Bản án 03/2017/HSST ngày 05/04/2017 về tội cướp tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỊ THANH, TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 03/2017/HSST NGÀY 05/04/2017 VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN 

Ngày 05 tháng 4 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Vị Thanh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 03/2017/HSST ngày 16 tháng 02 năm 2017, đối với các bị cáo:

1. Bị cáo T, sinh năm 1992.

Nghề nghiệp: làm thuê.

Đăng ký thường trú: đường T, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ.

Trình độ học vấn: 11/12.

Dân tộc: Kinh.         Quốc tịch: Việt Nam.         Tôn giáo: không.

Con ông D và bà L.

Tiền sự; tiền án: không.

Bị bắt từ ngày 17/11/2016 liên tục cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên toà.

Người bào chữa cho bị cáo T: Luật sư X. Văn phòng luật sư X. Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ. Có mặt.

2. Bị cáo P, sinh ngày 11/02/2000.

Nghề nghiệp: không.

Đăng ký thường trú: ấp Đ, xã A, huyện D, tỉnh Bạc Liêu.

Dân tộc: kinh.      Quốc tịch: Việt Nam.      Tôn giáo: không.

Trình độ học vấn: 7/12. Con ông C và bà H. Tiền sự; tiền án: không.

Bị bắt từ ngày 30/11/2016 liên tục cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên toà. Người đại diện hợp pháp cho bị cáo P: Ông C, sinh năm 1976.

Địa chỉ: ấp Đ, xã A, huyện D, tỉnh Bạc Liêu. (Là cha ruột của bị cáo). Vắng mặt.

Người bào chữa cho bị cáo P: Luật sư V. Văn phòng luật sư T. Đoàn luật sư tỉnh Hậu Giang. Có mặt.

3. Bị cáo H, sinh năm 1987.

Nghề nghiệp: Thợ hồ.

Đăng ký thường trú: phường B, quận K, thành phố Cần Thơ.

Dân tộc: Kinh.         Quốc tịch: Việt Nam.         Tôn giáo: Đạo Phật.

Trình độ học vấn: 5/12. Con ông L (chết) và bà T. Con: Cháu A, sinh năm 2016. Tiền án; Tiền sự: không.

Bị bắt từ ngày 10/11/2016 cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên toà.

- Người bị hại: Em T1 (giới tính nam), sinh ngày 02/9/2001.

Địa chỉ: ấp Đ, xã A, huyện D, tỉnh Bạc Liêu. Có mặt.

Người đại diện theo pháp luật của người bị hại: Bà H (mẹ ruột bị hại).

Địa chỉ: ấp Đ, xã A, huyện D, tỉnh Bạc Liêu. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà L, sinh năm 1972.

Địa chỉ: phường B, quận K, thành phố Cần Thơ. Vắng mặt.

2. Bà L1, sinh năm 1972.

Địa chỉ: phường P, quận T, thành phố Cần Thơ. Có mặt.

NHẬN THẤY

Các bị cáo T, P và H bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vị Thanh truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Khoảng 07 giờ ngày 04/11/2016, bị cáo T nhà ở đường T, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ đi đến ấp Đ, xã A, huyện D, tỉnh Bạc Liêu để đá gà ăn thua bằng tiền. Do đã thua hết tiền, T ngồi tâm sự với bị cáo P là đang thiếu nợ. Khi nghe T nói vậy, P liền nói: “Chỉ có con mới cứu được cậu thôi!”. Đồng thời kêu T đi cướp tài sản của em T1. (Do trước đó P và T1 là chỗ bạn bè nên P biết được T1 có đeo dây chuyền, lắc, nhẫn và điện thoại), được T đồng ý.

