Bản án 03/2019/DS-ST ngày 27/06/2019 về tranh chấp quyền sở hữu và bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VÂN CANH, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 03/2019/DS-ST NGÀY 27/06/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 12/2018/TLST-DS ngày 12 tháng 12 năm 2018 về “Tranh chấp quyền sở hữu và bồi hường thiệt hại về tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2019/QĐXXST-DS ngày 29 tháng 5 năm 2019 và Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa ngày 14/6/2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Mai Văn Đ, sinh năm 1963 (có mặt)

2. Bị đơn: Bà Trần Thị Hoàng P, sinh năm 1961 (có mặt)

Đồng địa chỉ: Thôn H, xã C, huyện V, tỉnh B

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Phan Thị T, sinh năm 1966 (có mặt)

3.2. Uỷ ban nhân dân xã C, huyện V, tỉnh B

Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Văn Q - Chủ tịch UBND xã C

Đồng địa chỉ: Thôn H, xã C, huyện V, tỉnh B (Ông Huỳnh Văn Q có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt ngày 28/3/2019)

4. Người làm chứng:

4.1. Ông Mai Xuân B, sinh năm 1950 (có mặt)

4.2. Anh Đoàn Duy P (vắng mặt)

4.3. Anh Nguyễn Bảo D, sinh năm 1979 (vắng mặt)

4.4. Ông Đặng Quang B, sinh năm 1970 (vắng mặt)

4.5. Ông Phan Văn Đ, sinh năm 1963 (vắng mặt)

4.6. Bà Mai Thị C, sinh năm 1942 (vắng mặt)

4.7. Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1966 (vắng mặt)

4.8. Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1978 (vắng mặt)

4.9. Chị Nguyễn Thị Ánh L, sinh năm 1973 (vắng mặt)

4.10. Chị Lê Thị H, sinh năm 1972 (vắng mặt)

Đồng địa chỉ: Thôn H, xã C, huyện V, tỉnh B 4.11. Ông Phạm C, sinh năm 1947 (vắng mặt) Địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện V, tỉnh B

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai ngày 12/12/2018, biên bản hòa giải ngày 09/4/2019 và trong quá trình xét xử, nguyên đơn – ông Mai Văn Đ trình bày:

Vợ chồng ông Đ, bà T khai vỡ diện tích đất khoảng 02ha tại địa điểm có tục danh Soi bắp (từ Bến Dầu Lai đến bến ông Thất). Do đất nằm dọc theo bờ sông Hà Thanh, thường xuyên bị sạt lỡ nên đến nay vợ chồng ông Đ chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSD đất. Từ khi khai vỡ đến nay, ông canh tác liên tục, lúc đầu trồng cây keo, bạch đàn nhưng không đạt hiệu quả nên vào năm 2010, ông bán cây keo và cây bạch đàn trồng trên đất cho ông Phạm C. Khi bán cây, ông có để lại một số cây keo to ở dọc bờ sông để chống sói mòn và lấy gỗ. Đến tháng 8/2010 (âm lịch), ông trồng lại cây keo trên đất. Do đất nằm gần dòng sông, thường xuyên bị sa bồi thủy phá, cây trồng thường bị cuốn trôi hoặc bị khô chết vào mùa nắng nên hàng năm ông phải trồng dặm thêm, vì vậy nên đường kính các cây keo không đều nhau mà có cây nhỏ, có cây lớn. Cây giống ông mua của ông Trần Vĩnh P, sinh năm 1964 trước đây trú tại Tân Vinh, Canh Vinh, Vân Canh, Bình Định nhưng làm vườn ươm ở Canh Hiển, hiện tại ông Phúc đã chuyển ra tỉnh Quảng Nam sinh sống, không còn ở địa phương, ông không rõ địa chỉ ở đâu. Số cây keo trên do vợ chồng ông tự trồng, có thuê ông Đặng Quang B cuốc hố sau đó thuê ông Bình phát chồi làm 02 đợt vào các năm 2011 và 2012. Việc vợ chồng ông trồng keo có ông Mai Xuân B, anh Đoàn Duy P, anh Nguyễn Bảo D, bà Mai Thị C và rất nhiều người dân ở thôn H, xã C, huyện V, tỉnh B biết nhưng rất ít người chịu đứng ra làm chứng cho ông vì sợ bà P trả thù. Vào tháng 7/2018, bà Trần Thị Hoàng P đã thuê người ở làng S, xã C đến tự ý khai thác 97 cây keo của ông. Bà P đã thuê xe chở đem bán cho Công ty TNHH Hào Hưng với số lượng là 02 xe, trọng lượng là 12.220kg (Theo hai phiếu cân số 1015 ngày 26/7/2018 trọng lượng 6.310kg và phiếu cân số 1058 ngày 27/7/2018 trọng lượng là 5.910kg), số gỗ còn lại bà P chưa kịp chuyên chở đem bán thì bị ông phát hiện, ngăn cản. Ngày 30/07/2018, ông thuê xe chở số gỗ keo còn lại đem bán cho công ty TNHH Hào Hưng với trọng lượng là 3.640kg (Theo phiếu cân số 1206 ngày 30/7/2018). Trong đơn khởi kiện, ông Đ yêu cầu bà P phải bồi thường thiệt hại cho ông Đ với số tiền là 10.000.0000đ (Mười triệu đồng). Sau khi Hội đồng định giá tài sản, trừ đi các khoản chi phí vận chuyển và công khai thác bà P đã trả, số tiền còn lại bà P thực nhận là 8.554.000đ, nên ông yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà P phải bồi thường thiệt hại cho ông số tiền là 8.554.000đ (Tám triệu năm trăm năm mươi bốn nghìn đồng chẵn) như Hội đồng định giá đã định.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 09/01/2019, biên bản hòa giải và trong quá trình xét xử, bị đơn – Bà Trần Thị Hoàng P trình bày:

Nguyên diện tích đất trồng cây keo mà ông Đ đang tranh chấp với bà trước đây là đất theo dọc bờ sông Hà Thanh, có tục danh là Bến Dầu Lai do bà khai hoang mà có nhưng không nhớ năm nào, không biết diện tích đất bao nhiêu và chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSD đất vì đất đó gần bờ sông. Sau khi khai hoang xong, bà tiến hành trồng keo. Số lượng cây giống bao nhiêu bà không nhớ vì bà trồng đi trồng lại nhiều lần và trồng vào nhiều năm. Lúc đầu, bà P khai cây keo do một mình bà trồng và không có ai nhìn thấy vì mỗi khi bà đi chặt củi ở vùng đất đó, lấy củi xong đất trống chỗ nào thì bà trồng keo vào chỗ đó. Khi bà trồng keo trên đất tại Bến Dầu Lai thì ở gần đất của bà không có ai trồng keo cùng. Sau đó bà P khai ngoài bà trồng cây keo ra còn có bà Lê Thị H, Nguyễn Thị T và Nguyễn Thị Ánh L trồng cây cho bà vì lúc đó bà H, T, L có vào đất của bà chặt cây để lấy củi, bà có nói với họ là muốn lấy củi trên đất của bà thì bà đưa cây keo giống để trồng lại cây keo cho bà tại vị trí họ đã chặt củi và họ đã đồng ý trồng, nhưng số lượng bao nhiêu bà không nhớ. Vì bà không nhớ cây keo được trồng vào thời gian nào nên không biết cây keo hiện nay được bao nhiêu năm tuổi. Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2018, bà thuê nhân công tiến hành khai thác cây keo ở nhiều vị trí trên đất dọc theo bờ sông Hà Thanh và phía bên kia sông trong đó có số cây keo bà trồng ở Bến Dầu Lai thì ông Đ đến nói với nhân công cưa cây cho bà là cây keo đó là của ông Đ trồng, nên ông Đ không cho công cưa cây keo nữa. Số cây keo này ông Đ giữ lại sau đó ông Đ thuê xe máy cày chở đi bán ở nhà máy dăm Hào Hưng, trọng lượng 3.640kg. Trước đó, bà đã bán được 02 xe gỗ keo với trọng lượng là 12.220kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí vận chuyển và trả tiền công khai thác, số tiền còn lại bà thực nhận là 8.554.000đ đúng như ông Đ trình bày trên. Bà không đồng ý bồi thường cho ông Đ giá trị 02 xe keo với số tiền là 8.554.000đ (Tám triệu năm trăm năm mươi bốn nghìn đồng) theo yêu cầu của ông Đ, vì số cây keo đó là do bà trồng trên đất của bà tự khai hoang.

