Bản án 02/2020/HS-PTNCTN ngày 02/03/2020 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 02/2020/HS-PTNCTN NGÀY 02/03/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 27 tháng 02 năm 2020 đến ngày 02 tháng 3 năm 2020 tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 08/2019/TLPT-HSNCTN ngày 05 tháng 8 năm 2019 đối với bị cáo A và B do có kháng cáo của các bị cáo A, B đối với bản án hình sự sơ thẩm số 66/2019/HS-ST ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Thái Nguyên.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. A; Sinh ngày 14 tháng 4 năm 1976. (Tên gọi khác: Không); Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố TĐ, thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Văn hóa: 07/12; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Con ông X, sinh năm 1938; Con bà Y, sinh năm 1951; Vợ: Đặng Thị T, sinh năm 1976; Có hai con (con lớn sinh năm 1997, con nhỏ sinh năm 2007); Gia đình có 04 anh em. Bị cáo là con thứ tư; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo A bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại tại địa A. (Có mặt)

2. B; Sinh ngày 10 tháng 8 năm 1997 (Tính đến thời điểm phạm tội, bị cáo B được 15 tuổi 6 tháng 13 ngày, là Người chưa thành niên phạm tội). (Tên gọi khác: Không); Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố TĐ, thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ văn hóa: lớp 07/12; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Con ông A, sinh năm 1976; Con bà Đặng Thị T, sinh năm 1976; Vợ, Con: Chưa có; Gia đình có 02 anh em. Bị cáo là con thứ 1; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo B bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại tại địa A. (Có mặt)

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo B (không kháng cáo): Bà Đặng Thị T, sinh năm 1976

Nơi thường trú: Tổ dân phố TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. Có mặt

- Người bào chữa cho bị cáo A và bị cáo B: Ông S và ông N - Luật sư thuộc đoàn luật sư tỉnh Thái Nguyên.

(Có mặt tại phiên tòa)

- Bị hại: Ông L, sinh năm 1964 (đã chết).

Nơi thường trú: Bản TB, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang

Người đại diện hợp pháp của bị hại đồng thời là người được bà Nguyễn T. N, chị Vi T.H.N, anh Vi Đ.L ủy quyền (không kháng cáo):

Chị M, sinh năm 1987 (là con đẻ của bị hại L)

Nơi thường trú: Bản TB, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Có mặt)

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Bà X, Luật sư thuộc đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên. (Có mặt)

- Người làm chứng:

1. Anh Chu V.C, sinh năm 1977

Nơi thường trú: Bản LL, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Có mặt)

2. Chị Nguyễn T.T , sinh năm 1969

Nơi thường trú: Tổ dân phố ĐX, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

3. Anh Nguyễn V.H, sinh năm 1968

Nơi thường trú: Tổ dân phố ĐX, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Có mặt buổi sáng, vắng mặt buổi chiều ngày 27/2/2020 và ngày 02/3/2020)

4. Anh Dương Đ. V, sinh năm 1994.

Nơi thường trú: Tổ dân phố TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

5. Anh Dương Đ.M , sinh năm 1988

Nơi thường trú: Tổ dân phố TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

6. Anh Nguyễn V.C, sinh năm 1971

Nơi thường trú: Tổ dân phố ĐX, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

7. Anh Diệp V.N, sinh năm 1973

Nơi thường trú: Tổ 3, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

8. Anh Nguyễn V.K, sinh năm 1981

Nơi thường trú: Tổ dân phố TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Có mặt buổi sáng, vắng mặt buổi chiều ngày 27/2/2020 và ngày 02/3/2020)

9. Anh Lưu Đ.Q, sinh năm 1989

Nơi thường trú: Bản TB, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Vắng mặt)

10. Chị Hoàng T.N, sinh năm 1969

Nơi thường trú: Bản TB, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Vắng mặt)

11. Anh Dương Đ.I, sinh năm 1996

Nơi thường trú: Tổ TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Có mặt)

12. Anh Hoàng V.Q, sinh năm 1981

Nơi thường trú: Tổ TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

13. Bà Nguyễn T.C, sinh năm 1952

Nơi thường trú: Xóm ĐA, xã ĐT, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Vắng mặt)

14. Ông Nguyễn Q.H, sinh năm 1982

Nơi thường trú: Bản BM, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Vắng mặt)

15. Ông Vi V.L, sinh năm 1970

Nơi thường trú: Bản TB, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Có mặt)

16. Ông Vi V.Đ, sinh năm 1984

Nơi thường trú: Bản TB xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Vắng mặt)

17. Ông Vi V.M, sinh năm 1961

Nơi thường trú: Bản ĐĐ, xã ĐV, huyện , tỉnh Bắc Giang. (Vắng mặt)

18. Ông Vi V.T, sinh năm 1971

Nơi thường trú: Bản TB, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. (Vắng mặt)

19. Bà Cao T.T, sinh năm 1985

Nơi thường trú: Tổ dân phố TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

20. Bà Dương T.O, sinh năm 1965

Nơi thường trú: Tổ dân phố QT, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên (Vắng mặt)

21. Bà Dương T.T, sinh năm 1963

Nơi thường trú: Tổ dân phố TĐ, Thị trấn HS, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

22. Anh Dương V.P, sinh năm 1982

Nơi thường trú: Tổ dân phố TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

23. Ông Dương V.T, sinh năm 1964

Nơi thường trú: Tổ dân phố TĐ, Thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. (Vắng mặt)

24. Ông Trần T.H - Công an huyện Y, tỉnh Bắc Giang.

(Vắng mặt)

- Giám định viên:

1. Ông Trương Quang N - Giám định viên Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bắc Giang. (Vắng mặt tại phiên tòa)

2. Ông Lê Bá N1 - Giám định viên Viện khoa học hình sự - Bộ Công An. (Vắng mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 14 giờ ngày 23/02/2013, anh L, sinh năm 1964, trú tại bản TB, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang điều khiển xe mô tô BKS: 98N3 - 4174 đi từ nhà lên nhà vợ anh Chu V.C là chị Hoàng T.Đ ở tổ QT, thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên chơi. Đến khoảng 15 giờ, anh L và anh C đèo nhau bằng xe mô tô của anh L vào nhà anh Nguyễn V.H ở tổ ĐX, thị trấn HS, huyện P, tỉnh Thái Nguyên chơi.

