Bản án 03/2018/KDTM-PT ngày 11/01/2018 về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 03/2018/KDTM-PT NGÀY 11/01/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG BỘ

Ngày 11/01/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 23/2017/TLPT-KDTM ngày 26/10/2017 về việc tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2017/KDTM-ST ngày 08/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng có kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1172/2017/QĐ-PT ngày 14/12/2017, Quyết định hoãn phiên tòa số 37/2017/QĐ-PT ngày 08/01/2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N (Tổng Công ty bảo hiểm BIDV-BIC) có trụ sở tại: Tầng 16 Tháp A- Tòa tháp Vincom, 191 A, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp: Ông Phạm Hoàng S, ông Trương Minh Cát Ng, cùng địa chỉ liên lạc: Số 95 B, phường C, Quận D, thành phố Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Anh S, cư trú: Số 144 đường E, quận F, thành phố Hải Phòng (văn bản ủy quyền ngày 01/11/2017 của Công ty Bảo hiểm BIDV); ông Sang có mặt, ông Nguyên và ông Sơn vắng mặt.

- Bị đơn: Công ty Cổ phần T có trụ sở tại: Số 66 đường Lê Thánh Tông, phường Máy Tơ, quận F, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện hợp pháp: Ông Hoàng Văn Tr, sinh năm 1978, cư trú tại Lô 12/275/33 phường G, quận F, thành phố Hải Phòng (theo văn bản ủy quyền số 23/UQ ngày 02/6/2017); có mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn N có trụ sở tại Km2, khu 7, Phường H, thành phố K, tỉnh Quảng Ninh; vắng mặt.

- Người kháng cáo: Công ty Cổ phần T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các bản tự khai của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N trình bày:

Ngày 09/11/2015, Công ty Cổ phần T (Công ty T&C) và Công ty TNHH Nhã Phương (Công ty Nhã Phương) ký Hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 0911/HĐVCHH. Theo hợp đồng, Công ty T&C sẽ vận chuyển 01 container lạnh 40’’ (tên hàng- số hiệu container GESU9600130) của Công ty Nhã Phương đi từ Hải Phòng đến cửa khẩu Bình Nghi, tỉnh Lạng Sơn bằng xe container. Giao hàng trước ngày 15/11/2015.

Trước đó, ngày 23/4/2015, Công ty Nhã Phương và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV Hải Phòng, viết tắt là (BIC Hải Phòng) là một chi nhánh của Tổng Công ty bảo hiểm BIDV cùng nhau ký Hợp đồng bao bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số: BICHP-NP/04/2015 cho vỏ container lạnh. Theo đó, một trong những hành trình được bảo hiểm là từ Hải Phòng đến Lạng Sơn, vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường thủy. Ngày 09/11/2015, BIC Hải Phòng đã cấp Đơn bao hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số 05153434.19, người được bảo hiểm là: Công ty Nhã Phương, hàng hóa được bảo hiểm: Vỏ container ký hiệu GESU9600130.

Vào hồi 16h00 ngày 15/11/2015, lái xe Lê Văn Hoan của Công ty T&C điều khiển xe đầu kéo chở container lạnh 40’’ số GESU9600130 chứa 25 tấn hàng đông lạnh của Công ty Nhã Phương từ Hải Phòng đi Lạng Sơn giao hàng. Khi xe đến Km 5+100 TL229, thôn Bản Cháu, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, do không làm chủ tốc độ khi đến đoạn đường cong cua, đường xấu nhiều ổ gà dẫn tới tự lật gây tổn thất.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 019125 do Công an thành phố Hải Phòng cấp cho chủ xe là Công ty T&C, biển số đăng ký là 15C-023.93. Giấy chứng nhận đăng ký rơ moóc số 001537 do Công an thành phố Hải Phòng cấp cho chủ xe Công ty TNHH Tuấn Châu, biển số đăng ký là15R-046.36.

Khi xảy ra sự cố trên, đến ngày 18/12/2015, BIC Hải Phòng đã chi trả số tiền bồi thường cho Công ty Nhã Phương 426.884.211 đồng. Công ty Nhã Phương đã ký Giấy biên nhận và thế quyền số BM.13/HD-GĐBT-02. Nội dung của Giấy biên nhận và thế quyền trên là Công ty Nhã Phương đồng ý chuyển quyền và thế nhiệm cho BIC Hải Phòng, nhân danh Công ty Nhã Phương đòi Công ty T&C bồi thường thiệt hại liên quan đến Hợp đồng vận chuyển số 0911/HĐVCHH ngày 09/11/2015.

