Bản án 03/2019/HS-ST ngày 24/04/2019 về tội cưỡng đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN HUYỆN TRẠM TẤU, TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 03/2019/HS-ST NGÀY 24/04/2019 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 24 tháng 4 năm 2019 tại trụ sở trụ sở Tòa án nhân dân huyện Trạm Tấu xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 05/2019/TLST-HS ngày 13 tháng 3 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2019/QĐXXS-HS ngày 10 tháng 4 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Giàng A V, sinh ngày 22 tháng 6 năm 1986 tại xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; nơi cư trú thôn K, xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hóa (học vấn): 9/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Giàng A L và bà Thào Thị B; có vợ là Mùa Thị P và có 03 con (lớn nhất sinh năm 2006, nhỏ nhất sinh năm 2013); tiền án: Không; tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên tòa.

2. Giàng A C, sinh ngày 04 tháng 10 năm 1987 tại xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; nơi cư trú thôn K, xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hóa (học vấn): 9/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Giàng A P và bà Sùng Thị S; có vợ là Hảng Thị C và có 02 (lớn nhất sinh năm 2006, nhỏ nhất sinh năm 2009) con; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên tòa.

3. Mùa A C, sinh ngày 18 tháng 3 năm 1991 tại xã N, huyện M, tỉnh Sơn La; nơi cư trú thôn K, xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hóa (học vấn): 3/12; dân tộc Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Mùa A C và bà Giàng Thị V; có vợ là Hờ Thị N và có 03 con (lớn nhất sinh năm 2011, nhỏ nhất sinh năm 2015); tiền án: Không; tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho các bị cáo: Bà Nguyễn Thị Hoa- Trợ giúp viên pháp lý của chi nhánh số 1, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Yên Bái, vắng mặt tại phiên tòa.

- Bị hại: Nguyễn Đức T, sinh năm 1990; nơi cư trú thôn L, xã T, thành phố Y, tỉnh Yên Bái; có mặt tại phiên tòa.

- Người làm chứng:

1. Giàng A P, sinh năm 1990; nơi cư trú thôn K, xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt tại phiên tòa.

2. Mùa A N, sinh năm 1996; nơi cư trú thôn K, xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; có mặt tại phiên tòa.

3. Giàng A T, sinh năm 1992; nơi cư trú thôn K, xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt tại phiên tòa.

4. Giàng A K, sinh năm 2002; nơi cư trú thôn K, xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; có mặt tại phiên tòa.

- Người đại diện hợp pháp của người làm chứng Giàng A K: Ông Giàng A C; nơi cư trú thôn K, xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt tại phiên tòa.

- Người phiên dịch tiếng Mông: Ông Mùa A Làng- Cán bộ Chi cục thi hành án dân sự huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 02 tháng 11 năm 2018, Nguyễn Đức T đi xe mô tô đến đường Tà Si thuộc thôn K, xã B, huyện T để tìm ruộng bậc thang chụp ảnh; trên đường quay về khi đi đến vị trí cách đường bê tông liên xã khoảng 1km thì bị Giàng A V, Giàng A C chặn lại không cho đi, V vẫy tay cho Mùa A N, Giàng A P, Giàng A K đang đứng gần đó đi đến chỗ V; lúc này T xuống xe và hỏi “Các anh cần như thế nào”, Giàng A V, Giàng A C hỏi T đi lên đây làm gì, T nói là đi tìm ruộng bậc thang để chụp ảnh, Giàng A V, Giàng A C hỏi T có giấy giới thiệu không, T trả lời là không có; V, C nói anh T đã sai vì không có giấy giới thiệu và không xin phép chính quyền địa phương mà tự lên chụp ảnh, T nói đây không phải là khu vực nhà nước cấm, V nói là đến đây thì phải theo luật rừng. Lúc này, Nguyễn Đức T có gọi điện nhờ người quen giúp, một lát sau Vũ Đức H là cán bộ Công an huyện Trạm Tấu phụ trách xã B gọi đến điện thoại của T, T đưa máy cho Giàng A C nói chuyện, qua điện thoại C nói dối tên mình là M và nói là đang ở đường G (thuộc thôn M), ý muốn tránh việc Công an lên can thiệp sau đó tắt máy điện thoại. Giàng A V, Giàng A C yêu cầu T cho kiểm tra các thiết bị chụp ảnh và yêu cầu phải xóa hết các ảnh đã chụp; T nói ảnh này không phải chụp ở đây mà chụp ở chỗ khác lúc sáng và không đồng ý xóa. Giàng A V nói mày sai rồi còn cãi à rồi lấy cuốc để ở trong gùi, dùng hai tay cầm cuốc bổ vào người T, T giơ hai tay nắm lấy chiếc cuốc giữ lại, V dùng tay trái giữ chiếc cuốc, tay phải đưa ra phía sau cầm vào chuôi con dao đang đeo ngang bụng định rút ra; thấy vậy, T buông chiếc cuốc ra và lùi lại vì sợ V vung dao chém. Thấy T không còn giữ cuốc, V không rút dao ra khỏi bao nữa mà dùng tay phải cầm lại vào chiếc cuốc, hai tay cầm cuốc bổ về phía T hai lần, cả hai lần T đều tránh được nên không trúng, vì vậy V đều bổ xuống đất. V giơ cuốc định bổ tiếp thì T giơ hai tay nên và nói cho em xin, các anh muốn thế nào em làm theo hết. Sau đó T mở máy ảnh nhưng đã khéo léo gạt lẫy để chiếc thẻ nhớ máy ảnh rơi vào túi đựng mà không ai nhìn thấy, sau đó Tuệ mở máy ảnh không có thẻ nhớ cho mọi người xem và nói đã xóa hết ảnh rồi, V và C tin là T đã xóa hết ảnh nên để cho T đi.