Khi đến nhà anh Nguyễn V.H, anh L và anh C ngồi uống nước, nói chuyện cùng vợ chồng anh H thì có A đến chơi. Trong lúc nói chuyện, anh C và A xích mích về việc cãi chửi nhau qua điện thoại từ năm 2012 và được mọi người can ngăn. Sau đó, anh C dùng điện thoại di động của mình và gọi điện thoại nói “Chúng mày lên ngay”. A nghe thấy, nghĩ anh C gọi người đến đánh mình nên A gọi điện cho Dương Đ. V là cháu của A và bảo: “Mày đang ở đâu có thằng đang dọa đánh chú”. A đi ra ngoài, nhìn thấy con trai là B đang chăn bò gần đó cùng Dương Đ.I và Dương Đ.M. A gọi to “Chúng mày lên đây có thằng chuẩn bị đánh tao”. Nghe thấy vậy, B, I và M đi vào nhà anh H cùng V vừa đến. A đi vào trong nhà, dùng tay túm cổ áo kéo anh C ra sân. Cùng lúc đó, B, I, M và V xông vào đánh anh C nhưng mọi người can ngăn nên sự việc dừng lại. A nói với B, I, M, V “Chúng mày ra đợi ở ngoài đường”. Sau đó, A đi ra khu vực cột mốc bên trái đường nhựa, hướng thị trấn HS đi xã TT để đợi với mục đích chặn đánh C.

Lúc này, trong nhà anh H có Nguyễn V.K và Nguyễn V.C đến chơi. Mọi người uống nước, nói chuyện khoảng 30 phút thì anh L đi về. Anh C thấy A đợi ngoài cổng nhà anh H nên chưa dám về. Khi anh L lên xe đi ra cổng, đến ngã ba đường nhựa, A chặn xe anh L lại, dùng tay phải tát 01 phát trúng vào vùng trán của anh L, làm mũ bảo hiểm tuột ra rơi xuống đất. Anh L vẫn ngồi trên xe và nói “Anh đánh nhầm người rồi” nhưng A tiếp tục dùng chân phải đạp 01 phát vào vùng bụng của anh L, làm anh L và xe bị đổ ngã về phía bên trái, trong tư thế ngửa ra sau, đập đầu xuống đường. B đang đứng ở khu vực đường nhựa gần đó chạy đến, cúi xuống, dùng tay đấm vào sườn phải và dùng chân phải đá vào đùi anh L. Nhìn thấy anh L bị đánh, anh C chạy về nhà anh H hô hoán. Thấy vậy, anh H và anh B chạy ra vị trí L bị đánh.

Lúc này, anh L đã đứng dậy, bị chảy máu mũi và chân phải. Anh K thấy xe của anh L bị đổ, nhiều xăng chảy ra nên anh K dựng xe lên nhưng anh L lại dùng chân đạp đổ xe xuống đất. B lấy đà lao vào từ phía trước, dùng chân phải đạp về phía ngực gần bả vai phải của anh L. Anh L nghiêng người nên bị đạp trúng bắp tay phải và ngã ngửa ra sau, đập phần sau đầu xuống đường. Anh L ôm đầu kêu đau. Đánh xong, B đi về nhà còn anh L được anh H dùng thuốc lào rịt cầm máu ở vết rách da, chảy máu sau đầu.

Sau đó, anh C điều khiển xe mô tô đèo anh L vào nhà chị Bùi B.L ở xóm TL, xã TH, huyện P, tỉnh Thái Nguyên là bạn L chơi. Khoảng 20 giờ 15 cùng ngày, anh L và anh C đi về nhà vợ C. Khi anh L kêu đau ở 2 bên mạng sườn thì anh C lấy dầu xoa cho anh L. Đến 22 giờ cùng ngày, anh L điều khiển xe mô tô, đèo anh C đi lên nhà anh H để hỏi chuyện anh L bị đánh. Lên nhà anh H không gặp anh H, anh L đèo anh C về nhà vợ C. Sau đó, anh L một mình đi xe về nhà. Đến khoảng 13 giờ ngày 25/02/2013, anh Vi V.T phát hiện anh L chết ở trên giường tại nhà anh L. Sự việc đã được trình báo đến Công an xã ĐV và Công an huyện Y, tỉnh Bắc Giang.

Ngày 25/02/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Y, tỉnh Bắc Giang ra quyết định trưng cầu Phòng giám định pháp y bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang giám định nguyên nhân chết của anh L.

Kết quả khám nghiệm tử thi xác định:

* Khám ngoài: Tử thi ở giai đoạn cứng xác. Chiều dài tử thi: 1,75 m.

- Mặc áo len dài tay màu đen, trong mặc áo phông màu trắng, quần kaki màu củ đậu, trong mặc quần thể thao màu xanh sẫm, trong cùng mặc quần đùi màu trắng hoa văn đen.

- Hai mắt hé mở, các hố tự nhiên khô. Da, niêm mạc nhợt nhạt. Cung mày trái có 2 vết trợt xước da dài 0,5cm và 0,8cm. Niêm mạc miệng môi dưới có vết đụng dập kích thước 0,5cm x 0,5cm. Niêm mạc miệng môi trên có vết đụng dập kích thước 1cm x 0,5cm. Khuỷu tay trái có vết trợt da, kích thước 1cm x 0,4cm và 02 vết bầm tím kích thước 1,5cm x 1,5cm và 2,5cm x 1,5cm. Thành bụng phải có vết xuất huyết kích thước 11 cm x 4,5cm. Thành bụng trái có vết xuất huyết kích thước 11 cm x 4cm. Mặt trước 1/3 dưới cẳng chân phải có vết trợt xước da dài 2,5cm.

