TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÁNH LINH, TỈNH BÌNH THUẬN
BẢN ÁN 03/2017/HSST NGÀY 14/04/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 17 tháng 04 năm 2017 tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Tánh Linh; xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 01/2017/HSST, ngày 14 tháng 02 năm 2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Đỗ Tiến Thông, sinh năm 1941 tại Thanh Hóa; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (chổ ở): Thôn Đa Mi, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận; trình độ học vấn: 07/12; nghề nghiệp: Hiện đã già yếu; con ông: Đỗ Đức Trẫy, sinh năm 1903 (đã chết), con bà: Ngô Thị Thảo, sinh năm 1908 (đã chết); anh chị em ruột có 04 người, bị cáo là con thứ ba trong gia đình; vợ: Nguyễn Thị Ngoạt, sinh năm 1943 hiện đang sống tại Thôn ĐaMi – La Ngâu – Tánh Linh – Bình Thuận; con: có 06 người, lớn nhất 48 tuổi, nhỏ nhất 33 tuổi; Tiền án; tiền sự: không.
Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt tại phiên tòa.
Nguyên đơn dân sự: Đại diện Phòng Lao động - TBXH huyện Tánh Linh: Bà Lưu Thị Bích Ngần – Chuyên viên chính sách: Có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Đỗ Đức Thành, sinh năm 1976; trú tại: Thôn Đami – La Ngâu – Tánh Linh – Bình Thuận: Vắng mặt.
- Đỗ Đức Nam, sinh năm 1984; trú tại: Thôn Đami – La Ngâu - Tánh Linh – Bình Thuận: Có mặt.
NHẬN THẤY
Bị cáo Đỗ Tiến Thông bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Khoảng đầu năm 2011, Đỗ Tiến Thông biết được Nghị định số: 54/2006/NĐ- CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTB&XH ngày 26/7/2006 của Bộ lao động thương binh và xã hội hướng dẫn về hồ sơ , lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đỗ Tiến Thông đã nảy sinh ý định làm hồ sơ giả mạo để chiếm đoạt tiền trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đỗ Tiến Thông nói với Nguyễn Thanh Điền, sinh năm 1952 ở thôn Đa Mi- xã La Ngâu là Hội viên chi hội cựu chiến binh thôn ĐaGuRi- Đa Mi- Hàm Thuận Bắc (Đã chết năm 2014) về việc đi làm chế độ hưởng tiền trợ cấp bị nhiễm chất độc hóa học. Nguyễn Thanh Điền nói với Đỗ Tiến Thông “Anh cứ kê khai đi bộ đội làm chế độ chất độc hóa học cho nhanh, rồi tôi làm cho anh quyết định ra quân”. Đỗ Tiến Thông đồng ý, sau đó Nguyễn Thanh Điền đưa ra các thông tin cho Đỗ Tiến Thông kê khai hồ sơ “Nhập ngũ tham gia kháng chiến từ tháng 10/1961 đến 30/4/1975, địa bàn hoạt động: Quảng Nam-Đà Nẵng”. Sau đó Nguyễn Thanh Điền về Quảng Nam –Đà Nẵng làm một Quyết định xuất ngũ giả số: 76/ QĐ-PV, ngày 25/4/1976 của Sư đoàn bộ binh 2-Trung đoàn bộ binh 1 cấp cho Đỗ Tiến Thông, nội dung : Nhập ngũ tháng 5/1966-TNXP.CS, cấp bậc: Trung úy, chức vụ: Quân nhân chuyên nghiệp, đơn vị khi xuất ngũ: Đại đội 17, trung đoàn 1, sư đoàn 2, chuyên môn kỹ thuật: sửa chữa vô tuyến, thời gian công tác liên tục 10 năm 7 tháng, đã có 5 năm công tác tại BC 559. Nguyễn Thanh Điền đưa Quyết định xuất ngũ cho Đỗ Tiến Thông và dặn Đỗ Tiến Thông giữ Quyết định xuất ngũ để phòng ngừa khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Ngày 10/10/2011, Đỗ Tiến Thông đến UBND xã La Ngâu –huyện Tánh Linh xin hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học , rồi tự kê khai theo mẫu, đồng thời làm giấy xác nhận có 2 người con bị dị dạng, dị tật bẩm sinh nộp hồ sơ cho UBND xã La Ngâu. Tháng 11/2011, Hội đồng xét duyệt nhất trí thông qua và đề nghị cấp trên xét cho Đỗ Tiến Thông được hưởng chế độ trợ cấp. Ngày 16/01/2012, Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 50/QĐ-SLĐTB&XH về việc trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho Đỗ Tiến Thông, mức trợ cấp hàng tháng 1.425.000đ, thời gian được hưởng trợ cấp kể từ ngày 01/01/2012. Tổng số tiền Đỗ Tiến Thông đã chiếm đoạt đến tháng 5/2016 là 89.329.000đ, do Phòng lao động thương binh và xã hội huyện Tánh Linh chi trả.