T lên xe mô tô đi khoảng được 100m, thì V lấy xe mô tô đuổi theo và nói mày sai rồi mà mày đi dễ thế à; lúc này Giàng A C đeo sau lưng chiếc gùi có hai chiếc cuốc và cùng những người khác đi bộ đến chỗ V và T. V lấy chiếc cuốc để ở trong gùi do C mang đến bổ nhiều nhát xuống đất để dọa T; Giàng A C nói với T là T đã sai nên phải mời anh em đi uống bia. T đồng ý là sẽ mời tất cả đi uống bia, hết bao nhiêu tiền T sẽ trả, nhưng V không đồng ý. Thấy vậy, Giàng A C nói với T là thôi có người uống bia, có người không uống bia nên tốt nhất là T đưa tiền, T nói thế thì sẽ đưa 200.000đồng, Giàng A C hỏi V là 200.000đồng có được không, V vẫn nói không được, Giàng A C nói với T là không được vì đông anh em. Trong khoảng thời gian Vàng và C yêu cầu anh T đưa tiền thì có nhiều người cùng đến trong đó có Mùa A C; sau khi được mọi người cho biết là T đến chụp ảnh nhưng không có giấy tờ cho phép, Giàng A V và Giàng A C đang yêu cầu T đưa tiền thì mới cho đi. Mùa A C nói với T là bây giờ mày có đợi Công an đến cũng không giải quyết được gì, mà trời tối rồi thì mọi chuyện càng phức tạp, mày không xuống được đâu. T cùng với Mùa A C đi cách xa chỗ mọi đứng khoảng 20m, T nói với Mùa A C là không mang nhiều tiền nên chỉ đưa được 200.000đồng thôi, Mùa A C yêu cầu T phải đưa 400.000đồng thì mới được, lúc này T trình bày là lên đây còn phải trả tiền ăn, tiền nhà nghỉ nữa nên chỉ đưa được 250.000đồng, Mùa A C nói với T nếu đưa 400.000đồng thì đưa, không thì thôi. Do lo sợ nên T đã đưa cho Mùa A C 400.000đồng; sau khi nhận tiền Mùa A C nói với mọi người “Nó đã đưa tiền rồi cho nó về” và bảo T về, Giàng A C lại yêu cầu T cho kiểm tra thiết bị chụp ảnh một lần nữa, kiểm tra xong thì mới cho T đi, lúc này vào khoảng 17 giờ 00 phút cùng ngày. Mùa A C sau khi nhận tiền từ T đã đưa cho Giàng A C, sau đó Giàng A C cầm số tiền vừa cưỡng đoạt được của anh T cùng Giàng A V, Mùa A C và một số người khác đến quán của anh H để uống bia. Còn T sau đó đã đến Công an huyện Trạm Tấu trình báo sự việc và đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vật chứng thu giữ 01 chiếc cuốc, 01 con dao, 01 vỏ bao dao.

Bản cáo trạng số: 04/CT-VKS-TT ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã truy tố các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 170 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội phù hợp với nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu và thừa nhận bị truy tố, xét xử là đúng người, đúng tội.