Khoảng 15 giờ ngày 05/11/2016, T điện thoại kêu P chở T1 đến thành phố Cần Thơ sẽ cho P 1.000.000 đồng. Khoảng 11 giờ ngày 06/11/2016, P điều khiển xe mô tô biển số 68GA – … (xe của T1) chở T1 đến thành phố Cần Thơ. Lúc đi, P điện thoại thông báo cho T biết là đang chở T1 lên Cần Thơ. Khoảng 13 giờ cùng ngày, P và T1 đến thành phố Cần Thơ. P chở T1 đến tiệm game P tại đường C, phường H, quận K, thành phố Cần Thơ cho T1 chơi game còn P điều khiển xe đi và điện thoại cho T biết đã lên tới thành phố Cần Thơ. T kêu P chạy xe đến nhà trọ tại khu vực 5, phường K, quận K, thành phố Cần Thơ gặp T để lấy 1.000.000 đồng. Sau khi lấy tiền xong, P điều khiển xe quay về tiệm game chở T1 đi xăm mình. Khoảng 18 giờ cùng ngày, xăm mình xong P điện thoại cho T nói: “Cậu T xuống trước đi khoảng 20 phút nữa về!”. Khi T nghe điện thoại của P xong, T điện thoại cho bị cáo H rủ H đến thành phố T, tỉnh Hậu Giang lấy tiền gà thì H đồng ý. Trước khi đi, T lấy cây dao xếp trong cốp xe mô tô Click biển số 65B1 – … bỏ vào túi áo khoác bên phải nhằm mục đích thủ thân. Lúc này, T điều khiển xe Click biển số 65B1- … đi rước H. Đến nhà H, T kêu H lấy cây dao mang theo. H liền đi vào nhà lấy cây dao Thái Lan, cán màu vàng, dài khoảng 20 cm. Sau đó, T điều khiển xe chở H đi. Khi đến cầu R thuộc quận R, thành phố Cần Thơ, T nói với H là đi cướp tài sản chứ không phải đi lấy tiền gà. Trên đường đi, T ghé mua 02 khẩu trang để bịt mặt khi cướp tài sản. Lúc này, H đưa dao Thái Lan cho T giữ, T bỏ cây dao Thái Lan bên túi áo khoác bên phải. Cùng thời điểm, P điều khiển xe chở T1 về thành phố T. Trên đường đi, T và P nhắn tin, điện thoại liên tục để thông tin với nhau. Khi P điều khiển xe môtô đến gần cầu B thuộc ấp M, xã L, thành phố T thì P nhắn tin cho T: “Đèn xe hai bên tay cầm có màu gắn đèn chớp!”. Gần đến cầu B, T lấy cây dao Thái Lan trong túi áo khoác ra để làm công cụ cướp tài sản của T1 nhưng bị đứt tay, nên T đã ném bỏ. Lúc này, T và H đi đến cầu B trước và dừng xe đứng đợi. Khi thấy P chở T1 chạy xe gần tới, T điều khiển xe chở H chạy ngược lại với P và T1 rồi quay đầu xe chạy theo P và T1.

Khoảng 20 giờ 40 phút cùng ngày, khi đến gần cầu M thuộc ấp M, xã L, thành phố T, P chủ động dừng xe lại bên đường, T và H điều khiển xe đến đậu cách xe P khoảng 10m. Liền lúc này, T nhảy xuống xe dùng tay kẹp cổ khống chế T1 và đe dọa “Mày mà la lên tao đâm mày chết mẹ!”. Thấy vậy, T1 không dám kháng cự, T liền dùng tay bứt sợi dây chuyền của T1 đang đeo trên cổ và nói với T1: “Mày còn tài sản gì không đưa ra hết!”. T1 liền lấy điện thoại Oppo Neo7 đưa cho T. Lúc này, T thấy có nhiều xe qua lại nên kè T1 qua phía bên kia đường và kêu T1 ngồi xuống cập lộ rồi dùng tay bứt chiếc lắc T1 đeo trên tay nhưng không đứt. T1 sợ quá khóc kêu T đừng đánh để T1 lột hết tài sản đưa cho T. T1 tháo 01 lắc tay màu vàng, 01 nhẫn đeo tay màu vàng đưa cho T. Còn H kêu P cho kiểm tra giấy tờ, P tự động đưa cho H 01 điện thoại di động Nokia màu đen và 10.000 đồng. Sau khi thực hiện hành vi cướp tài sản, T và H lên xe môtô tẩu thoát về hướng thành phố Cần Thơ.

Đến sáng ngày 07/11/2016, T và H hẹn gặp nhau tại quán cà phê ở thành phố Cần Thơ. T đưa H sợi dây chuyền cướp được của T1, H đi bán sợi dây chuyền tại tiệm vàng T, đường C, phường H, quận K, thành phố Cần Thơ được 4.200.000 đồng rồi mang tiền đưa cho T, T cho H 1.000.000 đồng. Số tài sản còn lại cướp được của T1 là 01 lắc đeo tay vàng 18k trọng lượng 5,1 chỉ và 01 nhẫn đeo tay vàng 18k trọng lượng 1,85 chỉ, T tiếp tục mang đi bán ở tiệm vàng T được 10.800.000 đồng. Điện thoại di động hiệu OPPO Neo 7, T bán lại cho người khách (không rõ nhân thân, lai lịch) tại cửa hàng điện thoại G, đường C, phường H, quận K, thành phố Cần Thơ được 2.000.000 đồng.

