TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
BẢN ÁN 01/2019/LĐ-PT NGÀY 12/06/2019 VỀ YÊU CẦU BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH NINH THUẬN TIẾP NHẬN HỒ SƠ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Ngày 12 tháng 6 năm 2019 tại Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2019/TLPT-LĐ ngày 22 tháng 02 năm 2019 về “yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp”. Do bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 01/2019/QĐPT-LĐ ngày 22 tháng 4 năm 2019 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 01/2019/QĐ-PT ngày 21/5/2019 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm: 1959 (có mặt)
Địa chỉ: Thôn U, xã M, huyện N, tỉnh Ninh Thuận
2. Bị đơn: Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Mạnh T - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hà Văn C - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận (theo Văn bản ủy quyền ngày 14/02/2019) (có mặt)
Địa chỉ: Số 24 đường 16/4, thành phố P, tỉnh Ninh Thuận.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Trung tâm y tế huyện N, tỉnh Ninh Thuận
Nguời đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Thanh X - Giám đốc Trung tâm y tế huyện N, tỉnh Ninh Thuận (có mặt).
3.2. Trạm y tế xã M, huyện N, tỉnh Ninh Thuận
Người đại diện theo pháp luật: Bà Trần Thị Kim D - Trưởng trạm y tế xã M, huyện N, tỉnh Ninh Thuận (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt)
4. Người kháng cáo: Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận là bị đơn
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại phiên tòa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T trình bày:
Ông làm việc trong ngành y từ năm 1997 đến năm 2018 tại huyện N với công việc Y sỹ đa khoa. Ông được phân công chuyên trách chương trình Lao quốc gia tại Trạm y tế xã M từ năm 2000 đến năm 2004, sau đó từ tháng 7 năm 2012 đến năm 2018. Công việc hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao nên ông bị nhiễm bệnh nghề nghiệp là Lao phổi. Ông đã điều trị từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2013, có phiếu điều trị. Theo kết quả giám định y khoa ngày 16/5/2018, ông được xác định là bị bệnh nghề nghiệp, tổn thương cơ thể là 15%. Ông đã cung cấp đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn tại văn bản số 3647 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2016 cho Bảo hiểm xã hội (viết tắt là BHXH) tỉnh Ninh Thuận, nhưng BHXH tỉnh Ninh Thuận cho rằng còn thiếu Biên bản đo đạc môi trường. Trong khi theo văn bản hướng dẫn số 3647 thì không còn biên bản đo đạc môi trường trong hồ sơ để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nữa. Ông đã khiếu nại tại BHXH tỉnh Ninh Thuận và BHXH tỉnh Ninh Thuận có công văn số 140 trả lời, giữ nguyên ý kiến. Do không đồng ý nên ông đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang- Tháp Chàm yêu cầu Tòa án giải quyết buộc BHXH tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận và giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông.
Ngày 27/12/2018 Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đưa vụ án ra xét xử và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông, buộc BHXH tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông. Vì vậy ông đồng ý với Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 18/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác kháng cáo của BHXH tỉnh Ninh Thuận và giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Hà Văn C trình bày:
Ông Nguyễn Văn T làm việc tại Trạm y tế xã M, huyện N, tỉnh Ninh Thuận với chức danh Y sỹ đa khoa. Ông bị bệnh lao phổi điều trị từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2013 thì kết thúc quá trình điều trị.
Việc áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông Nguyễn Văn T tại thời điểm trên được thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 vì hồ sơ phát sinh vào thời điểm nào thì áp dụng luật thời điểm đó đó để giải quyết. Điều 115 Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 quy định về hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm có:
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động có bản trích sao.
3. Giấy ra viện sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp, trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
Theo quy định trên thì hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông Nguyễn Văn T còn thiếu biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động có bản trích sao. Do đó cơ quan BHXH không tiếp nhận, giải quyết được vì thiếu thành phần hồ sơ theo Điều 115 Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006.
Ngày 18/6/2018, Giám đốc BHXH tỉnh ban hành quyết định số 140 về việc giải quyết khiếu nại đối với ông T, nội dung giữ nguyên nội dung đề nghị ông T phải cung cấp Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại hoặc kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động hoặc bản trích sao của các giấy tờ trên khi ông T yêu cầu BHXH tỉnh giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
BHXH tỉnh Ninh Thuận không đồng ý với quyết định của Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 18/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, nên ngày 29/01/2019 Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận có kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, đưa ra xét xử lại toàn bộ nội dung vụ án “yêu cầu Bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T và bị đơn Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận.
