Bản án 01/2020/KDTM-PT ngày 22/09/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

BẢN ÁN 01/2020/KDTM-PT NGÀY 22/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 22 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 01/2020/TLPT- KDTM ngày 28 tháng 4 năm 2020 về việc kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 21/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hòa Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 01/2020 /QĐ-PT ngày 31 tháng 7 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa ngày 24/8/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng V. Do kế thừa tư cách tố tụng của Công ty M. Địa chỉ: số 89 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Ngô Chí D, Chủ tịch HĐQT.

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: ông Nguyễn Đức L, sinh năm 1989; là cán bộ xử lý nợ của Ngân hàng V; địa chỉ: tầng 2B, Tòa nhà R6- Royal City, 72A, đường N, quận T, Hà Nội; (văn bản ủy quyền số 1097 ngày 14/6/2017) “Có mặt”.

- Bị đơn: Công ty T. Địa chỉ: Thôn Đ, xã P, huyện L, Hòa Bình.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Xuân T - Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đào Văn Đ, sinh năm 1971. Địa chỉ: đường ĐX3ĐX10, số nhà 623, khu đô thị Đ, huyện G, Hà Nội. (văn bản ủy quyền ngày 08/01/2019 “Có mặt”.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty M. Địa chỉ: số 22, phố H, đường L, quận H, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Tiến Đ - Chủ tịch HĐTV. “Vắng mặt”.

2. Ông Đào Văn Đ, sinh năm 1971. Địa chỉ: đường ĐX3ĐX10, số nhà 623, khu đô thị Đ, Gia Lâm, Hà Nội. “Có mặt”.

3. Ông Đỗ Xuân T, sinh năm 1972, bà Bùi Thị T, sinh năm 1973; ông Đỗ Xuân S, sinh năm 1974. Cùng địa chỉ: thị tứ B, xã H, huyện K, tỉnh Hưng Yên. “Đều vắng mặt”.

4. Công ty CP đầu tư phát triển và thương mại H; địa chỉ: P1107 - N5A Khu Đô thị T, đường H, Phường N, quận T, TP Hà Nội; người đại diện Phạm Như Q, HKTT: thôn T, xã X, huyện T, tỉnh Bắc Ninh. “Vắng mặt”.

- Người kháng cáo: Ông Đào Văn Đ là đại diện theo ủy quyền của bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn là Ngân hàng V và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Từ năm 2010 đến năm 2011, Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình và Công ty T ký 04 Hợp đồng tín dụng. Theo đó, Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình cho Công ty T vay tổng cộng 9,5 tỷ đồng. Mục đích cấp tín dụng để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gạch ở thôn Đ, xã P, huyện L, Hòa Bình. Cụ thể:

1. Ngày 06/7/2010, ký Hợp đồng tín dụng số LD1018700048. Theo đó, vay 2.435.000.000đ, thời hạn vay: 48 tháng, từ ngày 06/7/2010 đến ngày 06/7/2014. Tính đến ngày 14/02/2020, Công ty T còn nợ gốc và lãi là 3.025.153.400đ (trong đó: Nợ gốc là 1.235.000.000đ, nợ lãi là 1.790.153.400đ).

2. Ngày 20/7/2010, ký Hợp đồng tín dụng số LD1020100060 và Khế ước nhận nợ số LD1020100060. Theo đó, vay 608.000.000đ. Thời hạn vay: 48 tháng, từ ngày 20/7/2010 đến ngày 20/7/2014. Tính đến ngày 14/02/2020, Công ty T còn nợ gốc và lãi là 751.360.588đ (trong đó: Nợ gốc: 304.000.000đ, nợ lãi trong hạn: 14.442.779đ, nợ lãi quá hạn: 432.917.809đ).

3. Ngày 10/9/2010, ký Hợp đồng tín dụng số LD1025300006 và Khế ước nhận nợ số LD1025300006. Theo đó, vay 1.457.000.000đ. Thời hạn vay: Từ ngày 09/9/2010 đến ngày 06/7/2014. Tính đến ngày 14/02/2020, Công ty T còn nợ gốc và lãi là 1.492.653.464đ (trong đó: Nợ gốc: 630.078.927d; nợ lãi trong hạn: 23.004.626đ; nợ lãi quá hạn: 839.569.911đ).

