Bản án 03/2021/DS-PT ngày 07/01/2021 về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 03/2021/DS-PT NGÀY 07/01/2021 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Trong ngày 07 tháng 01 năm 2021, tại Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số: 268/2020/TLPT-DS, ngày 15 tháng 12 năm 2020 về việc: “Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 353/2020/DS-ST, ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh An Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 255/2020/QĐPT-DS, ngày 15 tháng 12 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Lê Thị H, sinh năm: 1976;

Cư trú: tạm trú ấp A, thị trấn P, huyện P, tỉnh An Giang; số điện thoại 0379 39xxxxx.

2. Bị đơn: bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1982;

Cư trú: tạm trú tổ 01, ấp V, xã Đ, huyện P, tỉnh An Giang; số điện thoại 0373 xxx xxx.

Người đại diện hợp pháp của bà Nguyễn Thị D: bà Nguyễn Thị Mỹ T, sinh năm 1987, đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 02/01/2020 – Bút lục số 197);

Cư trú: ấp H, xã Đ, huyện P, tỉnh An Giang.

3. Người kháng cáo: bà Nguyễn Thị D.

Tại phiên tòa có mặt tất cả đương sự

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo hồ sơ cấp sơ thẩm thể hiện:

* Trong đơn khởi kiện và bản tự khai với các tài liệu chứng cứ kèm theo bà Lê Thị H trình bày:

Vào ngày 10/02/2019 (Bản án sơ thẩm ghi nhầm năm 2020) khi bà đang ngồi nhặt củi phía sau nhà cùng con bà thì bị bà Nguyễn Thị D (tên thường gọi là Nhung) cầm khúc tre dài khoảng 1,5m chạy tới đánh từ phía sau, bà xoay lại đỡ thì trúng vào tay, bà D liên tục đánh trúng vào cẳng tay, mu bàn tay và ngón tay. Bà la lên kêu cứu thì chồng bà là ông Huỳnh Hồng S ra can ngăn. Lúc này, bà D mới cầm cây tre vào nhà. Cùng ngày, bà đã trình báo Công an xã Đ xử lý hành vi của bà D. Sáng ngày 11/02/2019 bà đến Trung tâm Y tế huyện P khám điều trị vết thương, quá trình điều trị như sau:

- Do thương tích nặng cần phải may nên bà phải nằm điều trị từ ngày 11/02/2019 đến 20/02/2019 là 11 ngày;

- Ngày 24/02/2019 bà tiếp tục nhập viện điều trị do vết thương còn tụ niều máu bầm gây đau nhức, đến ngày 01/3/2019 ra viện là 06 ngày;

- Ra viện bà vẫn phải mua thuốc ngoài vì vết thương ngoại vẫn gây đau nhức. Đến ngày 04/3/2020, bà đến Bệnh viện Khu vực tỉnh An Giang chụp X quang thì có kết quả bị gãy gương nên ngày 05/3/2019 thì bà tiếp tục nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện P để làm phẩu thuật tay đến ngày 11/3/2019 xuất viện là 05 ngày.

Qua giám định pháp y, xác định tỷ lệ thương tật của bà là 10%.

Bà yêu cầu bà D phải bồi thường thiệt hại ổng cộng số tiền là 36.802.230 đồng, gồm:

- Chi phí nằm viện 6.817.000 đồng;

- Tổn thất tinh thần 14.900.000 đồng;

- Mất thu nhập của người nuôi bệnh là chồng bà ông Huỳnh Hồng S 23 ngày là 6.900.000 đồng;

- Chi phí điều trị 23 ngày và 37 ngày nghỉ dưỡng là 7.200.000 đồng - Chi phí gửi xe bệnh viện là 345.000 đồng.

* Bà Nguyễn Thị Mỹ T đại diện theo ủy quyền cho bà Nguyễn Thị D trình bày:

Không đồng ý toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, vì bà D không có hành vi đánh bà H gây thương tích như bà H trình bày. Nội D: bà H là dì ruột của bà D, do bà H ở nhờ trên đất từ lâu mà không chịu trả, nên đã có mâu thuẫn từ trước. Vào khoảng 17 giờ ngày 10/02/2019 (Bản án sơ thẩm ghi nhầm năm 2020), bà D thấy bà H chặt củi phía sau nhà, bà D ra la bà H không cho chặt cây, mé củi vì đây là cây do ông nội bà D trồng, sau đó hai bên xảy ra cự cãi và đánh nhau, cùng lúc đó con bà H vào kêu ông S chồng bà H ra rồi đạp và đánh bà D ngất xỉu rồi bỏ vào nhà. Bà H cũng nhiều lần dùng lời thô tục với bà D. Sau khi xảy ra xô xát, bà H điện thoại công an xã Đ xuống thì hôm sau bà D đi bệnh viện do thấy khó thở và nhập viện từ ngày 11-15/02/2019.

