TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
BẢN ÁN 01/2018/HNGĐ-PT NGÀY 31/01/2018 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON, CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN
Ngày 31 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số 02/2018/TLPT-HNGĐ ngày 02-01-2018 (thụ lý số cũ: 12/2017/TLPT-HNGĐ ngày 30-10-2017) về “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản chung khi ly hôn”.
Do Bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 03/2017/HNGĐ-ST ngày 21-9-2017 của Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1353/2017/QĐ-PT ngày 29 tháng 12 năm 2017, giữa các bên đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Lê Khắc N, sinh năm 1965 (có mặt).
Địa chỉ cư trú: Thôn a, thị trấn S, huyện T, tỉnh Kon Tum.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là ông Đinh Văn H – Luật sư của Văn phòng Luật sư V thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum (có mặt).
2. Bị đơn: Bà Võ Thị S, sinh năm 1968 (có mặt).
Địa chỉ cư trú: Thôn b, thị trấn S, huyện T, tỉnh Kon Tum.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Võ Thị S là anh Nguyễn Thái Hồng P (được ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 23-10-2017); địa chỉ cư trú: số 444 đường T, thành phố K, tỉnh Kon Tum (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Người khởi kiện – Ông Lê Khắc N trình bày: Tôi và bà Võ Thị S tự nguyện đăng ký kết hôn vào năm 2005 tại Ủy ban nhân dân thị trấn S, huyện T, tỉnh Kon Tum. Sau khi kết hôn, giữa chúng tôi luôn bất đồng quan điểm, không ai chịu nghe ai nên thường xuyên xảy ra cãi cọ. Khoảng 4 năm trở lại đây, chúng tôi sống ly thân việc ai người ấy làm, trong thời gian chung sống với nhau, tôi và bà S có một con chung là cháu Lê Võ Trung H, sinh ngày 20-12-2006.
Nay vợ chồng không còn thương yêu nhau nên tôi yêu cầu Tòa án giải quyết cho tôi được ly hôn với bà Võ Thị S. Về việc nuôi con chung, tôi yêu cầu Tòa án giải quyết giao con chung là Lê Võ Trung H cho tôi được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Tôi không yêu cầu cấp dưỡng tiền nuôi con.
Về tài sản chung, theo như đơn phản tố của bà Võ Thị S yêu cầu Tòa án chia tài sản chung giữa tôi và bà S, tôi không đồng ý bởi lẽ: Số tiền làm nhà là do tôi bán lô đất rẫy là tài riêng của tôi cho vợ chồng anh V và vợ chồng anh T được tổng cộng 345.000.000 đồng. Tôi bán cho anh V 02 lô đất rẫy, bán vào năm 2006 với số tiền bán được là 245.000.000 đồng. Đến khi đang làm nhà vào năm 2007 do thiếu tiền nên tôi đã bán cho vợ chồng anh Lê Phú T 01 lô đất rẫy cũng là tài sản riêng của tôi, bán với giá 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng). Thửa đất rẫy tôi mua chung với vợ chồng anh H, chị L là số tiền của cha mẹ đẻ của tôi cho tôi 11m đất trong tỉnh Bình Dương, tôi bán được hơn hai trăm triệu, rồi dùng số tiền đó về mua lại lô đất này với giá 190.000.000 đồng.
Đối với công sức đóng góp chăm sóc cây cao su, thực tế diện tích đất của tôi chỉ khoảng 2,3 ha, mỗi năm tôi chăm bón phân 2 lần, mỗi lần 0,5kg trên/1 cây nhân ra thì thành 1,3 tấn, nhân giá phân bón thành tiền khoảng 10.000.000 đồng/năm. Ba năm đầu tư phân bón khoảng 30.000.000 đồng. Còn tiền thu mủ cao su, bà S nói 4 năm thu được 331.000.000 đồng trừ công thuê cạo, tôi không đồng ý bởi lẽ 4 năm nay giá mủ cao su xuống thấp, theo quy định của nhà nước mỗi tháng cạo được 10 ngày, tính bình quân 100g/1 cây. Tôi có 1.300 cây thì mỗi ngày cạo được 130kg nhân 25 độ nhân giá 20 thành tiền là 650.000 đồng. Trừ công thuê cạo và 3 ngày mới cạo một lần, mỗi tháng tôi chỉ thu về được khoảng hơn 3 triệu, mỗi năm được khoảng 21 triệu nhân với 4 năm thì hơn 80.000.000 đồng. Kể từ năm 2013 đến nay, tôi chỉ có thu nhập từ việc bán mủ cao su để chi tiêu sinh hoạt, còn bà S đi chợ bán thịt hàng ngày, giữ tiền chi tiêu riêng tôi không biết nên tôi không đồng ý chia tài sản theo như yêu cầu của bà S.
Về nợ chung: Tôi và bà Sự có nợ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sa Thầy số tiền 50.000.000 đồng, đã gần hết thời hạn trả nợ. Vậy tôi yêu cầu Tòa án chia đôi khoản nợ này.
