TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 01/2020/LĐ-PT NGÀY 01/07/2020 VỀ TRANH CHẤP BỊ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 01 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 01/2020/TLPT-LĐ ngày 03 tháng 01 năm 2020 về “Tranh chấp về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Do Bản án lao động sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 12/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 895/2020/QĐ-PT ngày 05 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Bà Nguyễn Lê Nam H. Địa chỉ: 02850 Jaulgonne, France (Pháp). Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Quang H1. Địa chỉ: số 22 đường L, phường T, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh. Vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa.
* Bị đơn: Công ty TNHH thủy sản A. Địa chỉ: Tổ dân phố 5, Đ, phường N, thị xã N1, tỉnh Khánh Hòa.
Đại diện theo pháp luật: Ông J Goldman – Tổng giám đốc. Có mặt. Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Châu H2. Địa chỉ thường trú: Số 120 tổ 39 cụm 5 đường L1, quận B, Hà Nội. Địa chỉ liên hệ: Văn phòng Công ty TNHH thủy sản A. Số 14A đường L2, phường P, thành phố N2, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.
* Người kháng cáo: Nguyên đơn - bà Nguyễn Lê Nam H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Nguyễn Lê Nam H - ông Nguyên Quang H1 trình bày:
Bà Nguyễn Lê Nam H bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH thủy sản A (viết tắt là “Công ty”) từ ngày 01/8/2007. Sau đó, công ty ký kết với bà H Hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 67/2010 ngày 17/6/2010 với chức danh chuyên môn là Giám đốc sản xuất và xuất khẩu. Bà H giữ chức danh này đến khi Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 6/2018.
Từ đầu năm 2014, bà H thường qua lại giữa Việt Nam và Pháp để sinh hoạt cùng gia đình nhưng vẫn phải điều hành hoạt động của Công ty và hoàn thành mọi công việc theo hợp đồng lao động và theo chỉ đạo trực tiếp từ Tổng giám đốc. Ghi nhận sự cống hiến và thành quả lao động của bà H, ngày 10/3/2015, người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông D Mark Fisk với chức danh Tổng giám đốc chính thức có văn bản về việc hợp tác, theo đó, bà H được làm việc từ Pháp và phải làm việc lâu dài cho Công ty, Công ty cũng đảm bảo rằng trong trường hợp Công ty cần bà H chuyển về Việt Nam làm việc thì sẽ thông báo trước 06 tháng theo dấu bưu điện để bà H chuẩn bị. Đến thời điểm hiện tại, văn bản này chưa bị thay thế bởi bất kỳ thỏa thuận hay văn bản nào khác và nó vẫn còn hiệu lực ràng buộc giữa bà H và Công ty.
Tháng 02/2018, Công ty thay đổi Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông J Goldman thay thế cho ông D Mark Fisk. Trước đó, từ tháng 01/2018, bà H và ông J Goldman đã trao đổi và làm rất nhiều việc để phát triển Công ty. Ghi nhận thành quả này, ngày 01/3/2018, ông J Goldman đã ký Quyết định số 266/QĐTL- AAV/2018 về việc tăng lương cho bà H từ 77.692.000 đồng/tháng lên 83.130.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, ngày 22/4/2018, bà H nhận được email từ ông J Goldman với nội dung yêu cầu bà H chấm dứt công việc tại Công ty vì lý do không thường xuyên có mặt tại Công ty đồng thời thông báo vị trí công việc của bà H được thay đổi bởi một người khác và yêu cầu bà H bàn giao toàn bộ thiết bị làm việc và công việc có liên quan cho người mới. Đến đầu tháng 5/2018, Công ty đã cắt đứt toàn bộ thiết bị liên lạc làm việc của bà H để ngăn cản không cho bà H tiếp tục thực hiện công việc của mình, đồng thời không thanh toán tiền lương cho bà H kể từ tháng 6/2018 cho đến nay. Đây là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của Công ty.
Theo Quyết định điều chỉnh lương, mức lương trước khi bà H bị chấm dứt họp đồng lao động là 83.130.000 đồng. Ngoài ra, theo Thỏa ước lao động tập thể, hàng tháng bà H còn nhận được 5% lương phụ cấp thâm niên và 10% tiền thưởng hàng tháng, tổng mức lương hàng tháng bà H thực nhận là 95.599.500 đồng.