Sau khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đỗ Tiến Thông bị phát hiện, tiến hành xác minh quá trình hoạt động công tác của Đỗ Tiến Thông thể hiện : Từ tháng 6/1965 đến tháng 8/1979, Đỗ Tiến Thông tham gia thanh niên xung phong tại đơn vị Thanh niên xung phong C111 - N696, đóng quân và công tác tại Thanh Hóa , không tham gia trong vùng bị Mỹ rải chất độc hóa học. Xác minh tại Sư đoàn bộ binh 2- Quân khu 5 thể hiện: Trong giai đoạn từ năm 1966 đến năm 1976 không có tên Đỗ Tiến Thông sinh năm 1941, quê quán: Hải Lĩnh - Tỉnh Gia – Thanh Hóa nhập ngũ năm 1966 như trong Quyết định xuất ngũ số: 76/QĐ-PV ngày 25/4/1976 của Trung đoàn bộ binh 1, thuộc Sư đoàn bộ binh 2, trung đoàn bộ binh 1, thuộc Sư đoàn bộ binh 2 không cấp Quyết định xuất ngũ số 76/QĐ-PV ngày 25/4/1976 cho Đỗ Tiến Thông. Ngày 01/7/2016, Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1368/QĐ-SLĐTBXH về việc “tạm dừng trợ cấp hàng tháng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học kể từ ngày 01/6/2016 đối với Đỗ Tiến Thông.
Tại bản cáo trạng số: 02/QĐ/KSĐT/VKS-HS ngày 13/02/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận đã truy tố bị cáo Đỗ Tiến Thông về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1, điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS; cùng với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm b,p,m,s khoản 1 Điều 46 BLHS.
Tại phiên tòa, trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tánh Linh tham gia phiên tòa khẳng định bản cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Tánh Linh đã truy tố đối với bị cáo là có căn cứ, chính xác, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Đỗ Tiến Thông phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và đề nghị xem xét áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139; điểm b, p, m, s khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 60 BLHS năm 1999 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009) xử phạt bị cáo Đỗ Tiến Thông: 12 đến 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách 24 đến 36 tháng.
Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Căn cứ vào chứng cứ và các tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự, người làm chứng và các tài liệu chứng cứ đã được thu thập trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả tranh luận tại phiên tòa. Do đó đã có đủ căn cứ để xác định được rằng:
Sau khi biết được những quy định về ưu đãi người có công với cách mạng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Mặc dù, Đỗ Tiến Thông biết mình không đủ điều kiện để được hưởng chế độ này nhưng Đỗ Tiến Thông đã nảy sinh ý định làm hồ sơ, thủ tục giả mạo nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền trợ cấp. Đỗ Tiến Thông đã trao đối với Nguyễn Thanh Điền về việc làm chế độ hưởng tiền trợ cấp nhiễm chất độc hóa học. Nguyễn Thanh Điền cũng biết Đỗ Tiến Thông không đủ điều kiện nhưng Nguyễn Thanh Điền đã hướng dẫn Đỗ Tiến Thông kê khai thông tin giả mạo và có hành vi giúp Đỗ Tiến Thông làm Quyết định xuất ngũ giả nhằm mục đích để phòng ngừa khi cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra. Sau đó, Đỗ Tiến Thông làm hồ sơ, thủ tục gửi cho UBND xã La Ngâu. Đến tháng 11/2011, Hội đồng xét duyện của UBND xã La Ngâu đã nhất trí thông qua về đề nghị cấp trên xét cho Đỗ Tiến Thông được hưởng chế độ trợ cấp. Ngày 16/01/2012, Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số: 50/QĐ – SLĐTB&XH về việc trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho Đỗ Tiến Thông, thời gian được hưởng trợ cấp kể từ ngày 01/01/2012. Đỗ Tiến Thông được hưởng chế độ này đến tháng 5/2016 thì sự việc bị phát hiện nên ngày 01/4/2016, Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số: 1368/QĐ – SLĐTBXH về việc “Tạm dừng trợ cấp hàng tháng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học kể từ ngày 01/6/2016 đối với Đỗ Tiến Thông”. Tổng số tiền Đỗ Tiến Thông được nhận từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2016 là 89.329.000đ.