Người đại diện theo pháp luật của Trung tâm y tế huyện N ông Hoàng Thanh X trình bày:
Thời gian từ năm 2000 đến năm 2018 Trung tâm y tế huyện N không tiến hành quan trắc môi trường lao động tại Trạm y tế xã M, do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận chưa đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, không có kinh phí và con người để thực hiện. Đề nghị Tòa án giải quyết cho ông T được hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngày 07/6/2019 Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Ninh Thuận đã có Văn bản số 411/CV-BVLVBP về việc phúc đáp các nội dung làm việc với Trung tâm y tế huyện N có nội dung: “Trước thời điểm Công văn số 3647/BHXH-CSXH ngày 21/9/2016 của Việt Nam, trong hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có đòi hỏi biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại. Thực tế việc quan trắc môi trường trong bệnh lao thường chỉ thực hiện các ở các cơ sở có điều trị nội trú và thực hiện các xét nghiệm vi khuẩn học xác định vi trùng lao và phục vụ cho việc quản lý sức khỏe của đa số nhân viên trong đơn vị, đối với trạm y tế xã chỉ có 01 cán bộ chuyên trách lao, không thực hiện việc xét nghiệm vi khuẩn lao tại trạm nên việc thực hiện quan trắc là không có khả năng thực hiện. Hơn nữa để xác định sự có mặt của vi khuẩn lao trong môi trường làm việc là rất khó vì vi khuẩn lao phải được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Các kết luận về quan trắc chưa trả lời được có hay không có sự hiện diện của vi khuẩn lao trong môi trường”.
Người đại diện theo pháp luật của Trạm y tế xã Ma Nới bà Trần Thị Kim D trình bày tại đơn đề nghị xét xử vắng mặt:
Ông Nguyễn Văn T công tác tại Trạm y tế xã M từ năm 1999 đến năm 2018. Ông T được phân công chuyên trách chương trình Lao quốc gia tại Trạm y tế xã M từ năm 2000 đến năm 2004, sau đó từ tháng 7 năm 2012 đến năm 2018. Ông T bị nhiễm bệnh nghề nghiệp là Lao phổi, đã điều trị từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2013. Trạm y tế xã Ma Nới không tiến hành quan trắc môi trường lao động tại Trạm trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2019. Đề nghị Tòa án giải quyết cho ông T được hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 18/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận quyết định:
Căn cứ vào: điểm d khoản 1 Điều 32 , điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 266 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Điều 158 Bộ Luật lao động, điểm c khoản 1 Điều 4, Điều 40 Luật bảo hiểm xã hội, Điều 18, Điều 58 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Thông tư 15/2016/TT-BYT, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận có nghĩa vụ tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông Nguyễn Văn T.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền và nghĩa vụ các bên trong thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 29/01/2019, BHXH tỉnh Ninh Thuận là bị đơn kháng cáo bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 18/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Nội dung kháng cáo: Xem xét, đưa ra xét xử lại toàn bộ nội dung vụ án “yêu cầu Bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T và bị đơn Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận tại phiên tòa:
Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự trong vụ án đã thực hiện đúng các quy định của Luật tố tụng dân sự;
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của BHXH tỉnh Ninh Thuận và giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 18/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Về thủ tục tố tụng:
[1] Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ án đã được Tòa án triệu tập hợp lệ và có mặt tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với quy định tại Điều 294 của Bộ Luật tố tụng dân sự.
[2] Đơn kháng cáo đề ngày 29/01/2019 của BHXH tỉnh Ninh Thuận nộp đến Tòa án trong hạn luật định, phù hợp với Điều 272 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận.
Về nội dung:
[3] Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn ông Nguyễn Văn T không rút đơn khởi kiện; bị đơn BHXH tỉnh Ninh Thuận không thay đổi, bổ sung, không rút một phần hoặc toàn bộ nội dung yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Qua các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung trình bày và kết quả tranh luận của các đương sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật của vụ án là “Yêu cầu Bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp” là có cơ sở và đúng pháp luật.
[4] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn BHXH tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, đưa ra xét xử lại toàn bộ nội dung vụ án “yêu cầu Bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T và bị đơn Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận.
[5] Tại phiên tòa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T phát biểu tranh luận:
Căn cứ Văn bản số 3647/BHXH/CSXH ngày 21/9/2016 của BHXH Việt Nam về việc tạm thời hướng dẫn thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định: “Đối với hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, bỏ thành phần hồ sơ là biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại hoặc kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động hoặc bản trích sao của các giấy tờ trên quy định tại Khoản 3 Điều 15 Quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH”, vì vậy hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của ông đã cung cấp đầy đủ theo quy định tại Điều 105 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[6] Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Hà Văn C phát biểu tranh luận:
- Hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông Nguyễn Văn T còn thiếu biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động có bản trích sao. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 58 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 để giải quyết vụ án là chưa đúng với quy định của pháp luật, bởi vì ông Nguyễn Văn T bị nhiễm lao phổi điều trị từ tháng 01 đến tháng 9 năm 2013, do đó thành phần hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông T phải áp dụng các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
- Căn cứ điểm a khoản 1 Văn bản số 2533/LĐTBXH-ATLĐ ngày 07/7/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động thì thành phần hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông Thành bắt buộc phải có biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại.