* Giải phẫu tử thi xác định:

- Tim: Màu nâu, các mạch máu bề mặt tim sung huyết. Cơ tim chắc, các van tim trắng mềm. Buồng thất phải có u màu vàng kích thước 6,5cm x 3cm, một phần u dính dưới van 3 lá, một phần u dính ở phía trong mỏm tim. Buồng thất phải và nhĩ phải có máu đông màu đỏ sẫm kích thước 7cm x 6cm. Buồng thất trái và nhĩ trái có máu đông màu đỏ sẫm kích thước 5 cm x 3 cm.

- Phổi: Màu đỏ, màng phổi trái dính chặt vào thành ngực, màng phổi phải có nhiều bóng khí. Diện cắt phổi không đều, chỗ màu sẫm đen, chỗ màu trắng đục, chỗ màu đỏ, trong lòng khí phế quản có dịch màu đỏ.

- Gan: Kích thước to hơn bình thường, màu nâu nhạt, có chỗ màu sẫm đen, bề mặt gan không nhẵn. Diện cắt chắc không đều có máu chảy ra.

- Lách: Màu tím nhạt, diện cắt đều, có máu chảy ra.

- Dạ dày: Chướng hơi, sung huyết, bên trong dạ dày chứa thức ăn đang tiêu hóa còn xác định rau.

- Ruột: Chướng hơi, sung huyết, bên trong chứa thức ăn đang tiêu hóa.

- Thận: Màu nâu, bên trong chứa đầy mủ màu trắng sữa, nhu mô thận còn một lớp mỏng.

- Sọ não: Tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh chẩm kích thước 18cm x 8cm. Mở hộp sọ thấy các mạch máu bề mặt vỏ não sung huyết đọng lớp dịch màu đỏ. Tụ máu dưới màng cứng vùng đỉnh chẩm 02 bên kích thước 9cm x 8cm. Tụ máu dưới màng cứng vùng trán 02 bên kích thước 8cm x 5cm. Tổ chức não phân biệt rõ chất trắng và chất xám. Xương sọ trắng nhẵn.

Tại bản giám định pháp y số 1983/13/GĐPY ngày 25/2/2013 của Phòng giám định pháp y bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang kết luận: anh L chết do chấn thương sọ não tụ máu nội sọ.

* Kiểm tra xe mô tô, BKS: 98N3 - 4174, mũ bảo hiểm và điện thoại di động anh L sử dụng trong ngày 23/02/2013, xác định:

- Xe mô tô, BKS: 98N3 - 4174 có các dấu vết: Bề mặt trên chắn bùn phía trước có vết cầy xước dính bùn đất kích thước 7cm x 3cm, bên trái mặt trước đèn pha có dấu vết xước dính bùn đất kích thước 8cm x 4,5cm. Đo từ điểm gần nhất ở vết xước đèn pha đến điểm gần nhất của tay nắm bên trái xe máy là 18cm, gương chiếu hậu bên trái bị đẩy nghiêng về phía sau làm vỡ phần ốp nhựa của đèn pha điểm vỡ ở ngoài cùng ốp đèn pha bên trái kích thước 7cm x 6cm, xung quanh ốp nhựa phía trên gương chiếu hậu có dính bùn đất. Mặt ngoài yếm phải xe máy có vết nứt dài 8cm, đo từ vết nứt đó xuống điểm cuối cùng của yếm là 28cm.

- Mũ bảo hiểm nhãn hiệu Miba - phần lưỡi trai bằng nhựa mầu đen bị vỡ mất phần nhựa.

Ngày 18/5/2015, Tòa án nhân dân huyện P xét xử sơ thẩm, tuyên bố bị cáo A, B phạm tội cố ý gây thương tích. Xử phạt A 08 (tám) năm tù. Bị cáo B 30 (ba mươi) tháng tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm hai bị cáo A và B kháng cáo cho rằng bị oan.

Ngày 21/9/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 42/HSST ngày 18/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện P để giải quyết lại theo thủ tục chung.

Ngày 28/11/2017, Viện khoa học hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an đã tiến hành khai quật tử thi L giám định lại và tại Kết luận giám định pháp y số: 5887/C54-TT1 ngày 8/3/2018 kết luận:

“- Nguyên nhân chết của ông L: Chấn thương sọ não; xuất huyết dưới nhện vùng đình chẩm, tiểu não, tụ máu, đụng giập nhu mô não thùy trái hai bên.

- Thời gian: Từ lúc chết đến lúc khám nghiệm tử thi từ 12 giờ đến 36 giờ.

- Cơ chế: Các tổn thương vùng đầu của ông L là do cơ chế đối lực gây nên; vùng chẩm va đập vào vật tày cứng diện rộng tạo nên các tổn thương tại chỗ (tụ máu da đầu, xuất huyết dưới nhện vùng đình chẩm, xuất huyết dưới nhện tiểu não) và tổn thương vùng đối diện (tụ máu và đụng giập nhu mô não thùy trái hai bên)

- Các tổn thương vùng đầu của anh L là do chấn thương gây nên.

- Việc anh L ngã ngửa, đập vùng chẩm xuống nền cứng phù hợp với tình trạng chấn thương vùng đầu của anh L và có thể diễn biến từ từ theo nhiều giờ mới tử vong.

- Nếu ngã không có vết thương ở đầu thì có thể tử vong hoặc không tùy theo các tổn thương nhu mô bên trong.

- Vết rách da đầu gây chảy máu thì sau 2 ngày không thể liền.”

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 66 ngày 24/6/2019 Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Thái Nguyên đã xét xử các bị cáo A và B phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

1. Áp dụng: Khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm v khoản 1 Điều 51; điểm d, o khoản 1 Điều 52 và Điều 38 của Bộ luật hình sự 2015. Xử phạt: bị cáo A 08 (Tám) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành bản án.

2. Áp dụng Khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 38 Điều 91 và Điều 101 của Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt: Bị cáo B 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành bản án.