4. Ngày 21/3/2011, ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số LD 1108000184 kèm theo các phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐ và 02/PLHĐ ngày 10/6/2011. Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình đã giải ngân số tiền theo 05 khế ước nhận nợ:

Lần 1: Ngày 20/3/2012 Khế ước nhận nợ số LD1108000251. Công ty T vay 1.242.000.000đ (Một tỷ hai trăm bốn mươi hai triệu đồng). Thời hạn vay: Từ ngày 20/3/2012 đến ngày 10/9/2012. Tính đến ngày 14/02/2020, Công ty T còn nợ 3.518.463.480đ (trong đó nợ gốc là 1.242.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn: 146.568.030đ; nợ lãi quá hạn: 2.129.895.450đ)

Lần 2: Ngày 22/3/2012 theo Khế ước nhận nợ số LD1108000211. Công ty T vay 631.000.000đ (Sáu trăm ba mươi mốt triệu đồng). Thời hạn vay: Từ ngày 22/3/2012 đến ngày 10/9/2012 Tính đến ngày 14/02/2020, Công ty T còn nợ 1.769.425.135đ (trong đó: Nợ gốc là 631.000.000đ; nợ lãi trong hạn là 48.788.043đ; nợ lãi quá hạn là 1.089.637.092đ)

Lần 3: Ngày 10/4/2012 theo Khế ước nhận nợ số LD1108000255. Công ty T vay 1.300.000.000đ (Một tỷ ba trăm ba triệu). Thời hạn vay: Từ ngày 10/4/2012 đến ngày 10/9/2012. Tính đến ngày 14/02/2020, Công ty T còn nợ 3.567.913.031đ (trong đó: Nợ gốc là 1.300.000.000đ; nợ lãi trong hạn là 25.567.406đ; nợ lãi quá hạn là 2.242.345.625đ)

Lần 4: Ngày 05/6/2012 theo Khế ước nhận nợ số LD1108000240. Công ty T vay 1.000.000.000đ (Một tỷ đồng); Thời hạn vay: Từ ngày 06/5/2012 đến ngày 05/9/2012; Tính đến ngày 14/02/2020, Công ty T còn nợ 2.685.399.086đ (trong đó: Nợ gốc là 1.000.000.000đ; nợ lãi trong hạn là 70.886.586đ; nợ lãi quá hạn là 1.614.512.500đ)

Lần 5: ngày 05/6/2012 theo Khế ước nhận nợ số LD1215700259. Công ty T vay 827.000.000đ (Tám trăm hai mươi bảy triệu đồng). Thời hạn vay: 3 tháng, từ ngày 05/6/2012 đến ngày 05/9/2012. Tính đến ngày 14/02/2020, Công ty T còn nợ 2.217.593.072đ (trong đó: Nợ gốc: 827.000.000đ; nợ lãi trong hạn: 53.611.461đ; nợ lãi quá hạn: 1.336.981.610đ)

Tài sản bảo đảm cho khoản vay nêu trên gồm:

- Toàn bộ Nhà máy gạch ngói nằm trên thửa đất số 15, tờ bản đồ 00 thuộc thôn Đ, xã P, huyện L, tỉnh Hòa Bình thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AQ 092021, số vào sổ To1435 đứng tên “Công ty T”, do UBND tình Hòa Bình cấp ngày 05/10/20092009 (Đất thuê trả tiền hàng năm) do Công ty T thế chấp theo “Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất”. Hợp đồng thế chấp này được Phòng Công chứng số 1, tỉnh Hòa Bình công chứng ngày 29/6/2010 và đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký thế chấp) tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Hòa Bình.

- Xe ô tô con nhãn hiệu TOYOTA màu đen, số khung GX99001176, số máy 2TR-6759213, Biển kiểm soát 89K-9368; Giấy đăng ký xe ô tô số 005485 do Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên cấp ngày 24/7/2009, chủ sở hữu là bà Bùi Thị T (vợ ông T - Giám đốc Công ty T); bà Bùi Thị T và Công ty T đã ký Hợp đồng thế chấp xe ô tô này. Hợp đồng thế chấp được Phòng Công chứng số 1, tỉnh Hòa Bình công chứng ngày 21/3/2011. Đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện tại “Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại Thành phố Hà Nội”.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên các khoản nợ bị chuyển quá hạn.

Ngày 24/4/2013, Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình có Biên bản làm việc đòi nợ và yêu cầu Công ty T bàn giao tài sản thế chấp để thu hồi nợ; Công ty T đề nghị: Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình cơ cấu nợ để Công ty có phương án thu xếp nguồn trả nợ.

Ngày 30/7/2013, Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình tiếp tục đòi nợ, thông báo rõ tình hình nợ quá hạn của Công ty T, Công ty đề nghị miễn lãi phạt quá hạn.

Ngày 09/6/2015, Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình có biên bản làm việc với Công ty T nêu tình hình nợ quá hạn, thông báo Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình đã bán khoản nợ của Công ty T vay cho Công ty M theo Hợp đồng mua, bán nợ (thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt) số: 385/2014/MBN ngày 24/6/2014; các cam kết thỏa thuận hoặc bất kỳ nghĩa vụ ràng buộc nào khác của khách hàng vay với Ngân hàng V liên quan đến khoản nợ cũng được chuyển giao cho Công ty M cùng với việc chuyển nợ; đồng thời thông báo cho Công ty T biết Công ty M khởi kiện ra TAND có thẩm quyền. Tại buổi làm việc này Công ty T có ý kiến: “Nhà máy đang vận hành trở lại nhưng còn gặp nhiều khó khăn vì lượng khách còn thấp nên việc thanh toán cho Ngân hàng chưa thực hiện được, đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện để Công ty có thời gian trả nợ cho Ngân hàng”.

