TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 03/2021/KDTM-PT NGÀY 05/03/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 05/3/2021, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 22/2020/TLPT-KDTM ngày 30/11/2020 về việc: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, do Bản án sơ thẩm số: 06/2020/KDTM-ST ngày 21/10/2020 của TAND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 03/2019/QĐXX-PT ngày 14/01/2021 và Quyết định hoãn phiên toà số: 05/2021/QĐ-PT ngày 05/02/2021, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ngân hàng P Địa chỉ: số 25A đường C, quận Đ, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Công N - Chức vụ: Phó phụ trách Phòng tín dụng I, Chi nhánh Ngân hàng P khu vực Đắk Lắk- Đắk Nông: Có mặt (Theo văn bản ủy quyền ngày 09/6/2020) Địa chỉ: Số 15 T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Phạm Văn N - Văn phòng luật sư B, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk- Có mặt
Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X.
Địa chỉ: Số 01 đường H, phường A, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Phạm Thị Minh X - Giám đốc Công ty- Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Tạ Quang T - Văn phòng luật sư T, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk- Có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ghi tháng 01/2020; Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 15/7/2020, ngày 25/9/2020 và quá trình tham gia giải quyết vụ án, nguyên đơn là Ngân hàng P (Sau đây gọi tắt là Ngân hàng P) trình bày:
Ngày 24/10/1998, Công ty thương mại K (Sau đó được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Thương mại K, nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X) ký kết hợp đồng tín dụng số: 01/HĐTD với Quỹ hỗ trợ đầu tư Quốc Gia (Sau đó được chuyển đổi thành Quỹ hỗ trợ phát triển, nay là Ngân hàng P) tại Chi nhánh Đ, vay Quỹ đầu tư 2.000.000.000đ để thực hiện công trình Chợ thị trấn huyện K; lãi suất vay 0,7%/tháng; thời hạn vay 48 tháng. Ngày 18/8/1999, Công ty thương mại K ký kết hợp đồng tín dụng số: 09/HĐTD với Quỹ hỗ trợ đầu tư Quốc Gia tại Chi nhánh Đ, vay Quỹ đầu tư 1.000.000.000đ, để thực hiện công trình chợ nêu trên, lãi suất vay 0,81%/tháng, thời hạn vay 48 tháng.
Để đảm bảo trả cho Quỹ đầu tư khoản tiền vay nêu trên, ngày 21/10/2002, Công ty thương mại K ký hợp đồng thế chấp cho Quỹ đầu tư, tài sản hình thành sau đầu tư là Chợ thị trấn huyện K.
Quá trình thực hiện hợp đồng: Ngày 28/11/1998, Quỹ đầu tư giải ngân cho Công ty thương mại K vay 2.000.000.000đ, theo hợp đồng số: 01/HĐTD; ngày 07/10/1999, Quỹ đầu tư giải ngân cho Công ty thương mại K vay 1.000.000.000đ, theo hợp đồng số: 09/1999/HĐTD.
Tính đến ngày 31/12/2019, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X (Sau đây gọi tắt là Công ty X) còn nợ Ngân hàng 4.691.898.428đ, trong đó tiền nợ gốc 741.631.067đ, tiền lãi suất 3.950.267.361đ; Cụ thể: Tiền nợ gốc đối với hợp đồng tín dụng số: 01/HĐTD là 33.831.067đ; tiền nợ gốc đối với hợp đồng tín dụng số: 09/HĐTD là 707.800.000đ; tiền lãi suất quá hạn đối với hợp đồng tín dụng số:
01/HĐTD là 1.106.009.730đ; tiền lãi suất quá hạn đối với hợp đồng tín dụng số:
09/HĐTD là 1.748.414.045đ; tiền lãi phạt trên số tiền lãi chậm trả là 1.095.843.586đ. Vì vậy, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết: Buộc Công ty X phải trả cho Ngân hàng Phát triển số tiền nợ 4.691.898.428đ, trong đó tiền nợ gốc 741.631.067đ, tiền lãi suất tính đến ngày 31/12/2019 là 3.950.267.361đ và lãi suất phát sinh theo các hợp đồng tín dụng, tính từ ngày 01/01/2020 cho đến khi trả xong khoản tiền nợ nêu trên. Quá trình Ngân hàng khởi kiện tại Toà án, ngày 09/7/2020 và ngày 31/8/2020, Công ty X đã trả cho Ngân hàng 481.631.067đ tiền nợ gốc, đề nghị Toà án khấu trừ số tiền nợ gốc mà Công ty X đã trả.
