TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HẬU, TỈNH NAM ĐỊNH
BẢN ÁN 01/2019/KDTM-ST NGÀY 28/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH
Ngày 28 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2019/TLST-KDTM ngày 06 tháng 3 năm 2019 về “Tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2019/QĐXXST-KDTM ngày 04 tháng 5 năm 2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty cho thuê tài chính I; Địa chỉ: Số 4, đường, phường KL, quận ĐĐ, Thành phố Hà Nội.
+ Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Ngọc T – Chức vụ: Tổng giám đốc; ( vắng mặt).
+ Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Mạnh T1, sinh năm 1974;
Địa chỉ: phường A, quận LC, thành phố HP. (Văn bản ủy quyền số 11/A-HCNS) ( có mặt).
- Bị đơn: Công ty TNHH Vận tải biển K (gọi tắt là Công ty K); Địa chỉ: Xóm XP, xã HH, huyện HH, tỉnh Nam Định.
+ Người đại diện theo pháp luật: Ông Đặng Minh H – Chức vụ: Giám đốc ( có mặt).
- Người làm chứng: Công ty THHH T; địa chỉ: Km 71 Quốc lộ 5A, KX, KT, Hải Dương.
+Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đức L – Chức vụ: Giám đốc (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
*Tại đơn khởi kiện đề ngày 21/11/2018 và quá trình tố tụng tại Tòa án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là Công ty cho thuê tài chính I ( gọi tắt là A) là ông Nguyễn Mạnh T1 trình bày về yêu cầu khởi kiện, quan điểm tranh tụng của nguyên đơn cụ thể như sau:
Trên cơ sở Biên bản thỏa thuận số 120/2007/BBTT ngày 20/11/2007 giữa Công ty TNHH T (gọi tắt là công ty T) với công ty TNHH Vận tải biển K (gọi tắt Công ty K), Đơn đề nghị cho thuê tài chính ngày 05/01/2008 của công ty K, ngày 28/01/2008 A và công ty K đã ký hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/A. Quá trình thực hiện, để phù hợp với tình hình thực tế, A và công ty K đã ký các phụ lục hợp đồng, các biên bản làm việc, biên bản thỏa thuận có giá trị thi hành và là một trong những bộ phận không thể tách rời của hợp đồng cho thuê tài chính. Nội dung hợp đồng, phụ lục hợp đồng và các thỏa thuận như sau: Tài sản công ty A cho công ty K thuê là 01 tàu vận tải biển chở hàng khô trọng tải 3.193 tấn mang tên K 36 –A, số đăng ký VN – 3139, giá trị tài sản cho thuê 25.466.060.000đ; dư nợ khi cho thuê 22.000.000đ; công ty K đặt cọc 3.466.060.000đ, ký cược 300.000.000đ; thời hạn thuê 120 tháng; ngày nhận nợ 10/08/2011, ngày trả nợ cuối cùng 18/06/2011. Lãi suất khi cho thuê được tính là 18,5%/năm, có điều chỉnh theo năm, mức lãi suất cụ thể tại thời điểm điều chỉnh thực hiện theo thông báo của A (trường hợp để phát sinh nợ quá hạn, lãi phạt quá hạn bằng 150% lãi suất cho thuê trong hạn). Mục đích sử dụng tài sản thuê là để phục vụ hoạt động kinh doanh hợp pháp của công ty K. Công ty K cam kết thanh toán tiền thuê cho A đầy đủ, đúng hạn theo lịch thanh toán tại phụ lục hợp đồng số 04B/A. Khi công ty K vi phạm nghĩa vụ ở mức không thể khắc phục được, A có toàn quyền thu hồi tài sản thuê và yêu cầu công ty K phải thanh toán toàn bộ số tiền thuê chưa trả theo hợp đồng. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, nếu công ty K chưa hoàn trả đủ số tiền thuê theo hợp đồng thì A có quyền bán tài sản đã cho thuê hoặc cho thuê lại để bảo toàn vốn cho Nhà nước. Nếu số tiền thu được không đủ thanh toán, công ty K có trách nhiệm lấy các tài sản khác của công ty để thanh toán đầy đủ số tiền còn thiếu cho A.
