Bản án 02/2019/HS-ST ngày 15/02/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 02/2019/HS-ST NGÀY 15/02/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 15 tháng 02 năm 2019, tại Tòa án nhân dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 17/2018/TLST-HS ngày 03 tháng 12 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2019/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 01 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 02/2019/HSST-QĐ ngày 16 tháng 01 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Phạm Văn L, sinh ngày 20 tháng 01 năm 1997, tại xã K, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú thôn Đ, xã K, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ học vấn: 09/12; Dân tộc: Hre; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phạm Văn T và bà Phạm Thị C; Vợ, con: chưa có; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 08/07/2018 cho đến nay. (có mặt)

2. Họ và tên: Phạm Văn S, sinh ngày 30 tháng 01 năm 1995, tại xã K, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú thôn Đ, xã K, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ học vấn: 09/12; Dân tộc: Hre; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phạm Văn X và bà Phạm Thị X1; Vợ, con: chưa có; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 08/07/2018 cho đến nay. (có mặt)

- Người bào chữa cho các bị cáo: Ông Nguyễn Xuân P, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, là người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn L, Phạm Văn S, theo Quyết định số 87, 88/QĐ-TGPL ngày 20/7/2018 của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (có mặt)

- Người bị hại: Anh Phạm Văn H, sinh năm 1990; Nơi cư trú: thôn G, xã K, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Phạm Thị N, sinh năm 1992; Nơi cư trú: Thôn Đ, xã K, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi (vắng mặt).

- Người làm chứng:

1. Anh Phạm Văn X, sinh năm 1993 (có mặt).

2. Anh Phạm Văn Ấ, sinh năm 1997 (có mặt).

3. Anh Phạm Văn T, sinh năm 1997 (có mặt).

4. Anh Phạm Văn L2, sinh năm 1990 (có mặt).

5. Anh Phạm Văn B, sinh năm 1986 (có mặt).

Cùng nơi cư trú: Thôn Đ, xã K, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

Người phiên dịch: Ông Phạm Văn T2, Công tác tại Trung tâm truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tơ (phiên dịch tiếng Hre cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa) (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 08 giờ 00 phút ngày 15/12/2017, Phạm Văn S điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 76K1-050.32 chở Phạm Văn L đến Nhà văn hóa thôn V, xã K để dự tổng kết công tác đoàn năm 2017 do xã đoàn tổ chức. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày thì S, L, L2 rủ nhau đi đến nhà Phạm Thị N bán tạp hóa nhỏ ở thôn Đ, xã K gọi phồng tôm và rượu để uống. Khi tới nhà chị Phạm Thị N thì S, L, L2 gọi chị N mang ra bàn ngoài hè 02 chai rượu gạo loại chai nhựa Thạch Bích 500ml, 04 gói phồng tôm và 01 cái dĩa nhựa cứng màu trắng để đựng phồng tôm. Trong khi ngồi uống rượu thấy có Phạm Văn X, Phạm Văn Ấ, Phạm Văn T ở cùng xóm với S đi ngang qua nhà Phạm Thị N nên Phạm Văn S có gọi vào uống rượu. Đến khoảng 20 giờ 50 phút cùng ngày, anh Phạm Văn H ghé vào nhà Phạm Thị Noang mua nước ngọt để uống thì Phạm Văn L gọi H vào ngồi uống rượu nhưng H không nói gì và cũng không tới, do trước đó H đã uống rượu tại nhà Phạm Văn Bi thấy mệt không muốn uống tiếp nên không tới. Thấy vậy, Phạm Văn L tiếp tục gọi H vào ngồi uống ly rượu cho vui lần thứ hai thì Phạm Văn H mới tới.