Về tài sản thế chấp: Ngân hàng Phát triển và Công ty X đã xử lý xong tài sản thế chấp. Vì vậy, Ngân hàng không yêu cầu Toà án giải quyết.
Quá trình tham gia giải quyết vụ án, bị đơn là Công ty X trình bày:
Về nội dung hai hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản hình thành sau đầu tư, được ký kết giữa Công ty thương mại K và Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, đúng như nguyên đơn đã trình bày.
Sau khi Công ty thương mại K được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Thương mại K; ngày 02/9/2004, Công ty và Quỹ hỗ trợ Phát triển ký kết hợp đồng tín dụng số: 02/2004/HĐTD để thay thế hợp đồng tín dụng số: 01/HĐTD và hợp đồng tín dụng số: 09/1999/HĐTD. Các bên thừa nhận, tính đến tháng 8/2004, Công ty còn nợ Quỹ hỗ trợ P 2.027.631.067đ tiền nợ gốc và 385.660.000đ tiền lãi xuất; Quỹ hỗ trợ P đồng ý khoanh nợ cho Công ty 1.651.631.067đ trong thời hạn 03 năm tính từ ngày 01/01/2003. Trong thời gian được khoanh nợ, Công ty được miễn tiền lãi suất; thời gian trả nợ số tiền 1.651.631.067đ từ ngày 01/01/2006 đến ngày 31/01/2006; khoản nợ không được khoanh là 376.000.000đ, thuộc hợp đồng tín dụng số: 09/1999/HĐTD, tiếp tục được thực hiện như hợp đồng đã ký kết.
Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng số: 02/2004/HĐTD: Năm 2007, Công ty cổ phần Thương mại K đã trả cho Ngân hàng P 260.000.000đ tiền nợ gốc; từ ngày 12/11/2012 đến ngày 31/8/2020, Công ty đã trả cho Ngân hàng 1.767.631.067đ tiền nợ gốc, tổng cộng 2.027.631.067đ; hiện tại Công ty chỉ còn nợ Ngân hàng tiền lãi suất. Việc Ngân hàng khởi kiện cho rằng Công ty còn nợ Ngân hàng 260.000.000đ tiền nợ gốc là không đúng, Công ty đề nghị Ngân hàng miễn toàn bộ tiền lãi suất cho Công ty.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 06/2020/KDTM-ST ngày 21/10/2020 của TAND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng:
Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 144, Điều 147 Bộ luật tố tụng Dân sự; Điều 338, Điều 342, Điều 347, Điều 355, Điều 357, Điều 471, Điều 474, Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 91, Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng; điểm c khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng P.
1. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X phải trả cho Ngân hàng P số tiền lãi suất tính đến ngày 31/8/2020 là 2.927.531.499đ và lãi suất phát sinh theo các hợp đồng tín dụng tính từ ngày 01/9/2020 cho đến khi trả xong khoản tiền nợ nêu trên.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền nợ gốc bị đơn đã trả xong Ngoài ra, án sơ thẩm còn quyết định án phí và tuyên quyền kháng cáo.
Ngày 04/11/2020, nguyên đơn là Ngân hàng P có đơn kháng cáo với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận Công ty X đã trả cho Ngân hàng 260.000.000đ tiền nợ gốc vào năm 2007 là không đúng, gây thiệt hại cho Ngân hàng; đây là khoản tiền lãi Công ty X trả cho Ngân hàng, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án.