3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng tại Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 2015 và các Điều 357, 468, 584, 585, 586, 587, 591 của Bộ luật dân sự;

Buộc bị cáo A, B phải bồi thường cho gia đình bị hại (Người đại diện của bị hại là chị M), tổng các khoản thiệt hại được xác định thành tiền là 104.300.000đ (Một trăm linh bốn triệu, ba trăm nghìn đồng) Trong đó: Bị cáo A phải bồi thường 69.540.000đ (sáu mươi chín triệu, năm trăm bốn mươi nghìn đồng), bị cáo B phải bồi thường 34.760.000đ (Ba mươi tư triệu, bẩy trăm sáu mươi nghìn đồng).

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, buộc các bị cáo chịu án phí và thông báo quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 01/7/2019 bị cáo A kháng cáo với nội dung:

A bị Tòa án nhân dân huyện P xét xử 08 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự là bị kết tội oan, kháng cáo toàn bộ bản án của Tòa án nhân dân huyện P tỉnh Thái Nguyên đã xét xử ngày 24/6/2019 với lý do: Ngày 23/02/2013 A có tát ông L nhưng không thể gây ra cái chết cho ông L. Quá trình điều tra vụ án A bị cán bộ điều tra đánh đập, đe dọa, bức cung buộc phải nhận tội, toàn bộ lời khai của A đều được cán bộ điều tra hướng dẫn ghi chép, đọc cho viết nên không phải là ý chí tự nguyện của A, khi điều tra lại vụ án theo bản án phúc thẩm số 154 ngày 21/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mới khách quan, đúng pháp luật. A bị Công an huyện P giam giữ trái pháp luật 03 ngày 02 đêm (Từ 26 đến 28/02/2013). Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án, minh oan cho A.

Ngày 01/7/2019 bị cáo B kháng cáo với nội dung:

B bị khởi tố bị can khi mới đủ 15 tuổi 6 tháng 13 ngày, cơ quan Công an không cử người bào chữa cho B là vi phạm pháp luật, bà Đặng Thị T và bà Dương T.O không phải là người bào chữa cho B, không tham gia chứng kiến khi B bị hỏi cung mà chỉ được ký vào biên bản hỏi cung đã lập từ trước là không hợp lệ. Ngày 23/02/2013 B có đánh ông L nhưng không làm ông L ngã ngửa đập đầu xuống đường. Cái chết của ông L không phải do B gây ra, B bị kết tội oan. Quá trình điều tra vụ án B bị cán bộ điều tra đánh đập, tra tấn, ép buộc phải nhận tội. Toàn bộ lời khai của B đều được cán bộ điều tra ghi sẵn, đọc cho viết và buộc phải ký nên nội dung không đúng sự thật, lời khai của B kể từ ngày điều tra lại vụ án mới là khách quan, đúng sự thật. B bị Công an huyện P giam giữ trái pháp luật 03 ngày 02 đêm (Từ 26 đến 28/02/2013). Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên minh oan cho B.

Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo A, B giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bị cáo A thừa nhận có tát anh L làm rơi mũ bảo hiểm, bị cáo B thừa nhận dùng chân, tay đấm, đá anh L, cả hai bị cáo đều thừa nhận hành vi đánh anh L là sai, vi phạm pháp luật. Các bị cáo đều cho rằng khi đánh anh L thì không làm anh L bị ngã, không thể gây ra cái chết cho anh L. Các bị cáo bị oan.

Bà Đặng Thị T là người đại diện hợp pháp cho bị cáo B, tại phiên tòa cho rằng: bà không được tham gia, khi lấy lời khai của bị cáo B, bà có ký vào vào bản khai của bị cáo B nhưng không biết bản khai có nội dung gì, việc bà chấp nhận làm bào chữa cho bị cáo B là do Công an huyện P yêu cầu bà phải làm, bà không hiểu biết gì mà làm người bào chữa, con của bà là bị cáo B khi đó mới hơn 15 tuổi, lẽ ra Công an phải cử người bào chữa cho B, sau khi A và B được đưa lên Công an huyện P và bị giữ lại, hàng ngày bà phải nấu cơm mang cho hai bố con ăn, Công an đã giam giữ chồng bà và con trai bà không có lệnh. Chồng và con bà bị oan.

Tại phiên tòa, anh Chu V.C xác định anh trực tiếp nhìn thấy bố con ông A đánh anh L ở ngoài đường gần nhà anh H làm anh L bị ngã ra đường, anh C còn vào gọi anh H và anh K cùng chạy ra chỗ anh L bị ngã và anh cùng anh H nâng anh L dậy, thấy anh L bị chảy máu mũi và ở mí mắt, ở đầu, anh H còn rịt thuốc lào vào chỗ chảy máu sau đó anh đi xe máy chở anh L về nhà vợ anh ở cách đó mấy trăm mét, anh C thấy anh L kêu đau ở sườn thì anh còn lấy dầu xoa cho L, anh L tự về Bắc Giang một mình. Anh C xác định anh L chết là do bố con A, B đánh.

Tại phiên tòa hôm nay, người làm chứng anh Nguyễn V.H trình bày: Khi anh C chạy vào bảo với anh là anh L bị đánh ngoài đường thì anh và anh K cùng đi ra, H thấy anh L đang nằm dưới đất sau đó anh L ngồi dậy, có máu chảy ở mũi và trên sau đầu, anh đã xin thuốc lào rịt cho anh L. Anh H xác định những lời khai của anh tại cơ quan điều tra là hoàn đúng sự thật, tại phiên tòa hôm nay anh giữ nguyên các lời khai tại cơ quan điều tra.

Anh K xác định lời khai của anh tại cơ quan điều tra là đúng, sau khi sự việc xô sát xảy ra thì anh và anh H mới đi ra và chính anh là người dựng xe máy cho anh L, anh không đánh anh L.

