agribank H, bà P đã trả cho bà M 507.500.000 đồng tiền gốc và 39.000.000 đồng tiền lãi tại nhà bà Minh, lẽ ra, khi trả nợ bà mang Giấy nợ 800.000.000 đồng để bà M xác nhận trả xong nợ vào mặt sau nhưng do lúc đó chồng bà đang ốm nặng nên lúc đi trả tiền bà chỉ kịp mang giấy nợ ngày 05/5/2016 đi để bà M xác nhận vào mặt sau.

Về Giấy nợ này (Giấy nợ 30 triệu đồng, ngày 05/5/2016), đây là khoản nợ trước khoản nợ ngày 06/9/2016; khoản nợ này, bà P đã trả xong nợ vào ngày 07/9/2016; bà M đã gạch nợ ở mặt trước và giao lại bản gốc cho bà P, còn mặt sau bà M tính toán nợ lãi của khoản nợ ngày 05/5/2016; phần dưới khoản lãi bà M tính để thanh toán nợ, bà đã ghi Hợp đồng này đã tính chung trong hợp đồng vay vốn tại công chứng Đại An số tiền tổng thể là 800.000.000 đồng đề ngày 22/9/2016 có ký ghi họ tên bà P để thể hiện nội dung xác nhận khoản nợ 707.500.000 đồng đã tính chung trong tổng số tiền còn nợ là 800.000.000 đồng; ngay phía dưới phần xác nhận này bà M có ghi nội dung “19/12/2016 có nhận 39 triệu đồng cả gốc và lãi hết món nợ này”; Như vậy theo bà P thì bà đã trả đủ cả gốc 507.500.000 đồng và lãi 39.000.000 đồng nhưng bà thiếu sót không bắt bà M xác nhận đã nhận cả 507.500.000 đồng tiền nợ gốc hoặc ghi rõ đã trả hết khoản nợ 800.000.000 đồng; lợi dụng việc thiếu sót này mà bà M đã chối bỏ khoản tiền bà đã trả là 507.500.000 đồng; theo bà P thì bà M xác nhận “Hết món nợ này” nghĩa là hết món nợ 800.000.000 đồng và cả phần lãi.

Trước lời trình bày của bà P, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, bà M trình bày cụ thể về nguồn gốc cũng như các khoản đã trả như sau:

Trước khi bà M giúp bà P, ông Đ trả nợ Ngân hàng S, bà P, ông Đ đã nợ bà hai khoản nhưng bà không nhớ cụ thể vì hai khoản nợ này ngày 22/9/2016 đã được nhập vào với khoản vay 725.500.000 đồng ngày 06/9/2016 thành khoản nợ 800.000.000 đồng gốc nên các giấy tờ theo dõi hai khoản nợ cũ bà đã giao lại cho bà P và xem như hết giá trị, bà chỉ giữa lại Giấy vay tiền ngày 06/9/2016 là vì còn liên quan đến việc trả nợ Ngân hàng S và đây là lý do bà cầm 02 Giấy chứng nhận của ông Đ, bà P khi Ngân hàng S trả Giấy tờ thế chấp.

Về nội dung của mặt sau Giấy vay ngày 05/5/2016, đoạn thứ nhất là bà mới tạm tính khoản lãi của số tiền vay theo món vay 30.000.000 đồng từ ngày 05/5/2016 đến 07/9/2016 là 126 ngày, lãi là 11.340.000 đồng; số “ – 5tr” là mới tạm tính chứ bà P, ông Đ chưa trả. Dòng chữ bà P viết là thể thiện hợp đồng vay tiền ở mặt trước đã được gộp vào khoản vay 800.000.000 đồng chứ không phải là gộp khoản 727.500.000 đồng; đến ngày 19/12/2016 bà P mới trả được 39 triệu đồng cho khoản gốc, lãi của Giấy vay ngày 05/5/2016 nên bà mới xóa nợ ở mặt trước, xác nhận đã nhận 39.000.000 đồng cả gốc và lãi ở mặt sau và ghi rõ “…hết món nợ này” tức là hết gốc, lãi của khoản vay 30.000.000 đồng vì tuy đã gộp các khoản nợ vào một giấy vay ngày 22/9/2016 nhưng khi trả bà M vẫn tính món vay nào ra món đó và bà đã đưa lại giấy vay tiền ngày 05/5/2016 cho bà P.