Ngày 03/5/2017, Công ty M khởi kiện đến TAND huyện L.

Ngày 28/3/2019 trong thời gian giải quyết vụ án tại TAND huyện L, Công ty M đã bán khoản nợ của Công ty T cho Ngân hàng V, theo Hợp đồng số 372/2019/BN. Ngân hàng V kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, tư cách tố tụng (là nguyên đơn) trong vụ án.

Ngân hàng Ngân hàng V khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Buộc Công ty T phải trả nợ cho Ngân hàng V tổng số tiền đã vay theo các Hợp đồng và Khế ước trên tổng cộng tiền gốc, tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn là 19.027.961.254 đồng

- Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Công ty T vẫn phải trả tiền lãi trên số tiền nợ gốc chưa trả theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi trả hết nợ. Trong trường hợp Công ty T không trả được nợ thì yêu cầu Tòa án tuyên Ngân hàng Ngân hàng V có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền kê biên, phát mại các tài sản thế chấp để Ngân hàng V thu hồi nợ.

- Đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Đào Văn Đ trình bày:

Thống nhất với nguyên đơn về nội dung các Hợp đồng tín dụng, Khế ước nhận nợ, các Hợp đồng thế chấp, phụ lục hợp đồng thế chấp kèm theo các Đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các tài sản thế chấp đã ký kết giữa Công ty T và Ngân hàng Ngân hàng V Chi nhánh Hòa Bình.

Xác nhận số nợ gốc là: 7.169.078.927 đồng nhưng cho rằng Công ty T không vay và nợ tiền Ngân hàng V mà chỉ vay nợ tiền của Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình.

Về tiền lãi vay của Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình, Công ty đề nghị: Do công ty gặp khó khăn, Ngân hàng không tiếp tục giải ngân nên dẫn tới tình trạng Công ty thiếu vốn, không có vốn xây dựng, vận hành sản xuất phải huy động vốn cá nhân vay của nhiều người và nợ của nhiều Công ty khác máy móc, sắt thép xây dựng.

Ngân hàng tính mức lãi quá cao nên Công ty không trả được nợ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Công ty không đồng ý tính lãi theo yêu cầu của Ngân hàng V, đề nghị Tòa án áp dụng điều chỉnh mức lãi theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) từ 8% đến 10%/năm, hàng tháng Công ty trả từ 100.000.000đ triệu đến 150.000.000 đồng cho đến khi trả hết nợ cho Ngân hàng V.

Công ty không đồng ý để Ngân hàng V thu máy móc, thiết bị theo Hợp đồng thế chấp để trả nợ vì tài sản của Công ty được hình thành ngoài vốn vay Ngân hàng còn là vốn góp của các cổ đông và hiện nay Công ty vẫn đang sản xuất kinh doanh, vẫn đang có phương án trả nợ.

Ngày 25/02/2019, Công ty T có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với giải quyết tranh chấp các Hợp đồng tín dụng nêu trên.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Bà Bùi Thị T trình bày: Bà xác nhận nợ, Công ty T không trả được nợ đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật. Đối với tài sản thế chấp chiếc xe ô tô con nhãn hiệu TOYOTA đứng tên bà Tâm, bà đồng ý xử lý tài sản thế chấp để trả nợ.

- Ông Đỗ Xuân T trình bày: Ông thừa nhận Công ty có vay tiền của Ngân hàng, thừa nhận Công ty có thế chấp tài sản bảo đảm như nêu trên; nhất trí trả nợ và việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

- Ông Đỗ Xuân S trình bày: Ông S là Phó giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên Công ty T. Ông S thừa nhận các Hợp đồng, Khế ước nhận nợ đã ký với Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình như nguyên đơn xuất trình và nhận nợ số tiền gốc 7.169.078.927đ. Nhưng do thiếu vốn sản xuất nên chưa trả được nợ. Đề nghị giảm lãi để Công ty có phương án trả nợ tốt nhất; về biện pháp bảo đảm giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại bản án sơ thẩm số: 01/2020/KDTM-ST ngày 21 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hòa Bình đã quyết định:

Chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng V. Buộc Công ty T phải trả cho Ngân hàng V số tiền là: 19.027.961.254đ (Mười chín tỷ không trăm hai bảy triệu chín trăm sáu mốt nghìn hai trăm năm mươi bốn đồng; trong đó tiền gốc: 7.169.078.927 (Bảy tỷ một trăm sáu mươi chín triệu không trăm bảy tám nghìn chín trăm hai bảy đồng); tiền lãi trong hạn: 458.609.507 (Bốn trăm năm tám triệu sáu trăm linh chín nghìn năm trăm linh bảy đồng); tiền lãi quá hạn: 11.400.272.820đ (Mười một tỷ bốn trăm triệu hai trăm bảy mươi hai nghìn tám trăm hai mươi đồng).