Tại bản tự khai, Đơn phản tố đề ngày 23-11-2016, bà Võ Thị S trình bày:
Về việc đăng ký kết hôn đúng như ông N trình bày, sau khi kết hôn, hai vợ chồng sống hạnh phúc bình thường, đến năm 2013 thì ông N bỏ mẹ con tôi đi theo người đàn bà khác. Kể từ đó đến bây giờ, vợ chồng sống ly thân, việc ai người ấy làm, bây giờ ông N xin ly hôn, tôi đồng ý, về nuôi con chung, tôi không đồng ý giao con cho ông Lê Khắc N nuôi dưỡng vì thực tế từ nhỏ đến giờ, cháu H chỉ do mình tôi chăm sóc, ông N không có trách nhiệm với con. Vì vậy, tôi yêu cầu Tòa án giao cháu Lê Võ Trung H cho tôi được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi trưởng thành. Tôi không yêu cầu ông Nam cấp dưỡng tiền nuôi con chung.
Về chia tài sản chung, tôi yêu cầu cụ thể như sau:
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng về sinh sống ở nhà riêng của tôi tại thôn b thị trấn S, hàng ngày, tôi buôn bán ở chợ còn ông N làm rẫy. Tháng 02-2007, hai vợ chồng làm nhà trên đất rẫy của ông N, tại thôn a thị trấn S, huyện T, tỉnh Kon Tum. Nhà xây cấp 4 giả thái, làm hết khoảng 400.000.000 đồng, diện tích sử dụng khoảng trên 100m2. Cuối năm 2007, làm nhà xong hai vợ chồng chuyển về đây ở đến bây giờ.
Thời gian sống chung với nhau, tôi và ông N còn mua được một lô đất rẫy có diện tích 1ha 4 sào (14.000m2), tại thôn 1, xã S, huyện T, vợ chồng mua của ông Vũ Văn T và bà Trần Thị H (Tổ 4, phường N, thành phố K) vào năm 2011 với giá tiền 140.000.000 đồng (lô đất rẫy tổng cộng là 28.000m2 vợ chồng tôi chỉ mua một nửa, vợ chồng ông Dương Ngọc H và bà Lê Thị Thu L mua một nửa).
Ngoài ra, tôi yêu cầu Tòa án chia công sức đóng góp của tôi vào khối tài sản riêng của ông N cụ thể như sau: Trước khi lấy nhau, ông N đã có 03 ha đất rẫy, đã trồng cây cao su từ năm 2003. Sau khi kết hôn, tôi và ông N cùng nhau chăm sóc rẫy cao su và mua được những tài sản nêu trên, đến năm 2008, bắt đầu thuê người cạo mủ cao su cho đến bây giờ.
Từ năm 2013 ông Lê khắc N ở với người phụ nữ khác, bỏ mẹ con tôi không đoái hoài đến. Do vậy, ông N phải tính công sức đóng góp của tôi đối với khối tài sản này cụ thể:
Năm 2013 mỗi ngày cạo 700 cây, được 70kg mủ tươi x 15.000đ/kg = 1.050.000 đồng x 270 ngày = 283.000.000 đồng.
Năm 2014 mỗi ngày cạo 700 cây, được 70kg mủ tươi x 6.000đ/kg = 420.000 đồng x 270 ngày = 113.400.000 đồng.
Năm 2015 mỗi ngày cạo 700 cây, được 70kg mủ tươi x 6.000đ/kg = 420.000 đồng x 270 ngày = 113.400.000 đồng.
Năm 2016 mỗi ngày cạo 700 cây, được 70kg mủ tươi x 8.000đ/kg = 560.000 đồng x 270 ngày = 151.200.000 đồng.
Tổng cộng 04 năm là 661.000.000 đồng, trừ 330.000.000 đồng, tiền công cạo, còn lại 331.000.000 đồng.
Công chăm sóc trong 3 năm: 01 ha công chăm sóc là 15.000.000 đồng x 03ha x 3 năm = 135.000.000 đồng.
Tổng cộng hai khoản: 135.000.000 đồng + 331.000.000 đồng = 466.000.000 đồng.
Tổng giá trị tài sản tôi yêu cầu chia là 1.006.000.000 đồng (Một tỉ không trăm linh sáu triệu đồng). Tôi yêu cầu Tòa án chia theo quy định pháp luật.
Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số: 03/2017/HNGĐ-ST ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 28; khoản 1 Điều 35; khoản 1 điều 39; khoản 3 Điều 144; khoản 4 Điều 147; Điều 271; Điều 273 và Điều 482 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 33; Điều 40; Điều 43; Điều 55; Điều 81; Điều 82; Điều 83 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 357 của Bộ luật dân sự; điểm a khoản 6, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và mục A phần II Danh mục mức án phí, lệ phí Toà án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Ghi nhận sự thoả thuận giữa các đương sự về quan hệ hôn nhân: Bà Võ Thị S thoả thuận thuận tình ly hôn với ông Lê Khắc N.
Về con chung: Giao con chung là Lê Võ Trung H, sinh ngày 20-12-2006 cho bà Võ Thị S trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho đến khi con chung trưởng thành. Ông Lê Khắc N không phải cấp dưỡng tiền nuôi con chung.