Như vậy theo bà M thì đến ngày 22/9/2016, các khoản nợ gốc ông Đ, bà P đã vay là 800.000.000 đồng như “Hợp đồng cho vay tiền” đã công chứng là phù hợp với thực tế vì ông Đ, bà P đã ký vào hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc và còn có công chứng tại văn phòng công chứng Đại An; còn việc bà P cho rằng đã trả 507.500.000 đồng vào ngày 19/12/2016 thì phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột phát biểu: Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Về nội dung, việc vay 800.000.000 đồng là có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng Mnên cần chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Qua các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án nhận định về vụ án như sau:

Liên quan đến khoản nợ còn tranh chấp giữa hai bên gồm có các tài liệu, chứng cứ được phân tích, đánh giá như sau:

[1] Bản “Hợp đồng vay mượn” ngày 05/5/2016 do bà P giao nộp, ở mặt trước thể hiện: Ngày 05/5/2016, ông Đ, bà P vay của bà Msố tiền 30.000.000 đồng; không thể hiện lãi suất, thời hạn trả nợ, mục đích vay; điều này khẳng định ông Đ bà P có vay bà M 30.000.000 đồng ngày 05/5/2016.

[2] Mặt sau của hợp đồng này có 3 đoạn; đoạn thứ nhất là dòng chữ của bà M tính toán tiền lãi, theo đó tiền lãi từ 05/5/2016 đến 07/9/2016 là 11.340.000 đồng; trừ 5 triệu bằng 6.340.000 đồng; qua đó xác định mức lãi của hợp đồng vay này là 3.000/1000.000/ngày (0,3%); số tiền lãi đã trả vào ngày 07/9/2016 là 5.000.000 đồng.

[3] Đoạn tiếp theo là dòng chữ của bà P viết, nội dung “Hợp đồng này đã tính chung trong hợp đồng vay vốn tại công chứng Đ số tiền tổng thể là 800.000.000 (Tám trăm triệu đồng chẵn)” dưới ký ngày 22/9/2016, tên bà Trần Thị Thúy P. Như vậy, theo lời giải thích của bà P là không có cơ sở và không phù hợp bởi “Hợp đồng này…” tức là phải liên quan đến mặt trước của văn bản này nghĩa là phải liên quan đến khoản vay ở mặt trước là 30.000.000 đồng còn khoản vay 707.500.000 đồng là ở văn bản ngày 06/9/2016; do đó lời giải thích của bà M là có cơ sở rằng khoản vay 30.000.000 đồng ở mặt trước đã được tính gộp vào khoản vay 800.000.000 đồng ở “Hợp đồng cho vay tiền” ngày 22/9/2016.

[4] Đối với đoạn thể hiện “19/12/2016 có nhận 39 triệu cả gốc và lãi Hết món nợ này” là của bà Cao Thị Bích M, bà P cho rằng “Hết món nợ này…” nghĩa là đã hết cả gốc và lãi của món nợ ghi ở “Hợp đồng cho vay tiền” ngày 22/9/2016 là không có cơ sở bởi lẽ với một khoản tiền tương đối lớn, 507.700.000 đồng mà bà P mang trả thì không thể dễ dàng để bà M chỉ ghi có nhận 39 triệu đồng được; bà P có thể trực tiếp ghi hoặc yêu cầu bà M phải ghi cụ thể số tiền đã giao nhận hoặc ghi đã trả hết toàn bộ nợ … để chứng M đã trả hết các khoản nợ; trong khi đó, qua các Giấy tờ vay nợ thể hiện bà P rất cẩn thận trong việc xác nhận vào các mặt sau của giấy vay ngày 05/5/2016 và giấy vay ngày 06/9/2016 để thể hiện số nợ của các giấy vay này đã được gộp vào một khoản thành 800.000.000 đồng ở Hợp đồng vay tiền” ngày 22/9/2016 có công chứng tại văn phòng công chứng Đại An; do đó lời trình bày của bà M là có đủ cơ sở kết luận ngày 12/9/2016 bà M đã nhận 39 triệu đồng của bà P, đây là khoản nợ ngày 05/5/2016 đã được gộp vào “Hợp đồng vay tiền” ngày 22/9/2016 nên bà đã gạch nợ ở mặt trước và trả giấy vay này cho bà P.