Ngày 16/8/2017 đại diện cho nguyên đơn có giấy xác nhận điều chỉnh và thay đổi yêu cầu khởi kiện về số tiền buộc Công ty T&C phải hoàn trả lại cho nguyên đơn sau khi trừ tiền bán thanh lý vỏ container còn lại là 370.784.211 đồng, không yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền lãi.

Bị đơn Công ty Cổ phần T trình bày: Tại phiên hoà giải ngày 16/8/2017 bị đơn xác nhận xe và đầu kéo 15C-023.93 + Rơ moóc 15R-04636 là của Công ty mà lái xe Lê Văn Hoan điều khiển chở container lạnh 40’’ số GESU9600130 chứa 33.400kg hàng đông lạnh của Công ty Nhã Phương từ Hải Phòng đi Lạng Sơn giao hàng. Khi xe đến Km 5+100 TL229, thôn Bản Cháu, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, xẩy ra tai nạn gây tổn thất. Từ khi xảy ra sự cố tai nạn, Công ty Nhã Phương cũng như nguyên đơn không thông báo gì cho bị đơn thiệt hại thực tế về việc bồi thường thiệt hại đối với vỏ container. Về trách nhiệm, bên thuê vận chuyển là Công ty Nhã Phương và bên vận chuyển là Công ty T&C lẽ ra phải được thông báo và phải được cùng tham gia giám sát quá trình bồi thường nhưng BIC Hải Phòng và Công ty Nhã Phương tự giải quyết với nhau, không thông báo cho Công ty T&C. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, tiến trình giải quyết hậu quả của việc hư hỏng vỏ container lạnh 40’’ số GESU9600130 do Bảo hiểm tự chi trả sau đó yêu cầu bị đơn thanh toán lại số tiền như vậy là không hợp lý. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu Tòa án bác yêu cầu của nguyên đơn.

Quan điểm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Nhã Phương đã được BIC Hải Phòng chi trả bồi thường cho hãng tàu số tiền 426.884.211 đồng và có văn bản thế quyền cho nguyên đơn để truy đòi bị đơn Công ty T&C, có đơn giải quyết vắng mặt.

Tại Bản án số 06/2017/KDTM-ST ngày 08/9/2017 của Tòa án nhân dân Ngô Quyền đã quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam.

Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Tphải bồi hoàn cho nguyên đơn Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nkhoản tiền 185.392.000 đồng (một trăm tám mươi lăm triệu ba trăm chín mươi hai nghìn đồng chẵn) mà Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N đã bồi thường cho Công ty TNHH Nhã Phương.

Ngoài ra Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty Cổ phần Tkháng cáo toàn bộ Bản án, không chấp nhận bồi thường theo bản án sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người đại diện hợp pháp của Công ty Cổ phần Ttrình bày quan điểm bảo vệ:

Khi tai nạn xảy ra và việc giải quyết bồi thường giữa Công ty Nhã Phương và Công ty Bảo hiểm BIDI không thông báo cho T&C biết, việc định giá tài sản tự hai bên định giá. T&C không được thông báo bất cứ nội dung gì trong quá trình bồi thường và thỏa thuận về mức bồi thường. Như vậy, Công ty Nhã Phương đã vi phạm Hợp đồng vận chuyển đã ký với Công ty T&C do đó Công ty T&C không đồng ý thanh toán bồi thường cho Công ty Bảo hiểm số tiền 370.784.211 đồng. Yêu cầu khôi phục lại vỏ container để giám định lại giá trị thiệt hại của vỏ container, Công ty T&C sẽ chấp nhận bồi thường 100% giá trị theo giám định.

Người đại diện hợp pháp của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ntrình bày quan điểm bảo vệ: Từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm, Công ty T&C không đưa ra được các chứng cứ mới, nội dung kháng cáo của bị đơn đã được tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm. Do BIC Hải Phòng có lỗi trong việc giám định vỏ container nên nguyên đơn chấp nhận 50% mức bồi thường như Bản án sơ thẩm. Đối với vỏ container hiện không còn nên không khôi phục và giám định lại được như yêu cầu của bị đơn.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đa tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đúng các quyền và nghĩa vụ, tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự

Về nội dung: Nguyên nhân gây tai nạn là do lái xe của Công ty T&C gây ra nên Công ty T&C phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty Nhã Phương theo Hợp đồng vận chuyển được kí giữa hai công ty. Tuy nhiên, sau khi có thiệt hại xảy ra, Công ty Nhã Phương và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N đã có lỗi trong việc không thông báo quá trình giải quyết vụ việc, về giá trị tổn thất cho Công ty T & C biết nên mỗi bên phải chịu 1/3 giá trị thiệt hại.