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (15/02/2020), nếu Công ty T chưa trả hết nợ gốc thì hàng tháng Công ty T còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền dư nợ gốc chưa trả, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi trả hết nợ.

2. Về yêu cầu xử lý tài sản thế chấp: Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật mà Công ty T không trả hết số tiền phải thi hành án thì Ngân hàng V Ngân hàng V có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm theo các Hợp đồng thế chấp:

Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất số 10220.01.136:

Tài sản thế chấp là toàn bộ Nhà máy gạch ngói Công ty T tại xã P, huyện L, tỉnh Hòa Bình, nằm trên thửa đất số 15, tờ bản đồ 00 thuộc thôn Đ, xã P, huyện L, tỉnh Hòa Bình thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AQ 092021, số vào sổ To1435 đứng tên “Công ty T.LTL”, do UBND tỉnh Hòa Bình cấp ngày 05/10/2009 (Đất thuê trả tiền hàng năm nên không tính giá trị). Biểu kê chi tiết danh mục tài sản thế chấp kèm theo:

Hợp đồng thế chấp xe ô tô số 11220.02.04 ngày 21/3/2011:

Tài sản thế chấp xe ô tô con TOYOTA màu đen, số khung GX99001176, số máy 2TR-6759213, Biển kiểm soát 89K-9368; Giấy đăng ký xe ô tô số 005485 đứng tên Bùi Thị T do Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên cấp ngày 24/7/2009;

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02 tháng 3 năm 2020, ông Đào Văn Đ - Đại diện theo ủy quyền của bị đơn kháng cáo đối với Bản án số 01/2020/KDTM-ST ngày 21/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hòa Bình. Cụ thể, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm giải quyết:

- Xác định nguyên đơn trong vụ kiện phải là Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình. Khi Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình đã bán nợ cho Công ty M thì hợp đồng đó là hợp đồng dân sự sẽ được tính lãi theo mức lãi suất mà Bộ luật dân sự quy định, cấp sơ thẩm tính lãi theo hợp đồng tín dụng là không đúng gây thiệt hại cho Công ty.

- Ngày 03/5/2017 Công ty M khởi kiện là đã quá thời hiệu khởi kiện theo Điều 427 BLDS 2005.

- Xem xét việc xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo quyền lợi cho Công ty T.

- Xem xét nghĩa vụ chịu án phí.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Các đương sự giữ nguyên nội dung đã trình bày tại giai đoạn sơ thẩm.

Quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm Ngân hàng V đã có văn bản số 1309/2020/CV-VPB ngày 18/8/2020 với nội dung: “Đồng ý cho Công ty T nộp số tiền 12.000.000.000 đồng để tất toán toàn bộ nghĩa vụ tại Ngân hàng V, miễn toàn bộ số tiền lãi còn lại. Sau khi Công ty T nộp đủ số tiền trên Ngân hàng V sẽ giải chấp TSBĐ đã ký kết. Thời gian thực hiện chậm nhất đến hết ngày 10/10/2020, hết thời hạn này việc miến giảm lãi nêu trên không còn hiệu lực và Ngân hàng V sẽ đề nghị thu hồi khoản nợ theo Bản án đã tuyên”. Tuy nhiên, Công ty T không đồng ý thực hiện như ý kiến của Ngân hàng V.

Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

1. Về Tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm được thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật tố tụng dân sự.

2. Về nội dung

1. Có căn cứ xác định Ngân hàng V được kế thừa tư cách tố tụng là nguyên đơn trong vụ án. Công ty T kháng cáo cho ràng khi Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình đã bán nợ cho Công ty M thì hợp đồng đó là hợp đồng dân sự và trách nhiệm trả nợ vay, tính lãi theo Bộ luật dân sự là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

2. Công ty T kháng cáo về thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng tín dụng hạn mức số LD 1108000184 kèm theo các phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐ và 02/PLHĐ ngày 10/6/2011 là đã hết thời hiệu khởi kiện, nhận thấy:

Sau khi Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình bán khoản nợ của Công ty T cho Công ty M, hai bên Ngân hàng V và Công ty M đều không có thông báo cho Công ty T về việc đã bán khoản nợ trên và việc Công ty M ủy quyền cho Ngân hàng V tiếp tục thu hồi nợ và đòi nợ đối với Công ty T. Đến ngày 09/6/2015, Ngân hàng V có biên bản làm việc với Công ty T, đại diện phía Ngân hàng chỉ thông báo cho phía Công ty biết Ngân hàng V đã bán khoản nợ cho Công ty M mà không thông báo về việc Công ty M đã ủy quyền cho Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình thu hồi nợ, đòi nợ với Công ty T. Nội dung biên bản làm việc ngày 9/6/2015 không phải là biên bản làm việc chốt nợ giữa hai bên. Cấp sơ thẩm xác định biên bản làm việc ngày 9/6/2015 là biên bản làm việc cuối cùng đến ngày nguyên đơn chính thức khởi kiện ra Tòa án huyện L (ngày 03/5/2017) vẫn trong thời hạn 03 năm theo quy định tại Điều 429 của BLDS 2015 là không đúng.

