TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHỢ ĐỒN, TỈNH BẮC KẠN
BẢN ÁN 02/2017/HNGĐ-ST NGÀY 27/07/2017 VỀ LY HÔN, CHIA TÀI SẢN CHUNG
Ngày 27/7/2017, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 06/2016/TLST-HNGĐ ngày 17 tháng 02 năm 2016 về tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2017/QĐXXST-HNGĐ ngày 04/7/2017 giữa các đương sự:
1.Nguyên đơn: Ông Dương Ngọc K, địa chỉ: Tổ 2.., thị trấn B, huyện C, tỉnh Bắc Kạn.
2. Bị đơn: Bà Hoàng Thị H, địa chỉ: Tổ 2.., thị trấn B, huyện C, tỉnh Bắc Kạn.
3. Những người làm chứng:
+ Ông Ma Quốc T, địa chỉ: Tổ 2.., thị trấn B, huyện C, tỉnh Bắc Kạn.
+ Bà Nông Thị K, địa chỉ: Thôn K, xã P, huyện C, tỉnh Bắc Kạn.
+ Ông Triệu Văn T, địa chỉ: Thôn N, xã P, huyện C, tỉnh Bắc Kạn.
+ Ông Nông Văn C, địa chỉ: Thôn C, xã Đ, huyện C, tỉnh Bắc Kạn
(Ông K, bà H, bà K, ông Triệu Văn T có mặt tại phiên tòa; ông Ma Quốc T vắng mặt; ông C xin xét xử vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 10 tháng 01 năm 2016, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn là ông Dương Ngọc K yêu cầu được ly hôn với bà Hoàng Thị H, địa chỉ: Tổ 2.., thị trấn B, huyện C, tỉnh Bắc Kạn và được sử dụng toàn bộ diện tích còn lại của thửa đất số 195 tờ bản đồ số 33 sau khi đã trừ đi phần diện tích đất có nhà của ông K, bà H đang ở với các tình tiết như sau: Ông cưới bà H vào cuối năm 1988 nhưng không có đăng ký kết hôn. Sau khi cưới người nào ở tại cơ quan của người ấy. Hai tháng sau thì về ở chung với nhau. Năm 1990 thì hai bên mới chung hộ khẩu. Khi đó ông là chủ hộ. Quá trình chung sống có phát sinh mâu thuẫn do phát hiện bà H là gái già muộn chồng, không thành thật, không hòa hợp về tính cách và ông bị mất việc làm nên tình cảm ngày càng rạn nứt. Năm 1996, ông lại xin được việc và đến năm 1997 thì ông chuyển công tác và cũng tách khẩu gia đình. Lúc tách khẩu, bà H không biết. Sau đó, bà H là chủ hộ. Năm 1998, làm công nhân xưởng trúc. Do lương thấp, đường xá đi lại khó khăn nên ông ít khi về nhà thăm vợ con. Ở nhà, bà H có quan hệ tình cảm bất chính nên sinh người con thứ hai. Từ đó, ông thêm buồn chán nên càng ít đi lại chăm sóc gia đình. Năm 2012, ông lại nhập khẩu về với gia đình và bà H vẫn là chủ hộ. Năm 2013, ông tách khẩu khỏi hộ của bà H. Mâu thuẫn hai bên ngày càng trầm trọng rồi ly thân. Ông xác định không thể tiếp tục chung sống nên yêu cầu được ly hôn.
Về con chung: có một con chung là Dương Thị H - Sinh ngày 26/12/1989 đã trưởng thành nên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Ông không thừa nhận người con thứ hai Dương Ngọc H - Sinh ngày 10/7/1997 là con của mình.
Về tài sản chung: Có một ngôi nhà gỗ ba gian và bếp dựng năm 1989. Nay nhà, bếp đã mục nát không còn giá trị sử dụng nên không yêu cầu chia.
Tài sản riêng: Năm 1981, ông công tác tại Phòng thống kê huyện C. Do nhà ở xa, nên ông thường ở lại cơ quan và có khai phá đất làm vườn cạnh cơ quan. Sau đó, ông xin thêm đất và được nhà nước phân đất ở tại tổ 2.., thị trấn B mang tên ông. Bà H không được giao thửa đất này. Khi ông chuyển ra Bắc Kạn công tác, bà H tự ý thay đổi thửa đất mà không báo cho ông biết. Trên đất có 01 ngôi nhà xây cấp IV do bà H xây vào năm 2013 có diện tích hơn 100m2. Đến năm 2014, ông cũng xây 01 ngôi nhà cấp IV liền kề với ngôi nhà bà H có diện tích 82m2. Ông xác định thửa đất này là tài sản riêng của ông nhưng vì tình người ông chấp nhận cho bà H ở trên đất có ngôi nhà của bà H đang ở. Phần còn lại ông không chia mà yêu cầu bà H trả lại cho ông.
Về nợ chung: Không có. Kèm theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn đã cung cấp các tài liệu chứng cứ sau: sổ hộ khẩu gia đình, Quyết định cấp đất số 130 của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện C; Biên lai thu thuế nhà, đất ngày 21/7/1994; biên lai thu tiền sử dụng đất ngày 29/11/1997; đơn đề nghị ngày 10/4/2014; thư tay của bà H.
- Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, bị đơn là bà Hoàng Thị H khai: Bà cưới ông K vào cuối năm 1988 nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Bà đến với ông K là tự nguyện, trước đó ông K đã có một đời vợ. Ngay từ khi chung sống đã phát sinh mâu thuẫn do tính cách không hợp. Ông K có tính keo kiệt, đánh đập, hành hạ bà nhưng bà vẫn cam chịu. Thời gian chuyển ra Bắc Kạn sinh sống, ông K vài tháng mới về thăm bà và con một lần. Năm 2011, ông K trở về ở chung với gia đình nhưng do tính cách không thay đổi nên năm 2013, bà làm nhà ra ở riêng. Hai bên ly thân nhau từ đó, không ai quan tâm đến ai. Tình cảm của bà dành cho ông K đã hết nên bà nhất trí với yêu cầu ly hôn của ông K.
Về con chung: Bà và ông K có hai người con chung là Dương Thị H - Sinh ngày 26/12/1989 và Dương Ngọc H - Sinh ngày 10/7/1997. Hiện hai con đã trưởng thành nên bà không có yêu cầu gì về con chung.
Về tài sản chung: Sau khi cưới, Nhà nước cấp cho gia đình bà một thửa đất tại tổ 2.., thị trấn B, huyện C, tỉnh Bắc Kạn vào năm 1989. Cùng năm đó, bà và ông K có dựng một ngôi nhà gỗ 3 gian lợp lá cọ, bưng vách nứa. Năm 1997, ông K chuyển ra Bắc Kạn công tác, bà phải vay mượn tiền để sửa chữa nhà như lợp mái ngói, bó lại nền nhà, xây tường bao quanh đất, kè mương phía sau. Đồng thời, bà phải nộp thuế đất hàng năm. Năm 2003, bà được cấp GCNQSDĐ đứng tên hộ bà Hoàng Thị H. Năm 2013, được cấp đổi GCNQSDĐ đứng tên hộ bà Hoàng Thị H và ông Dương Ngọc K. Vào năm 2011, ông K trở về gia đình sinh sống nhưng do tính cách không hợp nên năm 2013 bà đã vay tiền ngân hàng, người thân xây một ngôi nhà cấp IV trến thửa đất được cấp cho gia đình. Năm 2014, ông K cũng dựng một ngôi nhà cấp IV sát cạnh nhà của bà xây năm 2013. Nhà cũ thì vẫn còn nhưng không ai sử dụng. Bà xác định thửa đất này là tài sản chung của bà với ông K vì Nhà nước cấp cho hộ gia đình chứ không phải cấp cho cá nhân ông K. Bà không chấp nhận yêu cầu về tài sản của ông K và yêu cầu được chia 2/3 diện tích đất sau khi đã trừ đi phần đất có nhà của ông K vì bà có công trông coi, quản lý tài sản.
Về nợ chung: Không có. Các khoản vay của bà với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng chính sách xã hội là nợ riêng của bà nên bà có trách nhiệm tự trả nợ. Ngày 21/11/2016, bà H có đơn phản tố yêu cầu ông Dương Ngọc K phải thanh toán 1/2 giá trị tài sản là tường bao và kè đá mương theo giá trị định giá. Ông Dương Ngọc K không chấp nhận yêu cầu trích chia ½ giá trị tường bao và kè đá vì ông cũng bỏ ra mấy ngày công, mua hai xe gạch xây tường, đưa cho bà H 1.800.000đ để trả công thợ và nay khấu hao các tài sản đã hết. Tài liệu, chứng cứ do bị đơn cung cấp cho Tòa án: GCNQSDĐ số V 321512 cấp ngày 14/02/2003 đứng tên hộ bà Hoàng Thị H; GCNQSDĐ số BS 012016 cấp ngày 26/12/2013 đứng tên hộ bà Hoàng Thị H và ông Dương Ngọc K; biên lai thu thuế nhà, đất ngày 12/8/2008; biên lai thu thuế nhà, đất ngày 30/8/2009; biên lai thu thuế nhà, đất ngày 26/6/2010; hồ sơ vay vốn của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn; hò sơ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội.
- Lời khai người làm chứng Ma Quốc T: Năm 1995, ông bắt đầu làm tổ trưởng tổ 2.., thị trấn B. Năm 1998, Nhà nước triển khai việc cấp GCNQSDĐ. Khi đó, hộ bà H có ba nhân khẩu gồm bà H và hai con gái, không có tên ông K. Ông thông báo cho các hộ tự kê khai xin cấp GCNQSDĐ. Bà H là chủ hộ và đứng tên kê khai xin cấp GCNQSDĐ. Năm 2003, Nhà nước cấp GCNQSDĐ đứng tên hộ bà H. Năm 2012, ông K mang giấy giới thiệu nơi cư trú thì ông mới biết ông K là chồng bà H. Ông bảo ông K làm thủ tục nhập khẩu vào hộ bà H. Năm 2013, ông K lại tách khẩu. Việc UBND huyện C giao đất cho hộ ông K như thế nào thì ông không biết.
- Lời khai của người làm chứng Nông Thị K: Bà kết hôn với ông K từ năm 1979, đến cuối năm 1987 thì ly hôn. Năm 1985, ông K có làm đơn xin cấp đất. Khi đó chỉ ông K ký vào đơn xin cấp đất, không bàn bạc gì với bà. Ông K hai lần làm đơn xin cấp đất. Năm 1987, thì UBND huyện cấp đất tạm thời cho ông K nhưng bà không biết Nhà nước giao đất trước rồi mới có quyết định hay có quyết định trước mới giao đất sau. Bà cũng không biết ông K được giao đất thì có giấy tờ gì. Nay bà không có ý kiến gì về yêu cầu khởi kiện của ông K. Bà chỉ yêu cầu ông K có trách nhiệm chia một thửa đất cho con chung của bà với ông K.
- Lời khai của người làm chứng Triệu Văn T: Năm 1985, ông là Trưởng Ban cấp và thu hồi đất của huyện C. Năm đó, vợ chồng ông K có đơn xin cấp đất ở cho gia đình. Đơn đứng tên ông K, bà K nhưng chỉ có chữ ký của ông K, không có chữ ký của bà K. Ông chỉ một lần nhận được đơn của ông K. Năm 1987 thì tiến hành xét cấp. Theo quy định thì chỉ cặp vợ chồng nào cùng thoát ly mới được cấp đất. Năm 1989 có quyết định giao đất cho hộ ông Kháng tại mảnh đất hiện nay thuộc tổ 2.., thị trấn B, sau đó thì đi cắm mốc giới thực địa.
- Lời khai của người làm chứng Nông Văn C: Tại thời điểm năm 1987, ông có biết ông Dương Ngọc K là cán bộ Phòng thống kê kế hoạch được cắm đất tại tổ 2.., thị trấn B (địa điểm hiện ông K đang ở) và có làm một mảnh vườn trồng sắn trên phần đất do UBND huyện quản lý. Tại phiên họp công khai chứng cứ và tại phiên tòa, bị đơn thừa nhận các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp. Nguyên đơn thừa nhận các tài liệu chứng cứ do bị đơn cung cấp.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử (HĐXX), Thư ký phiên tòa và các đương sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án là đúng theo quy định của pháp luật. Ý kiến về việc giải quyết vụ án là đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về tố tụng: Đây là vụ án tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tranh chấp xảy ra giữa hai bên đều có nơi cư trú tại huyện C, tỉnh Bắc Kạn. Do đó, theo quy định tại các điều 35, 39 của Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Chợ Đồn.
[2]. Về nội dung vụ án:
- Về quan hệ hôn nhân: Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, cả ông K và bà H đều thừa nhận có tổ chức cưới hỏi và chung sống với nhau từ cuối năm 1988 và đến nay vẫn chưa đăng ký kết hôn vì có mâu thuẫn ngay từ khi chung sống. Qua xác minh đối chiếu với sổ đăng ký lưu tại UBND thị trấn B cũng không thấy bà H và ông K đăng ký kết hôn tại địa phương. Do đó, cần phải tuyên bố không công nhận ông K và bà H là vợ chồng.
- Về con chung: Các con đã trưởng thành nên HĐXX không xem xét.
- Xét yêu cầu của nguyên đơn đòi lấy toàn bộ diện tích thửa đất còn lại sau khi trừ phần diện tích đất có nhà của ông K, bà H: HĐXX nhận thấy năm 1989, UBND huyện C giao cho hộ gia đình ông K 200m2 đất (gồm 100m2 đất ở, 100m2 đất vườn) tại tổ 2.., thị trấn B, huyện C theo Quyết định số 130-QĐ/UB ngày 16/5/1989. Năm 2003, thửa đất này được cấp GCNQSDĐ lần đầu đứng tên hộ bà Hoàng Thị H có số thửa 01 thuộc tờ bản đồ 35, diện tích 479m2 (gồm 179m2 đất ở, 300m2 đất vườn). Năm 2013, đất này được cấp đổi GCNQSDĐ đứng tên hộ bà Hoàng Thị H, ông Dương Ngọc K có số thửa 195 thuộc tờ bản đồ số 33, diện tích 485,7m2 (gồm 179m2 đất ở đô thị - ODT và 306,7m2 đất trồng cây hàng năm khác - BHK). Diện tích đất tăng so với GCNQSDĐ lần đầu là do phương pháp đo đạc, mốc giới không thay đổi. Quá trình tố tụng, ông K khai có được làm đơn xin giao đất từ năm 1985 và đến năm 1987 thì được giao đất nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh. Ông K khai năm 1987 chỉ được giao trên thực địa, không có văn bản vì khi đó ông chưa nhất trí lấy phần đất này vì muốn lấy đất gần mặt đường. Lời khai của những người làm chứng là Nông Thị K, Nông Văn C khẳng định năm 1987 biết nhà nước giao đất cho vợ chồng ông K, bà K. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bà K thừa nhận không được ký vào đơn xin giao đất, ông T khai năm 1989 mới có quyết định cấp đất và sau đó mới đi cắm mốc giao đất trên thực địa. Lời khai của ông T tại phiên tòa phù hợp với nội dung của Quyết định số 130-QĐ/UB. Tại Điều 2 của Quyết định 130-QĐ/UB có ghi: “Giao cho Phòng xây dựng cơ bản huyện và phòng quản lý ruộng đất của cán bộ đến thực địa điểm để đo đạc và xác định diện tích và cắm mốc giới theo đúng Điều 1 quy định”. Như vậy, lời khai của nguyên đơn và những người làm chứng K, C khẳng định nhà nước giao đất cho hộ ông K từ năm 1987 là không có căn cứ để chấp nhận. Hai bên đương sự không thống nhất được thời điểm nhập chung khẩu và qua xác minh tại Công an thị trấn B cũng không có sổ lưu theo dõi hộ khẩu giai đoạn năm 1989. Tuy nhiên, hai bên thừa nhận thời điểm có Quyết định số 130-QĐ/UB ông K và bà H đang chung sống với nhau, khi tổ chức cưới hỏi có sự chứng kiến của hai bên gia đình, cơ quan hai bên. Tại thời điểm năm 1989, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đang có hiệu lực và luật không coi hôn nhân thực tế là trái pháp luật. Điều 35 Luật đất đai năm 1987 quy định chỉ được giao đất ở trong khu dân cư cho những hộ chưa có nhà ở. Tại phiên đối chất ngày 24/3/2017 và tại phiên tòa, ông K khẳng định năm 2012 ông có yêu cầu Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện C ghi tên của ông và bà H vào GCNQSDĐ mới. Như vậy, ông K đã coi thửa đất trên là tài sản chung của ông và bà H. Do đó, diện tích 485,7m2 đất thuộc thửa số 195, tờ bản đồ số 33 là tài sản chung của ông K và bà H. Nguyên đơn cho rằng thửa đất này là tài sản riêng của nguyên đơn là không có căn cứ. Quá trình giải quyết vụ án, hai bên đều thống nhất đối với phần diện tích đất có nhà của ông K, bà H đang ở của ai thì người đó sử dụng không yêu cầu Tòa án giải quyết. Hai bên chỉ tranh chấp phần diện tích đất còn lại. Do đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu sử dụng toàn bộ diện tích đất có tranh chấp của nguyên đơn mà chỉ chấp nhận chia cho nguyên đơn 1/2 diện tích đất đang có tranh chấp.
Đối với diện tích đang có nhà của bà H và ông K thì hai bên tự thỏa thuận không yêu cầu Tòa án giải quyết nên HĐXX không xem xét. Đối với yêu cầu của bị đơn yêu cầu được chia 2/3 diện tích đất đang có tranh chấp vì bị đơn có công trông coi, quản lý, HĐXX thấy quá trình quản lý, sử dụng hai bên không có thỏa thuận về việc quản lý, sử dụng tài sản chung, định đoạt, chia tai sản chung. Điều 216 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Khoản 2 Điều 217 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Khoản 2 Điều 218 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”. Như vậy, bà H đã tự nguyện quản lý tài sản chung. Bà H yêu cầu chia diện tích nhiều hơn là không có căn cứ chấp nhận mà chỉ chấp nhận chia cho bà H 1/2 diện tích đất đang có tranh chấp.
Đối với các tài sản trên đất đang có tranh chấp các bên đều thống nhất tài sản nằm trên phần đất được giao cho ai thì người đó quản lý, sử dụng và định đoạt. Đối việc xác định loại đất tại phần diện tích đất có tranh chấp: Qúa trình giải quyết vụ án các bên đương sự xác định toàn bộ phần diện tích đất đang tranh chấp là đất BHK vì phần đất ODT đã hoán đổi sang vị trí đất có nhà ông K, bà H đang ở và khi tiến hành định giá cũng xác định toàn bộ diện tích tranh chấp là đất BHK. Tuy nhiên, lời khai hai bên đương sự đều khai thống nhất năm 1989 có dựng nhà gỗ 3 gian và công trình phụ trên đất. Quá trình kê khai cấp GCNQSDĐ lần đầu vào năm 2003, thì 179m2 đất ODT được xác định tại vị trí đất có ngôi nhà trên. Đến năm 2012, khi làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ, trong kết quả đo đạc thửa đất (BL 116) cũng thể hiện vị trí của ngôi nhà. Sau khi được cấp đổi GCNQSDĐ thì bà H rồi ông K mới xây nhà mới tại vị trí khác ngôi nhà cũ. Ngôi nhà cũ và công trình phụ vẫn còn và nằm trên phần diện tích đang tranh chấp. Căn cứ vào Công văn số 723/UBND-TNMT ngày 09/6/2017 của UBND huyện C (BL 146) và Công văn số 39/CV-CNVP ngày 25/7/2017 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện C (BL 168), HĐXX nhận thấy 179m2 đất ODT của thửa đất số195, tờ bản đồ số 33 nằm tại vị trí phần đất đang tranh chấp giữa ông K và bà H. Do đó khi phân chia quyền sử dụng đất đang tranh chấp, mỗi bên được sử dụng một nửa diện tích đất ODT này. Tại biên hòa giải và tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn đều nhất trí áp giá đất theo bảng giá đất của Nhà nước ban hành. Theo Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Kạn thì đất ODT của thửa 195, tờ bản đồ 33 có giá 550.000đ/m2 và đất BHK là 47.000đ/m2. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 16/5/2017 (BL 138 đến BL 141) xác định phần diện tích đất chia cho các bên thì giá trị đất được chia của mỗi bên như sau: Ông K: (89,5m2 x 550.000đ) + (42,2m2 x 47.000đ) = 51.208.400đ; bà H: (89,5m2 x 550.000đ) + (40,0m2 x 47.000đ) = 51.105.000đ.
- Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn yêu cầu nguyên đơn phải trích chia ½ giá trị của tường bao quanh phần đất đang tranh chấp và kè đá phía sau, thấy rằng tại phiên đối chất ngày 24/3/2017 và tại phiên tòa, ông K đã thừa nhận tường bao và kè đá là tài sản riêng của bà H nhưng ông có đóng góp công sức và tài chính. Tuy nhiên, ông K không có tài liệu, chứng cứ chứng minh. Bà H thừa nhận ông K có đóng góp công sức và tài chính. Tại phiên tòa, bà H rút một phần yêu cầu phản tố, không yêu cầu trích chia giá trị phần tường bao vì tường bao nằm ngoài chỉ giới giao đất và nằm trong phần đất bà yêu cầu được chia, bà chỉ yêu cầu ông K thanh toán giá trị kè đá nằm trên phần đất tranh chấp được chia cho ông K. Bà H chấp nhận trừ 2.000.000đ tiền công sức đóng góp và phần gạch do ông K mua. Đối với phần kè đá tại phần đất có nhà ông K đang ở thì bà không có yêu cầu. Ông K cho rằng tường bao và kè đá đã hết khấu hao là không có căn cứ vì Hội đồng định giá tài sản đã có Kết luận định giá các tài sản là đất, tường bao và kè đá (BL 85). Do đó, cần chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bà H. Theo bảng giá của Hội đồng định giá tài sản (BL 86) thì đơn giá của kè xây bằng đá hộc là 1.348.000đ/m2. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 16/5/2017 thì kè đá trên phần đất chia cho ông K có kích thước: dài 7,12m; rộng 0,45m; cao 1,0m. Như vậy, số tiền ông K phải thanh toán cho bà H là: (7,12m x 0,45m x 1,0m x 1.348.000đ) - 2.000.000đ = 2.318.992đ.
- Về nợ: Quá trình giải quyết vụ án, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có yêu cầu cả ông K và bà H phải có nghĩa vụ trả nợ vì xác định đây là nợ chung. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, bà H đã trả xong các món nợ này. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có văn bản từ chối tham gia tố tụng vì không còn có liên quan. Vì vậy, HĐXX không xem xét.
- Đối với yêu cầu của bà K yêu cầu ông K chia đất cho con của bà với ông K, HĐXX nhận thấy không có liên quan đến vụ án nên không xem xét.
- Về chi phí định giá: Tại phiên tòa, bị đơn tự nguyện chịu toàn bộ chi phí định giá là 2.000.000đ (hai triệu đồng).
[3]. Về án phí: Căn cứ vào Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự, ông Dương Ngọc K phải chịu án phí ly hôn, án phí dân sự sơ thẩm chia tài sản chung và thanh toán tiền kè đá. Bà Hoàng Thị H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm chia tài sản chung. Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ các điều 28, 35, 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 14,16 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết 35/2000/QH10; các điều 207, 208, 210, 216, 217, 218, 219 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
* Về quan hệ hôn nhân: Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa ông Dương Ngọc K và bà Hoàng Thị H.
* Về tài sản chung:
- Ông Dương Ngọc K được sử dụng phần đất có vị trí, tứ cận:
+ Phía Bắc giáp phần đất được chia cho bà Hoàng Thị H có chiều dài 17,80m (từ điểm 16 kéo sang điểm 3).
+ Phía Nam giáp phần đất có nhà của ông K có chiều dài 18,36m (từ điểm 14 kéo sang điểm 5).
+ Phía Đông giáp mương nước công cộng có chiều dài 7,12m (từ điểm 3 qua điểm 4 đến điểm 5).
+ Phía Tây giáp tường bao và đường dân sinh có chiều dài 7,51m (từ điểm 14 qua điểm 15 đến điểm 16). Tổng diện tích là 131,7m2 (trong đó có 89,5m2 đất ở đô thị; 42,2m2 đất trồng cây hàng năm khác). (Theo sơ đồ trích đo thửa đất ngày 16/5/2017)
- Bà Hoàng Thị H được sử dụng phần đất có vị trí, tứ cận:
+ Phía Bắc giáp đường dân sinh có chiều dài 17,68m (từ điểm 18 qua các điểm 19, 20, 1 đến điểm 2).
+ Phía Nam giáp phần đất được chia cho ông K có chiều dài 17,80m (từ điểm 16 kéo sang điểm 3).
+ Phía Đông giáp mương nước công cộng có chiều dài 7,43m (từ điểm 2 đến điểm 3).
+ Phía Tây giáp tường bao và đường dân sinh có chiều dài 6,51m (từ điểm 16 qua điểm 17 đến điểm 18). Tổng diện tích là 129,5m2 (trong đó có 89,5m2 đất ở đô thị; 40m2 đất trồng cây hàng năm khác). (Theo sơ đồ trích đo thửa đất ngày 16/5/2017)
Tài sản trên đất: Ông K được quản lý, sử dụng, định đoạt các tài sản nằm trên phần đất chia cho ông K. Bà H được quản lý, sử dụng, định đoạt các tài sản nằm trên phần đất chia cho bà H.
* Buộc ông Dương Ngọc K phải thanh toán cho bà Hoàng Thị H giá trị phần kè đá trên phần đất ông K được chia là 2.318.992đ (hai triệu ba trăm mười tám nghìn chín trăm chín mươi hai đồng).
Về nghĩa vụ chậm thi hành án: "Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng b ên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015".
* Về chi phí định giá: Bà Hoàng Thị H tự nguyện chịu toàn bộ tiền định giá tài sản là 2.000.000đ (hai triệu đồng). Xác nhận bà H đã nộp đủ số tiền trên cho Hội đồng định giá tài sản.
2. Về án phí: Căn cứ Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án: Ông Dương Ngọc K phải chịu án phí ly hôn sơ thẩm là 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) và án phí dân sự sơ thẩm là 2.676.369đ (hai triệu sáu trăm bảy mươi sáu nghìn ba trăm sáu mươi chín đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 560.000đ (năm trăm sáu mươi nghìn đồng) theo biên lai thu số 05712 ngày 29/01/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C. Bà Hoàng Thị H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 2.555.250đ (hai triệu năm trăm năm mươi lăm nghìn hai trăm năm mươi đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 450.000đ (bốn trăm năm mươi nghìn đồng) theo biên lai thu số 05797 ngày 05/12/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C.
"Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự."
3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 02/2017/HNGĐ-ST ngày 27/07/2017 về ly hôn, chia tài sản chung
Số hiệu: | 02/2017/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Chợ Đồn - Bắc Kạn |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 27/07/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về