Trong hồ sơ mà Đỗ Tiến Thông gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét về việc hưởng trợ cấp đối người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có các giấy tờ thể hiện Đỗ Tiến Thông tham gia hoạt động ở vùng quân đội Mỹ đã sử dụng chất hóa học từ tháng 10/1961 đến 30/4/1975 và các giấy tờ xác nhận có hai người con của ông Đỗ Tiến Thông là Đỗ Đức Thành bị cụt 03 ngón tay phải bẩm sinh; Đỗ Đức Nam bị ngứa, lở vùng bụng và ngực bẩm sinh – là do bị nhiễm chất độc hóa học. Thế nhưng trên thực tế Đỗ Tiến Thông không có tham gia đi bộ đội trong vùng bị Mỹ rải chất độc hóa học mà Đỗ Tiến Thông chỉ tham gia thanh niên xung phong tại đơn vị Thanh niên xung phong C111 – N696 đóng quân và công tác tại Thanh Hóa. Còn Đỗ Đức Thành, Đỗ Đức Nam không phải bị bệnh do nhiễm chất đọc hóa học mà Đỗ Đức Thành bị cụt tay do bị tai nạn lao động ; Đỗ Đức Nam bị bệnh ECZEMA (bệnh chàm).
Như vậy, Đỗ Tiến Thông là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thế nhưng bị cáo đã có hành vi gian dối, làm giả các giấy tờ, tài liệu thể hiện Đỗ Tiến Thông có tham gia bộ đội tại vùng bị Mỹ nhiễm chất độc hóa học và có con bị nhiễm chất độc hóa học để được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước, chiếm đoạt số tiền 89.329.000đ (Tám mươi chín triệu ba trăm hai mươi chín nghìn đồng) từ ngân sách nhà nước để tiêu xài, chi tiêu cá nhân. Vì vậy, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS năm 1999 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009) theo như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tánh Linh truy tố đối với bị cáo là phù hợp, có căn cứ.
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ chính sách của nhà nước đối với những người có công tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc tại địa phương; gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Do đó cần xử phạt bị cáo với mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn đe, cải tạo, giáo dục đối với bị cáo và cũng để phòng ngừa tội phạm chung.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo là người già phạm tội; đã thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải; Đỗ Tiến Thông đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt để khắc phục hậu quả; ngoài ra, Đỗ Tiến Thông còn là người có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và nhiều giấy khen khác - là các tình tiết giảm nhẹ tránh nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, p, m, s khoản 1 Điều 46 BLHS. Cho nên, cần xem xét lượng giảm cho bị cáo một phần hình phạt là phù hợp với tính khoan hồng của pháp luật.
Xét thấy: Bị cáo phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; có quá trình nhân thân tốt; không có tiền án, tiền sự và có nơi cư trú ổn định, rõ ràng; mặc khác bị cáo Đỗ Tiến Thông đã lớn tuổi (76 tuổi), già yếu và cuộc sống gia đình kinh tế khó khăn. Nếu xử phạt tù, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội thì bị cáo và gia đình bị cáo sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần áp dụng Điều 60 BLHS để xử phạt tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo; giao bị cáo Đỗ Tiến Thông cho chính quyền địa phương nơi bị cáo thường trú để theo dõi giám sát, giáo dục cũng đủ để răn đe, cải tạo, giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung.