Ông Lê Khắc N có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Chấp nhận một phần đơn phản tố của bà Võ Thị S, đơn đề ngày 23-11-2016 về việc chia tài sản chung và công sức đầu tư chăm sóc:
Ông Lê Khắc N được quyền sở hữu, sử dụng 01 căn nhà cấp 4 có diện tích 76,8m2; móng xây đá, tường chịu lực xây gạch, nền lát gạch hoa, trần gỗ ván lambri, cửa Pano gỗ, bả matit, sơn vôi, máng thượng sảnh bê tông cốt thép, mái lợp tôn. 01 nhà vệ sinh: Diện tích 10,24m2. Móng xây đá, tường xây gạch, sơn vôi, ốp gạch men, thiết bị vệ sinh cao, cửa Panoo gỗ, mái bê tông cốt thép, hệ thống thoát nước, hầm tự hoại hoàn chỉnh. Mái hiên: Khung thép, giàn thép, nền láng vữa xi măng, mái lợp tôn, diện tích 66,3m2, nằm trên lô đất có diện tích 19.071,25 m2, tại thôn a, thị trấn S, huyện T, tỉnh Kon Tum, được Ủy ban nhân dân huyện S cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 9/7/2009, mang tên ông Lê Khắc Nam. Giá trị căn nhà là 224.979.493 (Hai trăm hai mươi bốn triệu chín trăm bảy mươi chín nghìn bốn trăm chín mươi ba) đồng.
Ông N phải trả cho bà S số tiền thu được từ việc bán mủ cao su của 1.300 cây, trong bốn năm từ 2013- 2016 là 140.400.000 đồng và 1.175.000 đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
Tạm giao quyền sử dụng diện tích 12.080,4m2, thửa đất số 107, tờ bản đồ địa chính số 21, tại Thôn 1, xã S, huyện T, tỉnh Kon Tum. Trên đất đã trồng 525 cây cao su trồng từ năm 2007. Lô đất có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đất bà Lê Thị Thu L; Phía Tây giáp đất bà Nguyễn Thị Ng; phía Bắc giáp đất bà Nguyễn Thị Ng; phía Nam giáp đất bà Nguyễn Thị Ng và ông Võ Văn Đ, để bà Võ Thị S liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này. Giá trị lô đất là: 269.880.000 (Hai trăm sáu mươi chín triệu tám trăm tám mươi nghìn) đồng.
Bà Võ Thị S Bà phải trả cho ông Lê Khắc N số tiền chênh lệch về tài sản là 71.936.203 đồng và số tiền nợ chung là 25.000.000 đồng.
Như vậy, sau khi cấn trừ các khoản chênh lệch giá trị tài sản mỗi bên được hưởng, khoản nợ và tiền thu mủ cao su cũng như chi phí định giá thì ông Lê Khắc N còn phải trả cho bà Võ Thị S số tiền là 43.463.797 đồng (Bốn mươi ba triệu bốn trăm sáu mươi ba nghìn bảy trăm chín bảy) đồng và 1.175.000 đồng (Một triệu một trăm bảy mươi lăm nghìn) đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đối với số tiền trên mà bên phải thi hành án chậm trả tiền thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả cho bên được thi hành án số tiền lãi tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
- Về án phí:
Ông Lê Khắc N phải chịu 300.000 đồng tiền án phí ly hôn sơ thẩm và 14.846.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số 0008948, ngày 18-10-2016 và 625.000 (Sáu trăm hai mươi lăm nghìn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số 0008948, ngày 21-12-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Bà Võ Thị S phải chịu 18.167.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 21.090.000 (Hai mươi mốt triệu không trăm chín mươi nghìn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số 0008882, ngày 21-12- 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Bà Võ Thị S được nhận lại số tiền 2.923.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy.
Toà án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.
- Ngày 02-10-2017, ông Lê Khắc N kháng cáo nội dung bản án sơ thẩm về chia tài sản chung, cụ thể gồm 03 vấn đề:
1. Về căn nhà cấp 4 diện tích 76,8 m2 và công trình phụ trên đất được xây dựng trên đất riêng của tôi, giá trị căn nhà theo định giá là 224.979.493 đồng, toàn bộ số tiền xây nhà là tài sản riêng của tôi do tôi bán đất cho gia đình Việt Bầu tại Thôn 1, S, T có được để xây; bà S không có đóng góp tiền để xây nhà này nên tôi không đồng ý đây là tài sản chung và chia cho bà S.