Đối với 03 công văn số: 07 ngày 19/10/2015; số 1678 ngày 05/11/2015 và số 76 ngày 5/01/2017 có nội dung đề nghị gia hạn nợ, điều chỉnh lãi suất và giải chấp tài sản không được tính là thời điểm chốt nợ giữa hai bên vì phía Ngân hàng không đồng ý điều chỉnh lãi theo đề nghị của Công ty T.

Vì vậy, cần xác định Biên bản làm việc giữa Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình và Công ty T ngày 30/7/2013 là biên bản làm việc cuối cùng giữa hai bên và đến ngày khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện L ngày 03/5/2017 thì chỉ có 03 hợp đồng tín dụng còn thời hiệu khởi kiện trong 03 năm. Còn khế ước nhận nợ ngày 21/3/2011 theo Hợp đồng tín dụng hạn mức số LD 1108000184 kèm theo các phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐ và 02/PLHĐ ngày 10/6/2011 là đã hết thời hiệu khởi kiện kiện theo quy định tại điều 429 của BLDS 2015. Vì vậy kháng cáo của bị đơn về việc áp dụng thời hiệu là có căn cứ nên được chấp nhận để không buộc Công ty T phải trả tiền lãi đối với hợp đồng tín dụng này.

3. Bị đơn kháng cáo cho rằng tài sản thế chấp mà cấp sơ thẩm tuyên không xem xét cụ thể chi tiết đó là tài sản hình thành trong tương lai gây thiệt hại cho Công ty T, nhận thấy:

Các hợp đồng thế chấp (Tài sản trên đất và xe ô tô) như nêu trên, được giao kết bởi các bên theo đúng quy định của pháp luật, thủ tục đã được công chứng và đã được đăng ký giao dịch bảo đảm; đã thông báo thế chấp, người thứ 3 đứng tên tài sản cũng đã có văn bản đồng ý thế chấp trước khi thực hiện thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm. Xét sự thỏa thuận trong các hợp đồng thế chấp tài sản nêu trên do các bên tự nguyện, không trái pháp luật, bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ của Công ty T đối với các khoản nợ nên có hiệu lực thi hành với các bên. Phù hợp với quy định pháp luật, kháng cáo của bị đơn không có căn cứ nên không được chấp nhận.

4. Theo Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội thì Công ty T phải có nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền 127.027.961 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là đúng quy định pháp luật.

Từ những căn cứ trên, quan điểm của VKSND tỉnh Hòa Bình tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ: Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 sửa bản án sơ thẩm số 01/2020 ngày 21/2/2020 của Tòa án nhân dân huyện L.

Căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận, trên cơ sở xem xét đầy đủ tòa diện chứng cứ, ý kiến của các bên đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng: Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định, ông Đào Văn Đ, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn kháng cáo hợp lệ, được chấp nhận. Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 296 BLTTDS.

[2]. Xét nội dung kháng cáo:

[2.1]. Quyền khởi kiện

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam; Điều 5 của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì công ty M có quyền mua lại các khoản nợ tại các TCTD khi các khoản nợ có đủ điều kiện theo quy định của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Thông tư số 19/2013/TT-NHNN. Việc mua bán nợ được thực hiện giữa các TCTD với Công ty M thông qua hợp đồng mua bán nợ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 19/2013/TT-NHNN thì trong hoạt động mua, bán nợ giữa Công ty M và TCTD, toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu được bên bán nợ giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ theo hợp đồng mua, bán nợ.

Hợp đồng mua, bán nợ số: 385/2014/MBN., ngày 24/6/2014 đã ký kết giữa Công ty M và Ngân hàng V Chi nhánh Hòa Bình: Công ty M mua khoản nợ của Công ty T vay tại Ngân hàng V Chi nhánh Hòa Bình và Hợp đồng số 372A/2019/BN, ngày 28/3/2019, Công ty M bán khoản nợ của Công ty T cho Ngân hàng V - đây là hoạt động mua, bán nợ được phép theo quy định tại điểm a, b, khoản 1 Điều 11 Quyết định số 1590/QĐ-NHNN ngày 22/7/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty M và Mục 25, Điều 4 Điều lệ hoạt động của Ngân hàng V; tại Điều 3 của Hợp đồng mua bán nợ số 385/2014/MBN. Cũng ghi nhận Công ty M được bán lại khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt cho Bên B theo giá thị trường hoặc theo giá thỏa thuận.

