Bản án 01/2020/DS-ST ngày 12/05/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LẬP THẠCH, TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 01/2020/DS-ST NGÀY 12/05/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 12 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 63/2019/TLST-DS ngày 02 tháng 12 năm 2019 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 63/2020/QĐXXST-DS ngày 19 tháng 02 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Phạm Thị L, sinh năm 1965

Nơi cư trú: Thôn Đ, xã H, huyện L, tỉnh V (có mặt).

2. Bị đơn: Bà Đỗ Thị M, sinh năm 1979

Nơi cư trú: Thôn Đ, xã H, huyện L, tỉnh V, (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 29 tháng 11 năm 2019 và các lời trình bày tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn là bà Phạm Thị L trình bày: Bà và bà M có quan hệ hàng xóm và cả hai bà đều làm nghề giặt khô là hơi thuê. Khoảng 14 giờ ngày 02/5/2019, bà đang ở nhà thì có một người khách đến giặt chăn, bà không biết rõ họ, chỉ biết tên là Chiều người ở xã Bắc Bình (bà không quen biết với ông Chiều), sau khi ông Chiều đưa chăn thuê bà giặt, bà đang chuẩn bị giặt thì ông Chiều quay lại để lấy lại chăn mang sang nhà bà M giặt. Bà ra ngoài cửa thì bà M đứng ở bên nhà bà M chửi sang nhà bà, gây sự với bà, bà đi vào nhà không nói gì, được một lúc sau, bà lại ra ngoài để tháo chăn thì thấy bà M cầm chổi quét rác vào cửa nhà bà. Bà cũng cầm chổi quét hất rác trả lại thì bà M đẩy bà ngã đập đầu xuống thành bê tông chỗ cửa ra vào. Sau khi bị đẩy ngã, bà có đứng dậy và dùng chổi để vụt vào tay bà M, bà M dùng cán chổi vụt thẳng vào đầu bà, làm bà chảy máu và bị ngất. Bà được người nhà đưa ra Trạm y tế xã H để khâu vết thương và được đưa xuống Bệnh viện Lạc Việt (thuộc thành phố Vĩnh Yên) để điều trị, thời gian bà điều trị tại tại Bệnh viện Lạc Việt là 07 ngày (từ ngày 02/5/2019 đến ngày 09/5/2019), bà được chẩn đoán chấn động não.

Sau khi sự việc xảy ra, gia đình bà đã trình báo cơ quan Công an để giải quyết. Công an huyện Lập Thạch đã thụ lý, giải quyết, tiến hành trưng cầu giám định, xác định tổn hại sức khỏe của bà là 03%, của bà M là 0%. Bà và bà M bị Công an huyện Lập Thạch ra Quyết định xử phạt hành chính, phạt mỗi người 2.500.000đ về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác (bà đã nộp đủ).

Trong quá trình điều trị bà đã phải chi phí và thiệt hại những khoản tiền sau:

- Chi phí điều trị tại Trạm y tế xã H ngày 02/5/2020 là: 240.000đ

- Chi phí thuê xe ô tô đi từ nhà xuống Bệnh Viện Lạc Việt là: 300.000đ.

- Tiền viện phí điều trị tại Bệnh viện Lạc Việt (từ ngày 02/5/2019 đến 09/5/2019) là: 3.355.800đ.

- Tiền mua thuốc ngày 12/6/2019 là: 2.304.000đ;

- Tiền công ngày nghỉ lao động trong thời gian nằm viện 07 ngày, là 250.000đ/ ngày x 07 ngày = 1.750.000đ.

Nay bà yêu cầu bà M phải bồi thường cho bà những khoản sau: Tiền điều trị tại trạm y tế xã H, tiền thuê xe ô tô, tiền viện phí, tiền công ngày nghỉ lao động (tổng cộng là 5.645.800đ), nhưng tại phiên tòa bà xác định bà cũng có một phần trách nhiệm trong sự việc ngày 02/5/2019 nên bà chỉ yêu cầu bà M phải bồi thường cho bà tổng số tiền là 4.500.000đ (bốn triệu năm trăm nghìn đồng).