Tại phiên tòa anh Vi V.L trình bày: Sau khi anh L chết anh được cơ quan Công an huyện Y, tỉnh Bắc Giang mời làm đại diện gia đình, làm chứng khi khám nghiệm tử thi của anh L, trước khi mổ tử thi anh thấy giám định pháp y đã cắt toàn bộ tóc ở phía sau đầu của anh L và nhìn thấy sau gáy của anh L có vết rách da đầu đã khô máu. Anh Vi V.L cam đoan lời khai của anh tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay là đúng sự thật.

Tại phiên tòa hôm nay, phần kết luận vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên sau khi phân tích tính chất vụ án cho rằng: Việc điều tra, truy tố, xét xử và áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm đối với bị cáo và bị hại là đúng quy định pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo A 08 năm tù, bị cáo B 30 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội, đúng với tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo. Kháng cáo kêu oan của các bị cáo A và B không có căn cứ. Từ đó Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo A và B. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Thái Nguyên.

Người bào chữa cho bị cáo A, B - Luật sư N và S trình bày quan điểm bào chữa:

Các luật sư không nhất trí bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Viện kiểm sát không làm rõ các nội dung kháng cáo của hai bị cáo. Luật Sư S thừa nhận hai bị cáo đã dùng chân, tay đấm đá anh L là vi phạm pháp luật. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xác định nguyên nhân của anh L chết từ đâu. Căn cứ vào hồ sơ, lời khai của các bị cáo và những người làm chứng đã phù hợp chưa, xem lại hai bản giám định của cơ quan giám định có đủ căn cứ hay không, kết luận của hai bản giám định pháp y rất mâu thuẫn. Khi khám ngoài tử thi ông L thì trong biên bản không thể hiện có vết thương ở đầu, tại kết luận giám định lần 2 có ghi: Sau hai ngày thì vết thương không thể liền, tuy nhiên giám định lần 1 lại không có dấu vết gì. Khi sự việc xảy ra không có cơ quan chuyên môn nào khám, xem xét vết thương, cơ quan hành chính cũng không lập biên bản về hành vi đánh ông L, do vậy khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị Viện kiểm sát làm rõ giam giữ trái phép của Công an huyện P đối với hai bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo kêu oan của hai bị cáo.

Luật sư N bào chữa cho hai bị cáo cho rằng: Tại phiên tòa, các bị cáo kêu oan chứ không xin giảm hình phạt. Sau khi vụ án bị hủy để điều tra bổ sung, cơ quan Điều tra không khắc phục được tình trạng chứng cứ vừa thiếu, vừa yếu. Tại tòa, anh I là người làm chứng khai không nhìn thấy các bị cáo đánh nhau, hai biên bản giám định pháp y của cơ quan giám định còn mâu thuẫn cụ thể: Viện khoa học hình sự Bộ Công an căn cứ các tài liệu của cơ quan giám định pháp y tỉnh Bắc Giang để kết luận là vô lý, không đúng sự thật vì trong kết luận thì ông L có nhiều bệnh lý, chưa có cơ quan nào trả lời việc ông L sau hai ngày mới chết, có thể ông L đi về bằng xe máy bị ngã dẫn đến chết, lời khai của nhân chứng có mâu thuẫn nhưng cơ quan điều tra không cho đối chất, không dựng lại hiện trường, bị cáo B khi phạm tội cơ quan điều tra không tiến hành cử luật sư bào chữa là vi phạm tố tụng, các bị cáo bị tạm giữ không có lệnh là vi phạm tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện P để giải quyết lại.

Các bị cáo A và B nhất trí lời bào chữa của hai luật sư, không tranh luận gì.

Người đại diện hợp pháp của bị cáo B tranh luận: Bà T cho rằng chồng và con bà bị giam giữ trái pháp luật, bà không được tham gia khi lấy lời khai của bị cáo B, việc bà chấp nhận làm bào chữa cho bị cáo B là do Công an huyện P yêu cầu bà phải làm, bà không hiểu biết gì mà làm người bào chữa, con của bà là bị cáo B khi đó mới hơn 15 tuổi, lẽ ra Công an phải cử người bào chữa cho B nhưng lại không cử người bào chữa là vi phạm tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử minh oan cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên tranh luận với lời bào chữa của các Luật sư:

Hai bản kết luận của cơ quan giám định đều thể hiện rõ nguyên nhân chết của ông L và đây là kết luận của cơ quan chuyên môn, luật sư cho rằng khi khám nghiệm tử thi của ông L, biên bản giám định không thể hiện có dấu vết rách da đầu. Vấn đề này những người làm chứng đã xác định rõ trong hồ sơ. Tại phiên tòa, anh Vi V.L khẳng định anh được mời tham gia chứng kiến khám nghiệm tử thi của anh L thì thấy anh L có vết rách ra đầu còn máu khô. Về vấn đề này, cơ quan điều tra đã có biên bản làm việc lưu trong hồ sơ.

Luật sư cho rằng cơ quan điều tra bắt giữ hai bị cáo từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 2 năm 2013 mà không có lệnh là không có căn cứ. Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện cán bộ điều tra Công an huyện P đã văn bản trình bày rõ. Do đó, không có căn cứ nào chứng minh cơ quan điều tra Công an huyện P giam giữ các bị cáo không có lệnh. Luật sư và các bị cáo cho rằng: Lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra là do bị ép cung, bị đánh và cán bộ điều tra hướng dẫn và bắt các bị cáo phải ghi theo nhưng tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay không đưa ra được bằng chứng chứng minh. Tài liệu trong hồ sơ không có dấu hiệu gì thể hiện việc ép cung.