Ngày 02/11/2020, Công ty X có đơn kháng cáo với lý do: Toà án cấp sơ thẩm buộc Công ty X trả cho Ngân hàng P 2.927.531.499đ tiền lãi suất là tính toán không đúng, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại và miễn tiền lãi suất cho Công ty.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Kể từ thời điểm thụ lý vụ án đến khi mở phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án. Xét yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng P và kháng cáo của Công ty X, VKSND tỉnh Đắk Lắk xét thấy: Ngày 24/10/1998, Công ty thương mại K ký hợp đồng tín dụng số: 01/HĐTD vay Quỹ hỗ trợ đầu tư Quốc gia 2.000.000.000đ; ngày 18/8/1999, Công ty thương mại K ký hợp đồng tín dụng số: 01/1999/HĐTD vay Quỹ hỗ trợ đầu tư Quốc gia 1.000.000.000đ. Theo hợp đồng điều chỉnh số: 02/2004/HĐTD ngày 22/9/2004 thay thế 02 hợp đồng tín dụng nêu trên tính đến tháng 8/2004, Công ty còn nợ ngân hàng 2.027.631.067đ tiền nợ gốc; Trong thời gian từ ngày 28/12/2007 đến ngày 31/12/2020, Công ty đã trả cho Ngân hàng đủ số tiền nợ gốc nêu trên; hiện tại Công ty chỉ còn nợ ngân hàng khoản tiền lãi suất. Đối với khoản tiền 260.000.000đ, Công ty trả cho Ngân hàng vào năm 2007, Ngân hàng cho rằng đây là tiền lãi suất Công ty trả cho Ngân hàng là không có căn cứ. Bởi lẽ, căn cứ vào nội dung phiếu chi tiền số 01 ngày 28/12/2007 và phiếu chi tiền số 02 ngày 31/12/2007, thì Công ty trả cho Ngân hàng 260.000.000đ tiền nợ gốc. Toà án cấp sơ thẩm buộc Công ty X phải trả cho Ngân hàng P số tiền lãi suất 2.927.531.499đ là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện; các đương sự không rút đơn kháng cáo, không tự hoà giải được với nhau về việc giải quyết vụ án và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.
[2] Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn còn trong hạn luật định nên hợp lệ.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy: Hợp đồng tín dụng số: 01/HĐTD được ký kết ngày 24/10/1998 và Hợp đồng tín dụng số: 09/1999/HĐTD được ký kết ngày 18/8/1999, giữa Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia và Công ty thương mại K, được các bên tự nguyện thoả thuận ký kết, việc ký hợp đồng là đúng thẩm quyền, đúng mục đích kinh doanh tại thời điểm ký kết hợp đồng, nội dung hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội, nên hợp đồng hợp pháp, có hiệu lực. Nội dung hai hợp đồng, các bên không thoả thuận về lãi suất quá hạn.
Quá trình thực hiện hợp đồng: Ngày 28/11/1998, Quỹ đầu tư giải ngân cho Công ty thương mại K vay 2.000.000.000đ, theo hợp đồng số: 01/HĐTD; ngày 07/10/1999, Quỹ đầu tư giải ngân cho Công ty thương mại K vay 1.000.000.000đ, theo hợp đồng số: 09/1999/HĐTD.
Sau khi Công ty thương mại K được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Thương mại K; ngày 22/9/2004, Công ty và Quỹ hỗ trợ P ký kết hợp đồng tín dụng số: 02/2004/HĐTD để thay thế hai hợp đồng tín dụng nêu trên; theo nội dung hợp đồng tín dụng số: 02/2004/HĐTD tính đến ngày 31/8/2004, Công ty còn nợ Quỹ hỗ trợ Phát triển 2.027.631.067đ tiền nợ gốc và 385.660.000đ tiền lãi suất. Trong đó, tiền nợ gốc hợp đồng số: 01/HĐTD là 1.214.831.067đ, tiền nợ gốc hợp đồng số: 09/1999/HĐTD là 812.800.000đ; Quỹ hỗ trợ Phát triển đồng ý khoanh nợ cho công ty khoản nợ 1.651.631.067đ trong thời hạn 03 năm, tính từ ngày 01/01/2003 đến ngày 31/12/2005 và phải trả khoản nợ này trong 1 tháng, tính từ ngày 01/01/2006 đến ngày 31/01/2006; Công ty được miễn lãi suất trong thời gian khoanh nợ. Đối với khoản nợ không được khoanh nợ 376.000.000đ theo hợp đồng số: 09/1999/HĐTD, Công ty phải trả nợ gốc và lãi suất cho Quỹ hỗ trợ P theo đúng hợp đồng tín dụng.
Ngày 30/10/2004, Công ty và Quỹ hỗ trợ P ký kết phụ lục hợp đồng bổ sung về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.