[5] Đối với “Giấy vay tiền” ngày 06/9/2016, mặt trước thể hiện ông Đ bà P đã vay 727.000.000 đồng, không thể hiện lãi suất, thời hạn vay; mặt sau có dòng chữ bà P viết: “ Hợp đồng vay đã ghi 707.500.000 … số tiền 707.500.000 đồng nằm trong công chứng Đ ngày 22/9/2016; bà M không thừa nhận có lãi và ngoài số tiền 707.500.000 đồng vay để trả nợ vào Ngân hàng S Đăk Lăk thì bà P còn vay thêm 17.500.000 đồng để chữa bệnh cho ông Đ nên tổng số nợ theo giấy vay này là 725.000.000 đồng;

Theo bà P thì bà ghi nội dung trên để xác định thực chất số tiền vay lần này là 707.500.000 đồng chứ không phải như mặt trước ghi số tiền vay là 725.000.000 đồng và số tiền này đã được gộp thành số tiền 800.000.000 đồng trên “Hợp đồng cho vay tiền” ngày 22/9/2016 để tránh trường hợp thành hai khoản nợ khác nhau vì khi lập hợp đồng ngày 22/9/2016 bà M không chịu trả giấy nợ ngày 06/9/2016.

Tòa thấy rằng, giấy vay này không thể hiện số tiền lãi, mức lãi thời hạn tính lãi; lẽ ra bà P phải ghi cụ thể mức lãi hoặc số tiền lãi để làm cơ sở bảo vệ cho quyền lợi của mình khi có tranh chấp nhưng bà P, ông Đ đã không ghi cụ thể mà còn ký tên đầy đủ vào hợp đồng có công chứng, đây là lỗi của bà P, ông Đ nên không đủ cơ sở để chứng minh đã bao gồm tiền lãi.

[6] Về việc bà M trình bày khoản nợ anh Phan Hoàng Bảo T (Cong ông Đ, bà P) khi bán nhà đất cho bà M, anh T đã trả nợ thay cho ông Đ, bà P, các bên đều thừa nhận có sự việc mua bán nhà 192/27 đường V nhưng anh T không thừa nhận tình tiết trả nợ thay cho cha mẹ mình và việc mua bán nhà không liên quan gì đến nợ nần của ông Đ, bà P. Đối với tình tiết này, Tòa án thấy rằng, sự việc mua bán nhà đất giữa bà M và anh T là có thực như các bên đã thừa nhận, giá chuyển nhượng là 500.000.000 đồng; ngoài ra các bên còn thừa nhận khi bà M mua nhà đất của anh T thì anh T còn nợ Ngân hàng nên bà M đưa số tiền 290.000.000 đồng để anh T trả vào nợ Ngân hàng; số tiền còn lại bà M sẽ trả đủ khi anh T lấy giấy tờ ra và xóa thế chấp để giao giấy tờ cho bà M; Tuy việc trả nợ thay không thể làm rõ nhưng việc bên vay nêu ra việc trả nợ thay là có lợi cho bên vay nên cần xác định việc anh T đã trả nợ thay cho ông Đ, bà P là có thật.

[7] Từ những phân tích, đánh giá chứng cứ nêu trên, có đủ cơ sở để xác định:

Về số nợ gốc, tại thời điểm 22/9/2016, ông Đ, bà P còn nợ bà M tổng số tiền gốc là 800.000.000 đồng; hợp đồng vay này đã được công chứng cùng ngày tại Văn phòng công chứng Đ; đây là số nợ gộp của bốn khoản vay như bà M trình bày.

Về số tiền đã trả theo bà M thừa nhận từng đợt là lớn hơn so với số nợ đã trả mà bà P chứng M được và có lợi cho bên vay hơn nên cần xác định các khoản tiền đã trả theo lời trình bày của nguyên đơn, cụ thể như sau:

Ngày 07/9/2916, trả 5.000.000 đồng tiền lãi của khoản vay ngày 05/5/2016;

Ngày 26/9/2016, trả 200.000.000 đồng gốc;

Ngày 19/12/2016, trả 39.000.000 đồng cả lãi và gốc;

Ngày 24/12/2016, trả 40.000.000 đồng gốc;

Ngày 10/12/2016, trả 200.000.000 đồng gốc.

[8] Các khoản vay này mặc dù không xác định được cụ thể mức lãi suất, nhưng các bên đều thừa nhận là vay có lãi nhưng trình bày khác nhau về mức lãi, số tiền lãi đã trả là thuộc trường hợp có tranh chấp về lãi nên cần được tính lại nghĩa vụ về lãi theo mức lãi suất cơ bản tại thời điểm vay là 9 % năm để xác định nghĩa vụ về lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 476 của Bộ Luật dân sự 2005 trong thời hạn của hợp đồng; Về lãi quá hạn cũng được tính theo lãi suất cơ bản (9% năm) theo quy định tại khoản 5 Điều 474 của Bộ Luật dân sự 2005.

