TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 02/2019/LĐ-PT NGÀY 06/08/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ TAI NẠN LAO ĐỘNG
Từ ngày 30 tháng 7 và đến ngày 06 tháng 8 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án Lao động thụ lý số 02/2019/TLPT-LĐ ngày 19 tháng 3 năm 2019 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động và tai nạn lao động”. Do Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2019/QĐ-PT ngày 06 tháng 5 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Hoàng Xuân N, sinh năm 1956; địa chỉ: Nhà số 01, Đường 4A, Ngõ 20, Đường P, Khối 4, Phường T, thành phố V, tỉnh Nghệ An; có mặt tại phiên tòa.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
+ Bà Trần Thị Thúy, Luật sư thuộc Công ty Luật hợp danh Thái Bình Dương, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, Số 83, Đường Nguyễn Trãi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; có mặt tại phiên tòa.
+ Ông Trần Hậu Thìn, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư THT, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Căn hộ E8, Tòa nhà B, Số 96, phố Định Công, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa.
- Bị đơn: Công ty Cổ phần T.
Địa chỉ: Số 205, Đường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Bá H; chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn H1, sinh năm 1964; chức vụ: Phó giám đốc và ông Đoàn Quang L, sinh năm 1979; chức vụ: Kế Toán Trưởng; theo giấy ủy quyền ngày 31 tháng 5 năm 2019; đều có mặt tại phiên tòa.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn Danh, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Vinh Diện và Cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An; có mặt tại phiên tòa.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Ông Nguyễn Bá H, sinh năm 1960.
Địa chỉ: Số 205, Đường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn H1 và ông Đoàn Quang L; đều có mặt tại phiên tòa.
+ Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An.
Địa chỉ: Số 4, Đường T, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Trường G; chức vụ: Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Quang Q; chức vụ: Trưởng phòng chế độ Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An; có đơn xin xét xử vắng mặt.
+ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An.
Địa chỉ: Số 12, Đường T, thành phố V, tỉnh Nghệ An.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đoàn Hồng V; chức vụ: Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An.
- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Chu Văn L - Chuyên viên Phòng Việc làm - An toàn lao động; có đơn xin xét xử vắng mặt.
* Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Hoàng Xuân N và bị đơn Công ty Cổ phần T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thì vụ án có nội dung như sau:
Trong đơn khởi kiện đề ngày 27 tháng 11 năm 2015; đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 24 tháng 4 năm 2018, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn ông Hoàng Xuân N trình bày:
Năm 1982, ông N được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Xây dựng B - Bộ Xây dựng (nay là Công ty Cổ phần T), trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng H. Năm 1994, ông N được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp 8. Tháng 6 năm 1996, ông được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Công ty Xây dựng B kiêm chỉ huy công trình Nghi Sơn. Tháng 8 năm 1998, ông N được bầu làm Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Công ty Xây dựng B. Năm 2005, ông N được tiếp tục tái bổ nhiệm Phó Giám đốc Công ty Xây dựng B. Tháng 8 năm 2005, ông N bị tai nạn và phải điều trị tại bệnh viện đến hết năm 2006, sau đó, ông N tiếp tục điều trị tại nhà do di chứng của tai nạn để lại.
Ngày 22 tháng 12 năm 2005, Bộ Xây dựng có Quyết định số 2348/QĐ-BXD về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, Công ty Cổ phần B được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần T, ông N thuộc diện không có nhu cầu sử dụng, phải chấm dứt hợp đồng lao động. Theo quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước (Nghị định 41), Bộ Xây dựng đã có văn bản phê duyệt phương án cơ cấu lại công ty cổ phần hoạt động 12 tháng; Bộ Tài chính có Quyết định số 759/QĐ- BTC ngày 17 tháng 02 năm 2007 cấp ngân sách giải quyết chế độ trợ cấp đối với người lao động dôi dư. Căn cứ quyết định và nguồn tài chính của Nhà nước, ngày 01 tháng 11 năm 2006, Công ty Cổ phần T đã có Quyết định số 63/QĐ-CT về việc giải quyết nghỉ việc hưởng chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước đối với ông N. Việc chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ việc theo quy định của Nghị định 41, ông N hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động cũng như giải quyết chế độ tai nạn lao động thì Công ty Cổ phần T đã vi phạm nên ông N khởi kiện các yêu cầu sau:
- Yêu cầu Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động theo Quyết định số 63/QĐ-CT do công ty vi phạm trong việc chi trả các khoản trợ cấp đối với người lao động dôi dư, ông N được hưởng 76.129.300 đồng. Công ty Cổ phần T đã 03 lần thông báo để ông N lên nhận tiền và hồ sơ nhưng thực tế công ty không giải quyết vì công ty giữ lại số tiền của ông N để khấu trừ nợ của Xí nghiệp 8 căn cứ vào Quyết định số 648/GĐ-TCKT ngày 21 tháng 9 năm 2004. Tuy nhiên, ông N cho rằng Quyết định số 648/GĐ-TCKT không có căn cứ pháp luật. Từ năm 2004 đến năm 2015, ông N đã nhiều lần viết đơn khiếu nại, yêu cầu Công ty giải quyết chế độ nhưng không được giải quyết. Năm 2015, ông N đã ủy quyền cho Công ty Luật hợp danh Thái Bình Dương có công văn đề nghị hòa giải nhưng không thành. Việc Công ty Cổ phần T tự ý giữ lại số tiền nghỉ việc theo chế độ 41 là vi phạm pháp luật. Ông N yêu cầu Công ty Cổ phần T trả lại số tiền 76.129.300 đồng và số tiền lãi suất chậm trả từ ngày 01 tháng 11 năm 2016 đến tháng 11 năm 2018 là 76.129.300 x 145 tháng x 0,83%/tháng = 91.989.571 đồng; tổng cộng là 168.118.871 đồng.