Tại phiên tòa bị hại Nguyễn Đức T trình bày: Khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 02 tháng 11 năm 2018 tại thôn K, xã B, huyện T anh bị Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C đe dọa, uy hiếp tinh thần cưỡng đoạt số tiền 400.000đồng. Số tiền anh bị các bị cáo cưỡng đoạt đã được Công an huyện Trạm Tấu thu hồi trả lại. Tại phiên tòa hôm này anh đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, điểm h, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Giàng A V từ 01 năm 03 tháng đến 01 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm; áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, điểm h, điểm s khoản 1 Điều 65 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Giàng A C từ 01 năm 03 tháng đến 01 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm; áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, điểm h, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Mùa A C từ 01 năm đến 01 năm 03 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng; không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo; về vật chứng của vụ án: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 1, khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự: Tịch thu và tiêu hủy 01 (một) chiếc cuốc, lưỡi cuốc bằng kim loại rộng 13cm, cán cuốc bằng gỗ dài 75cm, cuốc đã cũ, qua sử dụng; 01 (một) con dao, loại dao người dân tộc Mông, chiều dài dao là 40 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại, một cạnh sắc, đầu nhọn, phần chuôi dao bằng gỗ có 03 khâu kim loại màu vàng, dao đã cũ, qua sử dụng; 01 (một) vỏ dao bằng gỗ, có dây đeo, đã cũ, qua sử dụng; 01 (một) vỏ phong bì đã mở niêm phong.

Các bị cáo không có ý kiến tranh luận gì.

Tại bản bào chữa gửi cho Tòa án, người bào chữa cho bị cáo trình bày: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp; các bị cáo là người chưa có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; số tiền các bị cáo cưỡng đoạt của bị hại là không lớn, quá trình giải quyết đã tự nguyện giao nộp lại số tiền đã cưỡng đoạt mục đích để trả lại cho bị hại, các bị cáo đều được khen thưởng trong quá trình sinh sống. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự xử phạt các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C mức hình phạt thấp nhất.

Do các bị cáo đều thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bản thân không có tài sản riêng nên đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

Các bị cáo không có ý kiến tranh luận bổ sung gì, nhất trí với lời bào chữa mà người bào chữa đã bào chữa cho bị cáo.

Người bị hại không có ý kiến tranh luận gì, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Lời nói sau cùng của các bị cáo: Các bị cáo đều nhận thức được hành vi của mình là sai, là vi phạm pháp luật đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Trạm Tấu, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu. Lời khai nhận của các bị cáo là rõ ràng, phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng, vật chứng thu được cùng các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, có đủ cơ sở kết luận:

Khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 02 tháng 11 năm 2018 tại thôn K, xã B, huyện T, Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C đã có hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần buộc Nguyễn Đức T phải miễn cưỡng đưa cho số tiền 400.000đồng. Với hành vi uy hiếp về tinh thần cưỡng đoạt 400.000 của Nguyễn Đức T, hành vi của các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C đã phạm vào tội “Cưỡng đoạt tài sản” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ luật hình sự.

[3] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội đã xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây thiệt hại về kinh tế, tổn thất về tinh thần cho bị hại, gây mất trật tự trị an xã hội.

[4] Các bị cáo đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự; các bị cáo đều nhận thức rõ việc đe dọa, uy hiếp tinh thần buộc Nguyễn Đức T phải miễn cưỡng đưa cho các bị cáo 400.000 đồng là vi phạm pháp luật, nhưng các bị cáo vẫn cố ý thực hiện nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, việc đưa bị cáo ra xét xử trước pháp luật là cần thiết để giáo dục các bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung.

[5] Xét vai trò của các bị cáo trong vụ án: Đây là vụ án có đồng phạm giản đơn, các bị cáo phạm tội mang tính bột phát, không sự phân công, bàn bạc cụ thể; trong vụ án này, bị cáo Giàng A V người khởi xướng và cũng là người tích cực thực hiện hành vi như đe dọa, uy hiếp tinh thần bị hại; các bị cáo Giàng A C, Mùa A C là người có những lời nói đe dọa nhằm uy hiếp tình thần và trực tiếp nhận tiền cưỡng đoạt. Dó đó, hành vi của Giàng A V là nguy hiểm hơn hành vi của Giàng A C và Mùa A C nên Giàng A V phải chịu mức hình phạt cao hơn Giàng A C, Mùa A C.