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm, sửa Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án và sau khi tranh tụng công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa, Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền thụ lý, giải quyết là đúng quy định khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Xét nội dung kháng cáo:

2.1.Về căn cứ xác định giá trị thiệt hại:

Sau khi xảy ra tai nạn, ngày 02/12/2015 Công ty Cổ phần CONTAINER(VICONSHIP) đã có công văn số TS151202/CV-GESU9600130 gửi công ty Nhã Phương có nêu: Quý công ty đã lấy hàng đi từ ngày 09/11/2015 đến ngày 19/11/2015 thì trả vỏ về bãi, sau đó bộ phận giám định của bãi đã thông báo cho hãng tầu là cont này hư hỏng rất nặng. Sau khi thông báo và gửi hình ảnh cho hãng tàu T.Slines, hãng tàu cho rằng hư hỏng này quá nặng và không thể sửa chữa, và tuyên bố tổn thất toàn bộ đối với cont GESU9600130 với trị giá là USD 18.000.000 chưa bao gồm 5% thuế nhà thầu.

Ngày 19/11/2015 nguyên đơn cùng Công ty Nhã Phương đã lập biên bản giám định vỏ container, lập hồ sơ bồi thường số 15/05/0832. Ngày 22/12/2015 nguyên đơn đã chi trả bồi thường cho Công ty Nhã Phương mà cụ thể là hãng tàu T.Slines số tiền 426.884.211 đồng. Trước khi bồi thường, vào các ngày 21/12/2015, 07/03/2016, 03/8/2016 nguyên đơn đã có Công văn gửi Công ty T&C về việc liên quan đến tổn thất container lạnh 40'' ký hiệu GESU9600130 của Công ty Nhã Phương được chuyên chở bởi xe đầu kéo 15C-023.93 + Rơ moóc 15R- 046.36. Nguyên đơn căn cứ vào tuyên bố tổn thất toàn bộ cont GESU9600130 với trị giá là 18.000.000 USD của Công ty Cổ phần CONTAINER(VICONSHIP), căn cứ vào giám định nội bộ của Công ty Bảo hiểm để xác định mức thiệt hại của container là 426.884.211 đồng.

Tại Điều 46 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm…” Như vậy, căn cứ để xác định bồi thường phải căn cứ vào tổn thất thực tế của vỏ container và giá thị trường tại thời điểm xảy ra tổn thất. Tuy nhiên việc giám định nguyên nhân, mức độ thiệt hại của vỏ container lạnh 40’’ số GESU9600130 không thể tiến hành lại được nên giá trị thiệt hại của vỏ container lạnh 40’’ số GESU9600130 do Công ty T& C gây ra có thể được tính theo kết quả giám định nội bộ của Công ty Bảo hiểm với mức thiệt hại là 426.884.211 đồng.

Vỏ container lạnh 40’’ số GESU9600130 đã bán thanh lý được 56.100.000đồng nên số tiền thiệt hại còn lại là 370.784.211 đồng.

4.2.Về yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Tại Điều 48 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về giám định tổn thất như sau: "Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên”.

Tại Đơn bảo hiểm hàng hóa ngày 09/11/2015 quy định về thủ tục thực hiện trong trường hợp xảy ra tổn thất hoặc mất mát thuộc phạm vi trách nhiệm của người chuyên chở, trách nhiệm của bên thứ ba khác có quy định:

"Yêu cầu đại diện chuyên chở hay người nhận ủy thác hàng tham gia việc chứng kiến giám định ngay khi phát hiện hàng hóa có hiện tượng mất mát hoặc hư hỏng và qua giám định nếu thực tế có tổn thất thì phải lập hồ sơ khiếu nại họ"...

"Trường hợp xảy ra mất mát hư hỏng thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm phải thông báo ngay cho BIC hay đại lý được BIC chỉ định đến giám định. Trừ khi trước đó đã có thỏa thuận khác, BIC có quyền từ chối giải quyết vụ khiếu nại nếu không được chứng minh trong biên bản giám định được lập bởi đại lý do BIC chỉ định trong Đơn bảo hiểm".

Hồ sơ vụ án cho thấy: Không có tài liệu nào thể hiện khi tiến hành giám định tổn thất vỏ container ký hiệu GESU9600130, Tổng Công ty bảo hiểm BIDV và Công ty Nhã Phương đã thông báo cho Công ty Cổ phần Tbiết để tham gia và chứng kiến việc tiến hành giám định.

Tại Biên bản giám định vỏ cont ngày 19/11/2015, thành phần tiến hành giám định gồm có ông Đoàn Ngọc Tiến - Đại diện BIC Hải Phòng và ông Nguyễn Doãn Dũng - Đại diện Công ty Nhã Phương. Kết quả giám định này không trùng khớp với Bản kết luận vụ tai nạn giao thông ngày 18/11/2015 do Công an huyện Văn Lãng tỉnh Lạng Sơn kết luận. Quá trình tiến hành giám định để xác định tổn thất của cont bị tai nạn do Tổng Công ty bảo hiểm BIDV tự tiến hành và có sự chứng kiến của Công ty Nhã Phương, không có sự chứng kiến của Công ty T&C và cũng không thuê cơ quan có chuyên môn giám định để tiến hành giám định và xác định giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất, giá trị tổn thất cũng như xác định giá trị còn lại của cont bị tai nạn.

