Bản án 01/2021/LĐ-PT ngày 13/04/2021 về tranh chấp lao động buộc thôi việc

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

 BẢN ÁN 01/2021/LĐ-PT NGÀY 13/04/2021 VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG BUỘC THÔI VIỆC

Ngày 13 tháng 4 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 06/2020/TLPT-LĐ ngày 07 tháng 7 năm 2020 về việc “Tranh chấp lao động buộc thôi việc”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số: 01/2019/LĐ-ST ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương có kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 2704/2021/QĐ-PT ngày 29 tháng 3 năm 2021, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Bà Phạm Thị N - sinh năm 1979, có mặt;

Địa chỉ: Xóm 12, xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Đặng Minh C, sinh năm 1990, có mặt;

Địa chỉ: Thôn Y, xã T, huyện H, tỉnh Ninh Bình.

* Bị đơn: Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch H (sau đây gọi tắt là Trường TCVHNT&DL).

Địa chỉ: Số 30 T, phường N, thành phố H, tỉnh Hải Dương.

Đại diện theo pháp luật: Ông Mai Xuân T - Hiệu trưởng, vắng mặt;

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Thị Hồng V, sinh năm 1975, có mặt;

Địa chỉ: Chung cư D, số 16B H, phường Y, quận H, Thành phố Hà Nội (theo văn bản ủy quyền số 3026/2019 ngày 12/10/2019).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai, nguyên đơn bà Phạm Thị N trình bày:

Bà tốt nghiệp Đại học Âm nhạc - Nhạc viện Hà Nội năm 2002. Ngày 01/4/2003 bà N được tuyển dụng làm giáo viên khoa âm nhạc múa tại Trường TCVHNT&DL H. Quá trình công tác bà N luôn hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2011, do bị ốm nên bà phải nhập viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên điều trị từ ngày 01/8/2011 đến ngày 07/9/2011 thì ra viện. Sau khi ra viện bà tiếp tục điều trị ngoại trú tại Trạm y tế xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, bà N có làm đơn xin nghỉ không lương gửi chuyển phát nhanh đến nhà trường và có lần mẹ bà đến gặp Hiệu trưởng của trường xin cho bà nghỉ việc.

Ngày 25/10/2011, sau khi nhận được giấy triệu tập của trường, bà N đã có mặt và đi làm việc. Ngày 02/11/2011, bà N nhận được Quyết định kỷ luật số 104 ngày 02/11/2011 quyết định kỷ luật với hình thức: Hạ bậc lương, chuyển làm công việc khác; lý do: vi phạm ý thức, tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức, quy chế chuyên môn, quan hệ xã hội phức tạp gây dư luận xấu làm ảnh hưởng uy tín của trường trong thời gian từ 14/01/2011 đến 15/7/2011; thời gian kỷ luật 01 năm kể từ ngày 15/8/2011. Sau đó bà không làm công tác giảng dạy mà chuyển làm nhân viên Văn phòng Khoa Âm nhạc - Múa.

Trong thời gian làm tại Văn phòng khoa, ngày 22/12/2011, Trường đã họp xét kỷ luật bà N với lý do: Tiếp tục vi phạm ý thức tổ chức kỷ luật trong thời gian từ ngày 15/8/2011 đến 05/12/2011, không đến cơ quan làm việc đúng thời gian quy định, nghỉ không báo cáo xin phép, thủ tục xin nghỉ phép không đúng quy định, tự ý bỏ cơ quan từ ngày 08/9/2011 đến 25/10/2011 và vi phạm kỷ luật từ ngày 25/10/2011 cho đến ngày bị kỷ luật. Ngày 05/01/2012, Trường đã ra Quyết định số 09 kỷ luật buộc thôi việc đối với bà N. Sau khi nhận quyết định kỷ luật buộc thôi việc, bà N làm đơn khiếu nại nhưng đã hết thời hiệu. Bà N cho rằng trường kỷ luật bà với hình thức buộc thôi việc là không đúng với các lý do: Quyết định số 09 ngày 05/01/2012 áp dụng văn bản pháp luật không đúng; trong thời gian nghỉ từ ngày 15/8/2011 đến ngày 24/10/2011 bà nghỉ điều trị bệnh từ 01/8/2011 đến 07/9/2011; từ ngày 08/9/2011 đến ngày 24/10/2011 bà điều trị ngoại trú tại Trạm y tế xã H, từ ngày 25/10/2011 bà đi làm muộn, có hôm mưa bà không đến cơ quan làm việc nhưng không nhớ cụ thể là ngày nào. Bà đề nghị Tòa án hủy Quyết định số 09 ngày 05/01/2012 của Hiệu trưởng TCVHNT&DL H, buộc nhà trường phải nhận bà trở lại làm việc, khôi phục vị trí làm việc, trả lương trong thời gian bà không được làm việc theo mức lương 5.520.000 đồng/tháng; khôi phục quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; bồi thường danh dự bằng 10 tháng lương với mức lương 5.520.000 đồng/tháng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông Mai Xuân T, bà Lê Thị Hồng V trình bày:

Trường TCVHNT&DL H xác nhận đã ban hành Quyết định số 09 ngày 05/01/2012 buộc thôi việc đối với bà N như bà N trình bày là đúng. Lý do trường xem xét kỷ luật đối với bà N là thời gian vi phạm từ ngày 15/8/2011 đến 05/12/2011.

Ngày 02/11/2011, Trường ra Quyết định kỷ luật số 104 kỷ luật Bà N với hình thức hạ bậc lương, chuyển công tác do bà N vi phạm kỷ luật thời gian từ ngày 14/01/2011 đến ngày 15/07/2011. Do từ ngày 15/7/2011 đến ngày 15/8/2011 là thời gian nghỉ hè, sau đó bà N lại nghỉ ốm nên sau ngày 25/10/2011 bà N đến cơ quan làm việc, Nhà trường mới họp xét kỷ luật thời gian bà N vi phạm từ ngày 14/01/2011 đến ngày 15/7/2011 bằng Quyết định số 104 ngày 02/11/2011, Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2011. Thời gian vi phạm từ ngày 15/8/2011 đến 24/10/2011 chưa được xem xét tại Quyết định kỷ luật số 104.

Trong thời gian bà N đang thi hành Quyết định 104 lại tiếp tục vi phạm kỷ luật từ ngày 15/8/2011 đến 05/12/2011, cụ thể như sau:

Theo quy định sau khi nghỉ hè ngày 15/8/2011, cán bộ, viên chức phải có mặt tại Trường nhưng bà N đã không đến trường làm việc, không xin phép Nhà trường. Ngày 17/8/2011, trường nhận được đơn xin nghỉ chữa bệnh của bà N nhưng không có xác nhận của cơ quan y tế. Nhà trường đã làm Công văn số 30 ngày 17/8/2011 và Công văn số 31 ngày 25/8/2011 yêu cầu bà N làm thủ tục xin nghỉ ốm theo quy định và yêu cầu bà N có mặt tại Trường đúng thời gian quy định. Ngày 29/8, Trường nhận được đơn của ông N1 là bố đẻ bà N có xác nhận của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên xác nhận bà N đã ra viện từ ngày 07/9/2011. Ngày 11/10/2011, cán bộ của Trường đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên xác minh về việc bà N điều trị và sao bệnh án của bà N. Theo bệnh án, bà N ra viện với tình trạng bệnh tình đã ổn định. Trong thời gian từ ngày bà N ra viện, nhà trường có nhận được đơn xin nghỉ không lương của bà N đề ngày 13/10/2011 nhưng Nhà trường không đồng ý nên ngày 18/10/2011, Trường đã gửi thông báo yêu cầu bà N có mặt tại trường. Ngày 25/10/2011, bà N đến trường làm việc. Như vậy, bà N đã tự ý nghỉ việc từ ngày 07/9/2011 không có lý do, không xin phép, báo cáo nhà trường, ra viện gần một tháng mới có đơn xin nghỉ không lương.