Quá trình thực hiện hợp đồng, ngay từ năm 2012, công ty K đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ cụ thể: không thanh toán nợ đầy đủ, đúng hạn để xảy ra nợ quá hạn lớn, kéo dài. Từ năm 2012 và những năm tiếp theo, A thường xuyên gửi thông báo về việc tăng, giảm lãi suất, thông báo yêu cầu công ty K thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trong mỗi bảng thông báo đều có kèm theo số tiền gốc, lãi phải thanh toán theo kỳ, thậm chí nhiều lần đến tận trụ sở công ty K để kiểm tra tình hình thực hiện và đôn đốc trách nhiệm trả nợ nhưng công ty K vẫn vi phạm ở mức độ không thể khắc phục được. Ngày 26/11/2015, A đã ra thông báo số 456A/TB-A –KD về “Chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn và yêu cầu thanh toán ngay số tiền còn lại theo hợp đồng”. Nhận được thông báo, ngày 25/01/2016, đại diện công ty K đã đến làm việc với A và cam kết thanh toán nợ. Mặc dù đã cam kết nhưng sau đó, công ty K không thực hiện cam kết. Vì vậy, ngày 21/7/2016 A đã tu hồi tài sản thuê là tàu K 36 sau đó bán đấu giá qua trung tâm bán đấu giá sở tư pháp Hà Nội với giá 13.505.000.000đ. Sau khi trừ các khoản chi phí thu hồi, xử lý tài sản, cùng với số tiền ký cược 300.000.000đ, số tiền còn lại được A hạch toán thu vào nợ gốc là 12.951.794.867đ. Tính đến ngày 23/6/2017, công ty K còn nợ tiền thuê gốc là 17.487.179.484đ và 15.662.099.285đ tiền lãi. Sau khi xử lý tài sản thuê, số tiền công ty K còn phải thanh toán cho A là 20.197.483.902đ (trong đó nợ gốc 4.535.384.617đ, nợ lãi 15.662.099.285đ).
Sau khi xử lý tài sản thuê, A đã mời công ty K đến làm việc, thông báo khoản nợ còn lại và định kỳ gửi thông báo, cử cán bộ đến trụ sở công ty K, lập biên bản làm việc yêu cầu thanh toán số tiền còn lại nhưng đến nay công ty K không trả nợ cho A.
Nay A yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau:
1. Buộc công ty TNHH vận tải biển K phải trả toàn bộ số nợ gốc, lãi tính đến hết ngày 30/09/2018 là 21.249.693.133đ ( Hai mươi mốt tỷ, hai trăm bốn mươi chín triệu, sáu trăm chín mươi ba nghìn, một trăm ba mươi ba đồng).
2. Buộc công ty K phải tiếp tục trả lãi phát sinh theo mức lãi suất thỏa thuận tại Hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/A ngày 28/01/2008, kể từ ngày tiếp theo của ngày Tòa án ra bản án cho đến ngày thực tế công ty K trả hết nợ gốc cho Agribank.
3. Tuyên nếu Công ty K không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ ngay sau khi bản án/quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì công ty A có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý bất kỳ tài sản nào thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Công ty K để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
*Tại bản tự khai và quá trình tố tụng tại Tòa án, người đại diện theo pháp luật của bị đơn là Công ty TNHH Vận Tải Biển K (gọi tắt là công ty K), Đại diện theo pháp luật là ông Đặng Minh Hiện trình bày: Việc ký hợp đồng, các phụ lục hợp đồng, biên bản thỏa thuận, biên bản làm việc như A đã trình bày là đúng, công ty K không có ý kiến thắc mắc gì. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng từ khi ký kết cho đến khi thanh lý tài sản, A đã vi phạm nhiều thỏa thuận dẫn đến việc công ty K phải nợ đọng kéo dài, cụ thể:
Thứ nhất, về thời hạn bàn giao tàu: Theo hợp đồng đã ký, thời hạn bàn giao tàu là 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng cho thuê tài chính. Mặc dù công ty đóng tàu T đã bàn giao tàu cho công ty A từ năm 2010 nhưng đến ngày 10/8/2011 công ty A mới bàn giao tàu cho công ty K đi vào hoạt động. Việc chậm bàn giao tàu gây ra nhiều thiệt hại, công ty K yêu cầu công ty A giải trình và phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Thứ hai: Theo thỏa thuận giữa hai bên, công ty K đã bỏ tiền ra thuê kiểm toán, sau khi có kết quả kiểm toán hai bên sẽ điều chỉnh hợp đồng theo giá trị thực tế. Tuy nhiên, sau khi có kết quả kiểm toán, giá trị tàu lên đến hơn 30 tỷ đồng, công ty A đã sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng tàu K 36 nhưng lại không điều chỉnh hợp đồng thuê.