2. Về số tiền 140.400.000 đồng theo Tòa án huyện Sa Thầy xác định là tiền thu được từ việc cạo mủ cao su để tuyên buộc tôi phải trả cho bà S, nội dung này tôi không đồng ý. Vì đúng là tôi có cạo mủ nhưng tôi cạo không thường xuyên (một năm tôi chỉ cạo có 8 tháng; 03 ngày tôi mới cạo một lần), giá mủ thời điểm này rất thấp, ngoài ra tôi phải thuê người cạo mủ, đầu tư vật tư để phục vụ cho việc cạo mủ như máng, chén; phân bón chăm sóc, thu nhập từ 2013 đến 2016 tôi thu có 240 triệu, trừ chi phí tất cả thì chỉ còn 120 triệu; đúng là tổng số cây đưa vào khai thác là 1.300 cây như tôi đã trình bày ở cấp sơ thẩm nhưng thực tế tôi chỉ cạo có 1000 cây; mà Tòa yêu cầu tôi phải trả cho bà S số tiền 140.400.000 đồng, tôi thấy không hợp lý vì số tiền này tôi chi tiêu và sinh hoạt hết rồi; còn đối với bà S hàng ngày cũng đi buôn bán thịt heo có thu nhập, Tòa không đưa thu nhập từ việc bán thịt heo của bà S để đưa vào thu nhập chung của vợ chồng nên tôi không đồng ý trả số tiền 140.400.000 đồng theo như án sơ thẩm.
3. Đối với quyền sử dụng 12.080,4m2 đất, thửa đất số 107, tờ bản đồ địa chính số 21, tại Thôn , S, T; trên đất có 525 cây cao su trồng từ năm 2007; đất này là do tôi dùng tiền riêng từ việc bán đất của cha mẹ cho trong tỉnh Bình Dương để mua chung với vợ chồng bà L ông H; với số tiền thực tế 180 triệu và tiền môi giới 10 triệu, tổng cộng hết 190 triệu; nhưng Tòa án huyện Sa Thầy tuyên giao toàn bộ diện tích đất và cao su cho bà S thì tôi không đồng ý; tôi yêu cầu được chia hiện vật và trả giá trị bằng tiền cho bà S. Tôi đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh KonTum đi xem xét, thẩm định tại chỗ cụ thể diện tích đất và cây cao su này làm cơ sở xem xét cho nội dung kháng cáo của tôi; chi phí xem xét, thẩm định tôi xin chịu trách nhiệm.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông Lê Khắc N không rút đơn khởi kiện nhưng rút một phần nội dung đơn kháng cáo về việc yêu cầu xác định các khoản thu nhập từ việc kinh doanh thịt heo của bà Võ Thị S vào khối tài sản chung để chia nên Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phần yêu cầu này của ông Lê Khắc N, các bên đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án.
[2]. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum phát biểu nhận xét:
1. Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;
2. Tính hợp pháp và có căn cứ của kháng cáo: Đơn kháng cáo của nguyên đơn còn thời hạn kháng cáo và nội dung kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 273, Điều 271, Điều 272 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Xét nội dung đơn kháng cáo của ông Lê Khắc N: ông N cho rằng các tài sản là căn nhà cấp 4 diện tích 76,8 m2 và công trình phụ được xây dựng trên đất có giá trị theo định giá là 224.979.493 đồng là tài sản riêng nhưng cả ông và bà S cùng thừa nhận căn nhà xây dựng trong thời kỳ hôn nhân; đối với quyền sử dụng đất diện tích 12.080,4 m2, thửa đất số 371 (tách từ thửa 107), tờ bản đồ địa chính số 21, tại thôn 1, S, T; trên đất có 525 cây cao su trồng từ năm 2007, theo Biên bản xem xét ngày 08-12-2017 của Tòa án Tỉnh thì diện tích thực tế là 10.475 m2 có tài sản gồm: 532 cây cao su (có sơ đồ kèm theo) đều là tài sản riêng nhưng ông không chứng minh được; đối chiếu theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình thì các khoản thu nhập, tài sản phát sinh có được có trong thời kỳ hôn nhân giữa ông N và bà S là tài sản chung của vợ chồng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông N là người có công sức đóng góp nhiều hơn nên ông N được hưởng 60% giá trị tài sản, bà S được hưởng 40% giá trị tài sản, do ngôi nhà được xây trên thửa đất là tài sản riêng của ông N nên giao hiện vật là căn nhà, cho ông N là phù hợp.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân cũng là tài sản chung của vợ chồng, nên Tòa án huyện Sa Thầy xác định tiền thu được từ việc cạo mủ 1.300 cây cao su từ năm 2013 đến năm 2016 là 468.000.000 đồng là tài sản chung và xét công sức đóng góp của mỗi bên được hưởng để tuyên buộc ông N phải trả cho bà S 140.400.000 đồng (tương ứng 30% tổng thu nhập) là phù hợp.
Về nội dung kháng cáo: Tòa án không đưa thu nhập từ việc bán thịt heo của bà S để đưa vào thu nhập chung của vợ chồng nhưng trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, ông N đã rút yêu cầu này nên không đề cập xem xét.
Ngày 21-12-2017, Ủy ban nhân dân huyện T đã có Công văn số 1770/UBND-TH xác nhận hiện trạng sử dụng đất: Không có tranh chấp tại thửa đất 371 (tách thửa từ 107), thuộc tờ bản đồ 21; thuộc quy hoạch đất nông nghiệp trồng cây lâu năm (không vi phạm quy hoạch); đất đủ điều kiện để xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật.