Bà L rút một phần yêu cầu khởi kiện là đề nghị bà M bồi thường tiền xăng xe 600.000đ, tiền công nghỉ lao động trong thời gian 07 ngày nằm viện (từ 3.500.000đ bà rút xuống còn 1.750.000đ), tiền mua thuốc ngày 12/6/2019 là: 2.304.000đ. Bị đơn bà Nguyễn Thị M, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng bà M không hợp tác làm việc và cũng không đến Tòa án làm việc. Tại phiên tòa, bà M cũng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng đều vắng mặt không có lý do để trình bày quan điểm của mình về việc bà L khởi kiện. Tuy nhiên, trong Bản tự khai, Biên bản lấy lời khai các ngày 03/5/2019, ngày 13/5/2019 và ngày 28/6/2019 do cơ quan Công an huyện Lập Thạch cung cấp, bà M trình bày như sau: Vào khoảng 14 giờ ngày 02/5/2019, giữa bà và bà L có xảy ra mâu thuẫn, nguyên nhân do khách giặt chăn màn nhà bà L không sạch nên mang sang nhà bà để giặt, khi bà đang cầm chổi quét sân, cán chổi làm bằng tre thì bà L cũng cầm chổi cán chổi làm bằng gỗ ra quét và hất rác sang nhà bà nên giữa hai bên xay mâu thuẫn. Hai bà đứng cách nhau khoảng 1,5m; bà và bà L đã vụt liên tiếp từ trên xuống dưới, từ phải sang trái vào người nhau, bà không xác định được đã vụt bà L bao nhiêu cái. Sau đó cán chổi của bà bị vỡ, còn cán chổi của bà L bị gãy một đoạn. Bà có nhìn thấy trên trán bà L có một ít máu chảy ra và được người nhà đưa đi bệnh viện. Bà nhận thức hành vi đánh nhau với bà L của bà là sai pháp luật. Theo bà sự việc xảy ra là do hai bên đều có hành vi đánh nhau, bà L chỉ bị thương nhẹ nhưng bà L ăn vạ, nằm viện và đòi tiền bồi thường của bà nên bà không nhất trí bồi thường cho bà Loan.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đã tuân theo đúng quy định về thụ lý vụ án, xác định tư cách tố tụng của các đương sự, xác định quan hệ tranh chấp, tiến hành xác minh thu thấp chứng cứ đúng theo trình tự quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án: Căn cứ các Điều 584, Điều 585; Điều 586 và Điều 590; Điều 357; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Phạm Thị L. Buộc bà Đỗ Thị M phải bồi thường cho bà Phạm Thị L số tiền là 4.500.000đ; bà M phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Bà Phạm Thị L yêu cầu bà Đỗ Thị M bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại. Do vậy, quan hệ pháp luật là: “ Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại Khoản 6 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn hiện nay đang cư trú tại Thôn Đ, xã H, huyện L, tỉnh V cho nên thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân huyện Lập Thạch được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Sau khi thụ lý vụ án Tòa án đã gửi thông báo thụ lý, giấy triệu tập, thông báo về phiên hòa giải, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ cho đương sự. Bị đơn là bà Đỗ Thị M vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án, mặc dù Tòa án đã gửi giấy thông báo, triệu tập hợp lệ cho bà M biết. Tòa án đã trực tiếp xác minh tại Ủy ban nhân dân xã H thì xác định: bà M vẫn có mặt ở địa phương.

Tại phiên tòa bà M vẫn tiếp tục vắng mặt không có lý do và không có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng đã được Tòa án gửi giấy báo, giấy triệu tập hợp lệ. Do vậy, Tòa án áp dụng Điều 227, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt bà M.

[2] Về nội dung vụ án:

Sự việc mâu thuẫn xảy ra giữa bà Phạm Thị L và bà Đỗ Thị M vào buổi chiều ngày 02/5/2019, xuất phát từ việc hai bà cùng làm nghề giặt khô, là hơi và có sự tranh giành khách hàng dẫn đến việc hai bên xảy ra mâu thuẫn, dùng cán chổi đánh vào nhau. Trong khi đánh nhau cả bà L và bà M đều dùng chổi đánh vào người đối phương dẫn đến việc bà L bị chảy máu ở trán, tổn hại sức khỏe của bà L là 3%; bà L phải điều trị tại Trạm y tế xã H và Bệnh viện Lạc Việt từ ngày 02/5/2019 đến ngày 09/5/2019 ra viện. Bà M cũng bị thương nhẹ tổn hại sức khỏe là 0%. Tại cơ quan Công an huyện Lập Thạch, bà L và bà M đều xác định cả hai có hành vi cầm chổi đánh nhau và muốn giải quyết tình cảm, không yêu cầu khởi tố hình sự nên Công an huyện Lập Thạch đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi người 2.500.000đ và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Bà L và bà M đều nộp đủ số tiền phạt.