Theo khoản 4 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP thì bên mua khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán theo quy định tại khoản 4 Điều 74 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Có căn cứ xác định Ngân hàng V được kế thừa tư cách tố tụng là nguyên đơn trong vụ án.

[2.2]. Thời hiệu khởi kiện:

- Các Hợp đồng tín dụng: LD1018700048, LD1025300006 có hạn trả ngày 06/7/2014; LD1020100060, có hạn trả 20/7/2014; Hợp đồng tín dụng hạn mức LD 1108000184 gồm 5 Khế ước nhận nợ: LD1215700240, LD1215700259 có hạn trả nợ 05/9/2012; LD1208000251, LD1108000211, LD1108000255 có hạn trả nợ 10/9/2012. Quá trình đòi nợ Ngân hàng V đã nhiều lần có văn bản làm việc với Công ty T thông báo nợ quá hạn và trách nhiệm trả nợ của Công ty T, cụ thể:

Ngày 24/4/2013, Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình có Biên bản làm việc đòi nợ và yêu cầu Công ty T bàn giao tài sản thế chấp để thu hồi nợ; Công ty T đề nghị: Ngân hàng cơ cấu nợ để Công ty có phương án thu xếp nguồn trả nợ Ngân hàng. (Biên bản này có sự tham gia của ông Đào Văn Đ là người đại diện cho Công ty)

Ngày 30/7/2013, Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình tiếp tục đòi nợ, thông báo rõ tình hình nợ quá hạn của Công ty, Công ty T đề nghị miễn lãi phạt quá hạn, không đưa lò gạch mới vào thế chấp. (Biên bản này có sự tham gia của ông Đỗ Xuân T - Giám đốc là người đại diện cho Công ty)

Sau hai lần làm việc với Công ty T, ngày 24/6/2014 Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình đã bán khoản nợ của Công ty T cho Công ty M theo Hợp đồng mua, bán nợ (thanh toán bàng trái phiếu đặc biệt) số: 385/2014/MBN. Ngày 24/6/2014, cùng ngày công ty M đã có hợp đồng ủy quyền cho Ngân hàng V số 385/2014 với nội dung: Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công ty M liên quan đến khách hàng và các khoản nợ tại hợp đồng mua, bán nợ số 385 ngày 24/6/2014, cụ thể với hoạt động thu hồi nợ, đòi nợ đối với Công ty T.

Tại Biên bản làm việc ngày 09/6/2015 có nội dung:

- Quá trình thực hiện hợp đồng. Công ty T vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên toàn bộ khoản vay đã bị chuyển sang nợ quá hạn kể từ ngày 18/6/2012 với mức lãi suất nợ quá hạn. Công ty T đã nhiều lần được đôn đốc cũng như tạo điều kiện tuy nhiên vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như cam kết.

- Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình thông báo đã bán khoản nợ của Công ty T cho Công ty M và hiện VAMC đã khởi kiện Công ty ra Tòa để xử lý theo quy định.

- Công ty T có ý kiến đề nghị Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình tạo điều kiện để Công ty T có thời gian trả nợ. (Biên bản này có sự tham gia của ông Đào Văn Đ là người đại diện cho Công ty)

Mặt khác, theo hồ sơ thể hiện Công ty T cũng đã nhiều lần đề nghị Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ thể hiện tại các công văn số 1678/2015/CV-VPB Ngày 05/11/2015; số 76/2017/CV-VPBAMC ngày 05/01/2017. Tòa án nhân dân huyện L cũng đã xem xét đơn khởi kiện của Công ty M (thể hiện tại giấy triệu tập đương sự số 760 ngày 27/8/2015). Ngày 19.10.2015 Công ty T có văn bản số 07/CV-2015 gửi Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình để xin khất nợ và có ghi nội dung biết Tòa án huyện L đang xem xét đơn khởi kiện của Công ty M (ông Đào Văn Đ - Chủ tịch HĐQT ký văn bản).

Từ những tài liệu, chứng cứ nêu trên cho thấy: Từ khi Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình cho Công ty T vay tiền và khi đến hạn trả nợ vì Công ty không thực hiện được nên phía Ngân hàng liên tục có việc yêu cầu đòi nợ, Công ty T trong các văn bản đều thừa nhận có việc nợ tiền Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình , Công ty đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện để Công ty có thời gian trả nợ cho Ngân hàng V - Chi nhánh Hòa Bình. Như vậy có căn cứ xác định khi nguyên đơn trong vụ án khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện L ngày 03/5/2017 để yêu cầu Công ty T trả nợ gốc và lãi các khế ước vay nợ như đã nêu là vẫn còn trong thời hạn 03 năm, theo đúng quy định tại Điều 157 và Điều 429 của Bộ luật Dân sự 2015.