Ngày 16/11/2016 T ra đầu thú

Tang vật chứng vụ án thu giữ được gồm:

- Một điện thoại di động hiệu Kechaoda - K30, màu đen–xanh.

- Một điện thoại di động hiệu Nokia 105 màu đen. (bà L giao nộp).

- Tiền Việt Nam: 210.000 (hai trăm mười nghìn) đồng. Các vật chứng còn lại không thu giữ được.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trưng cầu định giá tài sản, kết quả như sau:

- Điện thoại di động Nokia 105 màu đen có giá trị là 80.000 (tám mươi nghìn) đồng.

- Điện thoại di động Oppo Neo 7 màu trắng có trị giá là 2.392.000 (hai triệu ba trăm chín mươi hai nghìn) đồng.

Riêng sợi dây chuyền vàng 18k trọng lượng 03 chỉ, 01 lắc đeo tay vàng 18k trọng lượng 5,1 chỉ và 01 nhẫn đeo tay vàng 18k trọng lượng 1,85 chỉ. Hội đồng định giá từ chối giám định, do không đủ thông tin liên quan.

Quá trình điều tra gia đình các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả do các bị cáo gây ra, cụ thể như sau:

- Ngày 17/11/2016 bà L (mẹ của bị cáo T) đại diện cho bị cáo T và bị cáo H bồi thường cho người bị hại T1 với số tiền là 30.100.000 (ba mươi triệu một trăm nghìn) đồng.

- Ngày 17/11/2016 và ngày 6/12/2016, T1 làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho T, H và P.

Tại bản Cáo trạng số: 03/QĐ-KSĐT ngày 16/02/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vị Thanh truy tố các bị cáo T, P và H về tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự.

Tại phiên toà Kiểm sát viên luận tội giữ nguyên Cáo trạng truy tố, đề nghị:

Áp dụng khoản 1 Điều 133; Điều 20; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo T từ 03 năm 06 tháng đến 04 năm tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 133; Điều 20; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo P từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 133; Điều 20; điểm b, p khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo H từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù.

Phát biểu bào chữa cho bị cáo P. Luật sư thống nhất tội danh và điều khoản mà Viện kiểm sát đề nghị cho bị cáo. Đề nghị Toà xem xét đến hoàn cảnh gia đình bị cáo sống thiếu mẹ, gia đình kinh tế khó khăn để xử bị cáo P ở mức khởi điểm của khung mình phạt. Bị cáo P thống nhất toàn bộ bào chữa của luật sư cho mình, không bào chữa bổ sung.

Phát biểu bào chữa cho bị cáo T. Luật sư thống nhất như luận tội và cho rằng đây là vụ án có đồng phạm đơn giản, các bị cáo không có tổ chức. Đề nghị Toà xem xét đến việc nhận thức của bị cáo T sau khi phạm tội đã ra đầu thú, gia đình đã bồi thường toàn bộ thiệt hại. Đề nghị xử bị cáo ở mức thấp nhất để sớm trở về đoàn tụ gia đình. Bị cáo T thống nhất toàn bộ lời bào chữa của luật sư cho bị cáo, không bào chữa bổ sung.

Phát biểu tự bào chữa bị cáo H thừa nhận hành vi của mình là phạm tội, xin Toà xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Người bị hại em T1 và đại diện bà H tại toà phát biểu yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho 03 bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Tại phiên toà, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng Viện kiểm sát truy tố. Lời khai nhận của các bị cáo là phù hợp nhau, phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng, vật chứng thu giữ. Căn cứ vào các chứng cứ này, đối chiếu với quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự, Toà có đủ cơ sở kết luận: hành vi dùng tay kẹp cổ khống chế, dùng lời nói đe dọa buộc em T1 giao tài sản để chiếm đoạt mà bị cáo T thực hiện như đã nêu trên có đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản như Cáo trạng Viện kiểm sát truy tố.

Bị cáo T thực hiện hành vi phạm tội Cướp tài sản trong trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng định khung hình phạt, nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự.