Như vậy, việc xác định giá trị tổn thất để làm căn cứ yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm là chưa có căn cứ, không tuân thủ theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, Đơn bảo hiểm hàng hóa giữa Tổng Công ty bảo hiểm BIDV với Công ty Nhã Phương và Hợp đồng vận chuyển giữa Công ty Nhã Phương và Công ty T&C. Do đó Tổng Công ty bảo hiểm BIDV yêu cầu Công ty T&C phải thanh toán toàn bộ số tiền đã bảo hiểm 370.784.211đồng là không có căn cứ.

Từ phân tích trên cho thấy, Tổng Công ty bảo hiểm BIDV đã có lỗi chính trong quá trình tiến hành bảo hiểm, xác định giá trị thiệt hại, giám định thiệt hại. Tuy nhiên, Công ty T&C cũng có lỗi khi lái xe chở hàng không tuân thủ luật lệ về an toàn giao thông dẫn đến tai nạn và thực tế thiệt hại là có xảy ra. Đối với Công ty Nhã Phương cũng có lỗi, khi xảy ra thiệt hại không thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại với Công ty T&C theo quy định tại điểm 11.3 Điều 11 của Hợp đồng vận chuyển hàng hóa ngày 09/11/2015. Mặt khác, giữa Công ty Nhã Phương và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV cũng không thông báo cho Công ty Cổ phần Tđể tham gia giám sát quá trình bồi thường thiệt hại nên cả ba Công ty nêu trên đều có lỗi trong vụ việc này nên mỗi Công ty phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên Bản án số 06/2017/KDTM-ST ngày 08/9/2017 của Tòa án nhân dân Ngô Quyền không tính lỗi cho Công ty Nhã Phương là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty T&C.

Về số tiền bồi thường còn lại sau khi trừ đi khoản tiền bán vỏ cont là 370.784.211đ được chia ba phần. Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV có lỗi nhiều hơn nên phải chịu 50% mức bồi thường là 185.392.000đồng và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV cũng đã đồng ý với mức bồi thường này như Bản án sơ thẩm đã tuyên. Đối với Công ty Cổ phần Tvà Công ty Nhã Phương, mỗi Công ty phải chịu 1/2 số tiền còn lại là 185.392.000đ : 2 = 92.696.000đồng.

Đối với phần thiệt hại mà Công ty Nhã Phương phải chịu, do Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV đã thanh toán cho Công ty Nhã Phương nên Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV có quyền khởi kiện bằng vụ kiện khác.

Từ nhận định trên, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Cổ phần T&C, căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa Bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do Bản án sơ thẩm bị sửa nên án phí sơ thẩm được tính định lại theo quy định của pháp luật.

[4] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do Bản án sơ thẩm bị sửa nên bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, Điều 147; khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 308; khoản 1 Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào các Điều 539, 541, 542, 546 của Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 17, Điều 46, Điều 48 của Luật kinh doanh Bảo hiểm;

Căn cứ Điều 6, Điều 25, Điều 26; khoản 2 Điều 29, Điều 48 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án;

[1] Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Cổ phần T&C:

Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2017/KDTM-ST ngày 08 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng: Buộc Công ty Cổ phần Tphải trả cho Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm N92.696.000đồng (chín mươi hai triệu sáu trăm chín mươi sáu nghìn).

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời chưa thi hành án.

[2] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty Cổ phần Tphải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 4.634.800đồng (bốn triệu sáu trăm ba mươi tư nghìn tám trăm đồng), được trừ 2.000.000đ tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp, theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001978 ngày 20/9/2017 tại Chi Cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

Công ty Cổ phần Tphải nộp tiếp tiền án phí là 2.634.800đ (hai triệu sáu trăm ba mươi tư nghìn tám trăm đồng).

Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nphải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 13.904.400 (mười ba triệu chín trăm linh tư nghìn bốn trăm đồng). Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nđã nộp tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 10.500.000 đồng theo biên lai thu số 0001627 ngày 05/4/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng nên còn phải nộp tiếp số tiền án phí là 3.404.400 đồng (ba triệu bốn trăm linh bốn nghìn bốn trăm đồng).

[3] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty Cổ phần Tkhông phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án đươc quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

5333
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 03/2018/KDTM-PT ngày 11/01/2018 về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ

Số hiệu:03/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 11/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;