Ngày 28/12/2007, Công ty trả cho Ngân hàng 80.000.000đ tiền nợ gốc; Ngày 31/12/2007, Công ty trả cho Ngân hàng 180.000.000đ tiền nợ gốc; Ngân hàng kháng cáo cho rằng 260.000.000đ nêu trên, Công ty trả tiền lãi suất cho Ngân hàng; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, không có căn cứ để chấp nhận. Bởi lẽ, ông Trần Xuân L là Trưởng phòng tín dụng Chi nhánh Đ ký nhận khoản tiền nêu trên tại phiếu chi số: 01, 02 và ghi nhận Công ty cổ phần Thương mại K trả tiền nợ gốc đã vay cho Ngân hàng. Trong thời gian từ ngày 11/12/2012 đến ngày 31/8/2020, Công ty X 19 lần trả nợ gốc cho Ngân hàng tổng cộng 1.767.631.067đ. Như vậy tính đến ngày 31/8/2020, Công ty X đã trả đủ cho Ngân hàng khoản tiền nợ gốc đã vay, theo hai hợp đồng tín dụng.
Về khoản tiền lãi suất: Công ty X chưa trả cho Ngân hàng khoản tiền lãi suất đã vay theo hai hợp đồng tín dụng. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy, cần buộc Công ty X phải trả cho Ngân hàng khoản tiền lãi suất; đối với khoản tiền được khoanh nợ 1.651.631.067đ, được tính lãi suất quá hạn từ ngày 01/02/2006; đối với khoản tiền không được khoanh nợ 376.000.000đ, được tính lãi suất quá hạn từ ngày 30/10/2004 (Ngày hai bên ký phụ lục hợp đồng về lãi suất quá hạn); Tổng số tiền lãi suất tính đến ngày 31/8/2020 là 2.811.403.567đ.
Đối với khoản tiền lãi phạt trên số tiền lãi chậm trả là 1.095.843.586đ, Ngân hàng yêu cầu Công ty X phải trả; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, không có căn cứ để chấp nhận. Bởi lẽ, khi giao kết hợp đồng tín dụng, các bên không có thoả thuận lãi phạt trên số tiền lãi chậm trả. Về lãi suất cho vay đầu tư, khoản 4 Điều 12 Nghị định số: 106/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ quy định về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn ghi trong hợp đồng tín dụng; không có quy định về lãi phạt trên số tiền lãi chậm trả. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng P, có căn cứ để chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty X, sửa một phần bản án sơ thẩm và buộc Công ty X phải trả cho Ngân hàng số tiền lãi suất trong hạn và quá hạn, tính đến ngày 31/8/2020 là 2.811.403.567đ.
[3] Về án phí: Do sửa Bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lại nghĩa vụ phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; Công ty X và Ngân hàng P không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng P; Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X; Sửa một phần Bản án sơ thẩm.
Căn cứ Hợp đồng tín dụng số: 01/HĐTD được ký kết ngày 24/10/1998 và Hợp đồng tín dụng số: 09/1999/HĐTD được ký kết ngày 18/8/1999, giữa Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia và Công ty thương mại K; khoản 4 Điều 12 Nghị định số: 106/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng P.
1. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X phải trả cho Ngân hàng P tiền lãi suất trong hạn và quá hạn, theo Hợp đồng tín dụng số: 01/HĐTD được ký kết ngày 24/10/1998 và Hợp đồng tín dụng số: 09/1999/HĐTD được ký kết ngày 18/8/1999 giữa Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia và Công ty thương mại K tính đến ngày 31/8/2020 là 2.811.403.567đ.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án, theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng P về việc: Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X phải trả cho Ngân hàng P khoản tiền nợ gốc và lãi suất là 1.398.863.794đ
Về án phí: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X phải chịu 88.228.075đ tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, không phải chịu án phí phúc thẩm, được khấu trừ số tiền 2.000.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại biên lai số: 0015643 ngày 02/11/2020, của Chi cục thi hành án dân sự thị xã B vào tiền án phí sơ thẩm; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X còn phải nộp 86.228.075đ tiền án phí.
Ngân hàng P phải chịu 53.965.913đ tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền 56.346.000đ tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp, tại biên lai số: 0009635 ngày 17/6/2020 và biên lai số: 0009542 ngày 16/7/2020, của Chi cục thi hành án dân sự thị xã B; Ngân hàng P không phải chịu án phí phúc thẩm, được nhận lại 2.000.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp, tại biên lai số: 0015664 ngày 10/11/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã B và được nhận lại 2.380.087đ tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày tuyên án.
Bản án 03/2021/KDTM-PT ngày 05/03/2021 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
Số hiệu: | 03/2021/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 05/03/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về