Về trách nhiệm dân sự và vật chứng trong vụ án:
Hành vi của bị cáo đã chiếm đoạt của Nhà nước số tiền 89.329.000đ. Trong giai đoạn điều tra bị cáo đã tự nguyện giao nộp số tiền 90.000.000đ để khắc phục hậu quả. Tại phiên tòa, đại diện phòng Lao động – Thương binh xã hội huyện Tánh Linh trình bày: Số tiền 89.329.000đ mà Đỗ Tiến Thông đã chiếm đoạt, Phòng Lao động – Thương binh xã hội huyện Tánh Linh đã quyết toán xong nên đại điện phòng LĐ – TBXH đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sung công quỹ Nhà nước số tiền 89.329.000đ mà bị cáo Đỗ Tiến Thông đã giao nộp trong giai đoạn điều tra và không yêu cầu bị cáo Đỗ Tiến Thông phải bồi thường thiệt hại. Xét thấy: Yêu cầu của của đại diện Phòng LĐ – TBXH là phù hợp và có căn cứ để chấp nhận. Do đó, cần tịch thu xung công quỹ số tiền 89.329.000đ (Tám mươi chín triệu ba trăm hai mươi chín ngàn đồng) mà Đỗ Tiến Thông đã chiếm đoạt của Nhà nước là phù hợp với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS.
Do số tiền bị cáo tự nguyện giao nộp là 90.000.000đ; nhưng tịch thu xung quỹ số tiền 89.329.000đ. Số tiền còn lại là 671.000đ, cần hoàn trả lại cho bị cáo Đỗ Tiến Thông là phù hợp.
Số tiền 90.000.000đ hiện đang thu giữ tại tài khoản của Chi Cục Thi hành án dân sự huyện Tánh Linh (tại giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 14/2/2017)
Đối với Nguyễn Thanh Điền đã có hành vi hướng dẫn Đỗ Tiến Thông cung cấp thông tin không đúng sự thật và làm giấy xuất ngũ giả số 76/QĐ – PV, ngày 25/4/1976 của Sư đoàn bộ binh 2 – Trung đoàn bộ binh 1 cấp cho Đỗ Tiến Thông; nhằm mục đích giúp cho Đỗ Tiến Thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Điền đã chết vào năm 2014 nên Hội đồng xét xử không xét đến.
Đối với Đỗ Đức Nam, Đỗ Đức Thành không biết gì liên quan đến việc bị cáo Đỗ Tiến Thông làm giấy xác nhận giả về vấn đề Đỗ Đức Thành bị cụt 03 ngón tay phải bẩm sinh; Đỗ Đức Nam bị ngứa, lở vùng bụng và ngực bẩm sinh – là do bị nhiễm chất độc hóa học nên Hội đồng xét xử không xét đến.
Về án phí: Cần buộc bị cáo Đỗ Tiến Thông phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Đỗ Tiến Thông phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” .
Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139; điểm b, p, m, s khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 - đã được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12 ngày 19/6/2009:
Xử phạt bị cáo Đỗ Tiến Thông: 02 (hai) năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án 17/4/2017.
Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự:
Tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 89.329.000đ (tám mươi chín triệu ba trăm hai mươi chín ngàn đồng)
Hoàn trả lại cho bị cáo Đỗ Tiến Thông số tiền 671.000đ (Sáu trăm bảy mươi mốt ngàn đồng)
(Số tiền này đang thu giữ tại Tài khoản của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tánh Linh theo giấy nộp tiền vào tài khoản số 3949.0.1054628 tại Kho bạc huyện Tánh Linh vào ngày 14/02/2017).
Áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án: Buộc bị cáo Đỗ Tiến Thông phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm sung công quỹ nhà nước.
Án xử sơ thẩm, bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án 17/4/2017; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án này trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết (đã giải thích quyền kháng cáo).
Bản án 03/2017/HSST ngày 17/04/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 03/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tánh Linh - Bình Thuận |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/04/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về