Các bị cáo H và P tuy không trực tiếp thực hiện hành vi khống chế và cướp tài sản của em T1 nhưng đã có hành vi giúp sức tích cực tạo điều kiện cho T thực hiện hành vi phạm tội. Căn cứ Điều 20 Bộ luật hình sự, đủ cơ sở xác định các bị cáo đồng phạm với T. Nên các bị cáo H, P cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến hai khách thể là quyền sở hữu tài sản và sức khoẻ của người bị hại. Các bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nên nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, là phạm tội nhưng vì mong muốn nhanh chóng có tiền tiêu xài, thoả mãn nhu cầu cá nhân, các bị cáo vẫn thực hiện, hành vi này thể hiện tính cố ý.

Nhân thân các bị cáo đều là người không có nghề nghiệp ổn định, thường xuyên tụ tập lại với nhau để vi phạm pháp luật. Đã phạm tội nghiêm trọng, hành vi thể hiện rõ bản chất xem thường pháp luật, nên cần phải được xử lý nghiêm.

Vụ án có 03 bị cáo, tất cả cùng cố ý thực hiện hành vi nên là đồng phạm. Tuy nhiên xét tính chất, vai trò, nhân thân của từng bị cáo có khác nhau.

Đối với T. Là bị cáo tham gia vụ án ngay từ đầu, trực tiếp bàn bạc với bị cáo P và bị cáo H, vạch kế hoạch phân công vai trò của từng người khi tham gia vào vụ án. Sau khi cướp được tài sản thì T là người được chia nhiều nhất, hành vi của bị cáo T thể hiện vai trò là người chủ mưu trong vụ án. Nhân thân bị cáo T đã từng một lần bị xử lý hình sự, dù đã được xoá án tích, nhưng vẫn tính bị cáo có nhân thân xấu. Nay lại tiếp tục phạm tội điều đó chứng tỏ bị cáo bản chất khó giáo dục của bị cáo. Lần phạm tội này bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự là phạm tội với trẻ em. Tổng hợp các yếu tố này cần phải xử bị cáo T mức hình phạt nghiêm khắc trong vụ án, đủ để răn đe, giáo dục.

Đối với P. Là người khởi nguồn cho việc cướp, bị cáo P trước đó đã có sự bàn bạc thống nhất với T về cách thức thực hiện hành vi. Mặc dù không trực tiếp khống chế cướp tài sản của T1, nhưng đã giúp sức chỉ cho T biết T1 là người có tài sản, giả vờ tạo hiện trường trực tiếp chở người bị hại T1 cho đồng bọn ra tay. Hành vi của P thể hiện vai trò là người giúp sức cho T. Nhân thân bị cáo P là người chưa thanh niên, nhưng sớm tỏ ra lêu lõng, tụ tập với phần tử xấu để phạm tội. Lần phạm tội này bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự là phạm tội với trẻ em. Nên hình phạt dành cho bị cáo P cũng cần ngang bằng với bị cáo bị cáo T, nhưng do bị cáo là người chưa thành niên nên chỉ xử bằng ¾ mức hình phạt áp dụng cho T. Ở bị cáo P điều đáng nói ở đây, chỉ gì muốn giúp cho đồng bọn có tiền tiêu xài bị cáo P đã phản bội lại tình bạn của mình với người bị hại là T1. Đây không những là hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà bị cáo P phải đối diện trong quá trình chấp hành hình phạt, mà bị cáo còn phải đối diện với bản án lương tâm của mình trong thời gian dài.

Đối với H. Là người không tham gia vụ án ngay từ đầu cùng với T và P. Khi được T yêu cầu cùng T đi cướp tài sản, H không có lời lẽ nào khuyên can mà tích cực phối hợp cùng đi xe chung đến thành phố T. Khi T khống chế em T1, H giả vờ khống chế P để tạo hiện trường giả tránh sự phát hiện của bị hại. Hành vi của bị cáo thể hiện vai trò là người giúp sức cho bị cáo T. Nhân thân bị cáo đã từng hai lần bị xử lý hình sự, dù đã được xoá án tích, nhưng vẫn tính bị cáo có nhân thân xấu. Nay lại tiếp tục phạm tội điều đó chứng tỏ bị cáo bản chất khó giáo dục của bị cáo. Lần phạm tội này bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự là phạm tội với trẻ em. Nên hình phạt cũng cần phải xử nghiêm khắc, nhưng có giảm nhẹ hơn so với bị cáo T, P do chỉ tham gia trong vụ án với vai trò giúp sức, số tiền được chia ít.