Ngày 29/01/2019, bà P có đơn phản tố yêu cầu ông Đ bồi thường thiệt hại cho bà P số cây keo mà bà thuê nhân công khai thác nhưng bị ông Đ giữ lại rồi thuê xe chở đi bán cho Công ty TNHH Hào Hưng với tiền là 5.000.000đ. Nhưng sau khi định giá tài sản, bà thay đổi yêu cầu, buộc ông Đ phải bồi thường thiệt hại cho bà số tiền là 3.300.000đ (Ba triệu ba trăm nghìn đồng chẵn).

Tại biên bản hòa giải ngày 09/4/2019 và tại phiên tòa, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan – bà Phan Thị T trình bày: Bà T thống nhất với lời trình bày và yêu cầu của ông Mai Văn Đ chồng bà và không còn trình bày gì thêm.

Tại Công văn số 70/UBND ngày 28/3/2019, đại diện người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (UBND xã C) – Ông Huỳnh Văn Q trình bày:

Về diện tích đất có cây keo đang tranh chấp giữa ông Mai Văn Đ và bà Trần Thị Hoàng P nằm dọc theo bờ sông Hà Thanh có tục danh là Bến Dầu Lai. Hiện tại đất do UBND xã C đang quản lý và chưa cấp giấy chứng nhận QSD đất cho ai. Về cây keo trồng trên đất là do các đương sự tự ý trồng cây, không có sự đồng ý của UBND xã C. Việc các đương sự tự ý trồng cây trên đất do UBND xã quản lý là không đúng quy định của pháp luật. Do các đương sự tranh chấp về tài sản trên đất, không tranh chấp về quyền sử dụng đất nên đề nghị Tòa án không giải quyết về phần diện tích đất có cây keo tranh chấp. Số cây keo đang tranh chấp không phải là cây của UBND xã C trồng, nên UBND xã C không tranh chấp về số cây keo trên. Đề nghị Tòa giải quyết vụ án vắng mặt UBND xã C.

* Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Vân Canh:

Về thủ tục tố tụng: Từ khi nhận đơn khởi kiện cho đến khi nghị án, Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết vụ án, các đương sự thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Căn cứ lời khai của các đương sự tại phiên tòa và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nhận thấy có đủ căn cứ để xác định số cây keo hai bên tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Đ. Căn cứ các Điều 158, 160, 163, 164, 165, 170, 221, 584, 589 của Bộ luật dân sự 2015, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên số keo đang tranh chấp là của ông Mai Văn Đ, yêu cầu bà P phải trả lại cho ông Đ số tiền tương đương với giá trị cây keo mà mình đã khai thác cho vợ chồng ông Đ.

Xét thấy yêu cầu phản tố của bà P là có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 200 BLTTDS chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà P.