[6] Xét nhân thân: Các bị cáo là người chưa có tiền án, tiền sự, luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật tại địa phương nên cần xác định các bị cáo là người có nhân thân tốt.

[7] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; số tiền các bị cáo cưỡng đoạt không lớn, trong quá trình điều tra đã tự nguyện giao nộp tài sản đã chiếm đoạt mục đích trả lại cho bị hại; tại phiên tòa bị hại xin giảm nhẹ cho các bị cáo; trong quá trình công tác và sinh sống các bị cáo được tặng thưởng nhiều giấy khen. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, điểm h, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

[8] Xét tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Hội đồng xét xử xét thấy:

Hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, các bị cáo có nhân thân tốt, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng và có khả năng tự cải tạo. Vì vậy, cần cho các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C được hưởng án treo. Việc cho bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C được hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

[9] Về hình phạt bổ sung: Theo khoản 5 Điều 170 của Bộ luật Hình sự các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, tuy nhiên theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa xét thấy các bị cáo đều là lao động tự do, thu nhập không ổn định, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Do đó, Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với mỗi bị cáo.

[10] Về trách nhiệm dân sự và vật chứng của vụ án:

- Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa bị hại không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.

- Về vật chứng của vụ án:

+ Đối với số tiền 400.000 đồng các bị cáo cưỡng đoạt của bị hại, các bị cáo tự nguyện giao nộp tại cơ quan điều tra để bồi thường cho bị hại; ngày 30 tháng 01 năm 2019 cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Trạm Tấu đã ra quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức trả lại cho bị hại số tiền 400.000đồng, việc xử lý vật chứng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Trạm Tấu là có căn cứ nên được chấp nhận.

+ Đối với: 01 (một) chiếc cuốc, lưỡi cuốc bằng kim loại rộng 13cm, cán cuốc bằng gỗ dài 75cm, cuốc đã cũ, qua sử dụng; 01 (một) con dao, loại dao người dân tộc Mông, chiều dài dao là 40 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại, một cạnh sắc, đầu nhọn, phần chuôi dao bằng gỗ có 03 khâu kim loại màu vàng, dao đã cũ, qua sử dụng; 01 (một) vỏ dao bằng gỗ, có dây đeo, đã cũ, đã qua sử dụng.

Đây là những công cụ bị cáo Giàng A V đã sử dụng vào việc phạm tội, xét thấy không có giá trị cần tịch thu tiêu hủy.

- Đối với: 01 (một) vỏ phong bì đã mở niêm phong. Đây là những vật không có giá trị cần tịch thu và tiêu hủy.

- Đối Giàng A P, Mùa A N, Giàng A T, Giàng A K là người có mặt tại hiện trường vụ cưỡng đoạt, tuy nhiên P, N, T, K không tham gia việc cưỡng đoạt tài sản, vì vậy cơ quan điều tra không đề cập xử lý trong vụ án là phù hợp.

[11] Về án phí và quyền kháng cáo:

Các bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo Bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh:

Tuyên bố các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

2. Về điều luật áp dụng và hình phạt:

- Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, điểm h, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Giàng A V 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 03 (ba) năm, kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái để giám sát và giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án Hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

- Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, điểm h, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Giàng A C 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng, kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái để giám sát và giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án Hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

- Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, điểm h, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Mùa A C 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng, kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện T, tỉnh Yên Bái để giám sát và giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án Hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về vật chứng của vụ án:

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a, điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Tịch thu tiêu hủy: 01 (một) chiếc cuốc, lưỡi cuốc bằng kim loại rộng 13cm, cán cuốc bằng gỗ dài 75cm, cuốc đã cũ, qua sử dụng; 01 (một) con dao, loại dao người dân tộc Mông, chiều dài dao là 40 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại, một cạnh sắc, đầu nhọn, phần chuôi dao bằng gỗ có 03 khâu kim loại màu vàng, dao đã cũ, qua sử dụng; 01 (một) vỏ dao bằng gỗ, có dây đeo, đã cũ, qua sử dụng; 01 (một) vỏ phong bì đã mở niêm phong.

4. Về án phí và quyền kháng cáo:

- Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Buộc các bị cáo Giàng A V, Giàng A C, Mùa A C mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

- Về quyền kháng cáo: Các bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo Bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật các bị cáo có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

385
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 03/2019/HS-ST ngày 24/04/2019 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:03/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Trạm Tấu - Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;