Thứ ba:Theo thỏa thuận, khi điều chỉnh lãi suất, công ty A phải thông báo bằng văn bản cho công ty K biết nhưng quá trình thực hiện hợp đồng, công ty A không thông báo cho công ty K bất cứ lần tăng giảm lãi suất nào. Vì vậy, công ty K gửi tiền trả định kỳ cho công ty A nhưng không được biết khoản nào trừ vào tiền gốc, khoản nào trừ vào tiền lãi dẫn đến chậm trả.
Thứ tư, về thời hạn thực hiện hợp đồng: Tại Biên bản làm việc năm 2010, A đã đồng ý cho công ty K thực hiện hợp đồng trong 12 năm, ân hạn 9 tháng nhưng đến ngày bàn giao tàu, A chỉ tính các kỳ hạn trả nợ với thời gian thực hiện hợp đồngl à 10 năm. Việc rút ngắn thời gian thuê dẫn đến số tiền trả nợ trong kỳ tăng khiến công ty K không có khả năng trả nợ đúng hạn.
Thứ năm, về khoản tiền lãi phát sinh (lãi đầu tư) trước năm 2011 do A tính toán với công ty T mà công ty K đã nhận trách nhiệm trả nợ thay T nhưng nay công ty K không nhất trí trả khoản tiền này vì quá trình đóng tàu, do A không chuyển vốn đầu tư đúng kỳ bạn, lộ trình theo yêu cầu của T nên thi công tàu chậm tiến độ dẫn đến chậm bàn giao tàu. Hơn nữa, quá trình thực hiện hợp đồng, lãnh đạo của công ty A cũng đã hứa hẹn với K sẽ điều chỉnh giảm lãi suất trong các kỳ thực hiện hợp đồng nhưng thực tế lại không thực hiện.
Kể từ thời điểm nhận nợ, năm 2012 công ty K trả cho A 3.726.000.000đ; từ năm 2013 đến năm 2016 trả 8.200.000.000đ. Do công ty K làm ăn không hiệu quả, chưa trả nợ đúng kỳ hạn nên không yêu cầu A tính toán cụ thể các khoản tiền gốc, lãi. Nay công ty K cũng đề nghị A lập bảng cân đối tính toán theo khế ước để công ty K được biết. Ngoài ra, do A cũng vi phạm các thỏa thuận như ông Hiện đã nêu nên công ty K đề nghị Tòa án xem xét xác định lỗi của A, đề nghị A giảm yêu cầu số nợ lãi đã khởi kiện.
Đối với yêu cầu thanh toán tiền nợ ngay thời điểm giải quyết vụ án của A, ông Hiện trình bày: trước và sau khi A xử lý tài sản thuê, do khó khăn chung của thị trường nên công ty K làm ăn không hiệu quả, hiện nay công ty đang tạm ngừng hoạt động nên không có tiền, không có tài sản để trả nợ cho công ty A.
