TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGHĨA HÀNH, TỈNH QUẢNG NGÃI
BẢN ÁN 01/2023/ KDTM-ST NGÀY 28/09/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Trong ngày 28 tháng 9 năm 2023, tại phòng xử án Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 02/2023/TLST – KDTM ngày 01 tháng 6 năm 2023, về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 81/2023/QĐXXST – KDTM, ngày 30/8/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 21/2023/QĐST-KDTM ngày 15/9/2023 của Toà án nhân dân huyện Nghĩa Hành, giữa các đương sự:
1/Nguyên đơn: Công ty V Địa chỉ trụ sở: Khu công nghiệp Y, xã L, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh;
Người đại diện theo pháp luật: Ông L, chức vụ: Giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: Công ty L Địa chỉ trụ sở: Tổ 14, khu H, phường , quận H, thành phố Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: ông TVĐ - Giám đốc, theo văn bản ủy quyền ngày 14/02/2023.
Đương sự có mặt tại phiên tòa.
2/ Bị đơn: Công ty A Địa chỉ: Thôn Đ, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi;
Người đại diện theo pháp luật: Ông LXN - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc, Địa chỉ: Tổ 1 phường N, TP. Q, tỉnh Quảng Ngãi .
Đương sự có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, các tài liệu có tại hồ sơ và tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày:
Giữa Công ty V và Công ty A lập hợp đồng mua bán hàng hóa bằng hình thức trao đổi qua điện thoại vì điều kiện hai công ty ở cách xa nhau. Hàng hóa mà Công ty V bán cho Công ty A là Formaline 37% ( là loại hóa chất dùng trong chế biến gỗ công nghiệp).
Công ty V và Công ty A bắt đầu thực hiện việc mua bán hàng hóa từ ngày 09/01/2015 và việc mua bán hàng hóa giữa hai công ty kết thúc vào ngày 06/4/2019. Sau khi trao đổi, thỏa thuận qua điện thoại thống nhất về mặt hàng, giá cả, phương thức thanh toán và đặt hàng thì Công ty A đưa xe đến tại Công ty V nhận hàng, Công ty V giao hàng cho Công ty A. Sau khi Công ty V giao hàng hóa và xuất hóa đơn thì A phải thanh toán cho bằng hình thức chuyển khoản cho Công ty V .
Đến tháng 4 năm 2019, vì Công ty A còn nợ tiền mua hàng nhưng thời gian lâu không thanh toán cho Công ty V mà lại liên hệ mua hàng của công ty khác nên Công ty V không bán hàng cho Công ty A nữa. Sau khi chấm dứt mua bán hàng hóa thì Công ty V có điện thoại yêu cầu Công ty A trả nợ. Đến cuối năm 2019 thì Công ty V đối chiếu xác nhận công nợ và cuối các năm tiếp theo thì Công ty V đều có thông báo yêu cầu trả nợ gửi đến Công ty A.
Sau khi Công ty V và Công ty A không mua bán hàng hóa với nhau nữa thì Công ty A còn nợ của Công ty V số tiền là 515.574.710 đồng, nhưng đến cuối năm 2019 Công ty V giảm giá hàng hóa cho khách hàng nên tại Biên bản xác nhận công nợ ngày 17/12/2019 do Công ty V gửi cho Công ty A thì số tiền mua hàng hóa mà Công ty A còn nợ của Công ty V là 423.444.872 đồng.
Tại đơn khởi kiện, Công ty V yêu cầu Công ty A phải trả số tiền mua hàng còn nợ là 515.574.710 đồng, nhưng nay Công ty V chỉ yêu cầu Công ty A phải trả số tiền mua hàng hóa còn nợ là 423.444.872 đồng.
Tại Đơn khởi kiện, Công ty V yêu cầu Công ty A phải trả cho Công ty V khoản tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 100.000.000 đồng, nay Công ty V rút yêu cầu khởi kiện về khoản tiền này.