Thời gian làm việc từ ngày 25/10/2011 đến 05/12/2011, bà N lại tiếp tục vi phạm ý thức kỷ luật, nghỉ không lý do các ngày 09, 11, 15, 16, 21, 22, 23, 24 tháng 11. Tại cuộc họp xét kỷ luật, bà N tự kiểm điểm đã nhận sai sót: Khi nghỉ làm đơn không đúng quy định, một số buổi còn đi làm muộn, những hôm trời mưa không đến cơ quan, bà N tự nhận hình thức kỷ luật hạ bậc lương. Do bà N đang thi hành hình thức kỷ luật hạ bậc lương chuyển làm việc khác nay lại vi phạm, nghỉ nhiều ngày không có lý do nên Hội đồng kỷ luật đã làm văn bản kiến nghị Hiệu trưởng và ngày 05/01/2012, Hiệu trưởng Trường H đã ra quyết định số 09 kỷ luật hình thức buộc thôi việc đối với bà N theo quy định tại Điều 25 Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Trường khẳng định Quyết định 09 ngày 05/01/2012 kỷ luật bà N với hình thức buộc thôi việc là đúng Nghị định số 35/2005/NĐ-CP nên không chấp nhận yêu cầu hủy Quyết định và bồi thường các khoản như bà N đã yêu cầu.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 01/2014/LĐST ngày 04/7/2014 Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị N. Ngày 14/7/2014, bà N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại bản án lao động phúc thẩm số 03/2015/LĐPT ngày 03/8/2015 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã hủy Bản án sơ thẩm số 01/2014/LĐST ngày 04/7/2014 Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương với các lý do:

Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh, làm rõ để xác định có việc điều trị ngoại trú như bà N trình bày hay không. Nếu bắt buộc phải điều trị ngoại trú thì trường hợp của bà N có thuộc đối tượng “Đang điều trị bệnh” hay không.

Thứ hai, để xác định bà N có thuộc đối tượng đang điều trị bệnh không thì phải giám định sức khỏe tâm thần cho bà N.

Ngày 08/10/2015 Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương thụ lý lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định: Căn cứ vào Điều 32, 228, 266, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 3, 5, 8, 9, 25 Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức; Điều 167 Bộ luật lao động sửa đổi bổ sung năm 2006; Luật viên chức; Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị N về các nội dung: Hủy Quyết định Buộc thôi việc số 09/QĐ-TCVHNTDL ngày 05/01/2012 của Hiệu trưởng Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật và du lịch H; buộc nhà trường phải nhận bà trở lại làm việc, khôi phục vị trí làm việc, trả lương trong thời gian bà không được làm việc theo mức lương thay đổi theo từng thời kỳ; khôi phục quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; bồi thường danh dự bằng 10 tháng lương với mức lương 5.520.000 đồng/tháng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật; sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02/12/2019 nguyên đơn là bà Phạm Thị N có đơn kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của bà.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà N cũng như người đại diện theo ủy quyền của bà N giữ nguyên nội dung kháng cáo.

- Phía nguyên đơn trình bày: Bản án sơ thẩm đã giải quyết không khách quan, không xem xét đầy đủ các tình tiết liên quan đến vụ án, sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của bà N. Quyết định số 09 là trái pháp luật; bởi vì:

Áp dụng Nghị định số 34 của Chính phủ là nghị định áp dụng để xử lý kỷ luật đối với công chức, trong khi bà N là viên chức; phía nhà trường cho rằng đấy là lỗi kỹ thuật là ngụy biện, vì các giấy triệu tập đối với bà N cũng như các văn bản nhà trường gửi cho Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đều thể hiện là căn cứ Nghị định số 34.

Căn cứ Nghị định số 35 thì cán bộ, công chức tự ý nghỉ việc mà đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi giấy gọi 03 lần mà không đến; nhưng nhà trường không chứng minh được việc nhà trường đã tống đạt hợp lệ 03 lần giấy gọi cho bà N. Hơn nữa, theo phía nhà trường xuất trình thì giấy gọi cho bà N quá gấp, không đủ thời gian cho bà N có mặt theo các giấy gọi.