Việc luật sư cho rằng bị cáo B chưa thành niên và không cử người bào chữa là không có căn cứ vì trong hồ sơ thể hiện: Cơ quan điều tra đã mời bị cáo B và bà T đến để làm việc và giải thích quy định về việc lựa chọn người bào chữa. Bị cáo B cũng có đơn lựa chọn bà T là người bào chữa cho mình, bà T đã nhất trí làm người bào chữa cho bị cáo B. Việc bà T cho rằng bà không được tham gia làm việc lần nào mà chỉ được Công an bảo ký vào các lời khai của B nhưng không đưa ra được căn cứ gì chứng minh. Việc cơ quan điều tra chấp nhận bà T bào chữa cho bị cáo B đúng quy định tại Điều 57 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Về việc luật sư đề nghị làm rõ việc để tài liệu trao đổi chuyên môn lưu trong hồ sơ. Đây không phải là chứng cứ của vụ án, mà đó là tài liệu trao đổi chuyên môn trước khi khởi tố vụ án giữa hai cơ quan để có căn cứ xác định có khởi tố vụ án hay không theo quy định.

Luật sư cho rằng ông L sau hai ngày mới bị chết, có thể ông L chết do tự ngã. Về vấn đề này, sau khi vụ án được điều tra lại, các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện: Tại các cung đường anh L về không bị tai nạn giao thông và không bị ai gây thương tích cho L. Những người làm chứng là hàng xóm của anh L đều xác định từ sáng ngày 24/2/2013 đến ngày 25/02/2013 anh L ở nhà một mình, không có ai đến gây thương tích cho L, thấy anh L sức khỏe mệt mỏi, mặt nhăn nhó, hỏi không nói chuyện với ai. Nguyên nhân anh L chết đã được làm rõ trong hai bản kết luận giám định của cơ quan giám định, phù hợp với lời khai ban đầu của bị cáo B và bị cáo A và lời khai của những người làm chứng anh H, anh C, anh K và anh Q, anh I. Do vậy, không có căn cứ xác định anh L chết do tự ngã.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại L, luật sư X trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Nhất trí với kết luận của Đại diện Viện kiểm sát tại tòa. Các tài liệu trong hồ sơ thể hiện có việc xô sát giữa hai bị cáo và người bị hại dẫn đến anh L bị chết. Về nguyên nhân anh L chết là do hai bị cáo A và B gây nên, cơ quan điều tra đã tiến hành đầy đủ các thủ tục tố tụng, hai bản kết luận giám định pháp y của cơ quan giám định đã kết luận về nguyên nhân chết của anh L là do chấn thương sọ não, lời khai ban đầu của hai bị cáo là khách quan và phù hợp với lời khai của những người làm chứng, cả hai bị cáo đều khai được đạp vào người bị hại nên bị hại ngã đập đầu xuống đường. Sau khi vụ án bị hủy thì các bị cáo đã thay đổi lời khai. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Thái Nguyên. Buộc các bị cáo phải bồi thường tổn thất tinh thần và tiền mai táng phí cho gia đình bị hại như bản án sơ thẩm.

Người đại diện hợp pháp cho bị hại, chị M tranh luận: Chị M nhất trí với quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, không bổ sung, tranh luận gì thêm

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên sau khi tranh luận lời bào chữa của luật sư N, S và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm đã kết luận.

Các bị cáo nhất trí lời bào chữa của luật sư.

Lời nói sau cùng bị cáo A và B mong Hội đồng xét xử xem xét minh oan cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đơn kháng cáo của các bị A và B Làm trong hạn luật định được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa hôm nay vắng mặt một số người làm chứng, người giám định. Các bị cáo A, B và người bào chữa cho hai bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập đầy đủ những người làm chứng và giám định viên. Hội đồng xét xử thấy rằng: Những người tham gia tố tụng này đều đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần. Riêng đối với anh Hoàng V.Q Tòa án đã có quyết định dẫn giải đến phiên tòa nhưng do anh Q không có mặt tại địa phương nên không thể thực hiện dẫn giải anh Q đến phiên tòa (có biên bản làm việc của Công an), những người này đã có đầy đủ lời khai trong hồ sơ vụ án, do vậy, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định.

[3]. Tại phiên tòa, các bị cáo và người bào chữa cho hai bị cáo cho rằng: Quá trình điều tra các bị cáo bị ép cung, khi lấy lời khai của bị cáo B là người chưa thành niên, cơ quan điều tra không cử người bào chữa cho bị cáo B, mẹ của bị cáo B không phải là người bào chữa cho bị cáo. Bà T là người đại diện hợp pháp cho bị cáo B cho rằng, khi cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai của B thì bà không được tham gia mà chỉ được ký vào các lời khai của B. Các bị cáo A và B, người đại diện hợp pháp cho bị cáo B, người bào chữa cho bị cáo B xác định có vi phạm thủ tục tố tụng do không cử người bào chữa cho B khi tiến hành điều tra vụ án. Hội đồng xét xử thấy rằng:

Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện. Tại thời điểm cơ quan Điều tra tiến hành lấy lời khai của các bị cáo A và B và bản tự khai của cả hai bị cáo. Các bị cáo đều xác định lời khai của các bị cáo là hoàn toàn đúng, đối với lời khai của bị cáo B còn có người đại diện hợp pháp (mẹ đẻ của bị cáo) ký vào các bản ghi lời khai. Tại đơn xin lựa chọn người bào chữa của bị cáo B đã lựa chọn bà Đặng Thị T là mẹ đẻ của B làm người bào chữa cho bị cáo B. Cơ quan Điều tra đã tiến hành lập biên bản ghi lời khai đối với bà T (Bút lục 136 tập 1), Bà T đã được cơ quan điều tra giải thích rõ về quyền và trách nhiệm tham gia bào chữa cho B và đồng ý tham gia bào chữa cho B. Như vậy, theo quy định tại Điều 56 của bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 72 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) quy định: Người bào chữa có thể là “Người đại diện của của người bị buộc tội”. Khoản 2 Điều 57 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 75 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) quy định về lựa chọn người bào chữa như sau: “Trong trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ...”

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên...