- Việc đảm bảo các điều kiện môi trường làm việc và an toàn lao động đồng thời kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc là trách nhiệm của đơn vị sử dụng, quản lý lao động (Trung tâm y tế huyện Ninh Sơn) đã quy định tại Điều 138 Bộ Luật lao động năm 2012 và Điều 18 Luật vệ sinh, an toàn lao động năm 2015. Trung tâm y tế huyện N đã khẳng định không tiến hành quan trắc, đo kiểm môi trường lao động tại Trạm y tế xã M từ năm 2000 đến năm 2018.
Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
[7] Ông Nguyễn Văn T là Y sỹ đa khoa được phân công chuyên trách chương trình Lao quốc gia tại Trạm y tế xã Ma Nới giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2004 và giai đoạn năm 2012 đến năm 2019. Năm 2013 ông T được phát hiện mắc bệnh Lao phổi và được điều trị trong chương trình chống lao Quốc gia từ ngày 02/01/2013, kết thúc ngày 02/9/2013. Theo quy định tại khoản 31 Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng Bảo hiểm xã hội trong đó có bệnh lao nghề nghiệp.
[8] Theo kết quả giám định y khoa tại Biên bản giám định y khoa số 72/GĐYK-BNN ngày 16/5/2018 của Hội đồng giám định y khoa Sở y tế Ninh Thuận, ông T được xác định bị bệnh nghề nghiệp lao phổi, tổn thương cơ thể là 15%. Sau khi được giám định y khoa, ông T nộp hồ sơ tại BHXH tỉnh Ninh Thuận để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nhưng BHXH không tiếp nhận hồ sơ của ông với lý do, hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông Nguyễn Văn T còn thiếu biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại.
[9] Căn cứ điểm a khoản 1 Văn bản số 2533/LĐTBXH-ATLĐ ngày 07/7/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động:
1. Đối với người đang hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN; người bị TNLĐ, BNN Điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016:
a) Về Điều kiện, mức hưởng, hồ sơ, quy trình giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN: Thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản quy định chi Tiết, hướng dẫn thi hành chế độ TNLĐ, BNN ban hành trước ngày 01/7/2016.
[10] Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều kiện được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
1. Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại khoản 1 Điều này.
[11] Điều 105 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động có bản trích sao.
3. Giấy ra viện sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp, trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
[12] Như vậy, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì thành phần hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp phải có biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại. Tuy nhiên, việc đảm bảo các điều kiện môi trường làm việc và an toàn lao động đồng thời kiểm tra các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc là trách nhiệm của đơn vị sử dụng, quản lý lao động được quy định tại Điều 38 của Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Đối với trường hợp của ông T thì Trung tâm y tế huyện N, Trạm y tế xã M xác nhận họ không thực hiện việc quan trắc môi trường lao động trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2018 do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận chưa đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động. Do vậy, ông T không cung cấp được biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại cho BHXH tỉnh Ninh Thuận để tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp không phải là lỗi của ông T.
[13] Tại Văn bản số 411/CV-BVLVBP ngày 07/6/2019 của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Ninh Thuận về việc phúc đáp các nội dung làm việc với Trung tâm y tế huyện Ninh Sơn có nội dung: “... Thực tế việc quan trắc môi trường trong bệnh lao thường chỉ thực hiện ở các cơ sở có điều trị nội trú và thực hiện các xét nghiệm vi khuẩn học xác định vi trùng lao và phục vụ cho việc quản lý sức khỏe của đa số nhân viên trong đơn vị, đối với trạm y tế xã chỉ có 01 cán bộ chuyên trách lao, không thực hiện việc xét nghiệm vi khuẩn lao tại trạm nên việc thực hiện quan trắc là không có khả năng thực hiện. Hơn nữa để xác định sự có mặt của vi khuẩn lao trong môi trường làm việc là rất khó vì vi khuẩn lao phải được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Các kết luận về quan trắc chưa trả lời được có hay không có sự hiện diện của vi khuẩn lao trong môi trường”.
[14] Mặt khác, ông T nộp hồ sơ để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp vào năm 2018, tại thời điểm này Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đã có hiệu lực thi hành. Tại Điều 58 của luật này quy định hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
[15] Căn cứ quy định trên thì biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại không còn là thành phần bắt buộc phải có trong hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T là có căn cứ, đúng pháp luật nên Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất quan điểm với vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận tại phiên tòa, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của BHXH tỉnh Ninh Thuận.
[16] Về án phí: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn T được miễn toàn bộ án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm; bị đơn BHXH tỉnh Ninh Thuận phải chịu án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng:
- Điểm d khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308, Điều 313, Điều 482 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Điều 44, Điều 105 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;
- Điểm a khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Khoản 31 Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng Bảo hiểm xã hội trong đó có bệnh lao nghề nghiệp.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận; Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 18/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
2. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận có nghĩa vụ tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông Nguyễn Văn T.
3. Về án phí:
Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận phải chịu 300.000 đồng án phí lao động sơ thẩm.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận phải chịu 300.000 đồng án phí lao động phúc thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0018204 ngày 31/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử phúc thẩm, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 01/2019/LĐ-PT ngày 12/06/2019 về yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp
Số hiệu: | 01/2019/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Thuận |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 12/06/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về