Về án phí: Căn cứ Điều 147, 166, 167 của BLTTDS; Khoản 5 Điều 26, Điều 27 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 Ủy Ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Buộc bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn phải chịu án phí theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Nguyên đơn (ông Đ) khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn (bà P) bồi thường thiệt hại về tài sản, nhưng bà P cho rằng số cây keo bà P đã khai thác là của bà P và có đơn phản tố yêu cầu ông Đ phải bồi thường cho bà P số cây keo mà bà P đã khai thác bị ông Đ thuê xe chở bán lấy tiền. Vì vậy, quan hệ pháp luật mà các đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết là “Tranh chấp quyền sở hữu và bồi thường thiệt hại về tài sản” qui định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn có địa chỉ tại thôn H, xã C, huyện V, tỉnh B, nên Tòa án nhân dân huyện Vân Canh thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền theo qui định tại Điều 35, 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.] Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông Đ và bà P đều thừa nhận: Bà P là người thuê công khai thác 97 cây keo, trọng lượng là 15.860kg. Tiền công khai thác là 210.000đ/tấn, giá bán cây keo là 990.000đ/1kg. Tiền công khai thác cây keo do bà P là người chi trả. Sau khi khai thác cây xong, bà P đã thuê xe chở hai chuyến gỗ bán cho Công ty TNHH Hào Hưng với trọng lượng 12.220kg. Tổng số tiền bà P bán cây keo là 12.098.000đ. Sau khi trừ đi tiền công khai thác là 2.566.000đ, tiền thuê xe chuyên chở 978.000đ (80.000đ/1 tấn). Số tiền còn lại bà P thực nhận là 8.554.000đ. Trọng lượng cây keo bà P khai thác nhưng ông Đ là người thuê xe chuyên chở đem bán là 3.460kg, giá trị quy tiền là 3.600.000đ. Bà P là người trả tiền công khai thác với số tiền 764.000đ, ông Đ là người trả tiền thuê xe chuyên chở với số tiền là 300.000đ. Đây là chứng cứ không cần phải chứng minh quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3]. Xét yêu cầu của ông Mai Văn Đ buộc bà Trần Thị Hoàng P phải bồi thường thiệt hại cho ông Đ giá trị 02 xe keo, trọng lượng là 12.220kg, quy tiền là 8.554.000đ (Tám triệu năm trăm năm mươi bốn nghìn đồng chẵn), nhận thấy:

[3.1]. Về diện tích đất: Ông Mai Văn Đ và bà Trần Thị Hoàng P đều xác định cây keo đang tranh chấp được trồng trên đất dọc theo bờ sông Hà Thanh tại địa bàn thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, đất do UBND xã C quản lý, ông Đ và bà P chưa có ai được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[3.2] Về cây giống: Ông Đ và bà P không cung cấp được chứng cứ chứng minh nguồn gốc cây giống. Ông Đ khai cây giống mua tại vườn ươm của ông P ở Canh Hiển (ông P trú tại Canh Vinh nhưng đến làm vườn ươm tại Canh Hiển), nhưng việc mua bán bằng miệng, không có giấy tờ gì chứng minh. Còn bà P khai cây keo giống một số do bà nhổ mót cây keo con mọc tự nhiên, một số bà trộm cây keo giống của ông P, còn một số khác bà mua ở một số vườn ươm trên địa bàn huyện V nhưng không cung cấp được giấy tờ thể hiện việc mua bán.

[3.2] Về thời điểm trồng cây: Ông Đ xác định năm 2010, ông Đ bán cây keo và cây bạch đàn trên đất cho ông Phạm C ở thôn T, xã C, huyện V, tỉnh B. Khi bán cây keo cho ông C, ông Đ có để lại một số cây keo to ở dọc bờ sông để chống sói mòn và lấy gỗ. Đến tháng 8/2010 (âm lịch), ông Đ trồng lại cây keo trên đất, khi trồng cây ông Đ có thuê ông Đặng Quang B chở cây giống, cuốc hố để trồng keo và thuê phát chồi 02 đợt vào các năm 2011 và 2012. Tại biên bản lấy lời khai ngày 29/3/2019, người làm chứng là ông Phạm C xác định vào năm 2010 ông C có mua cây keo, bạch đàn của ông Đ tại vị trí có cây keo hiện tại ông Đ và bà P tranh chấp. Tại biên bản lấy lời khai ngày 19/4/2019, ông Đặng Quang B xác định vào năm 2010 ông Đ có thuê ông chở cây keo giống và cuốc hố để vợ chồng ông Đ trồng cây keo tại vị trí có cây keo hiện tại ông Đ và bà P đang tranh chấp. Căn cứ biên bản hiện trường do UBND xã C lập vào ngày 26/9/2018 xác định độ tuổi cây keo bà phương khai thác khoảng từ 07 đến 10 năm tuổi. Như vậy, lời khai ông Đ phù hợp với lời khai ông C và ông B về thời điểm trồng cây và phù hợp với biên bản hiện trường do UBND xã C lập, nên việc ông Đ xác định cây keo hai bên tranh chấp được trồng vào năm 2010 là có căn cứ. Trong khi đó, bà P không xác định thời điểm trồng cây keo, từ khi trồng cây đến nay bà P chưa khai thác lần nào, bà P cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh thời điểm bà P trồng cây keo. Các nhân chứng do bà P cung cấp gồm bà Lê Thị H, Nguyễn Thị T và Nguyễn Thị Ánh L xác định có trồng cây keo cho bà P nhưng không xác định được địa điểm trồng cây, thời gian trồng cây theo bà L và bà T tính đến nay đã hơn 10 năm, còn theo mà H là hơn 30 năm.