Án sơ thẩm xác định còn thời hiệu khởi kiện là có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay. Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn về nội dung này.

[2.3]. Việc tính lãi suất trong vụ án:

Bị đơn kháng cáo đề nghị áp dụng lãi suất theo Bộ luật Dân sự, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Quá trình thực hiện hợp đồng Công ty T không thực hiện theo đứng như nội dung hai bên đã cam kết, đến thời hạn trả nợ không trả nợ đứng hạn như Hợp đồng đã ký. Số tiền nợ của từng hợp đồng và tổng dư nợ như Ngân hàng V trình bày là: 19.027.961.254 đồng, trong đó nợ gốc: 7.169.078.927 đồng, nợ lãi trong hạn: 458.609.507 đồng, nợ lãi quá hạn: 11.400.272.820 đồng.

Các hợp đồng tín dụng nêu trên phù hợp với pháp luật về hình thức và nội dung, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Đây là sự thỏa thuận, tự nguyện của các bên, không bên nào bị ép buộc, đặc biệt là Công ty T, người đại diện theo pháp luật của Công ty khi tham gia ký kết đã nhận thức rõ về mức lãi của Hợp đồng tín dụng, quyền, nghĩa vụ phát sinh của mỗi bên khi tham gia ký kết hợp đồng nên cần phải được tôn trọng.

Thực hiện Hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty T vay vốn đúng như thỏa thuận trong các Hợp đồng, Khế ước đã ký; Công ty T đã nhận đủ tiền gốc vay, đã thực hiện trả được một phần nợ gốc và tiền lãi. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T vi phạm nghĩa vụ trả nợ và bị chuyển nợ quá hạn.

Căn cứ: Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 quy định tại về Hợp đồng vay tài sản: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”;

Khoản 16 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng ngày 16/6/2010 quy định: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”;

Khoản 2 Điều 91 Luật này quy định về lãi suất: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”. - Điều 95. Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất: “1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng. 2. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật”; điểm a Khoản 3 Điều 98 quy định về hoạt động của Ngân hàng thương mại được: “Cấp tín dụng dưới các hình thức cho vay”.

Mặt khác: Tại Điều 7. Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của HĐTP - Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng: “1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.

2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất”

Như vậy, biểu kê tính nợ của Ngân hàng với khoản nợ của Công ty T đã thể hiện có điều chỉnh biên độ tính lãi từng thời kỳ theo thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng, Khế ước nhận nợ. Kết quả tham vấn ý kiến Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình về tính lãi của Ngân hàng V, tại hai văn bản số 708/HBI-TTGSNH ngày 27/11/2018 và số 141/HBI-TTGSNH ngày 21/02/2020, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình có ý kiến lãi suất và phương pháp tính lãi của Ngân hàng V đối với khoản nợ của Công ty T là phù hợp với quy định của Pháp luật.

Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty T phải trả cho Ngân hàng V số tiền vay gốc và lãi còn nợ như nêu trên là đúng quy định. Nội dung kháng cáo của bị đơn về việc đề nghị áp dụng tính lãi theo Bộ luật Dân sự là không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2.3]. Về xem xét tài sản thế chấp: Các hợp đồng thế chấp (Tài sản trên đất và xe ô tô) trong vụ án về thủ tục đã được công chứng và đã được đăng ký giao dịch bảo đảm; đã thông báo thế chấp, người thứ 3 đứng tên tài sản cũng đã có văn bản đồng ý thế chấp trước khi thực hiện thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm. Như vậy, việc giao kết bởi các bên theo đúng quy định của pháp luật

Xét thấy, sự thỏa thuận trong các hợp đồng thế chấp tài sản nêu trên do các bên tự nguyện, không trái pháp luật, bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ của Công ty T đối với các khoản nợ nên có hiệu lực thi hành với các bên. Phù hợp với quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 318 BLDS 2005; Điều 323, 324, 342, 343, 350, 351, 352, 355 - BLDS 2005. Do vậy, trường hợp Công ty T chưa trả hết số tiền phải thi hành án thì Ngân hàng có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm theo các Hợp đồng thế chấp.

Án sơ thẩm xác định các hợp đồng thế chấp gồm Tài sản trên đất và xe ô tô trong vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay. Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn về nội dung này.

2.5. Xem xét nghĩa vụ chịu án phí

Theo điểm e, mục 1.4 Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết có quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm: “...

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận”.

Do các yêu cầu của nguyên đơn có căn cứ, được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận nên bị đơn Công ty T phải có nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền 127.027.961đ (Một trăm hai mươi bảy triệu không trăm hai bảy nghìn chín trăm sáu mốt đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là đứng quy định pháp luật.