* Tại văn bản số 01/CV-TL ngày 18/4/2019, công ty TNHH T trình bày: Theo hợp đồng mua bán số 14/2008/HĐMB ngày 28/01/2008 đã ký với A về việc đóng mới tàu K 36 thì A đã chuyển tiền theo đúng tiến độ đã được thỏa thuận, không vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Hợp đồng đã thực hiện xong thể hiện bằng “Biên bản thanh lý hợp đồng” số 14/2010/TL ngày 18/6/2010. Về việc bàn giao tàu K 36: Tại biên bản bàn giao xuất xưởng số 0110/BBBG ngày 28/3/2010, công ty T đã bàn giao tàu cho công ty K theo đúng thỏa thuận tại văn bản số 120/2007/BBTT ngày 20/11/2007 giữa công ty T và công ty K. Tại biên bản bàn giao xuất xưởng số 1205/BBBG ngày 12/5/2010, công ty T đã bàn giao tàu cho A theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng mua bán số 14/2008-HĐMB ngày 28/01/2008 giữa công ty T và A. Vì yếu tố công việc không thu xếp được thời gian nên công ty T xin được vắng mặt tại các buổi làm việc và tại phiên tòa.
Tại phiên tòa, Công ty A giữ nguyên ý kiến và yêu cầu khởi kiện. Đại diện công ty K thì Đề nghị Tòa án tính các lỗi vi phạm thỏa thuận của công ty A để giảm trừ tiền lãi so với yêu cầu khởi kiện cho K và không đưa ra số tiền cụ thể đề nghị Tòa án xem xét theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu ý kiến: Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán và Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vu án đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung vụ án: Căn cứ: Các Điều 302, 305, 480,482, 484 491 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 91; Điều 95; Điều 113 Luật tổ chức tín dụng năm 2010. Buộc công ty TNHH vận tải biển K phải có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty cho thuê tài chính I – Agribank số nợ gốc 4.535.384.617 và nợ lãi còn lại tính đến ngày 30/9/2018 là 16.714.308.516 , tổng cộng 21.249.693.133đ. Công ty TNHH Vận tải biển K phải chịu lãi suất nếu chậm thi hành án. Đề nghị không chấp nhận các yêu cầu khác của các bên đương sự.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Công ty cho thuê tài chính I – Ngân hàng No &PTNT Việt Nam ( gọi tắt là công ty A) khởi kiện yêu cầu công ty TNHH Vận tải biển K trả nợ gốc lãi theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 14 /2008/A ngày 28/01/2008 đã ký kết, hiện Công ty TNHH Vận tải biển K đang cư trú tại xóm Xuân Phong, xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Căn cứ khoản 1 Điều 30 và điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố Tụng dân sự Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ án công ty TNHH T là người làm chứng đã có lời khai xin được vắng mặt tại phiên tòa. Căn cứ khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt công ty TNHH T.
[2] Về hợp đồng cho thuê tài chính: Xét hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/A ngày 28/01/2008, các phụ lục hợp đồng, các biên bản làm việc, biên bản thoản thuận giữa công ty A và công ty K thì thấy: công ty A và công ty K đều là các pháp nhân có đăng ký kinh doanh; việc ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng và các văn bản khác thể hiện ý chí tự nguyện của các bên trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp; nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội; hình thức hợp đồng đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật. Do đó, Hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/A ngày 28/01/2008 được ký kết giữa A - công ty K và các văn bản phụ lục kèm theo đều hợp pháp, các bên đã tham gia ký kết đều phải có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện.