- Yêu cầu Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động do vi phạm trong việc trả lại đầy đủ hồ sơ cho người lao động dôi dư. Tại thời điểm Công ty Cổ phần T ra Quyết định số 648/GĐ-TCKT, ông N đủ 51 tuổi, có 25 năm tham gia bảo hiểm, bị tổn thương sức khỏe do tai nạn và thuộc diện dôi dư do cổ phần hóa nên có đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng thấp hơn chế độ hưu trí thông thường theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần T đã không giao Quyết định số 648/GĐ-TCKT, không trả hồ sơ bảo hiểm xã hội cho ông N, không làm các thủ tục cần thiết để ông N được nghỉ hưu nên ông N không được hưởng lương hưu. Ông N đã viết đơn đề nghị trong nhiều năm nhưng mãi đến năm 2016, Công ty Cổ phần T mới trả hồ sơ, làm các thủ tục để ông N được hưởng chế độ hưu trí. Ngày 12 tháng 01 năm 2017, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 0140170248/QĐ-BHXH cho ông N được hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 với lỷ lệ 65%. Ông N đề nghị Công ty Cổ phần T bồi thường các khoản:
+ Tiền lương hưu ông không được hưởng từ ngày 01 tháng 11 năm 2006 đến ngày 01 tháng 7 năm 2016 là 116 tháng tương ứng số tiền 519.805.715 đồng và tiền lãi suất với mức lãi suất 10%/năm là 252.434.385 đồng;
+ Tiền thiệt hại về việc ông N không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế 122 tháng x 750.000 đồng = 91.500.000 đổng;
+ Tiền thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm từ ngày 01 tháng 11 năm 2006 đến ngày 01 tháng 12 năm 2017 là 12 tháng, tương ứng số tiền 535.627.867 đồng, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại (chi phí thuê Luật sư theo các hợp đồng dịch vụ pháp lý) 80.000.000 đồng; chi phí thuê phòng nghỉ, đi lại, in ấn tài liệu từ năm 2007 đến năm 2018 là 12 năm, 01 năm bị thiệt hại được tính 06 tháng lương cơ sở, thành tiền 12 năm x 06 tháng/năm x 1.150.000 đồng = 82.800.000 đồng; chi phí gửi đơn đến cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền trong vòng 12 năm và 01 năm bị thiệt hại được tính 01 tháng lương cơ sở, thành tiền 12 năm x 01 tháng/năm x 1.150.000 đồng = 13.800.000 đồng; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút 1923 ngày x 172.349 đồng/ngày = 331.427.867 đồng; khoản bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm tính bằng 10 tháng lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc là 2.760.000 đồng/tháng x 10 tháng = 27.600.000 đồng. Tổng cộng là 1.399.367.966 đồng.
- Yêu cầu Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại do không giải quyết chế độ tai nạn lao động hàng tháng: Ngày 19 tháng 8 năm 2015, trên đường đi về nhà lấy tài liệu lên công ty làm việc, ông N bị tai nạn giao thông phải đi điều trị tại Bệnh viện Nghệ An, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức Hà Nội từ ngày 19 tháng 8 năm 2015 đến ngày 31 tháng 10 năm 2015. Ông N đã chuẩn bị hồ sơ và đơn đề nghị công ty giải quyết nhưng sau đó công ty đã trả lại hồ sơ, không tiếp tục giải quyết cho ông hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Căn cứ quy định pháp luật, ông N yêu cầu Công ty Cổ phần T bồi thường các khoản sau:
+ Toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong là 29.490.500 đồng;
+ Bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm lao động là 2.760.000 đồng x 30 tháng = 82.800.000 đồng;
+ Bồi thường trợ cấp tai nạn lao động không được hưởng theo hình thức trợ cấp 01 lần quy định tại Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 là 146.832.000 đồng, bao gồm: Trợ cấp 01 lần đối với mức suy giảm 81% với số tháng được hưởng theo mức suy giảm 01% (suy giảm 05% khả năng lao độngu thì được hưởng 05 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ giảm thêm 01% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung) là: (05 tháng + 81% x 0,5 tháng) x 2.760.000 đồng/tháng = 125.580.000 đồng; Khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội là 21.252.000 đồng; chi phí hợp lý khác yêu cầu được bồi thường là 176.600.000 đồng (bao gồm: 80.000.000 đồng chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; 82.800.000 đồng chi phí thuê phòng nghỉ, đi lại, in ấn tài liệu; 13.800.000 đồng chi phí gửi đơn đến cơ quan Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền).
Tổng cộng, yêu cầu Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại do vi phạm trong việc giải quyết chế độ tai nạn lao động là 435.722.500 đồng.
Tổng cộng cả 03 khoản, ông Hoàng Xuân N yêu cầu Công ty Cổ phần T bồi thường là 2.003.209.337 đồng.
Ngoài ra, tại đơn khởi kiện ngày 27 tháng 11 năm 2015, ông N còn yêu cầu Công ty Cổ phần T trả hồ sơ bảo hiểm xã hội nhưng trong năm 2016, Công ty Cổ phần T đã trả hồ sơ và làm chế độ hưu trí cho ông N. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông N xin rút yêu cầu này.
Tại bản tự khai ngày 08 tháng 10 năm 2018, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty Cổ phần T (ông Cao Sơn Đẩu và ông Đoàng Quang Lê) trình bày:
Công ty T là công ty cổ phần có mã số doanh nghiệp là 2900324272, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 22 tháng 02 năm 2006, đăng ký thay đổi lần thứ 10 ngày 23 tháng 02 năm 2018; địa chỉ trị sở chính tại Số 205, Đường L, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Quá trình thay đổi mô hình và đổi tên công ty như sau: Từ năm 1985 đến ngày 25 tháng 12 năm 2015 mang tên Công ty Xây dựng B, là doanh nghiệp Nhà nước; ngày 22 tháng 12 năm 2005, Công ty được Bộ Xây dựng ban hành quyết định chuyển đổi thành Công ty Cổ phần B; ngày 25 tháng 12 năm 2005 là ngày họp Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty Cổ phần B đến tháng 5 năm 2008; từ tháng 6 năm 2008 đến nay, công ty mang tên Công ty Cổ phần T.