Như vậy, trong trường hợp bị cáo B và người đại diện hợp pháp cho bị cáo B không mời người bào chữa thì cơ quan Điều tra mới phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ. Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện, Bị cáo B lựa chọn bà T làm người bào chữa và được bà T chấp nhận. Cơ quan điều tra đã chấp nhận cho bà T là mẹ đẻ của bị cáo B bào chữa cho bị cáo là đúng quy định tại điều 56 và Điều 57 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Việc bà T cho rằng bà không có mặt để tham gia khi cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai của bị cáo B và trong các bản tự khai của bị cáo B mà chỉ được ký vào các bản khai của bị cáo B là không có cơ sở.

Các bị cáo A và B cho rằng lời khai nêu trên là do bị điều tra viên ép cung. Tuy nhiên, không có căn cứ thể hiện có việc bị ép cung như các bị cáo trình bày. Do đó, kháng cáo của các bị cáo A và bị cáo B và quan điểm bào chữa của người bào chữa cho hai bị cáo tại phiên tòa là không có cơ sở chấp nhận.

Các bị cáo A và bị cáo B cho rằng bị Công an huyện P giam giữ trái pháp luật 03 ngày 02 đêm (Từ 26 đến 28/02/2013) nhưng tại phiên tòa, các bị cáo không có căn cứ nào chứng minh về việc cơ quan Điều tra công an huyện P đã giam, giữ các bị cáo. Vấn đề này đã được cán bộ điều tra Công an huyện P có văn bản trình bày rõ. Do đó, không có căn cứ nào chứng minh cơ quan điều tra Công an huyện P giam giữ các bị cáo A và B không có lệnh như lời khai của các bị cáo tại phiên tòa.

Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo A và B đều thừa nhận: Khoảng 16 giờ, ngày 23/02/2013 tại Tổ dân phố ĐX, huyện P, tỉnh Thái Nguyên. A và B có thực hiện hành vi tát, đấm, đá anh L nhưng các bị cáo đều không thừa nhận đạp anh L làm anh L ngã ngửa ra phía sau, đầu phía sau đập xuống nền đường. Các bị cáo và người bào chữa bào chữa cho bị cáo cho rằng nguyên nhân anh L chết không phải do hai bị cáo gây ra. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo A và bị cáo B về tội “Cố ý gây thương tích” là không đúng, các bị cáo bị oan. Đề nghị Hội đồng xét xử minh oan cho các bị cáo.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại các lời khai của bị cáo A ngày 26/2/2013, ngày 28/3/2013, A đều khai dùng tay tát vào trán của L làm mũ bảo hiểm của L rơi xuống đất, xe máy L bị đổ sang bên trái đường hướng từ nhà anh H đi ra, anh B dựng xe của L dậy, L chửi cứ để xe đấy, B đạp vào bụng L, B cũng lao vào đá hai phát vào bụng của anh L làm anh L lùi về phía sau, vướng chân vào xe máy ngã ngửa về phía sau đập đầu phía sau gáy xuống nền đá ở đường, sau đó thấy L nằm ở đó 5 phút thì ngồi dậy, khi L ngã thì đầu không đội mũ bảo hiểm. Tại lời khai ngày 08/12/2014 (BL 160) A khai: A nhìn thấy B, M, I đang chăn trâu ở gần nhà anh H, A gọi điện thoại cho M bảo lên đây, có thằng đang muốn đánh tao, sau đó B, I, M đi lên nhà anh H. Anh H can ngăn đuổi A, M, I và B ra đường nhựa, trên đường đi A có nói với B đứng đợi chặn đường để đánh C và L...

Các lời khai của B ngày 26/02/2013 (BL 171), ngày 27/3/2013 và lời khai tại các Bút lục 182, 189, 190, 192) B đều xác định: A gọi B bảo mày cứ đứng ở đây, không được về... A có tát L, đạp L ngã đập đầu xuống đất, B xông vào đạp L ngã ngửa ra sau, đập đầu xuống đất. B dùng chân, tay đấm vào sườn bên phải của L, thấy L chảy máu mũi, không biết chảy máu khi nào. B khẳng định: “Bố tôi có bảo tôi, đứng đợi chờ L và C từ nhà H ra để đánh”. Ông K dựng xe cho L thì L đạp đổ xe, bác K dùng tay trái đánh một phát vào ngực bác L, cùng lúc đó tôi lao vào dùng chân đạp vào bắp tay bên phải của L, L lùi lại phía sau, chân mắc phải xe máy ngã đập đầu xuống đường đá, B thấy L ôm đầu kêu đau. Như vậy lời khai ban đầu của các bị cáo A và B (có mẹ đẻ là người đại diện hợp pháp cho B) là khách quan, phù hợp với lời khai của những người làm chứng là anh Hoàng V. Q trong quá trình điều tra đều khẳng định, nhìn rõ A và B là người trực tiếp đánh anh L làm anh L bị ngã nằm ngửa, đầu đập xuống đường và thấy L bị chảy máu từ hai lỗ mũi và từ mồm. Lời khai của Anh Dương Đ.I tại cơ quan điều tra khai: Thấy chú L ngã nằm dưới đất tư thế nằm ngửa, đầu không đội mũ, sau đó L đứng dậy thì B đạp L ngã ngửa ra phía sau thì bác H vào đỡ chú L. Lời khai của anh Nguyễn V.H: Khi L về khoảng 1 phút thì C hô to anh H ơi anh L bị đánh rồi, thấy vậy tôi, K, C cùng chạy ra thấy L nằm ngã ngửa ra rìa đường, mũi bị chảy máu, xe bị đổ, thấy tôi ra anh L ngồi dậy, thấy L bảo chúng nó đánh anh, tôi lại thấy xe đổ, L nằm dưới đất... thấy B đứng cách đó 5m, L vẫn bị chảy máu mũi, rìa mi mắt có chảy máu, rách da chảy máu ở sau gáy, H đỡ ông L dậy và chạy vào quán nhà KT xin thuốc lào rịt cầm máu cho L. Sau đó C lấy xe máy đèo L về... anh Chu Văn C khai: Anh L bị đánh nằm lăn dưới đất, đầu không đội mũ bảo hiểm, ôm đầu, mũi bị chảy máu, bị đau ở sườn phải, C còn lấy dầu xoa cho L. Tại phiên tòa hôm nay anh H và anh C, anh K đều cam đoan lời khai tại cơ quan điều tra là đúng sự thật. Anh C còn khẳng định nhìn rõ bố con bị cáo A là người đánh anh L làm anh L bị ngã xuống đường, chảy máu mũi và máu đầu phía sau gáy.