Với những phân tích nêu trên, căn cứ các Điều 293, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần đơn kháng cáo của ông Lê Khắc N; Sửa Bản án sơ thẩm số 03/2017/HNGĐ-ST ngày 21-9-2017 của Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy đối với tài sản là quyền sử dụng đất và số lượng cây cao su tuyên giao cho bà S, cụ thể: Tạm giao quyền sử dụng diện tích 10.475 m2 có tài sản gồm: 532 cây cao su (42 hàng) trồng từ năm 2007, thửa đất số 371, tờ bản đồ địa chính số 21, địa chỉ: thôn 1, xã S, huyện T, tỉnh Kon Tum. Lô đất có tứ cận như sau: Phía đông giáp đất bà Lê Thị Thu L ; Phía Tây giáp đất bà Nguyễn Thị Ng; Phía Bắc giáp đất bà Nguyễn Thị Ng; Phía nam giáp đất bà Nguyễn Thị Ng và ông Võ Văn Đ để bà Võ Thị S liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này.
[3]. Xét kháng cáo của ông Lê Khắc N đối với nội dung chia tài sản chung, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
- Về tài sản chung:
Ông Lê Khắc N và bà Võ Thị S kết hôn hợp pháp tại Ủy ban nhân dân thị trấn T ngày 28-6-2005 đến ngày 18-10-2016 thì ông N khởi kiện yêu cầu ly hôn với bà S, ông N cho rằng đó là tài sản riêng nhưng các chứng cứ nêu ra đây không đủ cơ sở chứng minh điều đó, do vậy các khoản thu nhập, tài sản phát sinh có được có trong thời kỳ hôn nhân giữa ông N và bà S là tài sản chung của vợ chồng.
Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy xác định: Căn nhà cấp 4 diện tích 76,8 m2 và công trình phụ trên diện tích 19.071,25 m2 (diện tích đất này là tài sản riêng của ông N có trước thời kỳ hôn nhân) tại thôn a, thị trấn S, huyện T, tỉnh Kon Tum, được xây dựng vào năm 2007, giá trị căn nhà theo định giá là 224.979.493 đồng; số tiền 468.000.000 đồng là tiền thu được từ việc cạo mủ của 1.300 cây cao su từ năm 2013 đến năm 2016 tài sản tại thửa đất số 107, tờ bản đồ địa chính số 21, tại Thôn 1, S, T (trên đất có cây cao su trồng từ năm 2007), vợ chồng ông N mua vào năm 2011, được xác định là tài sản chung của vợ chồng ông N, bà S là có căn cứ, đúng pháp luật.
Ông N kháng cáo cho rằng toàn bộ tiền xây căn nhà cấp 4 diện tích 76,8 m2 và công trình phụ trên đất được xây dựng vào năm 2007 là do ông dùng tiền có được từ việc bán rẫy cho vợ chồng anh ông Nguyễn Văn V, chị Mạc Thị B, nhưng lời khai của ông V, bà B về việc ông N sử dụng tiền vào mục đích gì thì không rõ ràng, cụ thể (bút lục số 47): “vào năm 2005 vợ chồng tôi có mua của ông Lê Khắc N hai lô đất rẫy đã trồng cây cao su với giá tiền là 215 triệu đồng, thời điểm khi sang nhượng cho tôi ông N đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lần đầu tôi đưa tiền đặt cọc là 40.000.000 đồng. Lúc nhận tiền có cả ông N và bà S. Số tiền còn lại khi tôi giao đủ, ông N mới giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng tôi. Việc vợ chồng ông N sử dụng số tiền bán đất này làm gì vợ chồng tôi không biết”;
Về quyền sử dụng đất diện tích 12.080,4 m2, thửa đất số 371 (tách từ thửa 107), tờ bản đồ địa chính số 21, tại Thôn 1, S, T, trên đất có 525 cây cao su trồng từ năm 2007, các tài sản này ông N cho rằng ông dùng tiền có được từ việc bán tài sản riêng là đất do cha mẹ cho trong tỉnh Bình Dương để mua chung với vợ chồng bà L ông H; Tại cấp phúc thẩm, mặc dù ông N có xuất trình các tài liệu là các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như trên nhưng ông N không chứng minh được có sử dụng số tiền bán được từ các tài sản này để sử dụng vào việc xây nhà và nhận chuyển nhượng đất rẫy, những người đã mua tài sản từ ông N và mua chung cùng ông N cũng có lời khai không khẳng định ông N đã sử dụng tiền bán rẫy vào mục đích tạo lập khối tài sản này. Bởi vậy, ông Lê Khắc N không chứng minh được nguồn tiền xây nhà cấp 4 và nhận chuyển nhượng rẫy là từ tài sản riêng của mình, hơn nữa những tài sản này được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo cho rằng đây là tài sản riêng của ông.
