TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HẠ LANG, TỈNH CAO BẰNG
BẢN ÁN 02/2018/DS-ST NGÀY 24/04/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 24 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hạ Lang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 12/2017/TLST-DS ngày 01 tháng 11 năm 2017 về việc: "Tranh chấp quyền sử dụng đất", theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 61/2018/QĐXXST-DS ngày 20 tháng 3 năm 2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
- Đàm Văn Đ; sinh năm 1957; nghề nghiệp: Làm ruộng,
- Nông Thị S; sinh năm 1960; nghề nghiệp: Làm ruộng.
Cùng trú tại: Bản L, xã V, huyện H, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nông Văn S - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
2. Bị đơn:
- Lục Văn D; sinh năm 1977; nghề nghiệp: Làm ruộng,
- Lục Văn H; sinh năm 1979; nghề nghiệp: Làm ruộng,
- Lục Văn Tr; sinh năm 1981; nghề nghiệp: Làm ruộng.
Cùng trú tại: Bản L, xã V, huyện H, tỉnh cao Bằng. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 13/10/2017, ông Đàm Văn Đ, bà Nông Thị S và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cùng thống nhất trình bày: Gia đình ông Đ, bà S có 01 thửa đất số 139 (rừng khoanh nuôi) do khai phá, tu bổ và trồng nhiều loại cây đã được khoảng 20 năm, với tổng diện tích 34.962 m2 được Ủy ban nhân dân huyện H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 28/10/2006 tại tờ bản đồ số 2, thuộc xóm Bản L, xã V, huyện H, tỉnh Cao Bằng. Trên thửa đất này còn có 08 ngôi mộ, trong đó có 6 ngôi mộ của họ Lục, 2 ngôi mộ của gia đình ông. Tháng 5 năm 2017, ông Đ lập hàng rào để trồng lúa nương nhưng bị Lục Văn D, Lục Văn H và Lục Văn Tr ngăn cản, phá bờ rào và chặt phá cây rừng. Nay ông yêu cầu các bị đơn phải chấm dứt hành vi cản trở việc canh tác, sử dụng đối với thửa đất nêu trên và buộc các bị đơn phải bồi thường hàng rào bị phá với số tiền công là 400.000 (bốn trăm nghìn) đồng. Đồng thời, yêu cầu Tòa án xác định ranh giới giữa phần đất mộ với phần đất rừng của gia đình.
Tại biên bản hòa giải ngày 09/11/2017, ông Đàm Văn Đ rút yêu cầu bồi thường giá trị hàng rào bị phá và tự nguyện để lại phần đất mộ cho họ Lục là 1457 m2.
Các bị đơn, anh Lục Văn D, Lục Văn H và Lục Văn Tr trình bày: Phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc là đất mồ mả của họ Lục, đã làm thủ tục và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tên gọi theo tiếng địa phương là “Đồi Phằn”, còn gia đình ông Đ được cấp giấy chứng nhận về thửa đất này thì xóm không được biết, vì khi đó ông Đ làm trưởng xóm nên có thể cấp trùng. Trên phần đất này, có 06 ngôi mộ thì có 05 ngôi mộ của họ Lục đã được chôn cất trước khi Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc phá hàng rào là có thật, nhưng do ông Đ rào lấn vào đường đi chung, nay ông Đ thỏa thuận để lại phần đất có diện tích là 1457 m2 các bị đơn hoàn toàn nhất trí, riêng anh Lục Văn D cho rằng các bị đơn không có tranh chấp với nguyên đơn, do đó việc khởi kiện của ông Đ là không đúng nên ông Đ phải bồi thường tiền mất thu nhập, tiền công đi lại trong những ngày theo kiện cho các bị đơn theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu buộc các bị đơn chấm dứt hành vi cản trở việc canh tác và không yêu cầu các bị đơn phải bồi thường giá trị hàng rào bị phá nhưng phải tôn trọng ranh giới đã được xác định.
Các bị đơn nhất trí với phần diện tích ông Đ thỏa thuận nhưng anh Lục Văn D vẫn cho rằng, bị đơn không có tranh chấp, việc ông Đ khởi kiện là không đúng nên phải bồi thường tiền công đi lại, tiền mất thu nhập do phải theo hầu kiện.
Kiểm sát viên phát biểu:
Về việc tuân thủ pháp luật: Việc thụ lý, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải cho đến khi xét xử. Thư ký, Thẩm phán và các thành viên của Hội đồng xét xử đều được thực hiện đúng các quy định của luật Tố tụng dân sự; những người tham gia tố tụng trong đó có bị đơn không tôn trọng Tòa án, được thể hiện không chấp hành nghiêm thời gian do Tòa án triệu tập, khi tham gia thẩm định tại chỗ hoặc tại phiên hòa giải lần thứ hai mặc dù có mặt nhưng không ký vào biên bản, nhằm gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Về nội dung và đường lối giải quyết vụ án: Việc tranh chấp giữa các đương sự được xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất mà cụ thể là xác định về ranh giới giữa đất rừng với đất mộ, trong đó gia đình ông Đ là người được cấp giấy chứng nhận, việc cấp giấy chứng nhận đúng với quy định của pháp luật. Các bị đơn đã có hành vi phá bờ rào và ngăn cản việc canh tác của nguyên đơn một cách trái pháp luật, yêu cầu các bị đơn chấm dứt việc cản trở và ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn để lại cho bị đơn phần đất mộ có diện tích là 1457 m2.
Về án phí, lệ phí: Ông Đàm Văn Đ được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, do ông Đ có đơn miễn nộp án phí với lý do ông Đ nằm ở địa phương có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, buộc các bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật. Các đương sự phải chịu mỗi người là 500.000 (năm trăm nghìn) đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về quan hệ tranh chấp: Theo đơn khởi kiện ban đầu, ông Đàm Văn Đ yêu cầu các bị đơn chấm dứt hành vi cản trở việc sử dụng, canh tác và bồi thường thiệt hại hàng rào bị chặt phá với số tiền là 400.000 (bốn trăm nghìn) đồng. Đồng thời xác định ranh giới giữa phần đất mộ với đất rừng nằm trong thửa đất 139, tờ bản đồ số 02 thuộc xóm Bản L, xã V. Trong quá trình hòa giải tại Tòa án, ông Đ đã rút yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tài sản, nên quan hệ pháp luật tranh chấp ở đây được xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất, được quy định tại khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2]. Về yêu cầu của ông Đàm Văn Đ: Phần đất đang tranh chấp giữa các đương sự có nguồn gốc là do ông Đàm Văn Đ khai phá, trồng và tu bổ các loại cây từ năm 1997, đến năm 2006 được Ủy ban nhân dân huyện H cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Đ, có số thửa là 139, tại tờ bản đồ số 2, có diện tích 34692 m2 là đất rừng phòng hộ, với địa chỉ thửa đất có tên gọi là“Đồi Phằn” thuộc xóm Bản L, xã V, huyện H, tỉnh Cao Bằng.
Tại biên bản thẩm định tại chỗ ngày 21/12/2017, do Tòa án tiến hành thì trên thửa đất 139 có 06 ngôi mộ của họ Lục, 02 ngôi mộ của gia đình ông Đ, Hội đồng thẩm định đã đo đạc trên thực địa cho 06 ngôi mộ nằm trong phần đất hình thang, có đáy nhỏ là 30 m, đáy lớn là 32 m và chiều cao là 47 m, có diện tích là 1457 m2. Đồng thời xác định được thửa đất 129 là thửa đất của cộng đồng xóm Bản L, là thửa đất tiếp giáp với thửa đất 139 của hộ gia đình ông Đ.
Như vậy, không có sự việc cấp đất trùng lặp như phía bị đơn đã nêu và việc cấp đất của Ủy ban nhân dân huyện H cho gia đình ông Đ là hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật về đất đai.
Về phần mộ của họ Lục, trên thực tế có trước khi ông Đ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng do các bị đơn không làm thủ tục cấp đất và không có tài liệu chứng cứ để chứng minh về nguồn gốc cũng như việc quản lý sử dụng phần đất này một cách hợp pháp, nên không có căn cứ cho rằng toàn bộ rừng cây mà ông Đồ quản lý là của dòng họ Lục. Theo khoản 1 Điều 4 của Nghị định 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng có quy định: “Phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 05 m2”. Tại phiên hòa giải, ông Đ tự nguyện để lại diện tích 1457 m2 cho 06 ngôi mộ của dòng họ Lục là thiện chí và phù hợp với quy định của pháp luật nên cần được ghi nhận.
Đối với yêu cầu ban đầu của nguyên đơn buộc các bị đơn phải bồi thường giá trị hàng rào bị phá, xét thấy: Việc phá hàng rào ở phía chân đồi là có thật, vì được các bị đơn thừa nhận. Đây là hành vi cản trở việc quản lý, sử dụng đối với phần đất ông Đ được cấp giấy chứng nhận nên cần buộc các bị đơn phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, tại phiên hòa giải nguyên đơn đã rút yêu cầu bồi thường, nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Đối với yêu cầu của anh Lục Văn D về bồi thường tiền công đi lại, tiền mất thu nhập khi tham gia tố tụng, do luật pháp không có quy định nên không được chấp nhận.
[3]. Về án phí: Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Đàm Văn Đ có đơn yêu cầu miễn giảm án phí và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, thuộc đối tượng: “Là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tại Tòa án, thì ông Đ được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Các bị đơn cũng là đồng bào dân tộc thiểu số,nhưng không có đơn yêu cầu và không có xác nhận của chính quyền địa phương, nên không được xét giảm án phí.
[4]. Về lệ phí thẩm định tại chỗ: Nguyên đơn, các bị đơn đều có yêu cầu Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ và đã nộp mỗi người 500.000 (năm trăm nghìn) đồng, số tiền này đã được chi phí trong quá trình thẩm định nên các đương sự phải chịu chung.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; các khoản 1, 2 Điều164; Điều 169 Bộ luật dân sự 2015;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đàm Văn Đ.
- Buộc các bị đơn phải chấm dứt hành vi cản trở, việc canh tác, sử dụng đối với thửa đất 139 tại tờ bản đồ số 2 thuộc xóm Bản L, xã V, huyện H, tỉnh Cao Bằng.
- Ghi nhận sự tự nguyện của ông Đàm Văn Đ để lại 1457 m2 đất thửa đất số 139, tại tờ bản đồ số 2 (có sơ đồ kèm theo) cho anh Lục Văn D, Lục Văn H và Lục Văn Tr làm đất nghĩa địa.
2. Về án phí và chi phí tố tụng: Áp dụng các Điều 26, 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; các Điều 147, 157 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Ông Đàm Văn Đ không phải án phí dân sự sơ thẩm. Xác nhận ông Đ đã nộp 300.000 tiền tạm ứng án phí, nay được hoàn lại số tiền này tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hạ Lang.
Các bị đơn phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm, trong đó Lục Văn D, Lục Văn H và Lục Văn Tr phải chịu mỗi người 100.000 (một trăm nghìn) đồng.
- Về chi phí thẩm định tại chỗ: ông Đàm Văn Đ, anh Lục Văn D, Lục Văn Hvà Lục Văn Tr phải chịu mỗi người 500.000 (năm trăm nghìn) đồng. Xác nhận, các đương sự đã nộp đủ và số tiền này đã chi phí hết trong quá trình thẩm định.
3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo Bản án, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 02/2018/DS-ST ngày 24/04/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 02/2018/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Hạ Lang - Cao Bằng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/04/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về