Có sự mâu thuẫn về số ngày nghỉ lấy làm căn cứ kỷ luật là: Có tài liệu cho rằng bà nghỉ 08 ngày (từ ngày 25/10/2011 đến ngày 05/12/2011) nhưng cũng có tài liệu thể hiện bà nghỉ 05 ngày; việc chấm công theo bảng chấm công của nhà trường là không đúng vì bà N là giáo viên nên thời gian làm việc được tính theo tiết dạy.

Nhà trường chưa làm rõ việc người lao động có mất năng lực hành vi dân sự hay không trước khi ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc bà.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của bà N.

- Người đại diện bị đơn trình bày: Cơ bản giữ nguyên như đã trình bày tại cấp sơ thẩm; nhà trường không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, với lý do: Bà N tự ý bỏ việc tổng số 47 ngày và 8 ngày vào tháng 11/2011 nhà trường đã nhiều lần báo gọi bà N đến làm việc nhưng không liên lạc được lên phải đến tận nhà để xác minh nhưng bà N vẫn không có mặt; bà N không thuộc trường hợp điều trị tại các bệnh viện, vì thời điểm xử lý kỷ luật bà N đã ra viện và sau đó chỉ đến trạm xá xã H lấy thuốc uống hàng tháng theo lời dặn của bác sĩ, nên không thuộc trường hợp chưa xử lý kỷ luật; bà N không phải là người mất năng lực hành vi dân sự, nên không thuộc trường hợp được miễn xử lý kỷ luật; Tại quyết định số 09 có ghi áp dụng Nghị định 34/2011/NĐ-CP đây là do nhầm lẫn trong việc soạn thảo văn bản. Tuy nhiên, sau đó nhà trường đã có văn bản đính chính. Vì vậy, Quyết định số 09 của Hiệu trưởng trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch H là đúng quy định của pháp luật. Bản án sơ thẩm đã giải quyết đúng quy định của pháp luật, nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà N.

Hai bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Cấp sơ thẩm đã xác định đúng, đủ người tham gia tố tụng; quá trình giải quyết và tại phiên tòa phúc thẩm người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Sau khi phân tích, đánh giá chứng cứ thấy rằng, cấp sơ thẩm đã giải quyết đúng quy định pháp luật, bản án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các đương sự, có căn cứ pháp luật, nên kháng cáo của nguyên đơn không có căn cứ để chấp nhận. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy:

* Về tố tụng:

[1] Về xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp: Bà N được tuyển dụng vào Trường TCVHNTDL H ngày 01/4/2003. Theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức thì bà N là viên chức. Bà N khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định kỷ luật buộc thôi việc số 09 ngày 05/01/2012 của Hiệu trưởng trường TCVHNTDL H là thuộc một trong những trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại điều 29 Luật viên chức. Theo quy định tại điều 30 Luật viên chức thì đây là quan hệ tranh chấp lao động và được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.

[2] Về thời hiệu khởi kiện: Ngày 05/01/2012 Hiệu trưởng trường TCVHNTDL H ban hành Quyết định số 09 về kỷ luật buộc thôi việc đối với bà N; đây thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, nên thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Bộ luật lao động 1994 (sửa đổi bổ sung 2006); ngày 19/10/2012 Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương nhận được đơn khởi kiện của bà N, nên đang trong thời hiệu khởi kiện. Do đó, Tòa án thụ lý giải quyết là đúng quy định; quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương xác định đây là tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định, nên đã chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương thụ lý, giải quyết theo trình tự sơ thẩm là đúng quy định tại Điều 31;

Điều 33; Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về xác định tư cách đương sự tham gia tố tụng: Cấp sơ thẩm đã xác định nguyên đơn, bị đơn trong vụ án đúng quy định của pháp luật; tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền có mặt, đại diện hợp pháp cho bị đơn vắng mặt nhưng đã có người đại diện theo ủy quyền có mặt nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử là đúng quy định tại Điều 227; Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự.

* Xét kháng cáo của bà Phạm Thị N, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy:

[4] Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, cũng như trình bày của các bên đương sự thì có đủ cơ sở để xác định: Bà Phạm Thị N được tuyển dụng vào làm giáo viên tại Trường TCVHNT&DL H từ ngày 01/4/2003. Ngày 01/8/2011, do bị ốm nên bà N nhập Viện Tâm thần Thái Nguyên để điều trị đến ngày 07/9/2011 thì ra viện. Tại giấy ra viện của bà N ngày 07/9/2011 có ghi tại mục chẩn đoán “Tâm thần phân liệt thể paranoid (F20.0)” và lời dặn của thầy thuốc “Điều trị ngoại trú tại trại tâm thần Thái Nguyên”. Sau khi ra Viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên, bà N có điều trị ngoại trú tại trạm xá xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên, với hình thức điều trị cấp phát thuốc theo tháng. Qua xác minh tại trạm y tế xã H cho biết hàng tháng người nhà bà N vẫn đến lấy thuốc theo đơn của bác sĩ kê và có sổ theo dõi cấp phát thuốc hàng tháng. Theo bệnh án điều trị của bà N tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Nguyên khi ra viện tình trạng bệnh ổn định, tinh thần tỉnh táo; việc bà N hàng tháng đến trạm xá lấy thuốc về uống là để giữ ổn định bệnh theo chương trình bình ổn bệnh tâm thần quốc gia, tránh tái phát chứ không phải là đang điều trị bệnh. Theo quy định của Bộ y tế thì việc điều trị nội trú và quản lý chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng là không giống nhau; bà N đến trạm xá xã H lấy thuốc hàng tháng không phải thuộc trường hợp điều trị tại các bệnh viện, vì bệnh viện và trạm xá là một trong các cơ sở khám chữa bệnh được quy định tại điểm a, i khoản 1 điều 41 Luật khám chữa bệnh 2009. Vì vậy, điều trị tại trạm xá xã không phải là điều trị tại các bệnh viện. Hơn nữa, theo yêu cầu của nhà trường thì ngày 25/10/2011 bà N đến trường làm việc bình thường, ngày 22/12/2011 Hội đồng kỷ luật tiến hành họp xét kỷ luật đối với bà N và đến ngày 05/01/2012 Hiệu trưởng trường trung cấp VHNT&DL H ra Quyết định số 09 kỷ luật buộc thôi việc đối với bà N. Như vậy việc kỷ luật đối với bà N không thuộc trường hợp “Đang điều trị tại các bệnh viện” là một trong các trường hợp chưa xem xét kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 35.

[5] Mặt khác để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà N xem có thuộc trường hợp không áp dụng các hình thức kỷ luật hay không; cụ thể là trường hợp mất năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 4 Nghị định 35. Tại Bản án số 03/2015/LĐ-PT ngày 03/8/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm yêu cầu cấp sơ thẩm phải trưng cầu giám định sức khỏe tâm thần cho bà N. Tuy nhiên, khi Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định trưng cầu giám định tình trạng bệnh của bà N tại Viện pháp y tâm thần trung ương trong khoảng thời gian từ ngày 01/8/2011 đến ngày 07/9/2011 và từ thời điểm ra viện tâm thần Thái Nguyên đến nay, nhưng bà N không hợp tác, đưa ra nhiều lý do không đến Viện pháp y tâm thần trung ương theo giấy triệu tập của Tòa án. Do đó, không giám định được tình trạng bệnh tâm thần của bà N nên không xác định được bà N có mất năng lực hành vi dân sự hay không, có cần thiết phải tiếp tục điều trị sau khi ra viện hay không để làm căn cứ giải quyết vụ án, đồng nghĩa với việc bà N không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, nên phải chịu hậu quả của việc không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Theo đó, không có căn cứ xác định bà N thuộc trường hợp không áp dụng các hình thức kỷ luật, quy định tại Điều 4 Nghị định 35.

[6] Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, về trình tự, thủ tục kỷ luật, cũng như thẩm quyền buộc thôi việc đối với bà N được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về lý do buộc thôi việc theo quyết định 09 đó là, tiếp tục vi phạm về ý thức tổ chức kỷ luật trong thời gian từ ngày 15/8/2011 đến ngày 05/12/2011. Cụ thể: Không đến cơ quan làm việc đúng thời gian quy định; không có thông tin, báo cáo hay xin phép nghỉ với thủ trưởng cơ quan hoặc gửi văn bản với phòng chức năng của nhà trường. Thủ tục xin nghỉ không đúng quy định để nhà trường phải nhiều lần gửi thông báo mới thực hiện; Tự ý bỏ cơ quan không có lý do từ ngày 08/9/2011 đến ngày 25/10/2011 và vi phạm kỷ luật từ ngày 25/10/2011 đến 05/12/2011. Tại buổi họp xét kỷ luật chính bà N cũng thừa nhận những vi phạm của mình. Tổng thời gian bà N nghỉ không lý do từ ngày 08/9/2011 đến ngày 25/10/2011 là 47 ngày và từ 25/10/2011 đến 05/12/2011 là 8 ngày. Trong những ngày tự ý bỏ việc, nhà trường đã nhiều lần gửi giấy báo, yêu cầu bà N có mặt tại trường để làm việc, nhưng bà N không đến, buộc nhà trường phải cử cán bộ về gia đình xác minh và thông báo cho bà, ngày 22/12/2011 Hội đồng kỷ luật họp bà N có mặt sau đó không đến làm việc cho đến khi có quyết định kỷ luật. Do đó, có căn cứ khẳng định bà N đã nhiều lần vi phạm kỷ luật, tính chất mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, có tính hệ thống, không xứng đáng đứng trong đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, Hiệu trưởng Trường đã căn cứ vào Điều 25 Nghị định 35 để ban hành Quyết định 09 với hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với bà N là có căn cứ, nên yêu cầu hủy Quyết định số 09 của bà N không có cơ sở chấp nhận. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm phía bị đơn cho rằng Nhà trường đã căn cứ vào các điểm a, điểm b, điểm đ khoản 2 Điều 25 Nghị định số 35 để xử lý kỷ luật đối với bà N; nhưng trong quyết định số 09 lại không viện dẫn đủ các điểm này là thiếu sót, phía bị đơn cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[7] Về căn cứ áp dụng pháp luật: Thời điểm bà N vi phạm kỷ luật lao động và nhà Trường họp xét kỷ luật vào năm 2011 là thời điểm Luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật (ngày 01/01/2010), nên việc xem xét xử lý kỷ luật đối với bà N phải áp dụng Luật cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, sau khi Luật cán bộ, công chức có hiệu lực cho đến thời điểm bà N bị xét kỷ luật chưa có văn bản nào mới hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với viên ch ức ngoài Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ, còn Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ chỉ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Vì vậy, mọi trình tự, thủ tục cũng như hình thức xem xét xử lý kỷ luật phải áp dụng Nghị định 35. Tuy nhiên, trong Quyết định số 09 lại thể hiện áp dụng Nghị định 34, nhưng sau đó Trường TCVHNT&DL tỉnh Hải Dương đã có văn bản đính chính nội dung này thành áp dụng Nghị định 35 là phù hợp và đúng quy định của pháp luật;

[8] Tổng hợp những phân tích trên thấy rằng Quyết định số 09 ban hành đúng quy định của pháp luật, nên yêu cầu của bà N không được chấp nhận; quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, đã xem xét đầy đủ, đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới làm thay đổi bản chất vụ án, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà N. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ.

[9] Về án phí: Kháng cáo không được chấp nhận, nhưng bà N thuộc đối tượng được miễn nộp tiền án phí nên miễn án phí cho bà N theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị N; giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số: 01/2019/LĐ-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

Về án phí: Miễn án phí phúc thẩm cho bà Phạm Thị N.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1231
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

 Bản án 01/2021/LĐ-PT ngày 13/04/2021 về tranh chấp lao động buộc thôi việc

Số hiệu:01/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 13/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;