Về thửa đất thửa đất số 107, tờ bản đồ địa chính số 21, tại Thôn 1, S, T, trên đất có 525 cây cao su trồng từ năm 2007, sau khi xét xử sơ thẩm, ông Lê Khắc N có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đi xem xét lại. Ngày 08-12-2017, Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, kết quả đo được diện tích thực tế sử dụng là 10.475m2, trên đất có 532 cây cao su, tại buổi làm việc, các bên đương sự cùng thống nhất với diện tích đất và số lượng cây cao su mà Tòa án tỉnh xem xét, thẩm định lại, do vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm lấy kết quả này làm căn cứ giải quyết vụ án;
Do diện tích đất và số lượng cây cao su có sự thay đổi, trên cơ sở kết quả định giá tài sản ngày 15-5-2017 đã được các bên đương sự thống nhất về mức giá, Hội đồng xét xử xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp, giá trị của 10.475m2 và 532 cây cao su như sau: 10.475m2 x 6.000đồng/1m2 = 62.850.000 (Sáu mươi hai triệu tám trăm năm mươi nghìn) đồng; 532 cây cao su trồng từ năm 2007, giống cao su Tum trần, cây phát triển xấu: 532 cây x 470.000 đồng/ 1 cây = 250.040.000 đồng x hệ số 0,8 = 200.032.000 (Hai trăm triệu không trăm ba mươi hai nghìn) đồng, tổng cộng giá trị đất và vườn cây là 262.882.000 đồng.
+ Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn là tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có xét công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định công sức đóng góp của ông N, bà S trong việc tạo lập căn nhà và vườn cao su thì ông N là người có công sức đóng nhiều hơn, nên ông N được hưởng 60% giá trị tài sản, bà S được hưởng 40% giá trị tài sản; Tại phiên tòa phúc thẩm, bà S thống nhất việc xác định công sức đóng góp như án sơ thẩm, xét nguyện vọng và điều kiện của bà Võ Thị S buôn bán thất thường, thu nhập không ổn định lại phải nuôi con chung nên giao cho bà S được sử dụng lô đất rẫy có diện tích 10.475m2 (trên đất đã trồng 532cây cao su trồng từ năm 2007) để có điều kiện đảm bảo cuộc sống nhất là với con chung khi ông N không phải đóng phí tổn nuôi con.
Tại Văn bản số 1770/UBND-TH ngày 21-12-2017, Ủy ban nhân dân huyện T xác nhận hiện trạng đất không có tranh chấp, không bị quy hoạch, đủ điều kiện để xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, do đó giao hiện vật cho bà S được nhận là chính đáng, hợp lý.
Vì căn nhà được xây trên diện tích đất là tài sản riêng của ông Lê Khắc N nên giao cho ông N được quyền sở hữu sử dụng căn nhà nêu trên là phù hợp.
Tổng giá trị căn nhà và lô đất rẫy nêu trên là 224.979.493 đồng+ 262.882.000 đồng = 487.861.493 (Bốn trăm tám mươi bảy triệu tám trăm sáu mươi mốt nghìn bốn trăm chín mươi ba) đồng. Ông N được hưởng 60% giá trị tài sản tương ứng số tiền là 292.716.896 đồng. Bà S được hưởng 40% giá trị tài sản tương ứng số tiền là 195.144.597 đồng.
Như vậy, bà Võ Thị S phải trả cho ông Lê Khắc N số tiền chênh lệch về tài sản là 67.737.403 đồng
+ Hoa lợi thu được từ việc khai thác 1.300 cây cao su từ năm 2013 đến 2016, mặc dù đây là tài sản riêng của ông N tạo lập trước thời kỳ hôn nhân nhưng có công sức của bà S trong việc duy trì, phát triển vườn cây, theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng xác định là tài sản chung của vợ chồng, bà S chưa được hưởng lợi từ việc bán tiền mủ cao su nên yêu cầu của bà đối với ông S được chia số tiền hoa lợi này chính đáng; các bên đương sự có ý kiến khác nhau về số lượng cây khai thác, song cấp sơ thẩm đã xem xét thực tế vào ngày 09-3-2017, số lượng khai thác là 1.300 cây, nhưng có tranh chấp về mật độ khai thác mỗi cây trong năm, từ mãi năm 2013 thì Tòa án không thể nào làm rõ được vì vết khai thác theo thời gian không chính xác được nữa. Cấp sơ thẩm căn cứ vào kết quả xác minh tại Nông trường cao su Sa Sơn trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Kon Tum để xem xét giải quyết là có cơ sở, vì trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016, bà S không trực tiếp chăm sóc, khai thác mủ cao su do đó Tòa án cấp sơ thẩm xác định công sức đóng góp của mỗi bên và chia theo tỷ lệ ông N được hưởng 70%, bà S được hưởng 30%. Theo kết quả xác minh của Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy tại Nông trường cao su Sa Sơn thì tính được thu nhập từ 1.300 cây cao su (cao su bắt đầu thu hoạch 2009) từ năm 2013 đến năm 2016 là 468.000.000 đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông N khai toàn bộ thu nhập từ việc khai thác 1.300 cây cao su ông đã sử dụng vào việc sinh hoạt. Do vậy, ông N có trách nhiệm thanh toán lại cho bà S 30% trong tổng số tiền 468.000.000 đồng, tương ứng số tiền: 140.400.000 (Một trăm bốn mươi triệu bốn trăm nghìn) đồng; ông N được hưởng 70% tương ứng số tiền 327.600.000 đồng.