Vì vậy, bà H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty nhận bà H trở lại làm việc, khôi phục công việc cho bà H theo hợp đồng lao động và các thỏa thuận đã ký kết; Thanh toán tiền lương trong những ngày bà H không được làm việc mỗi tháng là 95.599.500 đồng, tạm tính từ tháng 6/2018 đến hết tháng 10/2019 là 95.599.500 x 17 tháng = 1.625.191.500 đồng; Thanh toán 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là 191.199.000 đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; Đóng bảo hiểm xã hội cho bà H trong khoảng thời gian bà H không được làm việc tính từ tháng 6/2018 theo quy định pháp luật.
Tại biên bản hòa giải ngày 24/10/2019, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty TNHH thủy sản A - bà Lê Thị Thu P1 trình bày:
Công ty không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Lê Nam H vì các yêu cầu của nguyên đơn không có căn cứ pháp luật. Bà H hiện nay đang định cư tại Pháp và đã sinh sống tại Pháp nhiều năm nay, bà H xác định không thể có mặt liên tục tại Việt Nam, trong khi đó nhiệm vụ của bà H tại Công ty là Giám đốc sản xuất và xuất khẩu, công việc này đòi hỏi bà H phải có mặt liên tục, thường xuyên tại công ty để điều hành trực tiếp mọi hoạt động sản xuất của Công ty nên tính chất công việc không thể thực hiện được từ xa.
Việc bà H cho rằng Văn bản được ký ngày 15/3/2015 của ông D Mark Fisk là Tổng giám đốc cũ của Công ty có nội dung ghi nhận và chấp thuận mong muốn của bà H được chuyển đến Pháp định cư cùng gia đình, mong muốn bà H tiếp tục hợp tác với công ty, trong trường hợp cần bà H chuyển về Việt Nam thì bà H sẽ được thông báo chính thức muộn nhất là trước 06 tháng, đây là thỏa thuận của Tổng giám đốc cũ đến nay đã thay Tổng giám đốc mới và Tổng giám đốc mới đã yêu cầu bà H làm việc tại địa điểm như đã ký kết trong hợp đồng lao động giữa Công ty và bà H nhưng bà H không thực hiện.
Công ty không chấp nhận đối với yêu cầu của bà H về việc thanh toán tiền lương trong thời gian bà H không được làm việc và khoản bồi thường là 02 tháng tiền lương vì yêu cầu này phải căn cứ vào quy định của luật lao động, hợp đồng lao động cùng các phụ lục hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, căn cứ vào thỏa ước lao động tập thể và nội quy lao động của công ty. Do vậy, yêu cầu của bà H là không có căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật, công ty không đồng ý khôi phục và nhận bà H trở lại làm việc và không chấp nhận yêu cầu của bà H về việc công ty phải đóng tiền bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian bà H không được làm việc từ tháng 6/2018.
Công ty chỉ đồng ý thanh toán khoản tiền cho bà H bao gồm: 446.823.750 đồng là tiền thưởng giành cho cấp quản lý được quy định trong hợp đồng lao động cứ 01 năm làm việc được thanh toán 4 tháng lương cơ bản, tiền thanh toán cho các ngày nghỉ phép năm mà bà H chưa sử dụng là 185.443.846 đồng (tương đương 58 ngày), tiền trợ cấp thất nghiệp cho bà H từ tháng 8/2007 đến tháng 12/2008 và trong thời gian bà H nghỉ thai sản từ ngày 23/5/2016 đến ngày 22/11/2016, tổng thời gian là 23 tháng là 83.130.000đ (là lương cơ bản 01 tháng của bà H). Tổng cộng số tiền công ty đồng ý thanh toán cho bà H là:
715.397.596 đồng. Ngoài ra công ty không chấp nhận thanh toán thêm khoản tiền nào khác.
Tại Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 14/11/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định:
Căn cứ vào Điều 15, Điều 23, Điều 38, Điều 42 Bộ luật lao động; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Lê Nam H về việc tranh chấp với Công ty TNHH thủy sản A về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, Bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
- Ngày 18/11/2019, bà Nguyễn Lê Nam H kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà.
- Ngày 22/11/2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa kháng nghị, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án:
- Về việc chấp hành pháp luật: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Rút Quyết định kháng nghị số 252/QĐKNPT-VKS-LĐ ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bà Nguyễn Lê Nam H; Y án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Ngày 29/6/2020, đại diện ủy quyền của nguyên đơn, ông Nguyễn Quang H1 có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do bệnh, kèm theo Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ngày 29/6/2020 của Bệnh viện Chợ Rẫy; trong đó cho phép số ngày nghỉ là 03 ngày, từ ngày 29/6/2020 đến hết ngày 01/7/2020, nên được xem là có lý do chính đáng. Tuy nhiên xét thấy người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông J Goldman – Tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản A hiện đang ở Hoa Kỳ, nếu hoãn phiên tòa nhiều lần sẽ rất khó khăn trong việc đi lại, nhất là trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay. Mặt khác, tại phiên tòa ngày 03/3/2020 các đương sự cũng đã thực hiện xong phần tranh tụng tại phiên tòa; Do để các đương sự cần bổ sung tài liệu, chứng cứ nên đã hoãn phiên tòa; Ngày 16/3/2020, đại diện ủy quyền của nguyên đơn cung cấp bản dịch Thư điện tử của ông D Mark Fisk, Tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản A gửi bà H ngày 10/03/2015 và bị đơn cung cấp bản sao Điều lệ Công ty; xét thấy tài liệu bổ sung của các đương sự không phải là tài liệu mới, các tài liệu này đã được Tòa án cấp sơ thẩm thu thập và đã được đáng giá trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và sự vắng mặt của đại diện ủy quyền của nguyên đơn cũng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
[2] Về nội dung: Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; Xét kháng cáo của nguyên đơn, bà Nguyễn Lê Nam H và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa; nhận thấy:
[2.1] Tại phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng rút Quyết định kháng nghị số 252/QĐKNPT-VKS-LĐ ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa; Do đó Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với nội dung kháng nghị này.
[2.2] Xét kháng cáo của nguyên đơn - bà Nguyễn Lê Nam H, nhận thấy: Ngày 17/6/2010, Công ty TNHH thủy sản A ký hợp đồng lao động với bà Nguyễn Lê Nam H số 67/2010; hợp đồng không xác định thời hạn; bà H đảm nhận chức danh chuyên môn: Giám đốc sản xuất và xuất khẩu; địa điểm làm việc: Tại trại nuôi N (thuộc V, N1, Khánh Hòa). Mặt khác theo quy định tại Điều 5 của hợp đồng lao động quy định: “...Khi 2 bên ký kết phụ lục hợp đồng lao động thì nội dung của phụ lục hợp đồng cũng có giá trị như nội dung của bản hợp đồng lao động này”.
Sau đó vào các ngày 01/01/2015 và ngày 02/01/2016 giữa hai bên tiếp tục ký 02 phụ lục hợp đồng nhưng không có điều khoản bổ sung nào thỏa thuận cho bà H được phép làm việc tại Pháp. Như vậy văn bản ngày 10/3/2015 của ông Tổng giám đốc D Mark Fisk đồng ý cho bà H làm việc tại Pháp không phải là một phụ lục hợp đồng lao động, nên không có giá trị bắt buộc trong quan hệ lao động giữa Công ty với bà H.
Đến tháng 3/2018, ông J Goldman có quyết định thay ông D Mark Fisk làm Tổng giám đốc Công ty; Việc ông J Goldman yêu cầu bà H trở về Việt Nam làm việc là đúng với quyền hạn của Tổng giám đốc theo quy định tại Điều 10.2 của Điều lệ Công ty.
[2.3] Mặt khác, email ngày 22/4/2018 của Công ty TNHH thủy sản A gửi bà H với chủ đề “Thỏa thuận chấm dứt và thôi việc” chỉ là thông báo cho bà H biết vì bà không đáp ứng được yêu cầu công việc tại Công ty nên thay vị trí Giám đốc sản xuất và yêu cầu bà H về Công ty bàn giao công việc Giám đốc và thỏa thuận việc chấm dứt hợp đồng lao động, chứ email này không phải là Quyết định đơn phương chấm dớt hợp đồng lao động, vì thực tế Công ty vẫn tiếp tục đóng các khoản Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho bà H. Do bà H không tiếp tục về làm việc tại Công ty, nên Công ty không trả lương cho bà H từ tháng 6/2018 là đúng quy định tại khoản 10 Điều 15 Thỏa ước lao động tập thể của Công ty: “Tiền lương khi gián đoạn công việc: ... Nếu do lỗi của người lao động, người lao động sẽ không được trả lương”.
Qua viện dẫn và phân tích nêu trên, xét thấy án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Lê Nam H là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà H; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3] Về án phí phúc thẩm: Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án thì bà Nguyễn Lê Nam H được miễm ám phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.
1. Căn cứ khoản 1 Điều 289 của Bộ luật tố tụng dân sự; Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Bác kháng cáo của bà Nguyễn Lê Nam H; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào Điều 15, Điều 23, Điều 38, Điều 42 Bộ luật lao động; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
Bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Lê Nam H về việc tranh chấp với Công ty TNHH thủy sản A về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Về án phí: Bà Nguyễn Lê Nam H được miễn nộp án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 01/2020/LĐ-PT ngày 01/07/2020 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 01/2020/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 01/07/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về