TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN IA H’DRAI, TỈNH KON TUM
BẢN ÁN 02/2018/HSST NGÀY 30/01/2018 VỀ TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI
Ngày 30 tháng 01 năm 2018, tại Hội trường Nông trường cao su Suối Cát - Thôn 2, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 06/2017/TLST-HS ngày 28/12/2017 (Thụ lý mới số 02/2018/TLST-HS ngày 02 tháng 01 năm 2018) theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2018/QĐXXST - HS ngày 16 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo:
- Bòng Văn P; tên gọi khác: Bồn Văn P. Sinh ngày: 12 tháng 8 năm 1977, tại tỉnh H. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn B - xã Y - huyện B - tỉnh H.
Chỗ ở hiện nay: Đội 4 - Nông trường 2 – Công ty D, xã M, huyện S, tỉnh K.
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hoá: 0/12; Dân tộc: Dao; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam
Con ông: Bòng Văn Đ, sinh năm 1956 và bà Đặng Thị G, sinh năm 1956. Có vợ: Bồn Thị M, sinh năm 1982 và 04 (bốn) con, lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh năm 2015; Tiền án: Không, tiền sự: Không; Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/02/2017 đến ngày 28/4/2017, bị cáo được tại ngoại - Có mặt tại phiên tòa.
- Bị hại: Anh Bòng Văn V (đã chết). Sinh ngày 08/02/1984. Nơi cư trú: Thôn 13, xã Cư K, huyện E, tỉnh Đ.
- Người đại diện hợp pháp của bị hại: Chị Tráng Thị N (Vợ bị hại). Sinh năm 1988. Nơi cư trú: Thôn 13, xã Cư K, huyện E, tỉnh Đ (có mặt)
- Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
Ông Bòng Văn Đ(bố bị hại). Sinh năm 1956. Nơi cư trú: Đội 4 - Nông trường 2 - Công ty Duy Tân, xã M, huyện S, tỉnh K (vắng mặt có đơn xác nhận đi khỏi nơi cư trú)
Bà Đặng Thị G (mẹ bị hại). sinh năm 1956. Nơi cư trú: Đội 4 - Nông trường 2 - Công ty Duy Tân, xã M, huyện S, tỉnh K (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt ngày 17/01/2018)
Cháu Bòng Thị X (con bị hại). Sinh năm 2008
Nơi cư trú: Thôn 13, xã Cư K, huyện E, tỉnh Đ (vắng mặt). Cháu Bòng Quốc V (con bị hại). Sinh năm 2010
Nơi cư trú: Thôn 13, xã Cư K, huyện E, tỉnh Đ (có mặt).
- Người đại diện hợp pháp cho cháu Bòng Thị X và Bòng Quốc V Chị
Tráng Thị N (mẹ đẻ). Sinh năm 1988. Nơi cư trú: Thôn 13, xã CưK, huyện E, tỉnh Đ (có mặt).
- Người làm chứng:
Anh Lý Văn S. Sinh năm 1980. Trú tại: Đội 4, Nông trường 2, xã M, huyện S, tỉnh K (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt ngày 17/01/2018).
Anh Đặng Văn Tr. Sinh năm 1979. Trú tại: Đội 4, Nông trường 2, xã M, huyện S, tỉnh K (vắng mặt có đơn xác nhận đi khỏi nơi cư trú).
Anh Trang Văn B. Sinh năm 1989. Trú tại: Đội 4, Nông trường 2, xã, huyện S, tỉnh K (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt ngày 17/01/2018).
Anh Trang Văn C. Sinh năm 1978. Trú tại: Đội 4, Nông trường 2, xã M, huyện S, tỉnh K (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt ngày 17/01/2018).
Anh Lý Văn S1. Sinh năm 1975. Trú tại: Thôn 13, xã CưK, huyện Ea, tỉnh Đ. (vắng mặt).
Chị Bồn Thị M (vợ bị cáo). Sinh năm 1982. Trú tại: Đội 4, Nông trường 2, xã M, huyện S, tỉnh K. (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 21 giờ ngày 21/01/2017, Bòng Văn P cùng em trai là Bòng Văn V cùng chở nhau trên 01 xe máy vào khu rừng thuộc Tiểu khu 707- thôn 4, xã I, huyện I để săn thú. Trước khi đi, P cầm theo 01 khẩu súng (loại tự chế), 01 con dao rựa, 01 đèn pin; Vằn cầm theo 01 súng tự chế, 01 đèn pin. Trên đường đi, P và V phát hiện có thú rừng (hai anh em đoán đó là con nai), V dừng xe lại bên lề đường và cả hai anh em tự phân công nhau, mỗi người đi theo hướng ngược nhau trên một quả đồi. P đi được vòng thứ hai tới gần con suối nhỏ dùng đèn pin soi về phía trước cách chỗ P đứng khoảng 15-20 mét thì thấy dấu hiệu của mắt con thú (do đèn pin đã tắt phản chiếu lại), P tưởng là mắt con nai nên đã đưa súng tỳ vào thân cây lồ ô và ngắm bắn một phát về hướng nghi là mắt thú rừng.