Về khoản nợ chung của ông N, bà S đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện T là số tiền 50.000.000 (Năm mươi triệu) đồng, ông N đã trả hết số nợ nên bà S có trách nhiệm thanh toán lại 25.000.000 đồng cho ông Nam.
+ Hội đồng xét xử xác định tài sản chung mỗi bên được hưởng, sau khi cấn trừ khoản nợ Ngân hàng, cụ thể như sau:
Ông Lê Khắc N được nhận hiện vật là Căn nhà cấp 4 diện tích 76,8 m2 và công trình phụ trên đất được xây dựng vào năm 2007 bà S đươc nhận diện tích 10.475m2 đất trên đó có 532 cây cao su.
Ông Lê Khắc N phải thanh toán cho bà S số tiền: 140.400.000 đồng –25.000.000 đồng - 67.737.403 đồng = 47.662.597 (Bốn mươi bảy triệu sáu trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm chín mươi bảy) đồng.
Tổng cộng giá trị tài sản ông N được hưởng là: 292.716.896 đồng + 327.600.000 đồng = 620.316.896 đồng; tuy nhiên số tiền 327.600.000 đồng là tiền hoa lợi ông N đã sử dụng hết, và sau khi cấn trừ các khoản thì tài sản chung còn lại ông N được thực nhận là giá trị căn nhà 224.979.493 (Hai trăm hai mươi bốn triệu chín trăm bảy mươi chín nghìn bốn trăm chín mươi ba) đồng.
Tổng cộng giá trị tài sản bà Võ Thị S được hưởng là: 195.144.597 đồng + 47.662.597 đồng = 242.807.194 (Hai trăm bốn mươi hai triệu tám trăm linh bảy nghìn một trăm chín mươi bốn) đồng.
[4]. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại cấp sơ thẩm hết 2.350.000 đồng, bà Võ Thị S và ông Lê Khắc N mỗi người chịu một nửa là 1.175.000 đồng, bà Sự đã nộp 2.350.000 đồng nên ông Lê Khắc N phải hoàn trả cho bà S 1.175.000 đồng.
Như vậy, tính cả số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, ông Lê Khắc N nghĩa vụ thanh toán lại cho bà Võ Thị S là: 47.662.597 đồng + 1.175.000 đồng= 48.837.597 (Bốn mươi tám triệu tám trăm ba mươi bảy nghìn năm trăm chín mươi bảy) đồng.
5]. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại Tòa án cấp phúc thẩm hết số tiền 1.500.000 đồng, ông Lê Khắc N tự nguyện chịu chi phí, ông N đã nộp đủ số tiền 1.500.000 đồng.
[6]. Về án phí:
- Án phí ly hôn sơ thẩm: Ông Lê Khắc N phải chịu số tiền 200.000 đồng
- Án phí chia tài sản chung:
Ông Lê Khắc N phải chịu án phí đối với phần tài sản chung được chia thực tế là: 224.979.493 đồng x 5% = 11.248.974 (Mười một triệu hai trăm bốn mươi tám nghìn chín trăm bảy mươi bốn) đồng.
Bà Võ Thị S phải chịu án phí đối với phần tài sản chung được chia là: 242.807.194 đồng x 5% = 12.140.359 (Mười hai triệu một trăm bốn mươi nghìn ba trăm năm mươi chín) đồng. Bà S đã nộp tạm ứng án phí số tiền là 21.090.000 đồng theo biên lai thu số 0008882, ngày 21-12-2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nay được trừ vào tiền án phí dân sự sơ thẩm, bà S đã nộp đủ án phí, bà Võ Thị S được nhận lại số tiền 8.949.641 (Tám triệu chín trăm bốn mươi chín nghìn sáu trăm bốn mươi mốt) đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy.
- Ánh phí dân sự phúc thẩm: Do Tòa án sửa bản án liên quan đến phần kháng cáo của ông Lê Khắc N nên ông Nam không phải chịu án phí phúc thẩm.
Ông Lê Khắc N đã nộp tạm ứng án phí số tiền 200.000 đồng theo biên lai thu số 0008848, ngày 18-10-2016, 625.000 đồng theo biên lai thu số 0008948, ngày 23-5-2017 và 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 0008984 ngày 03-10-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; nay được khấu trừ vào tiền án phí ông N có nghĩa vụ phải nộp. Ông Lê Khắc N phải nộp tiếp 10.123.974 (Mười triệu một trăm hai mươi ba nghìn chín trăm bảy mươi bốn) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
[7]. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm còn một số vi phạm, thiếu xót, cần rút kinh nghiệm:
- Tài sản tranh chấp trong vụ án là diện tích đất 12.080,4 m2, thửa đất số 107, tờ bản đồ địa chính số 21, tại Thôn 1, Sa Sơn, Sa Thầy; trên đất có 525 cây cao su. Sau khi đo đạc lại có diện tích 10.475m2 và 532 cây cao su, các bên đương sự khai chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Tòa cấp sơ thẩm không xác minh hiện trạng đất tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà đã tuyên tạm giao cho đương sự là chưa đủ căn cứ.