Xác định bà D không dùng cây tre đánh bà H vì bà D có bệnh động kinh và thường bị giật ngất đi. Bình thường không lên cơn giật thì bà D chỉ làm công việc nhẹ, không làm được việc nặng. Khi xảy ra đánh nhau thì ông S có tham gia vào, nên bà yêu cầu đưa ông S vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số: 353/2020/DS-ST, ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh An Giang, đã xử:

- Căn cứ vào Điều 584, Điều 590, 592 Bộ luật dân sự;

- Căn cứ vào khoản 6 Điều 26; khoản 1 Điều 147; điểm c, khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019;

- Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH của UBTV Quốc Hội về án phí, lệ phí, Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị H Buộc bà Nguyễn Thị D bồi thường tổn thất về sức khỏe cho bà Lê Thị H số tiền 14.862.400 đồng.(Mười bốn triệu, tám trăm sáu mươi hai nghìn, bốn trăm đồng).

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về án phí: Bà Nguyễn Thị D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 743.000 đồng (Bảy trăm bốn mươi ba nghìn đồng).

Bà Lê Thị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (ngày 16/9/2020) để yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm. Riêng thời hạn này đối với những người vắng mặt là 15 ngày kể từ ngày được tống đạt hoặc niêm yết bản án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.” Ngày 28/9/2020, bà Nguyễn Thị D kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số: 353/2020/DS-ST, ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh An Giang, với lý do:

+ Cảnh sát Điều tra huyện P ra thông báo không có dấu hiệu tội phạm, yêu cầu của bà H bị khép lại, không thể hiện cây tre liên quan vụ án như bà H khai bà D dùng khúc tre đánh vào đầu khi H đưa tay đỡ, nên ngón tay út bị thương, cấp sơ thẩm sử dụng thông tin hồ sơ từ Cảnh sát Điều tra, nhưng Cảnh sát Điều tra chưa làm rõ vật chứng là cây tre, nhưng lại tập trung vào lời khai của bà H là bị 10% thương tật là không đúng.

+ Cấp sơ thẩm dựa vào 10% thương tật làm căn cứ giải quyết quan hệ tranh chấp do bà H yêu cầu là không có căn cứ;

+ Bà D không thừa nhận dùng vật gì khác ngoài dùng tay đánh nhau với bà H để xác định lỗi bà phải chịu là 80%;

+ Yêu cầu đưa ông Huỳnh Hồng S là chồng của bà H vào tham gia trong vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bà H vẫn giữ nguyên yêu cầu theo Bản án sơ thẩm đã tuyên;

- Bà D vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phát biểu:

+ Về thủ tục tố tụng: thời hạn kháng cáo của bà D là trong hạn luật định, nên được xem xét giải quyết; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã chấp hành đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử. Các đương sự cũng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật về tố tụng.

+ Về nội D giải quyết vụ án: Bản án sơ thẩm đã giải quyết đúng pháp luật, bà D không cung cấp được tình tiết mới cho yêu cầu kháng cáo, nên đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của bà D; giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Sau khi nghiên cứu các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và qua kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau.

[2]. Về thủ tục kháng cáo: Bản án sơ thẩm được tuyên án ngày 16/9/2020, đến ngày 28/9/2020, bà Nguyễn Thị D nộp đơn kháng cáo là trong thời hạn luật quy định, nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[3]. Về nội D kháng cáo: bà Nguyễn Thị D yêu cầu hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số: 353/2020/DS-ST, ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh An Giang, với lý do:

[4] + Cảnh sát điều tra huyện P ra thông báo không có dấu hiệu tội phạm, yêu cầu của bà H bị khép lại, không thể hiện cây tre liên quan vụ án như bà H khai bà D dùng khúc tre đánh vào đầu khi H đưa tay đỡ nên ngón tay út bị thương, cấp sơ thẩm sử dụng thông tin hồ sơ từ Cảnh sát điều tra, nhưng Cảnh sát Điều tra chưa làm rõ vật chứng là cây tre, nhưng lại tập trung vào lời khai của bà H là bị 10% thương tật là không đúng.

[5] + Cấp sơ thẩm dựa vào 10% thương tật làm căn cứ giải quyết quan hệ tranh chấp do bà H yêu cầu là không có căn cứ;

[6] + Bà D không thừa nhận dùng vật gì khác ngoài dùng tay đánh nhau với bà H để xác định lỗi bà phải chịu là 80%;

[7] + Yêu cầu đưa ông Huỳnh Hồng S là chồng của bà H vào tham gia trong vụ án.

[8] Xem xét các yêu cầu kháng cáo của bà D, HĐXX xét thấy: trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, bà D không thừa nhận dùng cây đánh bà H, nên không đồng ý bồi thường thương tích cho bà H, nhưng theo các đương sự trình bày thì sự việc xảy ra xảy ra xô xát vào chiều ngày 10/02/2019. Sự việc được gia đình bà H trình báo với Công an xã Đ. Buổi tối cùng ngày 10/02/2019, Công an xã Đ đã tiến hành ghi lời khai của các ông bà: Lê Thị H, Nguyễn Thị D và Huỳnh Hồng S.