Ngoài ra, khi quyết định hình phạt cũng có xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần, cụ thể: các bị cáo đều có thái độ thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, được giảm nhẹ theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Người bị hại yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho 03 bị cáo, nên Toà cho cả bị cáo T, P, H được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Gia đình bị cáo T do bà L đại diện tại toà khai tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại cho cả 03 bị cáo, nên Toà cho bị cáo P được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự do là người chưa thành niên. Riêng 02 bị cáo T, H chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Bị cáo T sau khi phạm tội đã đến cơ quan điều tra đầu thú, được xem xét giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Bị cáo P là người chưa thành niên khi phạm tội được xem xét áp dụng Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự.

Căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Toà buộc tất cả các bị cáo phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn đủ để giáo dục.

Về tang vật chứng:

- Một điện thoại di động hiệu Kechaoda - K30, màu đen–xanh.

- Một điện thoại di động hiệu Nokia 105 màu đen.

Là các tài sản dùng vào việc phạm tội nên Toà tịch thu sung công quỹ.

- Tiền Việt Nam: 210.000 (hai trăm mười nghìn) đồng. Là tài sản thuộc sở hữu của bị cáo H, bà L đại diện bồi thường đủ thiệt hại cho người bị hại, nên hoàn trả lại cho bị cáo H sở hữu.

Về trách nhiệm dân sự: tại phiên toà người bị hại em T1 và đại diện là bà H xác  nhận  đã  thoả  thuận  nhận  bồi  thường  của  gia  đình  bị  cáo  T  đủ  số  tiền 30.100.000 (ba mươi triệu một trăm nghìn) đồng. Nay không yêu cầu bồi thường gì thêm, nên Toà không xem xét nữa.

Án phí hình sự sơ thẩm: buộc các bị cáo nộp theo quy định của pháp luật.

Đối với bào chữa của luật sư cho hai bị cáo T, P Toà cơ bản thống nhất chấp nhận mức hình phạt áp dụng cho các bị cáo.

Đối với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà, Toà thống nhất chấp nhận mức hình phạt. Riêng về đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự cho 03 bị cáo, Toà chỉ chấp nhận áp dụng cho bị cáo P do là người chưa thành niên. Còn lại 02 bị cáo T, H Toà không chấp nhận, do số tiền này là của gia đình bồi thường, bản thân các bị cáo T, H không có ý chí tác động gia đình như thừa nhận tại phiên toà, nên Toà chỉ chấp nhận cho giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Ngoài ra Viện kiểm sát không đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điển h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự phạm tội với trẻ em cho các bị cáo là không đánh giá đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội.

Bởi các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: các bị cáo T, P và H phạm tội Cướp tài sản.

Áp dụng: khoản 1 Điều 133; Điều 20; điểm p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Xử  phạt:  Bị  cáo  T  04  (bốn)  năm  tù.  Thời  hạn  tù  được  tính  từ  ngày 17/11/2016.

Áp dụng: khoản 1 Điều 133; Điều 20; điểm p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo H 03 (ba) năm tù. Thời hạn tính từ ngày 10/11/2016.

Áp dụng: khoản 1 Điều 133; Điều 20; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; điểm h khoản 1 Điều 48; Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo P 03 (ba) năm tù. Thời hạn tính từ ngày 30/11/2016.

Áp dụng Điều 228 Bộ luật tố tụng hình sự. Tiếp tục tạm giam các bị cáo 45 ngày để đảm bảo thi hành án. Thời hạn tạm giam tính từ ngày tuyên án ngày 05/4/2017.

Về tang vật chứng: áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.

- Tịch thu sung công quỹ các tài sản sau:

- Một điện thoại di động hiệu Kechaoda - K30, màu đen–xanh.

- Một điện thoại di động hiệu Nokia 105 màu đen.

- Hoàn trả lại cho H: tiền Việt Nam: 210.000 (hai trăm mười nghìn) đồng.

Án phí hình sự sơ thẩm: áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Buộc các bị cáo T, H và P mỗi bị cáo nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng).

Quyền kháng cáo: các bị cáo (đại diện bị cáo chưa thành niên), người bị hại (đại diện người bị hại), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền làm đơn kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Toà tuyên án.  Riêng người vắng mặt tại phiên toà, thời hạn kháng cáo là 15 ngày, tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại UBND xã, phường nơi cư trú.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

878
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 03/2017/HSST ngày 05/04/2017 về tội cướp tài sản

Số hiệu:03/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Vị Thanh - Hậu Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/04/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;