Quá trình công tác của ông Hoàng Xuân N tại Công ty Cổ phần T (Công ty Cổ phần B trước đây) như sau: Từ năm 1995 đến ngày 18 tháng 6 năm 1998, ông N là Giám đốc Xí nghiệp 8 trực thuộc Công ty Xây dựng B; từ ngày 18 tháng 6 năm 1998 đến ngày 25 tháng 12 năm 2005, ông N là Phó Giám đốc Công ty Xây dựng B; từ ngày 26 tháng 12 năm 2005 đến ngày 01 tháng 11 năm 2006, ông N là người lao động bình thường của Công ty Cổ phần B; từ ngày 02 tháng 11 năm 2006 đến nay, ông N nghỉ theo chính sách đối với người lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ và không còn là người lao động của Công ty.
Đối với các yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân N, Công ty Cổ phần T có ý kiến như sau:
- Về yêu cầu bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động theo Quyết định số 63/QĐ-CT ngày 01 tháng 11 năm 2006, ông N cho rằng Công ty Cổ phần T vi phạm trong việc chi trả các khoản trợ cấp đối với người lao động dôi dư số tiền là 76.129.300 đồng và tiền lãi của số tiền này là không có căn cứ, bởi lý do sau: Ông N nghỉ việc được hưởng chế độ trợ cấp dôi dư đợt 02 với số tiền 76.129.300 đồng. Sau đó, ông N đã tự nguyện làm giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Bá H được nhận hộ số tiền này. Căn cứ giấy ủy quyền ông N đã ký, ngày 19 tháng 6 năm 2007, Công ty Cổ phần T đã chi trả số tiền này cho ông N thông qua người được ủy quyền là ông Nguyễn Bá H. Như vậy, thực tế Công ty đã chi trả đầy đủ toàn bộ số tiền 76.129.300 đồng cho ông N.
- Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do ông N cho rằng Công ty Cổ phần T vi phạm trong việc trả lại đầy đủ hồ sơ cho người lao động dôi dư theo quy định của pháp luật với số tiền 1.399.367.966 đồng cũng là không có căn cứ, bởi vì:
Năm 2006, ông N nghỉ việc tại công ty theo chế độ lao đông dôi dư, thực hiện theo Điều 3 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP thì trường hợp của ông N không thuộc đối tượng được nghỉ hưu mà ông N thuộc trường hợp được chám dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế dôi dư với số tiền 76.129.300 đồng. Công ty đã làm các thủ tục để ông N được nghỉ việc và hưởng chế độ dôi dư. Như vậy, một người lao động nghỉ việc không thể được hưởng một lúc hai chế độ là vừa nghỉ hưu, vừa hưởng tiền trợ cấp một lần dôi dư.
Hơn nữa, sau khi ông N nghỉ việc, do đang nợ tiền công ty nên công ty đã nhiều lần yêu cầu ông N làm việc, đối chiếu công nợ, trả nợ và làm các thủ tục để công ty giải quyết chế độ nhưng ông N đã không hợp tác thực hiện nên công ty không có cơ sở để giải quyết. Do ông N không hợp tác nên không làm thủ tục và đi giám định để xác định tại thời điểm năm 2006, ông N có bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hay không nên không có căn cứ xác định ông N thuộc đối tượng được hưởng chế độ hưu trí.
- Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do không giải quyết chế độ trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng với số tiền 435.722.500 đồng, Công ty Cổ phần T cũng không đồng ý, với lý do: Thực tế ngày 19 tháng 8 năm 2015, ông Hoàng Xuân N không đi làm mà nghỉ việc về quê ở Đô Lương nhân ngày rằm tháng bảy. Trên đường từ Đô Lương về Vinh thì ông N và vợ bị tai nạn giao thông, việc ông N nói ông bị tai nạn giao thông là do từ công ty về nhà lấy tài liệu là không đúng thực tế vì ngày hôm đó, ông N không đi làm và công ty cũng không có quyết định nào phân công ông đi về nhà lấy tài liệu. Do đó, tai nạn của ông N không phải tai nạn lao động, công ty không thể khai báo và lập biên bản điều tra nên yêu cầu của ông N là không có căn cứ.
Đồng thời, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân N để đình chỉ giải quyết vụ án vì thời hiệu khởi kiện đã hết.