[9] Cụ thể các khoản vay, các khoản đã trả, các khoản lãi phát sinh và nghĩa vụ còn lại được xác định như sau:

Đối với khoản vay ngày 05/5/2016, có thể hiện tính lãi 3.000/1.000.000/ngày tức là 3% ngày, là mức lãi không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 476 của Bộ Luật dân sự 2005 nên cần được tính lại theo mức lãi 150% của mức lãi suất cơ bản, cụ thể:

Lãi phải trả là từ 05/5/2016 đến 07/9/2016 là 125/365 x 13,5% x 30.000.000 = 1.387.000 đồng; Số lãi đã trả là 5.000.000 đồng; dư 3.613.000 đồng; Số tiền này phải được trừ vào gốc tại thời điểm các bên gộp nợ ngày 22/9/2016 thì tổng số nợ gốc thực là 796.387.000 đồng.

Ngày 26/9/2016, trả 200.000.000 đồng, theo các bên thể hiện ý chí là trả vào gốc, do vậy tại thời điểm này gốc còn 576.387.000 đồng. Lãi phát sinh từ 22/6 đến 26/9/2016 là: 796.387.000 x 9% x 4/365 = 785.000 đồng.

Ngày 19/12/2016, trả 39.000.000 đồng, không nói rõ gốc, lãi bao nhiêu nên khoản tiền này được thanh toán tương ứng vào gốc, lãi phải trả cụ thể: gốc phải trả là 576.387.000 đồng; Lãi từ 22/6 đến 26/9/2016 là 785.000 đồng + lãi từ 26/9/2016 đến 19/12/2016 là 576.387.000 x 9% x 107/365 = 15.207.000 đồng; tổng lãi là 15.992.000 đồng; nên số tiền thanh toán vào gốc là 39.000.000 x 576.387.000/(576.387.000 + 15.992.000)= 37.830.000 đồng, lãi là 1.170.000 đồng. Như vậy, tại thời điểm 19/12/2016, ông Đ, bà P còn nợ bà Mtiền gốc là 576.387.000 – 37.830.000 = 538.557.000 đồng; lãi là 15.992.000 – 1.170.000 = 14.822.000 đồng.

Đến 24/12/2016, ông Đ, bà P trả được gốc 40.000.000 đồng; nợ gốc còn lại là 498.557.000 đồng (538.557.000- 40.000.000); lãi phát sinh từ 19/12/2016 đến 24/12/2016 là 538.557.000 x 9% x 05/365 = 664.000 đồng.

Ngày 10/3/2017, trả  nợ gốc là 200.000.000 đồng nên nợ gốc còn lại là 298.557.000 đồng; Lãi từ 25/12/2016 đến 10/3/2017 là: 498.557.000 x 9% x 76/365 = 9.343.000 đồng.

Lãi từ 11/3/2017 đến 02/01/2018 là: 298.557.000 x 9% x 297/365 = 21.864.000 đồng.

Như vậy, tính đến ngày xét xử, ông Đ, bà P còn nợ gốc 298.557.000 đồng; tiền lãi là 14.822.000 + 664.000 + 9.343.000 + 21.864.000 = 46.693.000 đồng.

Tổng cộng: 345.250.000 đồng (Ba trăm bốn mươi lăm nghìn hai trăm năm mươi đồng).

[10] Về án phí: Nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận (330.000.000 – 298.557.000 = 31.443.000); bà P, ông Đphải chịu án phí sơ thẩm đối với phần yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận là 345.250.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; Khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; Điều 144, 147, 271 và 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ vào khoản 2 Điều 305; Điều 471, 474 và 476 của Bộ Luật dân sự 2005;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn:

Buộc ông Phan Văn Đ và bà Trần Thị Thúy P phải trả bà Cao Thị Bích M tổng số tiền 345.250.000 đồng (Ba trăm bốn mươi lăm triệu hai trăm năm mươi nghìn) đồng; trong đó, tiền gốc là 298.557.000 đồng; tiền lãi là 46.693.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong thì hằng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ Luật dân sự 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Về án phí: Bà Cao Thị Bích M phải chịu án phí đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là 1.572.000 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 8.250.000 đồng theo biên lai thu số AA/2016/0000183 ngày 10/4/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Buôn Ma Thuột; bà M còn được nhận lại 6.678.000 (Sáu triệu sáu trăm bảy mươi tám nghìn) đồng tiền tạm ứng sau khi đã khấu trừ xong án phí.

Ông Phan Văn Đ và bà Trần Thị Thúy P phải chịu 17.276.000 (Mười bảy triệu hai trăm bảy mươi sáu nghìn) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 02/01/2018.

Trường hợp bản bán được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

295
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 04/2018/DS-ST ngày 02/01/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:04/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 02/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;