Khi H đi tới chỗ mọi người đang ngồi uống rượu thì đồng thời L này Phạm Văn L2 có người điện thoại gọi tới, L2 đứng dậy đi ra ngoài nghe điện thoại nên H tới ngồi ngay vào ghế của L2 ngồi trước đó (H ngồi vị trí giữa S và L. Bên tay phải của H là S, bên tay trái của H là L). Phạm Văn L rót rượu vào ly và đưa cho H uống, khi H vừa uống xong 01 ly rượu thì L nói với H: “Sao tao gọi một lần mày không tới mà gọi hai lần mày mới tới” đồng thời dùng tay phải tát vào mặt H 02 (hai) cái. Thấy vậy, Phạm Văn S dùng tay phải cầm chai Thạch Bích nhựa loại 500ml, đựng khoảng 1/3 rượu trong chai để trên bàn nhậu đập vào đầu H 01 (một) cái làm cái chai văng xuống đất. Tiếp đó Phạm Văn S dùng tay phải cầm cái dĩa nhựa cứng màu trắng đựng phồng tôm để trên bàn đứng dậy đánh dọc cạnh dĩa theo hướng từ trên xuống, hơi nghiêng, phần cạnh dĩa trúng vào vùng đỉnh đầu của H với lực rất mạnh làm cái dĩa vỡ nhiều mảnh, phần còn lại của cái dĩa S cầm trên tay theo quá trình trượt từ trên xuống cắt vào dái tai bên phải của H, làm rách dái tại. Liền lúc đó Phạm Văn L đứng dậy dùng hai tay cầm thành ghế nhựa màu đỏ mà L đang ngồi đánh mạnh từ trên xuống, phần lưng ghế trúng vào cùng vị trí mà S vừa dùng dĩa đánh vào vùng đỉnh đầu của H, làm cái ghế bị gãy, hai chân ghế rời ra ngoài, lúc này máu trên đầu H chảy ra rất nhiều. Sự việc diễn ra liên tục trong khoảng thời gian ngắn làm Phạm Văn H không có phản ứng gì mà đứng dậy bỏ chạy, Phạm Văn L đuổi theo H nhưng được Phạm Văn L2 sau khi nghe xong điện thoại đi vào thấy vậy nên can ngăn không cho L đuổi theo. Sau khi bị đánh, H bỏ chạy đến nhà Phạm Văn L1 nhờ L1 và Phạm Văn Bi ở thôn Đồng Răm I, xã Ba Khâm chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm, huyện Đức Phổ nhưng do thương tích nặng nên H được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu điều trị từ ngày 16/12/2017 đến 29/12/2017 được xuất viện về nhà.

Bệnh án Ngoại Khoa của Bệnh viện Đặng Thùy Trâm thuộc Sở y tế tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận tình trạng Phạm Văn H: vào viện L 23 giờ ngày 15/12/2017; Đỉnh đầu có vết thương 05cm, tổn thương xương sọ; rách da vành tai (P).

Tại bản Kết luận giám định pháp y số 38/2018/GĐPY ngày 09/03/2018 của Phòng giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Quảng ngãi, kết luận: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 43% (bốn mươi ba phần trăm).

Tại bản Cáo trạng số 15/CT-VKS ngày 27-11-2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi truy tố Phạm Văn L, Phạm Văn S về tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại điểm c khoản 03 Điều 134 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:

Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Phạm Văn S, Phạm Văn L phạm tội “Cố ý gây thương tích”;

Về hình phạt đề nghị áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội Việt Nam; căn cứ điểm c, khoản 3, Điều 134; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38, khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn S từ 42 đến 48 tháng tù, xử phạt bị cáo Phạm Văn L từ 42 đến 48 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự:

- Phạm Văn S, Phạm Văn L đã tự nguyện đền bù cho người bị hại số tiền 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng). Đồng thời người bị hại Phạm Văn H đã có đơn không yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự nên đề nghị miễn xét.

- Đối với tài sản bị thiệt hại của chị Phạm Thị N (gồm 01 chai nhựa Thạch bích loại 50ml, 01 cái dĩa nhựa cứng, 01 cái ghế nhựa), chị Phạm Thị N không yêu cầu bồi thường nên đề nghị miễn xét.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu, tiêu hủy 01 (một) chai nhựa nhãn hiệu Thạch Bích loại 500ml; 01 cái dĩa nhựa cứng, màu trắng bị vỡ thành nhiều mảnh, không rõ hình; 01 cái ghế nhựa có lưng tựa, màu đỏ bị gãy.

Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo: Đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát về tội danh và khung hình phạt như Cáo trạng đã truy tố, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: điểm c, khoản 3, Điều 134; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38, khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Phạm Văn S từ 36 đến 42 tháng tù, xử phạt bị cáo Phạm Văn L từ 36 đến 42 tháng tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: tại phiên tòa hôm nay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị N vắng mặt không lý do. Xét thấy chị Phạm Thị N quá trình điều tra đã có bản khai và không yêu cầu các bị cáo bồi thường gì về dân sự, nên không ảnh hưởng đến việc xét xử hành vi của bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vắng mặt chị Phạm Thị N theo quy định tại Điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự, nếu sau này chị Phạm Thị N có yêu cầu bồi thường về dân sự sẽ được giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Ba Tơ, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[3] Về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định không có tội:

Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận: vào khoảng 20 giờ 50 phút ngày 15/12/2017, tại nhà Phạm Thị N ở thôn Đ, xã K, huyện B, khi các bị cáo L, S cùng một số người khác đang uống rượu thì gặp anh Phạm Văn H vào quán mua nước ngọt để uống, thì Phạm Văn L gọi H vào ngồi uống rượu nhưng H không nói gì và cũng không tới. Thấy vậy, Phạm Văn L tiếp tục gọi H vào ngồi uống ly rượu cho vui lần thứ hai thì Phạm Văn H mới tới.

Khi H đi tới, Phạm Văn L rót rượu vào ly và đưa cho H uống, khi H vừa uống xong 01 ly rượu thì L nói với H: “Sao tao gọi một lần mày không tới mà gọi hai lần mày mới tới” đồng thời dùng tay phải tát vào mặt H 02 (hai) cái. Thấy vậy, Phạm Văn S dùng tay phải cầm chai Thạch Bích nhựa loại 500ml, đựng khoảng 1/3 rượu trong chai để trên bàn nhậu đập vào đầu H 01 (một) cái làm cái chai văng xuống đất. Tiếp đó, Phạm Văn S dùng tay phải cầm cái dĩa nhựa cứng màu trắng đựng phồng tôm để trên bàn đứng dậy đánh dọc cạnh dĩa theo hướng từ trên xuống, hơi nghiêng, phần cạnh dĩa trúng vào vùng đỉnh đầu của H với lực rất mạnh làm cái dĩa vỡ nhiều mảnh, phần còn lại của cái dĩa S cầm trên tay theo quá trình trượt từ trên xuống cắt vào dái tai bên phải của H, làm rách dái tai. Liền lúc đó Phạm Văn L đứng dậy dùng hai tay cầm thành ghế nhựa màu đỏ mà L đang ngồi đánh mạnh từ trên xuống, phần lưng ghế trúng vào cùng vị trí mà S vừa dùng dĩa đánh vào vùng đỉnh đầu của H, làm cái ghế bị gãy, hai chân ghế rời ra ngoài, lúc này máu trên đầu H chảy ra rất nhiều. Anh H bỏ chạy các bị cáo đuổi theo nhưng được mọi người can ngăn nên không đuổi theo nữa. Sau khi bị đánh, anh H bỏ chạy đến nhà Phạm Văn L1 nhờ L1 và Phạm Văn Bi ở thôn Đ, xã K chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm, huyện Đức Phổ nhưng do thương tích nặng nên H được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu và điều trị từ ngày 16/12/2017 đến 29/12/2017 xuất viện về nhà.

Hậu quả của việc S, L đánh anh Phạm Văn H gây tổn thương cơ thể với thương tích đã được Phòng giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi giám định là 43%.

Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với biên bản thương tích, quá trình thực nghiệm điều tra, cơ chế hình thành vết thương; lời khai của người bị hại, người làm chứng và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Theo quy định tại Điều 134 bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

……………..

i) Có tính chất côn đồ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.

……………….

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

………………..

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

Các bị cáo Phạm Văn L, Phạm Văn S là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi dùng dĩa nhựa cứng và ghế nhựa đánh mạnh vào vùng đầu của anh Phạm Văn H sẽ gây ra hậu quả thương tích cho anh Phạm Văn H. Giữa các bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn từ trước, sự việc xuất phát vì bởi lý do nhỏ nhặt và nguyên nhân vô cớ của chính hai bị cáo gây ra, thể hiện tính côn đồ, hung hãn. Do đó, các bị cáo đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ”.

Do vậy, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội cần chấp nhận.