Tại bản tự khai ngày 18 tháng 10 năm 2018, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Bá H ủy quyền cho ông Cao Sơn Đẩu và ông Đoàn Quang L trình bày: Ngày 27 tháng 12 năm 2005, ông H được Đại hội đồng cổ đông bầu vào Hội đồng quản trị của Công ty T và từ tháng 01 năm 2006, được bầu làm Giám đốc công ty. Ông Hoàng Xuân N do không mua cổ phần nên từ ngày 26 tháng 12 năm 2005 đến ngày 01 tháng 11 năm 2006 chỉ là người lao động bình thường của công ty. Khi công ty Nhà nước chuyển sang cổ phần hóa, tại cuộc họp ngày 01 tháng 11 năm 2006, ông N nhất trí nghỉ chế độ 41 đợt 02 với nguyên vọng mong muốn được giữ nguyên bậc lương cũ. Để tạo điều kiện cho ông N, lãnh đạo công ty nhất trí cho ông N được hưởng chức danh Trưởng phòng cơ điện với mức lương chuyên viên chính 6/6, hệ số 5,65 cộng với phụ cấp 0,5 nên tổng hệ số lương ông N được hưởng là 6,15 cao hơn mức lương ông N được hưởng của chức danh Phó Giám đốc là 5,98. Sau khi công ty tiến hành tổ chức giải quyết chế độ 41 đợt 02 vào ngày 22 tháng 12 năm 2006, công ty đã ba lần gửi thông báo và gọi điện thoại mời ông N lên nhận tiền và bàn giao hồ sơ nhưng ông N không đến nhận. Theo quy định, nếu ba lần thông báo mà người lao động vẫn không đến nhận tiền trợ cấp nghỉ việc Công ty sẽ trả lại số tiền cho Nhà nước và người lao động sẽ không được hưởng chế độ nữa. Ông N đã viết giấy ủy quyền cho ông H nhận hộ và có nói với ông H nhận tiền xong thì nộp vào tài vụ công ty nhờ giữ hộ để khi quyết toán công nợ nếu thừa thì lấy ra, nếu thiếu thì nộp vào. Ông H đã nhận số tiền chế độ của ông N là 76.129.300 đồng theo Phiếu chi số 525 ngày 19 tháng 6 năm 2007, sau đó đã nộp vào nhờ công ty tạm giữ theo Phiếu thu tạm giữ số 159 ngày 19 tháng 6 năm 2007. Như vậy, số tiền ông N được hưởng theo Quyết định số 63/QĐ-CT ngày 01 tháng 11 năm 2006, công ty đã thanh toán đầy đủ cho ông N thông qua người ủy quyền là ông H nên đây là việc cá nhân giữa ông N và ông H, không liên quan đến công ty nữa. Tuy nhiên, từ sau khi ủy quyền đến nay, chưa bao giờ ông N gặp ông H để xin nhận lại tiền mà ông N nhờ ông H nhận và nộp lại thay, đây là lỗi của ông N. Còn về phía công ty thì sau khi hoàn thiện xong các thủ tục chi trả chế độ nghỉ việc, đã tiến hành thanh quyết toán toàn bộ kinh phí đã được sự phê duyệt của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong đó có cả kinh phí chế độ nghỉ việc của ông N. Do đó, ông N khởi kiện yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại do không chi trả số tiền trợ cấp nghỉ việc theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP là không đúng, không có cơ sở vì công ty đã chi trả số tiền này cho ông N.
Tại Công văn số 1754/BHXH-CĐBHXH ngày 05 tháng 10 năm 2018, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An là ông Nguyễn Quang Q trình bày: Các yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân N đối với Công ty T là không liên quan đến Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, bởi lẽ căn cứ vào hồ sơ hiện đang quản lý đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thì Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã làm đúng các quy định pháp luật các vấn đề sau:
- Về vấn đề xác nhận, chốt sổ; quản lý, trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động: Ông Hoàng Xuân N nguyên là Phó Giám đốc Công ty Xây dựng B, có thời gian công tác từ tháng 4 năm 1982 đến tháng 10 năm 2006 là 24 năm 7 tháng. Ngày 30 tháng 12 năm 2006, Công ty Xây dựng B lập danh sách lao động, quỹ tiền lương điều chỉnh mức nộp bảo hiểm xã hội (mẫu C47-BH) đề nghị giảm đóng bảo hiểm xã hội 117 lao động, trong đó có ông Hoàng Xuân N giảm đóng bảo hiểm xã hội nghỉ dưỡng chế độ 41. Ngày 02 tháng 4 năm 2007, Bảo hiểm xã hội Nghệ An thực hiện giảm đóng, chốt sổ bảo lưu thời gian công tác đối với ông Hoàng Xuân Kỳ vào giao sổ bảo hiểm xã hội của ông N cho Công ty Xây dựng B để trả cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 2352/1999/QĐ-BHXH ngày 28 tháng 9 năm 1999 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành quy định, trợ cấp, quản lý và sử dụng sổ bảo hiểm xã hội.
- Về chế độ hưu trí: Ngày 05 tháng 01 năm 2017, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An tiếp nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hưu trí của ông Hoàng Xuân N do Bảo hiểm xã hội thành phố Vinh chuyển đến. Hồ sơ gồm có: Sổ bảo hiểm xã hội; đơn đề nghị (mẫu số 14-HSB) ngày 22 tháng 12 năm 2016; đơn giải trình lý do nộp chậm hồ sơ có xác nhận của chính quyền địa phương ngày 23 tháng 12 năm 2016 và biên bản xác minh đối tượng hưởng lương hưu của Bảo hiểm xã hội thành phố Vinh ký ngày 04 tháng 01 năm 2017. Căn cứ các Điều 53, 54, 56, 59; mục 4 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã giải quyết chế độ hưu trí đối với ông N thời điềm hưởng từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 tại Quyết định số 0140176248/QĐ-BHXH ngày 12 tháng 01 năm 2017 theo đúng quy định.
- Về chế độ tai nạn lao động: Ông Hoàng Xuân N bị tai nạn giao thông ngày 19 tháng 8 năm 2005. Tại thời điểm năm 2005, việc giải quyết chế độ tai nạn lao động theo quy định tại Nghị định 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Thông tư số 14/2005/TT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Về mặt thủ tục và trách nhiệm của người sử dụng lao động thì căn cứ vào Quyết định số 1584/1999/QĐ-BHXH ngày 24 tháng 6 năm 1999 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quy định: “Người sử dụng lao động phải lập đày đủ hồ sơ bao gồm: Công văn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động gửi bảo hiểm xã hôi; biên bản điều tra tai nạn lao động; giấy ra viện, sau khi đã điều trị tai nạn lao động ổn định; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội động Giám định y khoa và chuyển hồ sơ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để giải quyết. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An không tiếp nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động đối với ông Hoàng Xuân N nên trách nhiệm không thuộc về Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An.
Tại Công văn số 3672/CV-SLĐTBXH ngày 07 tháng 11 năm 2018, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là ông Chu Văn L có ý kiến: Căn cứ vào quy định tại tiết a, tiết b khoản 2 mục I Thông tư liên tịch số số 14/2005/TT- BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN; khoản 3 Điều 19 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; Công văn số 128 CT/VP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Công ty Xây dựng B về việc thông báo giờ làm việc mùa hè của công ty; Điều 5 Nội quy lao động số 506 CT-TC ngày 10 tháng 8 năm 1996 của Công ty Xây dựng B thì vụ tai nạn xảy ra đối với ông Hoàng Xuân N vào ngày 19 tháng 8 năm 2005 không được coi là tai nạn lao động, cũng không phải là tai nạn do các trường hợp rủi ro gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động được phân công. Và theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 1994; Nghị định số 06/CP ngày 22 tháng 01 năm 1995 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn, vệ sinh lao động; Thông tư liên tịch số 14/2005/TT-BLĐTBXH- BYT-TLĐLĐVN thì chỉ quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động khi có tai nạn lao động xảy ra và chỉ quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều tra một vụ tai nạn lao động; không quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền để xác định một vụ tai nạn có phải là tai nạn lao động hay không.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 107, Điều 108 và điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Lao động năm 1994 sửa đổi năm 2002; điểm c và điểm d khoản 1 Điều 14, Điều 42 và Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội; Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; tiểu mục 1.2 mục 1 và tiểu mục 3.2, tiểu mục 3.3 mục 3 phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Điều 15 Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 sửa đổi năm 2003; điểm a và điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002; Điều 12 Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; điểm b và điểm d khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử:
- Về tố tụng: Áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012 để xác định thời hiệu khởi kiện đã hết nên đình chỉ giải quyết vụ án.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 32, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 217, Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 43, Điều 145 Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002); Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 15, Điều 26 Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị địnhk số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 604, Điều 605, Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 149, Điều 150, Điều 151, Điều 154, Điều 157, khoản 2 Điều 468, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 11 năm 2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP; Quyết định số 2352/1999/QĐ-BHXH ngày 28 tháng 9 năm 1999 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Thông tư liên tịch số 14/2005/TT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08 tháng 3 năm 2005 hướng dẫn khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn định kỳ; tiểu mục 2.3.1 mục 2 phần II Thông tư số 18/TT-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Y tế hướng dẫn về hồ sơ và quy trình giám định y khoa cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án; xử:
- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân N về việc yêu cầu Công ty Cổ phần T trả sổ bảo hiểm xã hội do người khởi kiện rút đơn yêu cầu và yêu cầu Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại do không giải quyết chế độ tai nạn lao động do thời hiệu khởi kiện đã hết.
- Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân N về việc buộc Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động do vi phạm trong việc chi trả các khoản trợ cấp đối với người lao động dôi dư số tiền là 168.118.871 đồng.
- Buộc Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại do vi phạm trong việc chậm trả lại hồ sơ, bảo hiểm xã hội cho ông Hoàng Xuân N với số tiền là 102.498.000 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về lãi suất do chậm thi hành án, quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự trong vụ án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10 tháng 12 năm 2018, nguyên đơn ông Hoàng Xuân N kháng cáo bản án sơ thẩm với lý do:
- Bản án sơ thẩm tuyên Công ty Cổ phần T không phải trả số tiền trợ cấp chế độ lao động dôi dư theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 là 76.129.300 đồng và tiền lãi của số tiền chậm trả này là không đúng;
- Bản án sơ thẩm không buộc Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại về lương hưu với số tiền 772.240.100 đồng trong 116 tháng từ ngày 01 tháng 11 năm 2006 đến ngày 31 tháng 6 năm 2016 là hoàn toàn không đúng;
- Bản án sơ thẩm kết luận về số tiền Công ty Cổ phần T phải bồi thường thiệt hại về chế độ bảo hiểm y tế, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín, tinh thần bị xâm phạm số tiền 102.148.000 đồng là không đúng so với thực tế bị thiệt hại;
- Bản án sơ thẩm bác yêu cầu của ông N về bồi thường thiệt hại do không giải quyết trợ cấp tai nạn lao động là không đúng.
Ông N đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm: Sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Cổ phần T phải thanh toán và bồi thường cho ông Hoàng Xuân N tổng số tiền 2.003.209.337 đồng, bao gồm:
- Thanh toán và bồi thường chế độ 41 là 168.118.871 đồng; trong đó: Tiền gốc chế độ 41 là 76.129.300 đồng, tiền lãi của số tiền chậm trả (tạm tính đến ngày 27 tháng 11 năm 2018) là 91.989.571 đồng. Ngoài ra, yêu cầu Tòa án tính thêm tiền lãi của số tiền chậm trả từ ngày 27 tháng 11 năm 2018 đến thời điểm xét xử phúc thẩm;
- Bồi thường thiệt hại về tiền lương hưu, bảo hiểm y tế và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 1.399.367.967 đồng; trong đó: Thiệt hại về lương hưu là 772.240.100 đồng, tiền thiệt hại về chế độ bảo hiểm y tế là 91.500.000 đồng, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 535.627.867 đồng;
- Bồi thường thiệt hại về tai nạn lao động là 435.722.500 đồng; trong đó, chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong là 29.490.500 đồng, bồi thường bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương là 82.800.000 đồng, bồi thường trợ cấp tai nạn lao động không được hưởng là 146.832.000 đồng và các chi phí hợp lý khác là 176.600.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hoàng Xuân N thay đổi nội dung kháng cáo, chỉ yêu cầu Tòa án buộc Công ty Cổ phần T phải bồi thường cho ông tổng số tiền 1.406.599.912 đồng, bao gồm:
- Tiền bồi thường chế độ 41 là 168.118.871 đồng; trong đó: Tiền gốc chế độ 41 là 76.129.300 đồng, tiền lãi của số tiền chậm trả (tính đến ngày xét xử sở thẩm)
là 91.989.571 đồng;
- Tiền bồi thường do tai nạn lao động 29.490.500 đồng;
- Tiền lương hưu không được hưởng là 550.476.408 đồng;
- Tiền thiệt hại về chế độ bảo hiểm y tế là 91.500.000 đồng;
- Tiền thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 567.014.133 đồng.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Xuân N đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận các yêu cầu kháng cáo của ông N.
Ngày 11 tháng 12 năm 2018, bị đơn Công ty Cổ phần T kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của ông Hoàng Xuân N và buộc Công ty Cổ phần T phải bồi thường thiệt hại do vi phạm trong việc chậm trả hồ sơ, bảo hiểm xã hội cho ông Hoàng Xuân N với số tiền là 102.498.000 đồng là không có căn cứ; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hoàng Xuân N. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần T giữ nguyên nội dung kháng cáo và nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Hoàng Xuân N.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần T đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của bị đơn.
Phát biểu của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An:
- Về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng: Trong quá trình từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử, Thẩm phán được phân công đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân theo đúng trình tự, thủ tục phiên tòa.
- Về việc chấp hành pháp luật của các đương sự: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã chấp hành đúng quy định tại Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 75, Điều 76, Điều 85, Điều 86 và Điều 294 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Quyền tranh tụng của các đương sự được bảo đảm.
- Về thủ tục kháng cáo: Nguyên đơn ông Hoàng Xuân N và bị đơn Công ty Cổ phần T kháng cáo trong thời hạn luật định, có nộp tiền tạm ứng án phí nên được Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết là đúng pháp luật.
- Về quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của Công ty Cổ phần T là không chấp nhận chi phí thuê luật sư mà ông Hoàng Xuân N yêu cầu; không chấp nhận kháng cáo của ông Hoàng Xuân N.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An có đơn xin xét xử vắng mặt, căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa vắng mặt các đương sự này.
[2] Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã hỏi ý kiến của các đương sự về việc có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không nhưng các đương sự không thỏa thuận được. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa theo quy định pháp luật.
[3] Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa thể hiện: Ông Hoàng Xuân N được Công ty Xây dựng B - Bộ Xây dựng (nay là Công ty Cổ phần T) tuyển dụng vào làm việc từ năm 1982. Quá trình làm việc, ông N giữ chức vụ Giám đốc Xí nghiệp 8 từ năm 1994; Phó Giám đốc Công ty Xây dựng B kiêm chỉ huy công trường Nghi Sơn từ năm 1998 và từ tháng 8 năm 1998, ông N được bầu làm Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc thường trực Công ty Xây dựng B. Tháng 8 năm 2005, ông N bị tai nạn, phải điều trị tại bệnh viện đến hết năm 2006. Ngày 22 tháng 12 năm 2005, Công ty Xây dựng B tiến hành cổ phần hóa theo chủ trương của Nhà nước và được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần T. Ông N thuộc diện không có nhu cầu sử dụng, phải chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Công ty Cổ phần T đã có quyết định giải quyết nghỉ việc và cho ông N được hưởng chính sách theo quy định. Ông N đồng ý nghỉ việc nhưng không đồng ý đối với việc giải quyết các chế độ. Ngày 27 tháng 11 năm 2015, ông N đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty Cổ phần T phải bồi thường tổng số tiền 2.003.209.337 đồng.
Tại Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã chấp nhận một phần khởi kiện của ông Hoàng Xuân N, buộc Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại do vi phạm trong việc chậm trả lại hồ sơ, bảo hiểm xã hội cho ông Hoàng Xuân N với số tiền là 102.498.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn ông Hoàng Xuân N và bị đơn Công ty Cổ phần T kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty Cổ phần T giữ nguyên nội dung kháng cáo; ông N thay đổi nội dung kháng cáo, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử buộc Công ty Cổ phần T phải bồi thường cho ông tổng số tiền 1.408.465.000 đồng. Xét thấy, việc thay đổi này không vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu theo quy định tại Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chấp nhận để xem xét nội dung kháng cáo của các bên. Các nội dung kháng cáo nguyên đơn rút coi như không kháng cáo, Hội đồng xét xử không xem xét, chỉ xem xét nội dung kháng cáo còn lại.
[4] Xét kháng cáo của nguyên đơn ông Hoàng Xuân N:
Đối với số tiền bồi thường chế độ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP và tiền lãi suất phát sinh, quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hoàng Xuân N thừa nhận ông có ủy quyền cho ông Nguyễn Bá H để nhận chế độ với số tiền 76.129.300 đồng và chữ ký trong các giấy ủy quyền đúng là chữ ký của ông N. Tài liệu trong vụ án thể hiện: Sau khi nhận ủy quyền của ông N, ông H đã nhận đủ số tiền 76.129.300 đồng theo Phiếu chi số 525. Căn cứ quy định tại điểm d mục 1 Phần IV của Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 11 năm 2004 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 41/2002/NĐ-CP thì “Trường hợp người lao động không thể trực tiếp đến nhận các khoản trợ cấp thì được ủy quyền cho người khác nhận khoản trợ cấp này theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Việc ủy quyền giữa ông N và ông H là hoàn toàn tự nguyện, Công ty Cổ phần T căn cứ vào nội dung ủy quyền để tiến hành chi trả khoản tiền chế độ 76.129.300 đồng là có căn cứ và đúng pháp luật. Ông Hoàng Xuân N cho rằng sau khi nhận số tiền trên, ông H đã nộp vào Phòng Tài vụ của công ty nên số tiền đó công ty đang giữ, ông N chưa được chi trả, xét thấy, Công ty Cổ phần T đã thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động dôi dư bị chấm dứt hợp đồng lao động, việc sau khi ông H nhận tiền nhưng không chuyển giao cho ông N đó là trách nhiệm của ông H. Tại Tòa án cấp phúc thẩm, đại diện Công ty Cổ phần T (ông H - giám đốc) thừa nhận số tiền này công ty không giữ mà do ông H đang quản lý, ông H và ông N sẽ giải quyết với nhau sau. Do đó, ông N có quyền khởi kiện ông H yêu cầu thanh toán tiền bằng một vụ án dân sự khác theo quy định pháp luật. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo này của nguyên đơn ông Hoàng Xuân N.
Đối với số tiền bồi thường do tai nạn lao động 29.490.500 đồng, xét thấy, ông Hoàng Xuân N bị tai nạn ngày 19 tháng 8 năm 2005. Sau khi bị tại nạn, ông N đã chuẩn bị các hồ sơ, đề nghị Công ty Cổ phần T giải quyết chế độ theo quy định. Hai bên đã làm việc với nhau và Công ty Cổ phần T đã trả lời yêu cầu của ông N ngày 01 tháng 11 năm 2006. Từ khi nhận được ý kiến trả lời của công ty, ông N không có phản hồi và không có yêu cầu gì. Đến ngày 24 tháng 4 năm 2018, ông N có đơn khởi kiện bổ sung đề nghị Tòa án buộc Công ty Cổ phần T phải thanh toán chế độ do tai nạn lao động là hết thời hiệu 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012. Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An xác nhận vụ tai nạn của ông N ngày 19 tháng 8 năm 2005 không được coi là tai nạn lao động, cũng không phải là tai nạn do các trường hợp khác rủi ro gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động được phân công. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đình chỉ nội dung khởi kiện này là đúng pháp luật.
Đối với số tiền lương hưu 550.476.408 đồng không được hưởng, xét thấy, ông Hoàng Xuân N chính thức nghỉ việc tại Công ty Cổ phần T từ ngày 01 tháng 11 năm 2006, lúc đó, ông N mới đủ 51 tuổi (ông N sinh ngày 07 tháng 6 năm 1955). Tại thời điểm này, ông N thuộc diện người lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP và được hưởng chế độ theo quy định nên sẽ không được hưởng chế độ lương hưu nữa. Đến thời điểm ông N đủ 55 tuổi (ngày 07 tháng 6 năm 2011), căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002), Điều 26 Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ và tiểu mục 2.3.1 mục 2 Phần II Thông tư số 18/TT-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Y tế hướng dẫn về hồ sơ và quy trình giám định y khoan cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thì ông N phải có đơn xin giám định khả năng lao động và hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để được đi giám định y khoa. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, ông N không xuất trình được các tài liệu, chứng cứ chứng minh ông bị mất sức lao động từ 61% trở lên để thuộc trường hợp được hưởng lương lưu theo quy định. Trên thực tế, sau khi nghỉ việc tại Công ty Cổ phần T, ông N không thực hiện việc giám định y khoa nên không xác định được mức độ suy giảm khả năng lao động. Mặt khác, ông N cũng thừa nhận từ năm 2010 đến năm 2011, ông vẫn đi làm việc tại Lào. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo này của ông Hoàng Xuân N.
Đối với số tiền thiệt hại về chế độ bảo hiểm y tế, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận mức thiệt hại của ông N không được hưởng là 53 lần x 750.000 đồng/lần = 39.750.000 đồng. Tuy nhiên, từ tháng 11 năm 2006, ông N đã nghỉ việc theo chế dộ dôi dư tại Công ty Cổ phần T. Theo bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội của ông N do Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cung cấp (bút lục hồ sơ số 257) thì ông N chỉ đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 10 năm 2006. Khi ông N không còn là người lao động của Công ty Cổ phần T thì ông có quyền mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện ở địa phương hoặc ở đơn vị khác. Việc ông N không mua thẻ bảo hiểm dẫn đến không có thẻ bảo hiểm y tế để được hưởng chế độ khi khám sức khỏe không phải là lỗi của Công ty Cổ phần T. Căn cứ quy định tại Điều 4 Chương VI Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ ban hành điều lệ bảo hiểm y tế “Bảo hiểm y tế tự nguyện được áp dụng đối với mọi đối tượng có nhu cầu tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế, kể cả đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng muốn tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện để hưởng mức dịch vụ bảo hiểm y tế cao hơn đối với người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc”. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo này của ông Hoàng Xuân N.
Đối với số tiền thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 567.014.133 đồng, bao gồm:
Số tiền thiệt hại do thu nhập thực tế ông N bị mất từ năm 2007 đến năm 2016, ông N và đại diện Công ty Cổ phần T đã nhiều lần gặp gỡ để trao đổi, bàn bạc về những vẫn còn chưa thống nhất để tìm phương án giải quyết. Đồng thời, do không đồng ý với cách giải quyết của công ty nên ông N đã nhiều lần viết đơn đề nghị gửi các cơ quan khác nhau. Trong thời gian này, ông N không đi làm nên không có thu nhập. Tòa án cấp sơ thẩm chấp đã chấp nhận số tiền mất thu thập 27.575.840 đồng là có căn cứ.
Về số tiền chi phí gửi đơn, in ấn tài liệu, đây là chi phí thực tế ông N đã phải thực hiện để giải quyết quyền lợi của mình nên cần chấp nhận mức mỗi năm 01 tháng lương cơ sở trong 10 năm là 11.500.000 đồng.
Về khoản tiền bồi thường tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm 27.600.000 đồng là phù hợp với thực tế và tình hình tại địa phương.
Về số tiền chi phí Luật sư, đây không phải là chi phí hợp lý theo quy định pháp luật. Ông N có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc trường hợp phải mời Luật sư và theo quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chi phí Luật sư do người yêu cầu chịu. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận chi phí Luật sư 40.000.000 đồng là không chính xác. Ông N kháng cáo đề nghị chi phí Luật sư với mức 80.000.000 đồng là không có căn cứ.
Về số tiền chi phí thuê phòng nghỉ, đi lại, ông N không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ và chi phí này cũng không phù hợp với chi phí thực tế nên không có căn cứ để chấp nhận.