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ lời khai của đương sự và các tài liệu, chứng cứ do các bên và cơ quan có thẩm quyền cung cấp để chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng V. Buộc Công ty T phải trả cho Ngân hàng V số tiền là: 19.027.961.254 đồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn kháng cáo nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào mới được pháp luật chấp nhận nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đào Văn Đ là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty T, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 21 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hòa Bình về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”

Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty T phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đào Văn Đ, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là Công ty T.

- Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2020/KDTM- ST ngày 21 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hòa Bình về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Cụ thể:

Căn cứ:

- Điểm b Khoản 1 Điều 35, Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật TTDS 2015;

- Điểm b Khoản 1 Điều 318; Điều 323; 324; 342; 343; 350; 351; 352; 355; 471 - BLDS 2005.

- Điều 429 BLDS 2015;

- Điểm a, b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 157 BLDS 2015;

- Điều 1, Điều 185; Điều 227; 228 Bộ luật TTDS 2015;

- Khoản 16 Điều 4; Khoản 2 Điều 91; Khoản 1, Khoản 2 Điều 95; Điểm a Khoản 3 Điều 98 Luật các tổ chức tín dụng 2010;

- Điểm e, mục 1.4 Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội; Khoản 1 Điều 147 Bộ luật TTDS; Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326.

1. Chấp nhận đơn khởi kiện của Nguyên đơn Ngân hàng V . Buộc Công ty T phải trả cho Ngân hàng V số tiền là: 19.027.961.254 đ (Mười chín tỷ không trăm hai bảy triệu chín trăm sáu mốt nghìn hai trăm năm mươi bốn đồng; trong đó tiền gốc: 7.169.078.927 (Bảy tỷ một trăm sáu mươi chín triệu không trăm bảy tám nghìn chín trăm hai bảy đồng); tiền lãi trong hạn:458.609.507(Bốn trăm năm tám triệu sáu trăm linh chín nghìn năm trăm linh bảy đồng); tiền lãi quá hạn: 11.400.272.820đ (Mười một tỷ bốn trăm triệu hai trăm bảy mươi hai nghìn tám trăm hai mươi đồng).

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (15/02/2020), nếu Công ty T chưa trả hết nợ gốc thì hàng tháng Công ty T còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền dư nợ gốc chưa trả, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi trả hết nợ.

2. Về yêu cầu xử lý tài sản thế chấp: Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật mà Công ty T không trả hết số tiền phải thi hành án thì Ngân hàng V Ngân hàng V có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm theo các Hợp đồng thế chấp:

- Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất số 10220.01.136:

Tài sản thế chấp là toàn bộ Nhà máy gạch ngói của công ty T tại xã P, huyện L, tỉnh Hòa Bình, nằm trên thửa đất số 15, tờ bản đồ 00 thuộc thôn Đ, xã P, huyện L, tỉnh Hòa Bình thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AQ 092021, số vào sổ To1435 đứng tên “Công ty T.LTL”, do UBND tỉnh Hòa Bình cấp ngày 05/10/2009 (Đất thuê trả tiền hàng năm nên không tính giá trị). Biểu kê chi tiết danh mục tài sản thế chấp: - Chi phí đền bù GPMB (Giải phóng mặt bằng); - Chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Hạ tầng kỹ thuật (Phần lớn chưa thực hiện); Nhà chứa đất và đặt cốt liệu thùng; Nhà chế biến tạo hình; Nhà phơi gạch mộc (4 nhà = 10.000m2); Nhà bao che lò nung 1; Lò nung; Nhà điều hành; Nhà ăn ca; Nhà vệ sinh; Ống khói; Nhà thường trực; Cổng, tường rào; Chi phí XDNT (Xây dựng nhà tạm); Chi phí máy móc thiết bị; Dây chuyền sản xuất đồng bộ sản xuất gạch Tuynel

- Hợp đồng thế chấp xe ô tô số 11220.02.04 ngày 21/3/2011:

Tài sản thế chấp xe ô tô con TOYOTA màu đen, số khung GX99001176, số máy 2TR-6759213, Biển kiểm soát 89K-9368; Giấy đăng ký xe ô tô số 005485 đứng tên Bùi Thị T do Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên cấp ngày 24/7/2009;

3. Về án phí: Công ty T phải nộp 127.027.961đ (Một trăm hai mươi bảy triệu không trăm hai bảy nghìn chín trăm sáu mốt đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Nguyên đơn Ngân hàng V không phải nộp tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí 65.000.000đ (Sáu mươi lăm triệu đồng) đã nộp theo biên lai số 0000696 ngày 23/6/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Hòa Bình.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành theo quy định các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Công ty T phải chịu số tiền 2.000.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Được đối trừ 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0003081 ngày 12 tháng 3 năm 2020 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Hòa Bình.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án Kinh doanh thương mại phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (22.9.2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

443
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 01/2020/KDTM-PT ngày 22/09/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:01/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hoà Bình
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 22/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;