[9] Tại Biên bản ghi lời khai lúc 17 giờ 30 phút cùng ngày 10/02/2019 tại Công An xã Đ (Bút lục số 191) và Biên bản ghi lời khai ngày 25/02/2019 (Bút lục số 119), ngày 25/02/2019, bà D đã thừa nhận đánh bà H bằng cây tre. Đây là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2, Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do đó, đã có sở để xác định bà D dùng cây đánh bà H. Việc bà D trình bày chỉ đánh nhau bằng tay với bà H không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[10] Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T là người đại diện theo ủy quyền của bà D trình bày do bà H đi qua cầu bị sập té gãy tay. Tình tiết này không được bà D trình bày trong suốt quá trình từ Công an xã Đ cho đến Tòa án giải quyết vụ án. Ngoài lời trình bày, bà T cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh, nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[11] Mặt dù bà D không xác nhận đánh trúng vào tay của bà H, nhưng tại Biên bản ghi lời khai lúc 18 giờ 15 phút cùng ngày 10/02/2019, bà H đã khai bị thương ở hai cánh tay trái và phải, nhưng nặng nhất là ở cổ tay trái và bàn tay trái. Suốt quá trình điều trị thể hiện bà H nhập viện đều trị do tụ máu 1/3 dưới trước cẳng tay (T)+ gãy xương đốt bàn bàn IV tay (T). Kết luận gián định pháp y bà H thương tật tỷ lệ 10%. Do đó, có cơ sở xác định thương tích của bà H là do bà D gây nên, nên cấp sơ thẩm buộc bà D bồi thường cho bà H là có căn cứ.

[12]. Về chi phí điều trị, căn cứ vào: các Giấy ra viện ngày: 20/02/2019 (Bút lục 25); 01/3/2019 (Bút lục số 27); 11/3/2019 (Bút lục số 29) thì tổng thời gian bà H điều trị tại bệnh viện là 23 ngày, nhưng thực tế từ ngày 11/02 – 11/3/2019 là 30 ngày bà H không làm việc được do tay bị thương, nhưng cấp sơ thẩm chỉ tính chi phí điều trị và mất thu nhập của thời gian nằm viện 23 ngày là có lợi cho bà D.

[13]. Thương tích của bà H do bà D gây nên, lẻ ra bà D phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí cho bà H là 18.575.000đ , nhưng cấp sơ thẩm chỉ buộc bà D bồi thường 80%/18.575.000đ là có lợi cho bà D. Bà H không kháng cáo về chi phí điều trị nên cấp phúc thẩm không xem xét.

[14]. Đối với việc bà D yêu cầu đưa ông S vào tham gia tố tụng, HĐXX xét thấy tại cấp sơ thẩm bà D trình bày ông S đánh bà, nhưng bà không nêu yêu cầu ông S bồi thường thiệt hại, nên ông S không có nghĩa vụ trong vụ này. Do đó, cấp sơ thẩm không đưa ông S không đưa ông S vào tham gia vụ án. Việc không đưa ông S vào tham gia tố tụng, không làm thiệt hại đến quyền lợi của bà D. Nếu bà D có yêu cầu ông S bồi thường thì có quyền khởi kiện thành vụ án khác.

[15]. Kiểm sát viên đề nghị bác yêu cầu kháng cáo của bà D, nhận thấy đề nghị này phù hợp với nhận định nêu trên, nên được HĐXX chấp nhận.

[16]. Do đó, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà D; giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 353/2020/DS-ST, ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh An Giang.

[17]. Về án phí phúc thẩm: do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận, nên bà D phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm được trừ qua tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

[18]. Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng: khoản 1, Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 1, Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

* Tuyên xử:

- Bác yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị D;

- Giữ nguyên Bản án Dân sự sơ thẩm số: 353/2020/DS-ST ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh An Giang:

+ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị H + Buộc bà Nguyễn Thị D bồi thường tổn thất về sức khỏe cho bà Lê Thị H số tiền 14.862.400đ (mười bốn triệu, tám trăm sáu mươi hai nghìn, bốn trăm đồng).

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Về án phí:

+ Bà Lê Thị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

+ Bà Nguyễn Thị D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 743.000đ và 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm. Án phí chung 1.043.000đ được khấu trừ 300.000đ từ tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu số TU/2019 0004751, ngày 01/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P. Sau khi khấu trừ, bà D còn phải tiếp tục nộp 743.000đ (bảy trăm bốn mươi ba nghìn đồng).

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

550
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

 Bản án 03/2021/DS-PT ngày 07/01/2021 về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:03/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;