- Về án phí: Khoản tiền nợ Ngân hàng 25.000.000 đồng là số tiền bà S có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông N, số tiền này đã được cấn trừ vào khoản tiền ông N phải thanh toán lại cho bà S nên tuyên buộc bà S phải chịu án phí đối với khoản tiền này là không đúng quy định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và khoản 2 Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 33; Điều 43; Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 357 của Bộ luật dân sự; điểm a khoản 7 Điều 27, khoản 2 Điều 29, Điều 47 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và mục A phần II Danh mục mức án phí, lệ phí Toà án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14; Khoản 1, 2, 3 Điều 18; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và khoản 1 Mục I Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án (Ban hành kèm theo Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009).
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn – ông Lê Khắc N. Sửa một phần Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 03/2017/HNGĐ-ST ngày 21-9-2017 của Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy về phần chia tài sản chung.
Xử:
Ông Lê Khắc N được quyền sở hữu, sử dụng 01 căn nhà cấp 4 có diện tích 76,8m2; móng xây đá, tường chịu lực xây gạch, nền lát gạch hoa, trần gỗ ván lambri, cửa Pano gỗ, bả matit, sơn vôi, máng thượng sảnh bê tông cốt thép, mái lợp tôn; 01 nhà vệ sinh: Diện tích 10,24m2. Móng xây đá, tường xây gạch, sơn vôi, ốp gạch men, thiết bị vệ sinh cao, cửa Panoo gỗ, mái bê tông cốt thép, hệ thống thoát nước, hầm tự hoại hoàn chỉnh. Mái hiên: Khung thép, giàn thép, nền láng vữa xi măng, mái lợp tôn, diện tích 66,3m2, tọa lạc trên lô đất có diện tích 19.071,25 m2, tại thôn a, thị trấn S, huyện T, tỉnh Kon Tum, được Ủy ban nhân dân huyện S cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 09-7-2009, mang tên ông Lê Khắc N. Giá trị căn nhà là 224.979.493 (Hai trăm hai mươi bốn triệu chín trăm bảy mươi chín nghìn bốn trăm chín mươi ba) đồng.
Tạm giao cho bà Võ Thị S quyền sử dụng diện tích 10.475m2, thửa đất số 371 (tách từ thửa 107), tờ bản đồ địa chính số 21, tại Thôn 1, xã S, huyện T, tỉnh Kon Tum. Trên đất đã trồng 532 cây cao su trồng từ năm 2007. Lô đất có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đất bà Lê Thị Thu L; Phía Tây giáp đất bà Nguyễn Thị Ng; phía Bắc giáp đất bà Nguyễn Thị Ng; phía Nam giáp đất bà Nguyễn Thị Ng và ông Võ Văn Đ, Bà Võ Thị S có quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này. Giá trị lô đất và tài sản trên đất là: 262.882.000 (Hai trăm sáu mươi hai triệu tám trăm tám mươi hai nghìn) đồng.
Ông Lê Khắc N phải trả cho bà Võ Thị S giá trị tài sản chung mà bà S được hưởng và tiền xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 48.837.597 (Bốn mươi tám triệu tám trăm ba mươi bảy nghìn năm trăm chín mươi bảy) đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đối với số tiền trên mà bên phải thi hành án chậm trả tiền thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả cho bên được thi hành án số tiền lãi tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
2. Về án phí:
-Án phí ly hôn sơ thẩm: Ông Lê Khắc N phải chịu số tiền 200.000 đồng.
- Án phí chia tài sản chung:
Ông Lê Khắc N phải chịu án phí đối với phần tài sản chung được chia thực tế là: 224.979.493 đồng x 5% = 11.248.974 (Mười một triệu hai trăm bốn mươi tám nghìn chín trăm bảy mươi bốn) đồng.
Bà Võ Thị S phải chịu án phí đối với phần tài sản chung được chia là: 242.807.194 đồng x 5% = 12.140.359 (Mười hai triệu một trăm bốn mươi nghìn ba trăm năm mươi chín) đồng. Bà S đã nộp tạm ứng án phí số tiền là 21.090.000 đồng theo biên lai thu số 0008882, ngày 21-12-2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nay được trừ vào tiền án phí dân sự sơ thẩm, bà S đã nộp đủ án phí, bà Võ Thị S được nhận lại số tiền 8.949.641 (Tám triệu chín trăm bốn mươi chín nghìn sáu trăm bốn mươi mốt) đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy.
- Ánh phí dân sự phúc thẩm: Do Tòa án sửa bản án liên quan đến phần kháng cáo của ông Lê Khắc N nên ông N không phải chịu án phí phúc thẩm.
Ông Lê Khắc N đã nộp tạm ứng án phí số tiền 200.000 đồng theo biên lai thu số 0008848, ngày 18-10-2016, 625.000 đồng theo biên lai thu số 0008948, ngày 23-5-2017 và 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 0008984 ngày 03-10-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; nay được khấu trừ vào tiền án phí ông N có nghĩa vụ phải nộp. Ông Lê Khắc N phải nộp tiếp 10.123.974 (Mười triệu một trăm hai mươi ba nghìn chín trăm bảy mươi bốn) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (31-01-2018).
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn