Bản án 02/2016/LĐ-ST ngày 30/09/2016 về tranh chấp tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp

TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN HỒNG BÀNG, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 02/2016/LĐ-ST NGÀY 30/09/2016 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG, TRỢ CẤP THÔI VIỆC, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Trong các ngày 29 và 30/9/2016, tại trụ sở Toà án nhân dân quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 01/TLST-LĐ, ngày 20/01/2016, về tranh chấp về tiền tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/QĐST-LĐ, ngày 06/9/2016, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: B A, sinh năm 1971;địa chỉ: đường M, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông B, sinh năm 1955; địa chỉ: Đường X, phường Y, quận P, thành phố Hải Phòng; c         .

Bị đơn: Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H; trụ sở tại đường T, phường E, quận F, thành phố Hải Phòng;

NHẬN THẤY

Theo đơn khởi kiện ngày 30/9/2014 và được bổ sung vào ngày 20/5/2015, bản tự khai và tại phiên tòa; người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông B trình bày:

Từ tháng 11/1992 đến tháng 10/1999, bà A vào làm công việc nhân viên buồng tại Khách sạn G, thuộc Công ty Z.

Từ tháng 11/1999 đến tháng 9/2003, bà A làm công việc nhân viên buồng tại Công ty Cổ phần khách sạn du lịch G.

Từ tháng 10/2003 đến tháng 3/2004, bà A làm nhân viên tại Công ty Thương mại G- Hải Phòng.

Từ tháng 4/2004 đến tháng 7/2012, bà A làm nhân viên buồng tại Khách sạn H - Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H.

Ngày 10/01/2014 Công ty H ra Quyết định số 11/QĐ-TCHC, về việc xếp bậc lương 3/6, mức lương 2.961.000 đồng đối với bà A.

Ngày 14/7/2014, Tổng Giám đốc Công ty H chủ trì cuộc họp khối nhân viên khách sạn H và quyết định từ ngày 15/7/2014, Công ty H cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Đ thuê toàn bộ số phòng của khách sạn và chuyển nguyên trạng các thiết bị, vật tự, dụng cụ, trang bị của phòng trọ cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Đ và buộc bà A phải làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động.

Tháng 4 và tháng 5 năm 2014, Công ty H chỉ tạm ứng cho bà A 80% lương thực lĩnh; tháng 6/2014 Công ty chỉ tạm ứng cho bà A 70% lương thực lĩnh; tháng 7/2014 Công ty chỉ trả bà A 1/2 tháng lương.

Bà A đã nhận được Quyết định số 29/QĐ-TCHC, ngày 30/7/2014 về việc chấm dứt hợp đồng lao động và Quyết định, số …./QĐCT, ngày 31/7/2014 về việc trợ cấp thôi việc đối với cán bộ công nhân viên nhưng vì công ty không tính đúng, tính đủ tiền trợ cấp thôi việc nên bà A khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng giải quyết các yêu cầu cụ thể như sau:

1. Hủy Quyết định số 11/QĐ-TCHC, ngày 10/01/2014, Quyết định số.../QĐ- TCHC, ngày 31/7/2014 của Công ty H;

2. Buộc Công ty H phải trả đầy đủ tiền lương từ tháng 01/2014 đến hết tháng 7/2014 cho bà A với tổng số tiền: 54.711.500 đồng (Năm mươi tư triệu bảy trăm mười một nghìn năm trăm đồng);

3. Buộc Công ty H phải đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho bà A từ tháng 8/2013 đến hết tháng 7/2014 là: 9.036.090 đồng (Chín triệu không trăm ba mươi sáu nghìn không trăm chín mươi đồng); cụ thể:

- Từ tháng 8/2013 đến hết tháng 12/2013, thời gian là 5 tháng, Công ty phải đóng: 5 tháng x 7.872.500 đồng/tháng x 18% = 7.085.250 đồng. Công ty đã đóng: 2.653.200 đồng, còn phải đóng tiếp: 4.432.050 đồng.

- Từ tháng 01/2014 đến hết tháng 7/2014, thời gian là 7 tháng, Công ty phải đóng: 7 tháng x 9.045.000 đồng/tháng x 18% = 8.334.900 đồng. Công ty đã đóng: 3.730.860 đồng, còn phải đóng tiếp: 4.604.040 đồng. 4. Buộc Công ty H phải trả tiền trợ cấp thôi việc còn thiếu cho bà A là: 69.480.000 đồng (Sáu mươi chín triệu bốn trăm tám mươi nghìn đồng), cụ thể:

- Tiền trợ cấp thôi việc thời gian bà A làm nhân viên buồng khách sạn G từ tháng 11/1992 đến tháng 10/1999, là 7 năm: 7 năm x (1/2 x 9.045.000 đồng/tháng) = 31.657.500 đồng.

- Tiền trợ cấp thôi việc thời gian bà A làm nhân viên buồng tại Công ty Cổ phần Thương mại du lịch G từ tháng 11/1999 đến tháng 9/2003 là 3 năm 11 tháng (làm tròn thành 4 năm): 4 năm x (1/2x 9.045.000 đồng/tháng) = 18.090.000 đồng.

- Tiền trợ cấp thôi việc thời gian bà A làm nhân viên buồng Công ty thương mại G từ tháng 10/2003 đến tháng 3/2004, là 6 tháng (làm tròn thành 01 năm), là: 01 năm x (1/2 x 9.045.000 đồng/tháng) = 4.522.500 đồng.

- Tiền trợ cấp thôi việc thời gian bà A làm nhân viên buồng khách sạn H - Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch H, từ tháng 4/2004 đến tháng 12/2008 là 4 năm 09 tháng (làm tròn thành 5 năm): 5 năm x (1/2 x 9.045.000 đồng/tháng) = 22.612.500 đồng. Số tiền trợ cấp thôi việc Công ty phải trả cho bà A là: 31.657.500đ +18.090.000đ + 4.522.500đ + 22.612.500đ = 76.882.500 đ. Công ty mới trả cho bà A được: 7.402.500 đồng; còn thiếu phải trả tiếp: 69.480.000 đồng.

Tổng số các khoản tiền nêu trên, bà A yêu cầu Công ty phải trả số tiền: 54.711.500 đồng + 9.036.090 đồng + 69.480.000 đồng = 133.227.590 đồng.

Theo quy định của pháp luật, bà A có yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hồng Bàng hòa giải việc tranh chấp lao động giữa bà với Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H. Trong thời gian chờ tiến hành hòa giải do thời hiệu khởi kiện vụ án sắp hết nên bà A đã gửi đơn khởi kiện tranh chấp về lao động đến Tòa án.

Về phía bị đơn (Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H) vắng mặt tại phiên tòa. Tại văn bản số 01/CV, ngày 22/01/2016, người đại diện theo pháp luật của bị đơn là ông D - Tổng giám đốc công ty trình bày: Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch T tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa tháng 6/2004 cho đến nay. Bà A được ký hợp đồng lao động tháng 10/2003 và bà O tháng 7/2007 và phân công làm việc tại khách sạn H trực thuộc công ty, do kinh doanh không có lãi và lãnh đạo khách sạn biển thủ tiền khách sạn chia nhau đến tháng 02/2013 khách sạn sát nhập vào chi nhánh H 1 - Thuộc Công ty cổ phần thương mại và du lịch H.

Chi nhánh H 1 là một đơn vị kinh tế bán pháp nhân có con dấu riêng, có bộ máy tổ chức điều hành và hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi tự trang trải các chi phí như tiền lương, tiền công, chi phí hành chính cho bộ máy của mình và chịu trách nhiệm trước Công ty và pháp luật. Như vậy mọi quyền lợi liên quan của bà A và bà O trực tiếp do Giám đốc chi nhánh H 1 thanh toán qui  định tại mục 6 điều 2 Điều lệ công ty và điều 17 Qui chế hoạt động của Ban giám đốc và các đơn vị trựcthuộc công ty. Theo qui chế này thì các đơn vị kinh tế trực thuộc căn  cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của mình mà quyết định phương thức và mức chi trả trực tiếp tiền lương tiền công cho bà A và bà O, không do Công ty chi trả.

Do vậy mọi tranh chấp xảy ra phải được giải quyết tại chi nhánh H 1 trước theo qui định tại điều 201, 202 của Bộ luật Lao động. Mặt khác, bà A và bà O đã chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty từ tháng 7/2014 cho nên đã quá thời hiệu khởi kiện theo Điều 202 của Bộ luật Lao động 2012.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án của Tòa án, thời hiệu khởi kiện, quan hệ pháp luật có tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, việc thu thập chứng cứ đều tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Quá trình Tòa án thụ lý giải quyết và tại phiên tòa của Thẩm phán và Hội đồng xét xử đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Sự tuân thủ chấp hành pháp luật của các bên đương sự cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử:

1-Hủy quyết định số 11/QĐ-TCHC, ngày 10/01/2014 “Về việc xếp bậc lương”, Quyết định số: QĐCT ngày 31/7/2014 của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H “V/v Trợ cấp thôi việc đối với cán bộ CNV”.

2- Buộc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H phải có trách nhiệm trả cho bà A tiền trợ cấp thôi việc còn thiếu là: 560.305 đồng và tiền lương các tháng 01, 02, 3, 4, 5, 6, 7 năm 2014 với số tiền còn thiếu là: 7.773.541 đồng. Tổng cộng hai khoản là: 8.333.846 đồng.

3- Buộc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H phải truy đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN còn thiếu cho bà A từ tháng 01 đến hết tháng 7 năm 2014, với số tiền là: 282.393 đồng.

4- Không chấp nhận yêu cầu của bà A đòi Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H truy đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 12 năm 2013 với số tiền là: 4.604.040 đồng.

Về án phí: Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H phải nộp án phí lao động sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

XÉT THẤY

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đựợc thẩm tra tại phiên toà và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về thủ tục tố tụng: Đối với bị đơn là Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch H, quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án đã tống đạt hợp lệ Thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn để thực hiện việc trình bày bản tự khai nêu ý kiến của mình trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án cũng đã nhiều lần tiến hành triệu tập hợp lệ đối với bị đơn, tuy nhiên bị đơn vẫn vắng mặt. Tại phiên tòa bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 227 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự để xét xử vắng mặt bị đơn.

Tại văn bản số 01/CV, ngày 22/01/2016, người đại diện theo pháp luật của bị đơn là ông D-Tổng giám đốc công ty cho rằng: Bà A đã chấm dứt hợp đồng lao động với công ty từ tháng 7/2014 cho nên đã quá thời hiệu khởi kiện theo điều 202 của Bộ luật Lao động 2012.

Xét thấy, đơn khởi kiện của bà A đề ngày 30/9/2014, được nộp trực tiếp tại Tòa án ngày 02/10/2014 và đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện đề ngày 20/5/2015. Do vậy đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án của nguyên đơn là vẫn còn thời hiệu khởi kiện.

Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn yêu cầu triệu tập Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan vì lý do: Thang bảng lương của Công ty H xây dựng tháng 9/2013 không đúng theo quy định của Bộ luật Lao động nhưng vẫn được Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng công nhận.

Xét thấy việc các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương nếu không đúng với các quy định của Bộ luật lao động thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, ngày 22/8/2013 của Chính phủ. Do vậy không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc đưa Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

- Về nội dung các yêu cầu giải quyết tranh chấp của nguyên đơn: Công ty H là doanh nghiệp được cổ phần từ tháng 6 năm 2004. Sau khi  cổphần, Công ty vẫn sử dụng thang bảng lương Nhà nước ban hành theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Do đó người  lao động được trả lương và đóng BHXH, BHYT và BHTN theo hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu chung.

Khi Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/5/2013 và Nghị định 49/2013/NĐ-CP, ngày 14/5/2013 của Chính phủ có hiệu lực thì Công ty đã xây dựng thang bảng lương của mình, không sử dụng thang bảng lương nhà nước.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động thì Công ty gửi thang bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi Công ty đặt trụ sở. Thang bảng lương được Công ty xây dựng theo bậc của công việc hoặc chức danh và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, được Công ty áp dụng từ tháng 10/2013. Đại diện nguyên đơn không chấp nhận thang bảng lương Công ty xây dựng mà vẫn yêu cầu được trả lương theo hệ số nhân với mức lương tối thiểu vùng là không đúng quy định của Bộ luật Lao động.

Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giao nộp bổ sung tài liệu gồm: Thông báo hệ thống thang, bảng lương của cán bộ công nhân viên công ty H, lập ngày 06/9/2013 và Thông báo số: 28/TB, ngày 30/9/2013 về việc ký lại hợp đồng lao động mới của Công ty H và cho rằng thang bảng lương được niêm yết tại Công ty H không giống so với thang bảng lương mà công ty gửi cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng để đăng ký.

Xét thấy các văn bản này các tài liệu này đều là bản Fotocoppi và nội dung chỉ là thông báo tham khảo các ý kiến của người lao động trong công ty. Đây không phải là thang bảng lương được công ty áp dụng để chi trả lương cho người lao động.

Về mức tiền lương của bà A: Ngày 10/01/2014 Công ty H ra Quyết định số 11/QĐ-TCHC, về việc xếp bậc lương 3/6, mức lương 2.961.000 đồng đối với bà A.

Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định từ ngày 01/01/2014 mức lương tối thiểu vùng là 2.700.000 đồng. Mức lương của người đã qua học nghề, có trình độ chuyên môn: Trung cấp du lịch như bà A phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Do vậy lương khởi điểm bậc 1 sẽ là: 2.889.000 đồng, 3.033.450 đồng đối với bậc 2 và 3.185.122 đồng đối với bậc 3 (Theo quy định thì khoảng cách giữa các bậc lương tối thiểu thấp nhất phải bằng 5%). Bà A đang được công ty xếp bậc lương 3/6 nên phải được hưởng mức lương là 3.185122 đồng/tháng. Do vậy việc Công ty vẫn trả lương cho bà A từ tháng 01 đến tháng 7 năm 2014 và tính trợ cấp thôi việc cho bà A với mức lương 2.961.000 đồng/tháng là thiếu.

- Về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: Đối với thời gian từ tháng 8/2013 đến tháng 12/2013: Thời gian này Công ty đóng BHXH, BHYT, BHTN cho bà A theo mức lương 2.948.000 đồng là cao hơn mức lương tối thiểu vùng Nhà nước quy định là 2.350.000 đồng. Vì vậy bà A yêu cầu Công ty phải truy dóng BHXH, BHYT, BHTN theo hệ số nhân với mức lương tối thiểu vùng với cách tính: 5 tháng x 7.872.500 đồng/tháng x 18% = 7.085.250 đồng. Công ty đã đóng: 2.653.200 đồng, nên còn phải đóng tiếp: 4.432.050 đồng; là không có căn cứ chấp nhận.

Thời gian tháng 01/2014  đến hết tháng 7/2014: Công ty đóng BHXH, BHYT, BHTN cho bà A với mức lương 2.961.000 đồng cũng là thiếu so với mức lương bậc 3 là: 3.185.122 đồng mà bà A được hưởng nên chấp nhận yêu cầu của bà A đòi tiền lương, truy đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN còn thiếu từ tháng 01 đến tháng 7 năm 2014.

- Về trợ cấp thôi việc:

Từ tháng 11/1992 đến tháng 10/1999 bà A làm công việc nhân viên buồng lại Khách sạn G, thuộc Công ty du lịch Z.

Từ tháng 11/1999 đến tháng 9/2003, bà A làm công việc nhân viên buồng tại Công ty Cổ phần khách sạn du lịch G.

Từ tháng 10/2003 đến tháng 6/2004, bà Thư làm nhân viên tại Công  tyThương mại G - Hải Phòng.

Đến ngày 16 tháng 6 năm 2004 bà Thư về làm nhân viên buồng tại  Kháchsạn S - Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 05/NĐ-CP, ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì thời gian làm việc của bà A từ tháng 11/1992 đến tháng 6/2004 không thuộc trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc của Công ty H.

Bà A làm việc cho Công ty H từ ngày 16/6/2004 đến tháng 7/2014. Thời gian được tính trả trợ cấp thôi việc là 10 năm 01 tháng 14 ngày, trong đó thời gian được hưởng trợ cấp là 04 năm 06 tháng 14 ngày (tính đến hết ngày 31/12/2008) như Công ty tính là chính xác, nhưng công ty chỉ tính trợ cấp thôi việc cho bà A theo mức lương 2.961.000 đồng là thiếu.

Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà A như sau:

* Về tiền lương từ tháng 01 đến tháng 7 năm 2014 Công ty phải trả cho bà A theo mức lương 3.185.122 đồng, thì số tiền các tháng còn trả thiếu là: 7.773.541 đồng, cụ thể như sau:

- Tháng 01: (3.185.122 đồng: 26 ngày) x 28 = 3.430.131 đồng + 227.769 đồng (tiền làm thêm giờ) = 3.657.900 đồng. Công ty đã trả 3.238.769 đồng, còn thiếu 419.131 đồng.

- Tháng 02: (3.185.122 đồng: 26 ngày) x 31 = 3.797.645 đồng + 569.423 đồng (tiền làm thêm giờ) = 4.367.068 đồng. Công ty mới trả 3.580.423 đồng, còn thiếu 786.645 đồng.