Công ty V và Công ty A không có thỏa thuận bằng văn bản về việc trả lãi nếu chậm trả tiền mua hàng, nhưng vì Công ty A mua hàng hóa mà không thanh toán tiền sau khi đã nhận hàng theo thỏa thuận, vì vậy Công ty A phải trả số tiền lãi của số tiền mua hàng hóa còn nợ lại trong thời gian từ ngày 06/4/2019 đến ngày 28/9/2023 là 189.796.112 đồng theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự là 10%/năm, nhưng tại phiên tòa, đại diện theo pháp luật của Công ty A đã có lời trình bày về điều kiện khó khăn hiện nay của Công ty V à đề nghị Công ty V giảm tiền lãi cho Công ty A, để tạo điều kiện cho Công ty A thi hành án trả nợ trong thời gian tới, Công ty V chấp nhận giảm cho Công ty A số tiền lãi là 99.796.112 đồng, Công ty V chỉ yêu cầu Công ty A phải trả số tiền lãi là 90.000.000 đồng Vì vậy, nay Công ty V yêu cầu Công ty A phải trả cho Công ty V tổng các khoản tiền là: 513.444.872 đồng (trong đó: nợ gốc là 423.444.872 đồng, tiền lãi là 90.000.000 đồng).
Tại bản tự khai, các tài liệu có tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, đại diện theo pháp luật của bị đơn trình bày:
Giữa Công ty V và Công ty A lập hợp đồng mua bán hàng hóa bằng hình thức thỏa thuận bằng lời nói, liên hệ, trao đổi nội dung mua bán trực tiếp hoặc qua điện thoại. Sau khi trao đổi, thỏa thuận hai công ty đã thống nhất về mặt hàng, giá cả, phương thức thanh toán, nên khi Công ty A đặt hàng và đưa xe ra tại Công ty V nhận hàng thì Công ty V đã giao hàng cho Công ty A. Hàng hóa mà Công ty V bán cho Công ty A là Formaline 37% (là loại hóa chất dùng trong chế biến gỗ công nghiệp).
Hai Công ty đã thỏa thuận sau khi Công ty V giao hàng, xuất hóa đơn thì Công ty A sẽ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, nhưng thời hạn thanh toán là nợ gối đầu, trước khi nhận chuyến hàng hóa mới thì Công ty A sẽ phải thanh toán xong tiền mua hàng hóa của chuyến hàng hóa đã mua trước còn nợ.
Công ty V và Công ty A bắt đầu thực hiện việc mua bán hàng hóa từ năm 2012 và thời điểm mua bán cuối cùng kết thúc vào năm 2017. Lý do Công ty V và Công ty A kết thúc việc mua bán hàng hóa với nhau vì Công ty V bán hàng hóa giá quá cao so với thị trường nên Công ty A không mua hàng của Công ty V nữa. Sau khi chấm dứt mua bán hàng hóa khoảng 1 năm thì Công ty V có điện thoại trao đổi với Công ty A về việc đối chiếu công nợ, nhưng vì thời điểm đó do Công ty A làm ăn gặp khó khăn nên không thực hiện được việc đối chiếu công nợ với Công ty V .
Vào ngày 21/12/2019, Công ty A có nhận được “Biên bản xác nhận công nợ” lập ngày 17/12/2019 do Công ty V gửi. Theo “Biên bản xác nhận công nợ” do Công ty V gửi cho Công ty A thì có số tiền Công ty A còn nợ của Công ty V là 423.444.872 đồng. Sau khi nhận Biên bản xác nhận công nợ ngày 17/12/2019 do Công ty V gửi như nêu trên thì vì lý do đang trong đợt dịch COVID-19, lo xoay xở tìm công việc khác kinh doanh cho công ty nên Công ty A không có phản hồi về Biên bản xác nhận công nợ ngày 17/12/2019 của Công ty V .
