TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
BẢN ÁN 02/2016/LĐ-PT NGÀY 13/01/2016 VỀ TRANH CHẤP TRỢ CẤP KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 13 tháng 01 năm 2016, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2015/TLPT-LĐ ngày 28 tháng 10 năm 2015 về việc “Tranh chấp về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do bản án sơ thẩm số 01/2015/LĐ-ST ngày 08 tháng 9 năm 2015 của Tòa án nhân dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2015/QĐ-PT ngày 10 tháng 12 năm 2015 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn A
Địa chỉ: Tổ dân phố số M, thị trấn N, huyện P, tỉnh Khánh Hòa.
Bị đơn: Ủy ban nhân dân huyện B
Địa chỉ: đường Q, thị trấn N, huyện P, tỉnh Khánh Hòa.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ngô Duy C - Trưởng phòng nội vụ huyện P. Giấy ủy quyền lập ngày 21/12/2015.
NHẬN THẤY
* Nguyên đơn ông Nguyễn Văn A trình bày:
Ngày 26/12/2013, Ủy ban nhân dân huyện P ra Quyết định số 4162/QĐ- UBND về việc cho thôi việc đối với ông A là đúng thẩm quyền, ông A đồng ý nghỉ việc theo Quyết định 4162 nhưng Quyết định này căn cứ Luật viên chức ngày 15/11/2010 và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ cho ông A hưởng chế độ thôi việc là không đúng quy định của pháp luật về lao động. Bởi vì ông A thôi việc là do Ủy ban nhân dân huyện P không bố trí được việc làm mới cho ông A như công văn số 515/UBND-NV ngày 27/12/2013 của Ủy ban nhân dân huyện P (V/v trả lời đơn của ông Nguyễn Văn A) đã xác định chứ không phải do giải thể Ban quản lý chợ P. Sau khi giải thể Ban quản lý chợ P (ngày 31/10/2013) và trước ngày ông A được thôi việc (01/01/2014) ông A vẫn được Ủy ban nhân dân huyện P chi trả lương và bảo hiểm xã hội tháng 11, 12/2013. Đồng thời, ông A không còn phụ thuộc bất cứ đơn vị sự nghiệp công lập nào, không còn là phó ban quản lý chợ P nữa mà ông trực thuộc biên chế của Ủy ban nhân dân huyện P. Ủy ban nhân dân huyện P có quyền điều động, bổ nhiệm việc làm mới đối với ông, nếu không bố trí được việc làm mới mà phải cho ông thôi việc thì phải chi trả tiền trợ cấp mất việc làm theo Điều 49 của Bộ luật lao động năm 2012. Điều 29 Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/3/2012 của Chính phủ là những quy định về việc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, chứ không phải là căn cứ để Ủy ban nhân dân huyện P đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho cán bộ thuộc quyền mà phải áp dụng các quy định của pháp luật lao động. Quyết định 4162 của Ủy ban nhân dân huyện P cho ông hưởng chế độ thôi việc là không đúng quy định của pháp luật về lao động. Quyết định ghi ông là Phó ban quản lý chợ Plà chưa đúng vì ông mất chức này từ ngày 30/10/2013. Khi nhận Quyết định thôi việc của Ủy ban nhân dân huyện P, ông có làm đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Nay ông khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Ủy ban nhân dân huyện P phải cho ông hưởng trợ cấp mất việc làm.
* Người đại diên theo ủy quyền của bị đơn ông Ngô Duy C trình bày:
Căn cứ Quyết định số 1283/QĐ- UBND ngày 31/10/2013 của Ủy ban nhân dân huyện P về việc giải thể Ban quản lý chợ P; căn cứ phương án số 2325/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 của Ủy ban nhân dân huyện P về việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc Ban quản lý chợ P. Ngày 26/12/2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P đã ban hành Quyết định 4162/QĐ-UBND về việc cho thôi việc và trợ cấp nghỉ việc đối với ông Nguyễn Văn A –Phó trưởng ban quản lý chợ P. Ngày 07/1/2014, ông A có đơn khiếu nại gửi Ủy ban nhân dân huyện P về việc đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật lao động. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân huyện P giao phòng Nôi vụ tham mưu thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của ông A. Ngày 18/3/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P đã ban hành Quyết định số 525/QĐ- UBND về việc giải quyết đơn của ông A với nội dung: Bac toàn bộ nội dung đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn A vì nội dung khiếu nại không có cơ sở để xem xét. Không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P, ông Tấn tiếp tục có đơn khiếu nại gửi Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị xem xét, giải quyết. Ngày 17/10/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2781/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông A với nội dung: Công nhận và giữ nguyên nội dung Quyết định 525/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P.Ông A là Phó ban quản lý chợ P, do vậy ông A là viên chức, ông A thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân huyện P. Do vậy, khi Ban quản lý chợ P bị giải thể thì Ủy ban nhân dân huyện P ban hành Quyết định cho thôi việc và giải quyết chế độ trợ cấp nghỉ việc đối với ông A là đúng quy định, không có cơ sở để giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho ông Nguyễn Văn A.
Tại bản án sơ thẩm số 01/2015/LĐ-ST ngày 08/8/2015 của Tòa án nhân dân huyện Pđã căn cứ vào Điều 240 Bộ luật lao động, Điều 29 Luật viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ; tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện P giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho ông Nguyễn Văn A. Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 18/9/2015, nguyên đơn ông Nguyễn Văn A có đơn kháng cáo toàn bộ bản án và yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét những vấn đề sau: yêu cầu được giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm; xem xét lại việc áp dụng quy định pháp luật của cấp sơ thẩm.
XÉT THẤY
Về tố tụng
Kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Văn A trong thời hạn nên hợp lệ.
Về nội dung kháng cáo:
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn ông Nguyễn Văn A giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Hội đồng xét xử thấy rằng: Ban quản lý chợ P được là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện P và ông Nguyễn Văn A là viên chức trực thuộc đơn vị này. Khi Ban quản lý chợ P bị giải thể theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P cho ông A nghỉ việc theo điểm đ khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức và giải quyết các chế độ trợ cấp theo Luật này là đúng quy định pháp luật.
Đối với yêu cầu được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm của nguyên đơn, Tòa xét: Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Viên chức năm 2010 và điểm c khoản 1 Điều 38 quy định: Trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì phải giải quyết chế độ thôi việc cho người lao động. Do đó, khi Ban Quản lý chợ P giải thể thì Ủy ban nhân dân huyện P cho ông A thôi việc và giải quyết cho ông A hưởng 104.906.000 đồng tiền trợ cấp thôi việc là đúng.
Đối với nội dung kháng cáo yêu cầu được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm, Tòa xét: Người lao động được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm khi nghỉ việc vì những lý do được quy định tại Điều 44, Điều 45 Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, ông A nghỉ việc không thuộc các trường hợp này nên ông không được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 275 của Bộ luật tố tụng dân sự.Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn – ông Nguyễn Văn A, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào Điều 240 Bộ luật lao động, Điều 29 Luật viên chức, Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ; tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện P giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho ông Nguyễn Văn A.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 02/2016/LĐ-PT ngày 13/01/2016 về tranh chấp trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 02/2016/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Khánh Hoà |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 13/01/2016 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về