Khi bắn xong, P chạy tới xem thì thấy em trai là V nằm trên tảng đá, đầu chảy máu do đạn của P vừa mới bắn xuyên qua. P nói "tại sao em lại ngủ trên tảng đá thế này, anh nhầm rồi". P khóc, trong lúc hoảng sợ, P đã kéo V xuống bên dưới tảng đá khoảng 1 mét và cầm súng của V đi giấu, lúc này khoảng 02 giờ sáng ngày 22/01/2017, sau đó, P cầm súng của mình đi ra chỗ để xe máy vứt khẩu súng vào bụi rậm. P điều khiển xe máy trở về nhà vào khoảng 3 giờ sáng ngày 22/01/2017. Ngày 23/01/2017, anh S1 (hàng xóm của V từ huyện E, tỉnh Đ sang tỉnh K để đón V về quê ăn tết) thắc mắc sao đến giờ V vẫn chưa về vì trước đó anh S có biết việc hai anh em P và V cùng đi săn thú, sợ gặp chuyện không may nên nói với P nhờ anh em trong xóm đi tìm giúp. P đồng ý, P nhờ anh C, anh Tr, anh S, anh B là hàng xóm cùng, anh S1 và vợ con P chia nhau ra đi tìm theo hướng P chỉ. Vì lo sợ nên P không chỉ nơi có tử thi của V, còn P ở nhà không đi tìm, số người trên đi tìm nhưng không có kết quả, đến khoảng 12 giờ cùng ngày, mọi người về nhà P ăn cơm, nghỉ ngơi rồi đến khoảng 14 giờ, mọi người chia thành 2 tốp, tốp 1 gồm: Anh Tr, anh B, anh S, anh P. Tốp 2 gồm: Anh S1, anh C đi tìm tiếp. Nghĩ lại mà hối hận nên P dẫn các anh Tr, anh B, anh S đến nơi có tử thi của V và vờ như vừa tìm thấy. Ngày 24/01/2017, P và gia đình trình báo chính quyền địa phương về cái chết của V, cùng gia đình lo hậu sự cho em trai tại tỉnh Đ. Sợ mẹ ruột là bà Đặng Thị G đau buồn nên P vẫn giấu gia đình chuyện đã dùng súng bắn nhầm V trong lúc hai anh em đi săn. Sau đó P có nói cho vợ là chị Bồn Thị M biết sự thật, chị M có khuyên P đi đầu thú, đến ngày 09/02/2017, Bòng Văn P đến Công an huyện I đầu thú và khai báo toàn bộ sự việc.
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên: Thời điểm xảy ra vụ án vào ban đêm, bị cáo đã chủ quan không xác định rõ đối tượng trước khi nổ súng, dù phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng súng đi săn, đã gây hậu quả chết người với lỗi vô ý do cẩu thả.
Tại bản cáo trạng số 01/KSĐT ngày 27/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia H'Drai truy tố bị cáo Bòng Văn P về tội "Vô ý làm chết người" theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự năm 1999.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Khẳng định Bòng Văn P khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội vô ý làm chết người là phù hợp với lời khai của bị cáo trước đây tại cơ quan điều tra, hành vi của bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người. Do đó, Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố đối với Bòng Văn P về tội “Vô ý làm chết người”.
Trước khi mở phiên tòa bị cáo đã tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại cho đại diện người bị hại số tiền 5.000.000 đồng.
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 98 BLHS 1999 , điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015; khoản 1 Điều 128, khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội Khóa 14 về những quy định có lợi cho người phạm tội được áp dụng ngay sau khi BLHS năm 2015 đối với bị cáo và đề nghị mức án phạt tù từ 18 tháng đến 24 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án. Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam; Về án phí: Buộc bị cáo chịu án phí theo quy định của pháp luật nếu không thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí.
Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tuyên tịch thu giao cho cơ quan công an huyện Ia H’Drai xử lý theo thẩm quyền: 01 khẩu súng tự chế không có số hiệu nòng bằng kim loại, báng gỗ màu nâu đen; 01 khẩu súng tự chế không có số hiệu nòng bằng kim loại, báng gỗ màu vàng nâu; 01 lọ nhựa màu xám đen cao 7,5 cm, đường kính khoảng 3,5 cm bên trong có 35 viên kim loại dạng tròn màu xám đen; 01 lọ nhựa màu trắng đen có kích thước cao 8,5cm đường kính 4,5cm bên trong có nhiều hạt kim loại màu xám đen; 01 lọ nhựa màu vàng nhạt có kích thước cao 6cm đường kính 3cm bên trong có 9 hạt kim loại hình tròn và 5 hạt kim loại hình trụ; Tuyên tiêu hủy 01 đèn pin; 01 dây vải màu đen; 01 dao rựa; 01 cục pin dài 21 cm. (Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa Công an huyện Ia H’Drai và Chi cục thi hành án huyện Ia H’Drai).
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 591, 593 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo phải bồi thường tiếp cho đại diện hợp pháp của bị hại chị Tráng Thị N số tiền 75.350.000 đồng.
Ý kiến của người đại diện cho bị hại (chị Tráng Thị N) về hành vi phạm tội của bị cáo: Nhất trí với ý kiến luận tội của đại diện Viện kiểm sát, đề nghị Toà án xét xử hình phạt tù đối với bị cáo. Về bồi thường dân sự trước khi mở phiên tòa bị cáo và đại diện bị hại đã thỏa thuận bồi thường các khoản tiền gồm: Tiền mua áo quan, tiền xe vận chuyển, chi phí hợp lý cho việc mai táng phí hết số tiền 30.350.000 đồng, tiền cấp dưỡng một lần cho hai con 40.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần 10.000.000 đồng, tổng cộng các khoản là 80.350.000 đồng. Trước khi mở phiên tòa bị cáo đã bồi thường 5.000.000 đồng. Tại phiên tòa chị Tráng Thị N yêu cầu bị cáo bồi thường tiếp số tiền 75.350.000 đồng
Lời nói sau cùng của bị cáo: Bị cáo cảm thấy rất ân hận về hành vi của mình gây ra cho bị hại là em trai mình. Xin lỗi vì đã gây ra mất mát to lớn cho gia đình đại diện bị hại, xin Tòa giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, 04 con còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của bị cáo, và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên Công an huyện Ia H’Drai Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên huyện Ia H’Drai trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo khai nhận phù hợp với các chứng cứ thu thập trước đây, phù hợp với quy định của pháp luật; Bị cáo, người đại diện cho bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Lời khai của bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại, người làm chứng phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như lời luận tội của Viện kiểm sát, như vậy Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận:
Đêm ngày 21/01/2017 và rạng sáng ngày 22/01/2017, tại địa điểm tiểu khu 707, thôn 4, xã I, huyện I, tỉnh K, bị cáo Bòng Văn P đã thực hiện hành vi sử dụng súng săn tự chế vào rừng săn bắn trái phép động vật cùng với bị hại Bòng Văn V. Trong lúc đi săn Bòng Văn P, Bòng Văn V mỗi người đều mang theo mỗi khẩu súng (tự chế) và đeo trên đầu một đèn pin, lúc vào rừng hai người tự phân công nhau, mỗi người đi theo hướng ngược nhau trên một quả đồi. P đi được vòng thứ hai tới gần con suối nhỏ dùng đèn pin soi về phía trước cách chỗ P đứng khoảng 20 m, P đã lầm tưởng ánh đèn Pin đeo trên đầu của Bòng Văn V có ánh sáng chiếu lại là tinh ( mắt) con nai nên P dùng súng tựa vào cây lồ ô ngắm, bóp cò nổ súng bắn một phát, khi bắn xong, P chạy tới xem thì thấy Bòng Văn V nằm trên tảng đá đầu chảy máu do đạn của P vừa bắn xuyên qua đầu làm Bòng Văn V chết ngay tại chỗ. Như vậy, bị cáo P đã lầm tưởng ánh đèn pin đeo trên đầu bị hại là tinh (mắt) nai nên đã nổ súng bắn. đây là nguyên nhân gây ra cái chết cho bị hại Bòng Văn V với lỗi vô ý do cẩu thả.
Xét lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa hôm nay là phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của những người làm chứng, đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra, biên bản họp hội đồng khám nghiệm tử thi, bản kết luận giám định pháp y và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa, chị Tràng Thị N, đại diện hợp pháp của bị hại cho rằng trước đó hai người có mâu thuẫn, xích mích nhưng không đưa ra được căn cứ để chứng minh. Khi xảy ra sự việc không có người làm chứng trực tiếp nên không có căn cứ, cơ sở để xác định động cơ, mục đích hành vi khác của bị cáo Bòng Văn P. Xét thấy, quan hệ giữa bị cáo với người bị hại là anh em ruột, trước khi xảy ra sự việc trên, hai anh em thường xuyên cùng nhau đi săn. Hơn nữa, hậu quả xảy ra nằm ngoài ý muốn của bị cáo.
Do vậy Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội “Vô ý làm chết người”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 98 BLHS năm 1999. Cáo trạng số 01/KSĐT ngày 27/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum truy tố bị cáo về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 Điều 98 BLHS năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Về quan điểm của viện kiểm sát tại phiên tòa là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật nên cần được chấp nhận để Hội đồng xét xử xem xét khi quyết định hình phạt và các vấn đề khác đối với bị cáo.
Xét hành vi phạm tội của bị cáo Bòng Văn P là nghiêm trọng, không những trực tiếp xâm hại đến tính mạng của bị hại, gây đau thương mất mát cho gia đình, người thân của bị hại mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự an toàn tại địa phương. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi, nhận thức rõ hành vi sử dụng súng tự chế để săn bắn trái phép của mình là sai trái, vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả vô ý làm chết người. Trong lúc xảy ra vụ án bị cáo đã có các hành vi di chuyển thi thể bị hại làm xáo trộn hiện trường, lấy súng của mình, súng của bị hại dấu đi nhằm mục đích tránh sự phát hiện của người khác. Khi bị hại chết bị cáo không có trách nhiệm đưa thi thể về chôn cất theo phong tục mà bỏ mặc bị hại trong rừng (mặc dù đó là em ruột của mình). Sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo không khai báo ngay với cơ quan có thẩm quyền xử lý mà do gia đình và người khác phát hiện tra hỏi bị cáo thì bị cáo mới ra trình diện với chính quyền địa phương và ra đầu thú.
Hơn nữa hiện nay, tội phạm có hành vi sử dụng súng săn để săn bắn động vật rừng trái phép dẫn đến hậu quả làm chết người đang có xu hướng gia tăng. Do đó Hội đồng xét xử thấy rằng cần phải xử lý nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian, có như thế mới đủ điều kiện và thời gian cải tạo, răn đe, giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội và có tác dụng tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
Tuy nhiên trước khi lượng hình, cũng cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ mà kiểm sát viên đề nghị như: Bị cáo không có tiền án, tiền sự, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình; bị cáo đã ra đầu thú, trước khi mở phiên tòa bị cáo đã bồi thường một phần thiệt hại. Vì vậy HĐXX cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt theo quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BHLS năm 1999, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo khi quyết định hình phạt, để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà tích cực cải tạo sớm trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không áp dụng đối với bị cáo.
Do chính sách của luật hình sự mới có sự thay đổi nên khi lượng hình Hội đồng xét xử áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội đối với bị cáo. Tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Ngoài hành vi phạm tội “ Vô ý làm chết người”, bị cáo Bòng Văn P còn có hành vi sử dụng trái phép vũ khí thô sơ (súng kíp tự chế) không có giấy phép, đã bị cơ quan Công an huyện Ia H’Drai xử phạt hành chính bằng quyết định số 05/QĐXPVPHC, ngày 20/4/2017 với hình thức phạt tiền 18.000.000 đồng là đúng với quy định của pháp luật. Đối với bị hại Bòng Văn V cũng có hành vi sử dụng súng tự chế đi săn bắn trái phép, tuy nhiên Bòng Văn V là bị hại trong vụ án đã chết nên cơ quan điều tra không có cơ sở xử lý.
- Về trách nhiệm dân sự: Trước khi mở phiên tòa bị cáo và đại diện bị hại đã thỏa thuận bồi thường các khoản tiền gồm: Tiền mua áo quan, tiền xe vận chuyển, chi phí hợp lý cho việc mai táng hết số tiền 30.350.000 đồng, tiền cấp dưỡng một lần cho hai con bị hại là Bòng Thị X, sinh năm 2008 và Bòng Quốc V, sinh năm 2010 số tiền 40.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần cho Chị Tráng Thị N (vợ bị hại) 10.000.000 đồng, tổng cộng các khoản bị cáo phải bồi thường cho đại diện bị hại là 80.350.000 đồng, bị cáo đã bồi thường trước số tiền 5.000.000 đồng.Tại phiên tòa, đại diện bị hại là chị Tráng Thị N có yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiếp số tiền 75.350.000 đồng.
Hội đồng xét xử thấy việc thỏa thuận về mức bồi thường giữa bị cáo và đại diện bị hại là phù hợp cần được chấp nhận. Đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Bòng Văn Đ và bà Đặng Thị G là bố, mẹ đẻ của bị hại và bị cáo nên ông bà không có yêu cầu bồi thường về khoản tiền tổn thất tinh thần do con mình gây ra, nên Hội đồng xét xử không đề cập đến.
-Về xử lý vật chứng: Cơ quan điều tra đã thu giữ 01 khẩu súng tự chế không có số hiệu nòng bằng kim loại, báng gỗ màu nâu đen dài 158 cm (của Bòng Văn P); 01 khẩu súng tự chế không có số hiệu nòng bằng kim loại, báng gỗ màu vàng nâu dài 164 cm (của bị hại Bòng Văn V); 01 lọ nhựa màu xám đen cao 7,5 cm, đường kính khoảng 3,5 cm bên trong có 35 viên kim loại dạng tròn màu xám đen; 01 lọ nhựa màu trắng đen có kích thước cao 8,5cm đường kính 4,5cm bên trong có nhiều hạt kim loại màu xám đen; 01 lọ nhựa màu vàng nhạt có kích thước cao 6cm đường kính 3cm bên trong có 9 hạt kim loại hình tròn và 5 hạt kim loại hình trụ. Hội đồng xét xử xét cần tịch thu giao cho cơ quan công an huyện Ia H’Drai xử lý theo thẩm quyền và giao cho cơ quan thi hành án dân sự tiêu hủy 01 đèn pin; 01 dây vải màu đen; 01 dao rựa; 01 cục pin dài 21 cm không còn giá trị sử dụng.
-Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn toàn bộ án phí nên HĐXX xét miễn toàn bộ án phí cho bị cáo theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
- Tuyên bố: Bị cáo Bòng Văn P phạm tội “Vô ý làm chết người”.
- Áp dụng: Khoản 1 Điều 98; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.
- Xử phạt: Bị cáo Bòng Văn P 18 (Mười tám) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án. Được trừ thời hạn tạm giam từ ngày 09/02/2017 đến ngày 28/4/2017 là 02 tháng 19 ngày (Hai tháng mười chín ngày).
- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự 1999; Điều 591; khoản 2, Điều 593 Bộ luật dân sự năm 2015. Buộc bị cáo phải bồi thường tiếp cho đại diện hợp pháp của bị hại chị Tráng Thị N các khoản tiền chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng một lần cho hai con bị hại là Bòng Thị X, sinh năm 2008 và Bòng Quốc V, sinh năm 2010, tiền tổn thất tinh thần của Chị Tráng Thị N, tổng cộng số tiền là: 75.350.000 đồng (Bảy lăm triệu, ba trăm năm mươi ngàn đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành án trả số tiền cho người được thi hành án thì hàng tháng người phải thi hành án phải trả thêm tiền lãi suất chậm trả cho người được thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015.
- Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tuyên tịch thu giao cho cơ quan công an huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum xử lý theo thẩm quyền:
01 khẩu súng tự chế không có số hiệu nòng bằng kim loại, báng gỗ màu nâu đen, dài 158 cm (của Bòng Văn Ph);
01 khẩu súng tự chế không có số hiệu nòng bằng kim loại, báng gỗ màu vàng nâu dài 164 cm (của bị hại Bòng Văn V);
01 lọ nhựa màu xám đen cao 7,5 cm, đường kính khoảng 3,5 cm bên trong có 35 viên kim loại dạng tròn màu xám đen; 01 lọ nhựa màu trắng đen có kích thước cao 8,5cm 0đường kính 4,5cm bên trong có nhiều hạt kim loại màu xám đen; 01 lọ nhựa màu vàng nhạt có kích thước cao 6cm đường kính 3cm bên trong có 9 hạt kim loại hình tròn và 5 hạt kim loại hình trụ;
Tuyên giao cho cơ quan thi hành án dân sự huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum tiêu hủy 01 đèn pin, 01 dây vải màu đen, 01 dao rựa, 01 cục pin dài 21 cm không còn giá trị sử dụng (Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 07/6/2017 của Công an huyện Ia H’Drai với chi cục thi hành án dân sự huyện Ia H’Drai).
- Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 12, và Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án kèm theo danh mục án phí, lệ phí Tòa án. Miễn toàn bộ các khoản án phí (dân sự sơ thẩm và hình sự sơ thẩm) cho bị cáo Bòng Văn P.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6 ,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Căn cứ Điều 331, 333 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (30/01/2018) bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền làm đơn kháng cáo bản án để xin xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm. Riêng đối với những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền làm đơn kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc được niêm yết./.
Bản án 02/2018/HSST ngày 30/01/2018 về tội vô ý làm chết người
Số hiệu: | 02/2018/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Ia H'Drai - Kon Tum |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/01/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về