Các bị cáo đã thực hiện hành vi “cố ý gây thương tích” xảy ra vào ngày 15/12/2017 trước thời điểm ngày 01/01/2018 (thời điểm Bộ luật hình sự số 100/2015/QH đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 có hiệu lực thi hành) đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3, Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Nhưng xét thấy tại điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Cố ý gây thương tích” quy định khung hình phạt nhẹ hơn so với bộ luật hình sự năm 1999. Để có căn cứ áp dụng các tình tiết có lợi cho bị cáo nên căn cứ vào Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội và khoản 3 Điều 7 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định “Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”. Theo đó, áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo hướng có lợi cho bị cáo Phạm Văn L, Phạm Văn S nên hành vi cố ý gây thương tích do Phạm Văn L, Phạm Văn S thực hiện đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[4] Tính chất, mức độ của hành vi của từng bị cáo: Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của anh H đồng thời ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Để thể hiện tính hung hăng của mình, mặc dù trước đó giữa các bị cáo và người bị hại không có mâu thuẫn gì nhưng các bị cáo đã đánh người bị hại gây thương tích bất chấp hậu quả xảy ra mà đáng lẽ ra các bị cáo phải nhận thức được rằng sức khỏe của con người luôn được pháp luật bảo vệ, các bị cáo có ý thức coi thường pháp luật và cố ý thực hiện hành vi phạm tội của mình. Do đó khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cần phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn nhằm cách ly các bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian nhất định để giáo dục các bị cáo thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội là điều cần thiết.

Hành vi của các bị cáo chỉ mang tính đồng phạm đơn giản, trong quá trình thực hiện hành vi các bị cáo không có phân công vai trò cụ thể cho từng người hành vi của các bị cáo chỉ mang tính bộc phát tức thời nên vai trò của từng bị cáo trong vụ án này là ngang nhau, do đó hình phạt áp dụng cho các bị cáo tương xứng với hành vi của hai bị cáo đã gây ra.

[5] Về tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự: do đã áp dụng tình tiết tăng nặng định khung theo điểm c khoản 3 Điều 134 đối với các bị cáo, nên không áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất côn đồ đối với hai bị cáo.

[6] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: các bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho người bị hại, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trong quá trình điều tra bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, nên áp dụng các các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự để giảm một phần trách nhiệm hình sự cho các bị cáo khi quyết định hình phạt.

Xét các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên cần áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự để xử bị cáo dưới khung hình phạt là phù hợp.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo đã bồi thường cho người bị hại và người bị hại không có yêu cầu bồi thường thêm về dân sự nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[8] Vật chứng vụ án: Đối với 01 (một) chai nhựa nhãn hiệu Thạch Bích loại 500ml; 01 cái dĩa nhựa cứng, màu trắng bị vỡ thành nhiều mảnh, không rõ hình. 01 cái ghế nhựa có lưng tựa, màu đỏ bị gãy, là tài sản của bà Phạm Thị N ở thôn Đ, xã K, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, các đồ vật này đã hư hỏng không còn sử dụng được nên tịch thu, tiêu hủy.

[9] Về án phí: Các bị cáo Phạm Văn L và Phạm Văn S phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Văn L và Phạm Văn S phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7; Điều 17; Điều 38; Điều 58; điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn L 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính kể từ ngày bắt tạm giam là ngày 15/02/2019.

- Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7; Điều 17; Điều 38; Điều 58; điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn S 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính kể từ ngày bắt tạm giam là ngày 15/02/2019.

2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu, tiêu hủy:

- 01 (một) chai nhựa nhãn hiệu Thạch Bích loại 500ml (vỏ chai không có nước bên trong).

- 01 (một) cái dĩa nhựa cứng, màu trắng bị vỡ thành nhiều mảnh, không rõ hình, có kích thước (26x26)cm, dày 0,2cm. Mặt giữa dĩa tròn lõm xuống dưới.

Phần còn lại của dĩa nhựa có một góc cạnh nhọn. Tại các phần bị vỡ tạo ra các cạnh sắc bén.

- 01 (một) cái ghế nhựa có lưng tựa, màu đỏ bị gãy, vỡ thành nhiều mãnh, có kích thước (76x32x32)cm. Phần tựa lưng ghế cao 48cm, 02 chân ghế bên trái bị gãy rời ra ngoài. Mặt sau tựa lưng ghế có dòng chữ nổi viền hình bầu dục bên trong là dòng chữ “VIETTHANH PLASTIC G16”. Qua các phần bị vỡ tạo ra các cạnh sắc bén.

(Theo biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài sản ngày 29/11/2018 giữa Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện B và Chi cục Thi hành án dân sự huyện B).

3. Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: buộc các bị cáo Phạm Văn L và Phạm Văn S mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (15/02/2019) các bị cáo và người bị hại có quyền làm đơn kháng cáo bản án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại UBND nơi họ cư trú, để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

234
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 02/2019/HS-ST ngày 15/02/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:02/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;