Như vậy, lời khai của những người làm chứng anh Q, anh i, anh C, anh H đều xác định các bị cáo A và bị cáo B là người trực tiếp đánh bị hại L làm anh L ngã đập đầu xuống đường là khách quan và phù hợp với biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định pháp y số 1983/13/GĐPY ngày 25/2/2013 của Phòng giám định Pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang kết luận: Anh L chết do chấn thương sọ não tụ máu nội sọ và kết luận giám định pháp y số: 5887/C54-TT1 ngày 8/3/2018 Viện khoa học hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an đã tiến hành khai quật tử thi L giám định lại đã kết luận: Nguyên nhân chết của ông L: Chấn thương sọ não; xuất huyết dưới nhện vùng đình chẩm, tiểu não, tụ máu, đụng giập nhu mô não thùy trái hai bên.

- Thời gian: Từ lúc chết đến lúc khám nghiệm tử thi từ 12 giờ đến 36 giờ.

- Cơ chế: Các tổn thương vùng đầu của ông L là do cơ chế đối lực gây nên; vùng chẩm va đập vào vật tày cứng diện rộng tạo nên các tổn thương tại chỗ (tụ máu da đầu, xuất huyết dưới nhện vùng đình chẩm, xuất huyết dưới nhện tiểu não) và tổn thương vùng đối diện (tụ máu và đụng giập nhu mô não thùy trái hai bên)

- Các tổn thương vùng đầu của anh L là do chấn thương gây nên.

- Việc anh L ngã ngửa, đập vùng chẩm xuống nền cứng phù hợp với tình trạng chấn thương vùng đầu của anh L và có thể diễn biến từ từ theo nhiều giờ mới tử vong.

- Nếu ngã không có vết thương ở đầu thì có thể tử vong hoặc không tùy theo các tổn thương nhu mô bên trong.

Cả hai lần trưng cầu giám định về nguyên nhân chết của anh L, Cơ quan giám định pháp y đều kết luận nguyên nhân chết của anh L là do chấn thương sọ não và phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án.

Mặt khác, Cơ quan Điều tra đã tiến hành thu thập chứng cứ để xác định các địa điểm anh L đi và đến, về nhà sau khi bị A và B đánh đều không có tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến anh L, không có ai gây thương tích cho L. Những người làm chứng gần nhà anh L đều xác định: Từ sáng ngày 24/02/2013 đến khi anh L chết ngày 25/02/2013 thì anh L đều có mặt tại nhà, không có ai gây thương tích cho anh L, không ai nhìn thấy anh L tự ngã.

Hội đồng xét xử đã có đủ căn cứ để xác định: Vào khoảng từ 16 giờ đến 17 giờ ngày 23/02/2013, tại khu vực ngã ba đường tỉnh lộ 269b thuộc địa phận tổ dân phố ĐX, thị trấn HS huyện P, tỉnh Thái Nguyên, A và B đã có hành vi tát, đấm, đá, và đạp anh L làm anh L ngã ngửa ra phía sau, đầu đập xuống đất gây chấn thương sọ não, tụ máu nội sọ và đến 13h ngày 25/2/2013 thì tử vong tại nhà ở bản TB, xã ĐV, huyện Y, tỉnh Bắc Giang.

Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo và áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt xét xử các bị cáo A và B về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người đúng tội, không oan. Mức án Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo A 08 năm tù, bị cáo B 30 tháng tù là có căn cứ, tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo đồng thời đủ tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Kháng cáo của các bị cáo cho rằng bị oan là không có căn cứ chấp nhận.

Từ những phân tích trên, xét thấy đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên và đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại tại phiên tòa hôm nay là có căn cứ chấp nhận. Đề nghị của người bào chữa cho các bị cáo không có căn cứ chấp nhận.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm đã tính đúng, tính đủ và buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường như án sơ thẩm đã quyết định là có căn cứ. Người đại diện hợp pháp cho bị hại không có kháng cáo.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét.

Các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bởi các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo A và B. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 66/2019/HS-ST ngày 24/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Thái Nguyên.

Tuyên bố: Các bị cáo A và B đều phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

1. Áp dụng: Khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm v khoản 1 Điều 51; điểm d, o khoản 1 Điều 52 và Điều 38 của Bộ luật hình sự 2015. Xử phạt: A 08 (Tám) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành bản án.

2. Áp dụng Khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 38 Điều 91 và Điều 101 của Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt B 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành bản án.

3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng tại Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 2015 và các Điều 357, 468, 584, 585, 586, 587, 591 của Bộ luật dân sự;

Buộc bị cáo A, B phải bồi thường cho gia đình bị hại (Người đại diện của bị hại là chị M), tổng các khoản thiệt hại được xác định thành tiền là 104.300.000d (Một trăm linh bốn triệu, ba trăm nghìn đồng) Trong đó: Bị cáo A phải bồi thường 69.540.000đ (sáu mươi chín triệu, năm trăm bốn mươi nghìn đồng), bị cáo B phải bồi thường 34.760.000đ (Ba mươi tư triệu, bẩy trăm sáu mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, chị M có đơn yêu cầu thi hành án, cho đến khi thi hành án xong, nếu các bị cáo A, B không tự nguyện thi hành khoản tiền trên, thì hàng tháng còn phải trả khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

3. Án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 Nghị quyết số 326 của UBTVQH 14 về án phí. Bị cáo A và bị cáo B, mỗi bị cáo phải chịu 200.000đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

315
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 02/2020/HS-PTNCTN ngày 02/03/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:02/2020/HS-PTNCTN
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 02/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;