Xác định lỗi trong vụ án này Hội đồng xét xử thấy rằng: Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Lập Thạch đã điều tra, tiến hành lấy lời khai của người làm chứng, trưng cầu giám định thương tích, những người làm chứng là chị Đào Thị Loan làm ở xưởng nhà bà L cũng chỉ nghe thấy giữa bà L và bà M cãi nhau và không trực tiếp nhìn thấy hai bà đánh nhau. Còn anh Lương Văn H , anh Hoàng Văn M (là thợ làm xưởng nhà bà L) nói rằng nhìn thấy bà L và bà M dùng chổi đánh nhau, bà L cầm chổi có cán gỗ, bà M cầm chổi cán tre, hậu quả là bà L bị chảy máu ở trên trán và phải đi Trạm y tế xã H và Bệnh Viện Lạc Việt để điều trị. Việc bà L yêu cầu bà M phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe là phù hợp theo quy định tại Điều 584, Điều 585 Bộ luật dân sự. Đối với các khoản tiền bà Phạm Thị L yêu cầu Hội đồng xét xử thấy rằng:

- Tổng chi phí điều trị thương tích theo hóa đơn hợp lý gồm: Tiền điều trị tại Trạm y tế xã H ngày 02/5/2020 là: 240.000đ; chi phí thuê xe ô tô đi từ nhà xuống Bệnh Viện Lạc Việt là: 300.000đ; tiền viện phí điều trị điều trị tại Bệnh viện Lạc Việt từ ngày 02/5/2019 đến 09/5/2019 là: 3.355.800đ.

Đây là những chi phí điều trị hợp lý, có hóa đơn chứng từ, giấy xác nhận nên cần chấp nhận những khoản tiền này cho bà L.

- Đối với yêu cầu tiền công ngày nghỉ lao động của người bị thiệt hại trong thời gian nằm viện 07 ngày từ ngày 02/5/2019 đến ngày 09/5/2019, Hội đồng xét xử thấy rằng: Bà L làm nghề giặt là thuê, thu nhập ổn định và qua xác minh tại địa phương xã H thì thu nhập bình quân của người dân tại địa phương từ 200.000đ-300.000đ/ngày nên việc bà L yêu cầu 07 ngày nghỉ, mỗi ngày 250.000đ là phù hợp nên cần chấp nhận.

Như vậy, chi phí hợp lý được chấp nhận bao gồm các khoản tiền sau:

+ Tiền điều trị tại Trạm y tế xã H là: 240.000đ

+ Tiền thuê xe ô tô là: 300.000đ.

+ Tiền viện phí là: 3.355.800đ.

+ Tiền công ngày nghỉ lao động của người bị thiệt hại là: 1.750.000đ.

Tng cộng là: 5.645.800đ (năm triệu sáu trăm bốn mươi năm nghìn tám trăm đồng).

Tuy nhiên, tại phiên tòa bà L chỉ yêu cầu bà M phải bồi thường cho bà tổng số tiền là 4.500.000đ (bốn triệu năm trăm nghìn đồng). Xét yêu cầu này là hoàn toàn tự nguyện nên cần được chấp nhận.

Bà L rút yêu cầu về tiền xăng xe là 600.000đ, tiền công ngày nghỉ lao động từ 3.500.000đ xuống 1.750.000đ, tiền mua thuốc ngày 12/6/2019 là: 2.304.000đ nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Đi với bị đơn là bà Đỗ Thị M vắng mặt, không có lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng nội dung liên quan đến sự việc xảy ra ngày 02/5/2019, đã được bà M trình bày tại Công an huyện Lập Thạch, thể hiện sự việc xô xát, bà M gây thương tích cho bà L có tỷ lệ thương tích là 3%, bà L gây thương tích cho bà M có tỷ lệ thương tích là 0% xảy ra ngày 02/5/2019 là đúng sự thật. Bà M không đồng ý bồi thường thiệt hại cho bà L vì bà cho rằng sự việc xảy ra là do hai bên đánh nhau, chỉ bị thương nhẹ nhưng bà L ăn vạ, nằm viện, đòi tiền bồi thường của bà là không có căn cứ. Bởi lẽ, bà M chỉ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh trong sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự). Trong trường hợp này, bà L bị thiệt hại, tỷ lệ thương tích 3% là do bà M gây ra nên cần buộc bà M phải bồi thường thiệt hại cho bà L tổng số tiền nêu trên là phù hợp. Còn đối với việc bà L gây thương tích cho bà M, nếu sau này bà M có đơn yêu cầu sẽ được xem xét, giải quyết bằng vụ án khác.

[3] Về án phí: Bà Đỗ Thị M phải chịu án phí đối với tổng số tiền phải bồi thường cho bà Phạm Thị L theo quy định.

Bà Loan không phải chịu án phí dân sự trong vụ án.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 6 Điều 26, Điều 39, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 584, Điều 585; Điều 586 và Điều 590; Điều 357; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự; Điều 26 Luật thi hành án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Xử chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Phạm Thị L.

Buộc bà Đỗ Thị M phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Phạm Thị L tổng số tiền là: 4.500.000đ (Bốn triệu năm trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ thì phải chịu lãi suất chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Đỗ Thị M phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án để yêu cầu xét xử phúc thẩm Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại nơi cư trú./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

345
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 01/2020/DS-ST ngày 12/05/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:01/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;