[3] Về nội dung; Xét các yêu cầu của nguyên đơn thì thấy:
Đối với khoản tiền thuê và tiền lãi thuê: Quá trình thực hiện Hợp đồng cho thuê tài chính Công ty cho thuê tài chính I - Agribank ( A) đã giải ngân theo đúng quy định của Hợp đồng cho thuê tài chính. Căn cứ vào hợp đồng cho thuê tài chính và khê ước nhận nợ thì bên thuê tài chính cam kết thực hiện nghĩa vụ bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc và nghĩa vụ trả lãi; theo đó trả gốc vào cuối kỳ, trả lãi theo dư nợ thực tế. Theo thỏa thuận tại Điều 4 Hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/A ngày 28/01/2008 và bản kế hoạch trả nợ đính kèm phụ lục hợp đồng số 04B/A mà công ty A đã ký với công ty K, dư nợ cho thuê là 22.000.000.000đ, thời hạn thuê được tính từ ngày 10/8/2011 (ngày bàn giao tàu). Theo kế hoạch trả nợ, số tiền gốc mỗi kỳ (mỗi quý = 90 ngày) công ty K phải trả cho công ty A là 564.102.564đ, lãi suất 4,625%/quý, có điều chỉnh vào ngày đầu tiên các tháng trong năm. Quá trình thực hiện hợp đồng, mặc dù công ty K cho rằng đã chuyển trả cho công ty A được số tiền như sau: năm 2012 trả 3.726.000.000đ; từ năm 2013 đến năm 2016 trả 8.200.000.000đ nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh số tiền đã chuyển trả. Theo yêu cầu của K, công ty A đã nộp cho Tòa án bảng tính lãi kỳ hạn, phiếu tính lãi quá hạn và bảng kê chi tiết hoạt động khế ước. Theo diễn giải của công ty A, từ thời điểm nhận nợ đến ngày 22/6/2017, công ty K đã trả tiền thuê gốc là 6.231.772.170đ và 7.840.179.484đ tiền lãi. Như vậy, tính đến ngày 23/6/2017, công ty K còn nợ tiền thuê gốc là 17.487.179.484đ và 15.662.099.285đ tiền lãi. Sau khi xử lý tài sản, số tiền công ty K còn phải thanh toán cho công ty A là 20.197.483.902đ (trong đó nợ gốc 4.535.384.617đ, nợ lãi 15.662.099.285đ. Vì sau khi thu hồi tàu, do hợp đồng cho thuê tài chính chưa được tất toán nên vẫn phát sinh lãi trên nợ gốc. Số tiền gốc, tiền lãi mà công ty K đã nộp cho công ty A theo trình bày của A có hóa đơn sao kê kèm theo và phù hợp với hợp đồng cho thuê tài chính, phụ lục 04B/A, bảng kế hoạch trả nợ đính kèm phụ lục 04B/A, các biên bản làm việc, thông báo của A về việc yêu cầu công ty K phải thanh toán nợ gốc, lãi trong từng kỳ chậm trả. Tòa án đã công khai chứng cứ, công ty K đã được sao các tài liệu, chứng cứ do A cung cấp nhưng không có ý kiến phản hồi gì về số nợ gốc, nợ lãi đã trả; số nợ gốc, nợ lãi còn lại. Xét việc tính lãi trong hạn, lãi quá hạn như A đã yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên tại hợp đồng số 14/2008/A ngày 28/01/2008.
Do đó, có đủ cơ sở buộc Công ty TNHH vận tải biện K phải trả nợ cho Công ty cho thuê tài chính I – Agribank (A) số tiền gồm: nợ gốc, lãi tính đến ngày 30/09/2018 là 21.249.693.133đ (Hai mươi mốt tỷ ,hai trăm bốn mươi chín triệu, sáu trăm chín mươi ba nghìn, một trăm ba ba đồng).
Đối với yêu cầu buộc công ty K phải tiếp tục trả lãi phát sinh theo hợp đồng kể từ ngày có bản án, quyết định của tòa án cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ: Tại điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm đã quy định: “Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật”. Tại Điều 5 hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/A ngày 18/01/2008 và phụ lục 04B/A mà hai bên đã ký kết có thỏa thuận về lãi suất, lãi suất tại thời điểm nhận nợ và lãi suất điều chỉnh hàng năm. Do đó, yêu cầu của A về việc đề nghị Tòa án tuyên buộc công ty K phải tiếp tục trả lãi phát sinh theo hợp đồng kể từ ngày có bản án, quyết định của tòa án cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ là hợp pháp và có cơ sở chấp nhận.
Đối với yêu cầu đề nghị Tòa án tuyên trong bản án nội dung “ nếu Công ty K không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ ngay sau khi bản án/quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì A có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý bất kỳ tài sản nào thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Công ty K để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật”. Xét tại hợp đồng cho thuê tài chính và các phụ lục hợp đồng, các biên bản thỏa thuận, biên bản làm việc giữa A và công ty K không thỏa thuận về việc thế chấp, cầm cố tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng thuê nên không có thỏa thuận về tài sản bảo đảm kèm theo; giữa các bên chỉ có cam kết về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự không đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc tuyên trong bản án nội dung nêu trên không đúng quy định pháp luật nên yêu cầu nêu trên của A không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Xét các yêu cầu của bị đơn thì thấy:
Về thời hạn bàn giao tài sản thuê- tàu K 36: Tại Điều 4 Biên bản thỏa thuận số 120/2007-BBTT ngày 20/11/2007; Điều 7 Hợp đồng cho thuê tài chính (điều khoản chuyển tiếp) số 14/2008/A ngày 20/01/2008; Điều 4 Hợp đồng mua bán số 14/2008 –HĐMB Ngày 28/01/2018, các bên đều thỏa thuận thời hạn bàn giao tàu với thiết kế như đã mô tả trong biên bản thỏa thuận là 12 tháng kể từ ngày 20/01/2008. Như vậy, thỏa thuận số 120/2007-BBTT ngày 20/11/2007 là căn cứ để ký kết và thực hiện các hợp đồng, phụ lục hợp đồng, và các văn bản tiếp theo giữa các bên. Tại Điều 4 biên bản thỏa thuận, ngoài việc thỏa thuận về thời hạn bàn giao, các bên còn thỏa thuận về địa điểm bàn giao, nghĩa vụ chậm bàn giao, cụ thể như sau: “Nếu trong trường hợp thời gian thực hiện kéo dài do bất khả kháng (thời tiết, mất điện, thiên tai, hỏa hoạn, …) mà không được bên A (công ty K) và Công ty cho thuê tài chính I chấp thuận bằng văn bản thì bên B (công ty T) phải chịu phạt chậm bàn giao tàu là 1.000.000đ/ngày. Số tiền này được khấu trừ khi bên Công ty cho thuê tài chính thanh toán cho bên B, Công ty cho thuê tài chính I là người thụ hưởng”. Trên cơ sở lời khai của các đương sự, tài liệu do các bên xuất trình, Hội đồng xét xử xét thấy: Quá trình giải quyết vụ án, công ty K cho rằng nguyên nhân A chậm bàn giao tàu là do A không đủ vốn để trả cho công ty T theo hợp đồng mua bán nhưng lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh vấn đề này. Theo yêu cầu của K, A đã nộp cho Tòa án các phiếu ủy nhiệm chi thể hiện số tiền đã chuyển trả cho T từ sau khi ký hợp đồng mua bán. Việc A chuyển tiền cho T trên cơ sở thỏa thuận giữa T và A, theo yêu cầu của T theo tiến độ đóng tàu. Ngoài ra, quá trình thực hiện hợp đồng, các bên đều thừa nhận có nhiều sự kiện xảy ra như việc thay máy tàu, việc lắp đặt thêm các trang thiết bị cho tàu theo yêu cầu của công ty K. Giá trị thuê đã được xác định là không đổi, việc phát sinh mà giá trị tàu tăng thì công ty K và công ty T phải tự thỏa thuận về vốn.Việc thay máy tàu đắt hơn giá trị máy cũ, lắp đặt thêm thiết bị tàu quá tốn kém, công ty K và công ty T không thu xếp được nguồn tiền nên các bên đã thống nhất “giãn tiến độ thi công đóng mới tàu, thời hạn bàn giao được xác định lại vào tháng 11/2009” (Biên bản làm việc ngày 18/8/2009). Tại biên bản bàn giao xuất xưởng ngày 28/3/2010, công ty T đã bàn giao tàu cho công ty K nhận tại công ty T đúng như thỏa thuận của các bên. Sở dĩ ngày 10/8/2011, A mới lập biên bản bàn giao tàu cho công ty K là vì từ ngày 28/3/2010 đến ngày 10/8/2011 là khoảng thời gian để công ty K chạy thử tàu, làm thủ tục kiểm toán, đăng ký, đăng kiểm hoàn thiện thủ tục để tàu K 36 đi vào hoạt động (thực tế tàu do K quản lý). Cũng kể từ ngày 10/8/2011 bàn giao tàu, A mới tính tiền thuê và công ty K mới phải chịu lãi.
Tại công văn trả lời, người làm chứng công ty T cũng đã xác nhận việc A đã thanh toán vốn đầy đủ, đúng hạn theo yêu cầu của T. Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định việc thời gian bàn giao tàu kéo dài hơn dự tính là nguyên nhân khách quan đã được các bên thỏa thuận thống nhất, không phải lỗi của A.
Về giá trị thực của tàu K 36/A: Căn cứ nghị quyết của Hội đồng quản trị, A đã xác định đối với loại tài sản thuê tàu có trọng tải trên 3 nghìn tấn, A chỉ cho thuê với số tiền 22 tỷ đồng. Do nhu cầu kinh doanh, nhu cầu thẩm mỹ nếu bên thuê có thỏa thuận với bên đóng tàu làm tăng giá trị con tàu lên bao nhiêu thì theo thỏa thuận tại Biên bản thỏa thuận, hợp đồng cho thuê tài chính và các văn bản các bên ký kết sau đó số tiền vượt quá 22 tỷ bên thuê phải chịu và phải thỏa thuận với bên đóng tàu. Thực tế, công ty K có đầu tư tăng thêm giá trị con tàu so với thỏa thuận ban đầu và đã được A đồng ý. Sau khi hoàn thành, công ty T đã viết hóa đơn điều chỉnh giá trị con tàu theo kết quả kiểm toán mang tên người mua là A vì A vẫn là chủ sở hữu của con tàu. Phần giá trị tăng thêm do K đầu tư được 3 bên xác nhận, A không điều chỉnh hợp đồng thuê là hoàn toàn phù hợp với Hợp đồng thuê và thỏa thuận khác vì nếu điều chỉnh chỉ là điều chỉnh hợp đồng mua bán tàu mà không điều chỉnh hợp đồng thuê. Do đó, mặc dù giá trị tàu tăng lên nhưng dư nợ cho thuê vẫn giữ nguyên 22 tỷ, Cũng vì công ty K lắp đặt thêm thiết bị cho tàu nên giá trị tàu tăng lên, khi thanh lý giá trị tàu còn lại bao nhiêu A đã trừ toàn bộ vào khoản vay gốc cho công ty K.
Về việc thông báo điều chỉnh lãi suất: Quá trình giải quyết vụ án, công ty K cho rằng A đã vi phạm điều khoản thông báo tăng giảm lãi suất hàng tháng trong năm. Hồ sơ thể hiện, hàng tháng, hàng kỳ, A đều có bảng thông báo về tiền gốc, tiền lãi phải trả và văn bản thông báo, đôn đốc nghĩa vụ trả nợ. Căn cứ vào các thông báo của A, công ty K thực hiện nghĩa vụ trả gốc, lãi theo phụ lục 04B/A. Tại giấy đề nghị điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, công ty K đã ghi rất rõ khoản tiền gốc, lãi theo tính toán phải trả phù hợp với thông báo điều chỉnh lãi suất năm 2012 và bảng tính kỳ trả nợ kèm theo phụ lục 04B. Từ khi thực hiện hợp đồng đến nay, công ty K cũng không ý kiến, thắc mắc gì về vấn đề này. Do đó, ý kiến mà công ty K đưa ra không có căn cứ chấp nhận.
Về điều chỉnh thời hạn thực hiện hợp đồng: Mặc dù tại Biên bản làm việc ngày 25/3/2010 giữa A và công ty K có thỏa thuận kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng là 12 năm, thời gian ân hạn 9 tháng. Tại Biên bản làm việc ngày 29/7/2011 và phụ lục 04B/A ngày 10/8/2011, hai bên thống nhất xác định thời hạn thực hiện hợp đồng là 10 năm, ân hạn 3 tháng, công ty K đã ký kết và không có ý kiến thắc mắc gì. Như vậy, điều khoản về thời gian thực hiện hợp đồng đã được xác định lại tại thời điểm ký phụ lục 04B/A ngày 08/10/2011 thay thế điều khoản về thời hạn thực hiện hợp đồng tại Biên bản làm việc ngày 25/3/2010.