Theo Công ty A thì sau khi Công ty V và Công ty A không mua bán hàng hóa với nhau nữa thì Công ty A chỉ còn nợ của Công ty V số tiền là 280.000.000 đồng, vì Công ty A đã trả nợ tiền mua hàng hóa cho Công ty V bằng phương thức đưa tiền mặt khi mua hàng, Công ty A không xác định rõ, chỉ nhớ có trả mấy lần, số tiền khoảng hơn 70.000.000 đồng, hiện Công ty A không có chứng cứ chứng minh về việc đã trả số tiền mặt khoảng 70.000.000 đồng nêu trên và Công ty A không có căn cứ chứng minh việc chỉ còn nợ của Công ty V số tiền 280.000.000 đồng.
Vì vậy, nay Công ty A chấp nhận còn nợ của Công ty V số tiền nợ gốc là 423.444.872 đồng.
Đối với việc Công ty V rút yêu cầu khởi kiện về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đối với Công ty A với số tiền là 100.000.000 đồng thì Công ty A đồng ý với việc Công ty V rút yêu cầu khởi kiện về bồi thường thiệt hại nêu trên, không có ý kiến gì.
Công ty V yêu cầu Công ty A phải trả nợ tiền lãi của số tiền mua hàng hóa còn nợ là 189.271.633 đồng thì Công ty A có ý kiến: Vì điều kiện thời gian qua ảnh hưởng dịch bệnh, Công ty A làm ăn thua lỗ nên Công ty A yêu cầu Công ty V giảm tiền lãi cho Công ty A. Tại phiên tòa, Công ty V đã chấp nhận giảm số tiền lãi, chỉ yêu cầu Công ty A phải trả số tiền lãi là 90.000.000 đồng thì Công ty A chấp nhận.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến:
- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn và bị đơn chưa thực hiện đúng các quy định tại các Điều 70, 71,72,73 của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung vụ án: Căn cứ các Điều 30, Điều 35, Điều 39, Điều 147 BLTTDS; Điều 357, 468 BLDS 2015; Điều 50, 306 Luật Thương mại 2005; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kính đề nghị HĐXX: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận sự thỏa thuận của Công ty V và Công ty A về nợ gốc và nợ lãi phải trả với tổng số tiền là 513.444.872 đồng (trong đó: nợ gốc là 423.444.872 đồng, nợ lãi là 90.000.000 đồng).
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Về tố tụng:
Theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án là “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” và thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tụng dân sự năm 2015.
[ 2] Về nội dung:
[2.1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán tiền mua hàng, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Công ty V và Công ty A đều thừa nhận hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty V và Công ty A được thể hiện bằng lời nói, hai bên thỏa thuận phương thức thanh toán bằng chuyển khoản, Hội đồng xét xử xác định đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự, công nhận tình tiết, chứng cứ này là có thật. Việc ký kết hợp đồng giữa các bên là trên cơ sở tự nguyện và phù hợp theo quy định tại các Điều 11, Điều 24 của Luật Thương mại nên có hiệu lực và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo nội dung quy định trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật.
Theo lời trình bày của đại diện hai Công ty V hì thời điểm hai công ty bắt đầu mua bán hàng hóa và thời điểm kết thúc việc mua bán hàng hóa không trùng khớp nhau, tuy nhiên cả hai công ty đều xác định sau khi kết thúc việc mua bán hàng hóa với nhau thì Công ty A đã nhận được “Biên bản xác nhận công nợ” ngày 17/12/2019 do Công ty V gửi, nội dung tại “Biên bản xác nhận công nợ” ngày 17/12/2019 thể hiện số tiền Công ty A còn nợ của Công ty V là 423.444.872 đồng.
Công ty A đã nhận “Biên bản xác nhận công nợ” ngày 17/12/2019 do Công ty V gửi thể hiện Công ty A còn nợ của Công ty V số tiền 423.444.872 đồng như nêu trên, mặc dù Công ty A không ký tên xác nhận vào “Biên bản xác nhận công nợ” ngày 17/12/2019 để gửi lại cho Công ty V nhưng kể từ tháng 12/2019 đến nay Công ty A không có phản hồi với Công ty V về nội dung thể hiện tại Biên bản xác nhận công nợ ngày 17/12/2019 này, như vậy mặc nhiên Công ty A thừa nhận số tiền mua hàng hóa còn nợ của Công ty V là 423.444.872 đồng.