[3.3]. Về công trồng, công chăm sóc: Ông Đ xác định có thuê ông B cuốc hố để vợ chồng ông Đ trồng cây keo. Sau đó, ông Đ tiếp tục thuê ông B phát chồi vào các năm 2011 và 2012. Lời khai ông Đ phù hợp với lời khai của ông B có trong hồ sơ vụ án. Trong khi đó, lúc đầu bà P khai cây keo là do một mình bà P trồng, sau đó bà P thay đổi lời khai là ngoài P trồng ra thì còn có bà Lê Thị H, Nguyễn Thị T và Nguyễn Thị Ánh L trồng cây keo cho bà tại vị trí mà họ chặt củi. Bà P nhiều lần thay đổi lời khai về số lượng, địa điểm cây keo mà bà H, bà T và bà L trồng cho bà. Lúc đầu bà P khai bà H, bà T và bà L trồng cây keo cho bà P tại vị trí họ chặt củi. Tại phiên tòa, bà P khai bà H, bà T và bà L trồng cây keo cho bà P tại địa điểm dọc theo bờ sông Hà Thanh kéo dài từ Bến Dầu Lai đến Dốc Bà Sửu. Tuy nhiên, sau khi nghe Hội đồng xét xử công bố lời khai của bà H, bà T và bà L có trong hồ sơ vụ án thì bà P xin khai lại là bà H, bà T và bà L trồng cây keo cho bà P tại vị trí họ chặt củi. Về công chăm sóc cây keo thì bà P cho rằng việc chăm sóc cây keo do một mình bà P tự làm, không có ai biết nên không cung cấp được chứng cứ để chứng minh.

[3.4] Căn cứ biên bản lấy lời khai các nhân chứng gồm Nguyễn Bảo D, Đặng Quang B, Mai Thị C và Nguyễn Thị Th đều xác định cây keo hiện tại ông Đ và bà P tranh chấp là của ông Đ trồng. Cây keo được trồng trên diện tích đất có giới cận phía Đông giáp đường mòn, phía Tây giáp sông Hà Thanh, các bên còn lại đều giáp với đường mòn. Lời khai các nhân chứng trên phù hợp với lời khai của ông Đ, biên bản định giá tài sản, bản đồ địa chính của Hội đồng định giá. Trong khi đó các nhân chứng do bà P cung cấp gồm Lê Thị H, Nguyễn Thị T và Nguyễn Thị Ánh L xác định có trồng một số cây keo cho bà P nhưng không biết số cây keo hai bên tranh chấp do ai trồng, số cây keo mà các nhân chứng trồng có giới cận Đông, Tây, Nam, Bắc đều giáp rừng. Người làm chứng cho bà P đều không xác định được vị trí cây keo mà họ đã trồng cho bà P.

[3.5] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định số cây keo đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Đ, nên yêu cầu của ông Đ buộc bà P phải bồi thường thiệt hại cho ông Đ giá trị cây keo mà bà P đã khai thác bán lấy tiền là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 158, 160, 163, 164, 165, 170, 221, 584, 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3.6] Việc bà P cho rằng số cây keo đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của bà P, tuy nhiên bà Pg không cung cấp được chứng cứ để chứng minh bà P là chủ sở hữu số cây keo mà bà P đã khai thác. Các nhân chứng do bà P cung cấp đều không xác định được thời gian, địa điểm trồng cây. Không biết số cây keo hai bên tranh chấp có phải là của bà P trồng hay không, nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của bà P.

[4]. Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà P, nhận thấy: Số gỗ keo mà bà P yêu cầu ông Đ bồi thường thuộc một phần trong số 97 cây keo mà bà P thuê nhân công khai thác. Do bà P không cung cấp được chứng cứ chứng minh số cây keo mà bà P khai thác thuộc quyền sở hữu của bà P, nên việc bà P yêu cầu ông Đ phải bồi thường thiệt hại cho bà P giá trị 3.460kg gỗ keo quy tiền là 3.300.000đ là không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà P. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa ông Đ và bà P thừa nhận bà P là người trả tiền thuê nhân công khai thác 3.460kg gỗ keo với số tiền là 764.000đ. Nên Hội đồng xét xử chấp nhận 01 phần yêu cầu của bà P, buộc ông Đ phải trả lại cho bà P số tiền bà P thuê công khai thác là 764.000đ (Bảy trăm sáu mươi bốn nghìn đồng).

[4]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà P phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của ông Đ được Tòa án chấp nhận với số tiền là 428.000đ và phải chịu 300.000đ tiền án phí đối với yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Tổng số tiền án phí bà P phải chịu là 728.000đ. Ông Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí đối với yêu cầu của bà P được Tòa án chấp nhận theo quy định tại Điều 144, 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự và khoản 02, 05 Điều 26; điểm b khoản 02 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[5]. Về chi phí tố tụng khác: Tiền chi phí định giá tài sản là: 2.000.000đ (Hai triệu nghìn đồng). Do yêu cầu của ông Đ được Tòa chấp nhận nên bà P phải chịu chi phí định giá tài sản. Ông Đ đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản xong nên bà P phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông Đ 2.000.000đ theo quy định tại khoản 01 Điều 165 và khoản 01 Điều 166 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[6]. Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Vân Canh là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 144, 147, 165, 166 và 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự; các Điều 158, 160 163, 164, 165, 170, 221, 585, 589 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 02, 05 Điều 26; điểm b khoản 02 Điều 27 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 Ủy Ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

[1] Chấp chấp nhận yêu cầu của ông Mai Văn Đ. Buộc bà Trần Thị Hoàng P phải bồi thường thiệt hại cho ông Đ giá trị 12.220kg gỗ keo, quy tiền là 8.554.000đ. (Tám triệu năm trăm năm mươi bốn nghìn đồng).

[2] Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà P. Buộc ông Đ phải trả lại cho bà P 764.000đ (bảy trăm sáu mươi bốn nghìn đồng) tiền bà P thuê công khai thác 3.460kg gỗ keo nhưng ông Đ là người bán lấy tiền.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm:

[3.1] Bà Trần Thị Hoàng P phải chịu 728.000đ (Bảy trăm hai mươi tám nghìn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí bà P đã nộp là 300.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0006864 ngày 29/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vân Canh. Bà P còn phải nộp 428.000đ (Bốn trăm hai mươi tám nghìn đồng) tiền án phí.

[3.2] Ông Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng), được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí ông Đ đã nộp là 300.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0006856 ngày 12/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vân Canh. Ông Đ đã nộp đủ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

[4] Về chi phí tố tụng: Bà Trần Thị Hoàng P phải chịu tiền chi phí định giá tài sản là: 2.000.000đ. Số tiền này ông Đ đã nộp tạm ứng chi phí định giá xong, nên bà P phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông Đ 2.000.000đ (Hai triệu đồng).

[5] Về quyền, nghĩa vụ thi hành án :

[5.1] Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[5.2] Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

[6] Quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

235
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 03/2019/DS-ST ngày 27/06/2019 về tranh chấp quyền sở hữu và bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:03/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vân Canh - Bình Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;