Về lãi phát sinh trong quá trình đầu tư: Tại Điều 8 Biên bản thỏa thuận 120/2007-BBTT ngày 20/11/2007; Điều 7 Hợp đồng mua bán số 14/2008 – HĐMB Ngày 28/01/2018, giữa các bên có thỏa thuận về lãi phát sinh trong quá trình đầu tư. Sau khi hoàn thành, A đã tính toán và thông báo lãi suất đầu từ cho công ty K, công ty T được biết. Tại biên bản làm việc giữa 3 bên ngày 29/7/2011 đã thể hiện: tổng số tiền lãi phát sinh ngoài dự toán là 6.153.557.170đ, công ty T nhận nợ lại và công ty K cam kết trả nợ thay trong 5 năm kể từ tháng 8/2011. Biên bản này đã lập thành 03 bản giống nhau, đại diện 3 bên đã ký xác nhận nên có giá trị thi hành.
Quá trình giải quyết vụ án, công ty K đề nghị Tòa án xác định các lỗi của A để giảm trừ khoản tiền lãi đầu tư cho công ty K. Tuy nhiên, căn cứ những phân tích, lập luận nêu trên, yêu cầu của công ty K đưa ra là không có cơ sở nên không được chấp nhận. A không có lỗi trong khi thực hiện hợp đồng nên không phải bồi thường cho công ty K. A là tổ chức phi tín dụng thuộc Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam, chịu sự điều chỉnh của Ngân hàng, A đã trình đề nghị của K nhưng không được phê duyệt nên yêu cầu của công ty K về giảm lãi suất không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[6] Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận bị đơn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án. Nguyên đơn không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm và được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ: Các Điều 302, 305, 480,482, 484 491 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 91; Điều 95; Điều 113 Luật tổ chúc tín dụng năm 2010; Điều 30, Điều 35, Điều 147, Điều 227, Điều 271; Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cho thuê tài chính I - Agribank đối với Công ty TNHH Vận tải biển K.
2. Buộc Công ty TNHH Vận tải biển K phải trả cho Công ty cho thuê tài chính I –Agribank số tiền nợ tính đến ngày 30/09/2018 theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/A ngày 28/01/2008 là:
Nợ gốc: 4.535.384.617đ Nợ lãi: 16.714.308.516 đ Tổng: 21.249.693.133đ (Hai mốt tỷ, hai trăm bốn chín triệu, sáu trăm chín ba triệu, một trăm ba mươi ba đồng).
Công ty TNHH vận tải biển K phải tiếp tục phải trả lãi phát sinh cho Công ty cho thuê tài chính I – Agribank trên số dư nợ gốc chưa thanh toán theo lãi suất quá hạn quy định trong Hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/HĐ - A ký ngày 28/01/2008 cho đến khi thanh toán xong toàn bộ khoản nợ.
Mức lãi suất mà Công ty TNHH Vận tải biển K phải tiếp tục thanh toán cho Công ty cho thuê tài chính I theo quyết định của Tòa án sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Công ty cho thuê tài chính I - Agribank theo thỏa thuận về cách tính lãi mà các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng cho thuê tài chính số 14/2008/HĐ - A ngày 28/01/2008.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.
3.Về án phí: Buộc Công ty TNHH Vận tải biển K phải chịu án phí kinh doanh thương mai sơ thẩm là 129.249.000đ (một trăm hai chín triệu, hai trăm bốn chín nghìn đồng). Hoàn lại cho Công ty cho thuê tài chính I – Agribank số tiền 64.624.000đ (hai trăm nghìn đồng) đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm tại biên lai số 0000333 ngày 06/3/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định.
4. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, Bị đơn có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 01/2019/KDTM-ST ngày 28/05/2019 về tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính
Số hiệu: | 01/2019/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Hải Hậu - Nam Định |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 28/05/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về