Công ty A trình bày là có mấy lần trả trực tiếp bằng tiền mặt cho Công ty V với số tiền khoảng hơn 70.000.000 đồng nên chỉ còn nợ của Công ty V số tiền nợ gốc là 280.000.000 đồng, nhưng Công ty A không có chứng cứ chứng minh.
Tại phiên tòa, Công ty A chấp nhận còn nợ của Công ty V số tiền 423.444.872 đồng, vì vậy Hội đồng xét xử có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty V .
[2.2] Xét yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán tiền mua hàng của nguyên đơn:
Công ty V và Công ty A đều thừa nhận giữa các bên không có thỏa thuận về việc trả lãi chậm trả, theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 thì việc Công ty V yêu cầu Công ty A phải chịu lãi suất do chậm thanh toán đối với số tiền nợ còn lại chưa thanh toán cho Công ty V là có căn cứ.
Tại phiên tòa, Công ty V và Công ty A đã thỏa thuận được về việc Công ty A chấp nhận trả cho Công ty V số tiền lãi là 90.000.000 đồng.
[2.3] Như vậy, tại phiên tòa, Công ty V và Công ty A đã thỏa thuận được về nợ gốc và nợ lãi phải trả với tổng số tiền là 513.444.872 đồng (trong đó: nợ gốc là 423.444.872 đồng, nợ lãi là 90.000.000 đồng, thỏa thuận giữa hai bên là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử có căn cứ công nhận sự thỏa thuận này của các đương sự, là phù hợp quy định tại Điều 24, Điều 50, Điều 55, Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 và Điều 430, 440 của Bộ luật dân sự năm 2015.
[2.4] Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng:
Tại Đơn khởi kiện, Công ty V yêu cầu Công ty A phải trả cho Công ty V khoản tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 100.000.000 đồng, nhưng nay Công ty V đã rút yêu cầu khởi kiện về khoản tiền này.
Xét thấy việc rút yêu cầu nói trên là hoàn toàn tự nguyện, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của Công ty V về việc yêu cầu Công ty A phải trả cho Công ty V khoản tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 100.000.000 đồng; Nếu sau này Công ty V khởi kiện lại và thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì sẽ giải quyết bằng vụ án khác.
Công ty V không phải chịu án phí đối với yêu cầu đã đình chỉ xét xử.
[3] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành về việc giải quyết vụ án phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[4] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
- Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận, nên bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với phần nghĩa vụ phải thực hiện là 24.537.794đồng, (20.000.000 đồng + 4% của phần vượt trên 400triệu đồng dưới 800triệu đồng), làm tròn số là 24.538.000 đồng, theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
- Hoàn trả tiền tạm ứng án phí đã nộp cho nguyên đơn Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Khoản 2 Điều 244, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 430, 440 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 4, Điều 24, Điều 50, Điều 55 và Điều 306 của Luật Thương mại; Khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty V ; Công nhận sự thỏa thuận của Công ty V và Công ty A về việc Công ty A có nghĩa vụ trả cho Công ty V số tiền nợ gốc và nợ lãi tổng cộng là 513.444.872 đồng (Năm trăm mười ba triệu bốn trăm bốn mươi bốn ngàn tám trăm bảy mươi hai đồng), trong đó: tiền nợ gốc là 423.444.872 đồng, tiền nợ lãi là 90.000.000 đồng.
2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty V về việc yêu cầu Công ty A phải trả cho Công ty V khoản tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 100.000.000 đồng.
3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
- Công ty A phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 24.538.000 đồng.
- Hoàn trả cho Công ty V số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 18.292.697 đồng, theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005783 ngày 01 tháng 6 năm 2023 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Nghĩa Hành.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7a và Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án 01/2023/KDTM-ST về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 01/2023/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Nghĩa Hành - Quảng Ngãi |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 28/09/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về