- Tháng 3: (3.185.122 đồng: 26 ngày) x 36 = 4.410.168 đồng + 1.138.846 đồng (tiền làm thêm giờ) = 5.549.014 đồng, Công ty đã trả 4.149.846 đồng, còn thiếu 1.399.168 đồng.

- Tháng 4: (3.185.122 đồng : 26 ngày) x 33 = 4.042.654 đồng + 797.192 đồng (tiền làm thêm giờ) = 4.839.846 đồng, Công ty đã trả 4.308.192 đồng, còn thiếu 531.654 đồng.

- Tháng 5: (3.185.122 đồng : 26 ngày) x 36 = 4.410.168 đồng + 1.138.846 đồng (tiền làm thêm giờ) = 5.549.014 đồng, Công ty đã trả 4.149.846 đồng, còn thiếu 1.399.168 đồng.

- Tháng 6: (3.185.122 đồng : 26 ngày) x 37 = 4.532.673 đồng + 1.252.731 đồng (tiền làm thêm giờ) = 5.785.404 đồng, Công ty đã trả 4.236.731 đồng, còn thiếu 1.548.673 đồng.

Tháng 7: (3.185.122 đồng: 26 ngày)x30=3.675.140 đồng, Công ty đã trả 1.986.038 đồng, còn thiếu 1.689.102 đồng.

* Về truy đóng BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 01/2014 đến hết tháng 7/2014: 7 tháng x 3.185.122 đồng x 18% = 4.013.253 đồng. Công ty đã đóng: 7 tháng x 2.961.000 x 18% = 3.730.860 đồng, Công ty còn phải truy đóng số tiền còn thiếu là: 282.393 đồng.

* Về trợ cấp thôi việc: Bà A làm việc cho Công ty H từ ngày 16 tháng 6  năm2004 đến hết tháng 7/2014. Thời gian được tính trả trợ cấp thôi việc là 04 năm 06 tháng 14 ngày như Công ty tính là chính xác. Nhưng mức lương bậc 3 của bà A là 3.185.122 đồng, Công ty tính theo mức lương là 2.961.000 đồng là thiếu và cần phải tính lại như sau: 5 năm x 3.185.122 đồng/tháng x ½ = 7.962.805 đồng. Công ty mới chi trả: 7.402.500 đồng, còn thiếu: 560.305 đồng.

Theo quy định khoản 2 Điều 38 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì thời gian làm việc trước đó của bà A tại khách sạn G - thuộc Công ty du lịch Z; Công ty cổ phần khách sạn du lịch G và Công ty Thương mại G-Hải Phòng, không thuộc trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc của Công ty H.

Không chấp nhận yêu cầu của bà A đòi Công ty truy đóng BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 8/2013 đến tháng 12/2013.

Về án phí: Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch H phải chịu án phí lao động sơ thẩm theo quy định của pháp luật

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 48, Điều 90, Điều 93 Bộ luật Lao động; Điều 32, Điều 147, Điều 227 và Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/02/2009 của UBTV Quốc hội;

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Hủy quyết định số 11/QĐ-TCHC, ngày 10/01/2014 “Về  việc xếp bậc lương”, Quyết định số:QĐCT ngày 31/7/2014 của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H “V/v Trợ cấp thôi việc đối với cán bộ CNV”.

- Buộc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H phải có trách nhiệm trả cho bà A tiền trợ cấp thôi việc còn thiếu là: 560.305 đồng và tiền lương các tháng từ tháng 01 đến hết tháng 7 năm 2014 với số tiền còn thiếu là: 7.773.541 đồng. Tổng cộng hai khoản trên bằng: 8.333.846 đồng.

- Buộc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H phải truy đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN còn thiếu cho bà A từ tháng 01 đến hết tháng 7 năm 2014 với số tiền là: 282.393 đồng.

- Không chấp nhận yêu cầu của bà Ađòi Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H truy đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 12 năm 2013, với số tiền là: 4.604.040 đồng.

Về án phí: Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H phải nộp án phí lao động sơ thẩm là: 250.015 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và bà A có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch H không thanh toán khoản tiền 8.333.846 đồng thì phải chịu thêm khoản tiền lãi đối với số tiền chậm thanh toán theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án tại thời điểm thanh toán.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Trong thời hạn 15 ngàv kể từ ngày tuyên án nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án. Bị đơn được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1444
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 02/2016/LĐ-ST ngày 30/09/2016 về tranh chấp tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp

Số hiệu:02/2016/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Hồng Bàng - Hải Phòng
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 30/09/2016
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;