[5] Xét kháng cáo của Công ty Cổ phần T:
Ông Hoàng Xuân N có đơn khởi kiện gửi Tòa án cấp sơ thẩm ngày 27 tháng 11 năm 2015 và sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 24 tháng 4 năm 2018, Công ty Cổ phần T đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án vì thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết. Xét thấy, Công ty Cổ phần T ban hành Quyết định số 63/QĐ-CT về việc giải quyết nghỉ việc hưởng chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doạnh nghiệp Nhà nước ngày 01 tháng 11 năm 2006. Mặc dù sau đó Công ty Cổ phần T đã ba lần thông báo cho ông N đề nghị hoàn tất thủ tục để nhận tiền trợ cấp nhưng đến ngày 10 tháng 6 năm 2015, ông N mới được nhận Quyết định số 63/QĐ-CT và năm 2016, công ty mới trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông N. Đại diện Công ty Cổ phần T cho rằng ông N đã nhận được quyết định năm 2006 nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Tại Công văn số 198/CV-GĐ ngày 09 tháng 6 năm 2015, Công ty Cổ phần T đã thừa nhận việc giữ hồ sơ bảo hiểm xã hội của ông N và đến năm 2016 mới trả cho ông N. Như vậy, hành vi của Công ty T kéo dài đến năm 2016 mới chấm dứt nên thuộc trường hợp khôi phục thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2005. Căn cứ Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012 thì thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này của Công ty Cổ phần T.
Công ty Cổ phần T đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hoàng Xuân N, tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, yêu cầu khởi kiện của ông N có căn cứ nên cần chấp nhận một phần.
Xét về lỗi, việc Công ty Cổ phần T không trả sổ bảo hiểm xã hội, giữa hai bên nhiều lần làm việc để đối chiếu công nợ nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông N chịu 30% lỗi, Công ty Cổ phần T chịu 70% lỗi là có căn cứ. Ông N được chấp nhận các khoản tiền sau: Số tiền mất thu thập 27.575.840 đồng, số tiền chi phí gửi đơn, in ấn tài liệu 11.500.000 đồng và số tiền bồi thường tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm 27.600.000 đồng; tổng cộng 66.675.840 đồng. Ông N chịu 30% lỗi tương ứng với số tiền 20.002.000 đồng. Số tiền còn lại 46.673.840 đồng, buộc Công ty Cổ phần T phải bồi thường cho ông Hoàng Xuân N.
Từ những căn cứ và lập luận nêu trên, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Hoàng Xuân N, có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Cổ phần T, sửa bản án sơ thẩm.
[6] Về án phí: Do có sự thay đổi về số tiền phải trả nên phải tính lại án phí sơ thẩm Công ty Cổ phần T phải chịu. Công ty Cổ phần T kháng cáo được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí phúc thẩm; ông Hoàng Xuân N kháng cáo không được chấp nhận nhưng thuộc trường hợp được miễn án phí nên không phải chịu án phí phúc thẩm.
[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự,
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Hoàng Xuân N; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần T, sửa bản án sơ thẩm, Căn cứ vào khoản 3 Điều 32, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 43, Điều 145 Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002); Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 15, Điều 26 Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị địnhk số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 604, Điều 605, Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 149, Điều 150, Điều 151, Điều 154, Điều 157, khoản 2 Điều 468, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; Điều 4 Chương VI Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ ban hành điều lệ bảo hiểm y tế; Thông tư số 19/2004/TT- BLĐTBXH ngày 22 tháng 11 năm 2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP; Quyết định số 2352/1999/QĐ-BHXH ngày 28 tháng 9 năm 1999 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Thông tư liên tịch số 14/2005/TT-BLĐTBXH- BYT-TLĐLĐVN ngày 08 tháng 3 năm 2005 hướng dẫn khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn định kỳ; tiểu mục 2.3.1 mục 2 phần II Thông tư số 18/TT- BYT ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Y tế hướng dẫn về hồ sơ và quy trình giám định y khoa cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; khoản 4; xử:
- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân N về việc yêu cầu Công ty Cổ phần T trả sổ bảo hiểm xã hội do người khởi kiện rút đơn yêu cầu;
- Đình chỉ yêu cầu Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại do không giải quyết chế độ tai nạn lao động do thời hiệu khởi kiện đã hết;
- Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân N về việc buộc Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động do vi phạm trong việc chi trả các khoản trợ cấp đối với người lao động dôi dư số tiền là 168.118.871 đồng (Một trăm sáu mươi tám triệu, một trăm mười tám nghìn, tám trăm bảy mươi mốt đồng);
- Buộc Công ty Cổ phần T bồi thường thiệt hại do vi phạm trong việc chậm trả lại hồ sơ, bảo hiểm xã hội cho ông Hoàng Xuân N với số tiền là 46.673.840 đồng (Bốn mươi sáu triệu, sáu trăm bảy mươi ba nghìn, tám trăm bốn mươi đồng);
- Ông Hoàng Xuân N có quyền khởi kiện vụ án dân sự khác về việc yêu cầu ông Nguyễn Bá H thanh toán cho ông N số tiền trợ cấp đối với người lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ ông H đang quản lý để được giải quyết theo quy định pháp luật.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản tiền nêu trên, nếu người phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 7, 8 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
2. Về án phí: Căn cứ Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án;Điều 12, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, - Về án phí sơ thẩm: Buộc Công ty Cổ phần T phải chịu 1.400.000 đồng (Một triệu, bốn trăm nghìn đồng) án phí sơ thẩm.
- Về án phí phúc thẩm: Ông Hoàng Xuân N và Công ty Cổ phần T không phải chịu án phí phúc thẩm; trả lại cho Công ty Cổ phần T 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0003025 ngày 11 tháng 12 năm 2018.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 02/2019/LĐ-PT ngày 06/08/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động và tai nạn lao động
Số hiệu: | 02/2019/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nghệ An |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 06/08/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về