TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
BẢN ÁN 01/2017/HNGĐ-PT NGÀY 05/12/2017 VỀ TRANH CHẤP MỨC CẤP DƯỠNG NUÔI CON
Ngày 05 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2017/TLPT-HNGĐ ngày 01 tháng 11 năm 2017 về việc tranh chấp về mức cấp dưỡng nuôi con.
Do bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 19/2017/HNGĐ-ST ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện T bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 03/2017/QĐ-PT ngày 13 tháng 11 năm 2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Phá Thị S. Địa chỉ: Bản T, xã P, huyện T, tỉnh Sơn La. Có mặt.
- Bị đơn: Anh Và A D. Địa chỉ: Bản T, xã P, huyện T, tỉnh Sơn La. Có mặt.
- Người phiên dịch: Ông Sùng A Khứ - Giảng viên khoa Đào tạo giáo viên THPT, Trường Cao đẳng Sơn La. Có mặt.
- Người kháng cáo: Bị đơn anh Và A D.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo đơn khởi kiện đề ngày 30 tháng 4 năm 2017 và trong quá trình xét xử, nguyên đơn chị Phá Thị S trình bày:
Tại bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 03/2014/HNGĐ-PT ngày 09/12/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La quyết định: Giao 3 cháu Và A P sinh năm 2000, Và A X sinh năm 2002 và Và Trường G sinh năm 2004 cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Anh D có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị mỗi tháng 150.000đ/1 cháu, thời điểm cấp dưỡng tính từ tháng 10/2014 đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Đến nay, các con của chị đã lớn, chi tiêu hàng tháng như trên là không đủ nên chị khởi kiện yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con lên 500.000đ/1 cháu/1 tháng. Nếu anh D không đồng ý, chị đề nghị giao các con chung của chị và anh D cho anh D trực tiếp nuôi dưỡng. Chị đồng ý cấp dưỡng nuôi con cùng anh D số tiền 150.000đ/1 cháu/1 tháng.
Tại đơn thay đổi nuôi con đề ngày 16 tháng 7 năm 2017, anh Và A D trình bày:
Thực hiện bản án số 03/2014/HNGĐ-PT ngày 09/12/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La, anh đã cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị S số tiền 150.000đ/1 cháu/1 tháng. Nay chị S yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con lên 500.000đ/1 cháu/1 tháng, anh không đủ khả năng để cấp dưỡng nuôi con theo yêu cầu của chị S. Anh đề nghị Tòa án giao cho anh trực tiếp nuôi các con chung với chị S, không yêu cầu chị S phải cấp dưỡng nuôi con và yêu cầu Tòa án giải quyết cho anh được sử dụng diện tích đất nương tại núi T, bản N, xã P, huyện T để nuôi các con.
Tại bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 19/2017/HNGĐ-ST ngày 20/9/2017 về việc thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, Tòa án nhân dân huyện T quyết định:
Áp dụng Điều 81, Điều 82, Điều 83, khoản 1 Điều 107, Điều 110, Điều 116, 117 Luật Hôn nhân và Gia đình; khoản 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015; Điều 12, điểm a khoản 1 Điều 26, điểm a khoản 6 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Về thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con:
Chấp nhận một phần yêu cầu của chị Phá Thị S. Buộc anh Và A D phải thay đổi mức cấp dưỡng nuôi các cháu Và A P sinh ngày 02/01/2001, Và A S1 (Và A X) sinh ngày 15/8/2002, Và A G (Và Trường G) sinh ngày 08/7/2004 mỗi tháng là 300.000đ/cháu. Thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 8 năm 2017 đến khi các cháu trưởng thành đủ 18 tuổi. Anh Và A D có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Đối với khoản tiền phải thi hành án nói trên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành mà người phải thi hành án không nộp thì hàng tháng phải chịu lãi xuất theo mức lãi xuất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian và số tiền phải thi hành.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn xử lý án phí, tuyên quyền kháng cáo của các đương sự và trách nhiệm thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/9/2017, bị đơn anh Và A D kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 19/2017/HNGĐ-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện T với lý do: Không nhất trí với việc Tòa án nhân dân huyện T đơn phương xét xử vắng mặt anh bởi lẽ anh không biết việc thụ lý vụ án và không nhận được giấy triệu tập của Tòa án. Việc niêm yết văn bản tố tụng của Tòa án là không có thật, biên bản niêm yết ghi sai tên của người tham gia niêm yết, nên anh không biết thời gian mở phiên tòa. Anh không cố ý trốn tránh, vắng mặt như án sơ thẩm nhận định. Ngoài ra, án sơ thẩm không khách quan, không công tâm, không hợp lý nên anh đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ vụ án theo quy định của pháp luật.
Tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo anh Và A D giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ vụ án bởi lẽ Tòa án nhân dân huyện T trong quá trình giải quyết vụ án không thông báo cho anh biết về việc thụ lý vụ án; các văn bản tố tụng của Tòa án không được giao nhận hoặc niêm yết theo đúng quy định của pháp luật. Đối với yêu cầu của chị S về việc thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con chung từ 150.000đ/1 cháu /1 tháng lên 500.000đ/1 cháu/1 tháng là vượt quá khả năng, thu nhập của anh nên anh đề nghị giao các con cho anh trực tiếp nuôi dưỡng, không yêu cầu chị S phải cấp dưỡng nuôi con và đề nghị giao cho anh được sử dụng diện tích đất nương tại núi T để canh tác nuôi con.
Ý kiến tranh tụng của nguyên đơn chị Phá Thị S: Không đồng ý giao diện tích đất nương tại núi T cho anh D canh tác. Do các con có nguyện vọng tiếp tục được ở với chị nên chị giữ nguyên yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con lên thành 500.000đ/1 cháu/1 tháng, nếu anh D không đáp ứng được thì đề nghị xem xét ở mức 300.000đ/1 cháu/1 tháng theo án sơ thẩm.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã thực hiện và chấp hành đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về việc giải quyết vụ án, do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên Kiểm sát viên đề nghị: Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự: Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Ngày 30/4/2017, chị Phá Thị S có đơn khởi kiện về việc yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là vụ án “Tranh chấp về cấp dưỡng” và thụ lý, giải quyết là có căn cứ, đúng thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 27/7/2017, Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải và đưa vụ án ra xét xử (lần 1), ấn định thời gian mở phiên hòa giải và phiên tòa lần lượt vào hồi 08 giờ 00 phút và 10 giờ 00 phút cùng ngày 11/8/2017. Căn cứ khoản 2 Điều 147 và khoản 1 Điều 148 Bộ luật dân sự thì xác định thời hạn mở phiên tòa là 14 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thời hạn này không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự về thời hạn chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu. Việc thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải và quyết định đưa vụ án ra xét xử cùng một ngày cũng không phù hợp với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 203 và khoản 1 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự.
[3] Mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm đã giao các văn bản tố tụng nêu trên cho ông Mùa A S2 - Trưởng Công an xã P để tống đạt cho các đương sự theo quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng dân sự nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện anh D có nhận được văn bản tố tụng của Tòa án hay không. Sau khi hoãn phiên tòa lần 1 (ngày 11/8/2017), ngày 05/9/2017, Tòa án cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử lần 2, ấn định thời gian mở phiên tòa vào hồi 08 giờ ngày 20/9/2017. Hồ sơ vụ án thể hiện Tòa án cấp sơ thẩm đã niêm yết quyết định đưa vụ án ra xét xử tại trụ sở Tòa án và trụ sở Ủy ban nhân dân xã P từ ngày 05/9/2017 đến ngày 19/9/2017 nên xác định thời gian niêm yết công khai là 14 ngày, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự về thời hạn niêm yết công khai. Biên bản niêm yết (bút lục số 69) thể hiện đại diện chính quyền địa phương tham gia niêm yết là ông Mùa A D1 - Trưởng Công an xã P nhưng phần ký xác nhận của chính quyền địa phương thể hiện Trưởng Công an xã P là ông Mùa A S2 nên ý kiến của anh D về việc biên bản niêm yết ghi sai tên người tham gia niêm yết là có cơ sở. Mặt khác, anh D là Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã P, hiện đang cư trú ổn định tại bản N, xã P nên không thuộc trường hợp phải niêm yết công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự. Hồ sơ vụ án không có biên bản hòa giải, vụ án không thuộc trường hợp không được hòa giải theo quy định tại Điều 206 Bộ luật tố tụng dân sự; không có tài liệu, chứng cứ thể hiện vụ án thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự; không có biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, tại cấp phúc thẩm không khắc phục, bổ sung được.
[4] Ngoài ra, bản án sơ thẩm số 16/2014/HNGĐ-ST ngày 29/9/2014 của Tòa án nhân dân huyện T và bản án phúc thẩm số 03/2014/HNGĐ-PT ngày 01/12/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La về việc xin ly hôn xác định chị S và anh D có 3 con chung là: Cháu Và A P sinh ngày 01/01/2000, Và A X sinh ngày 25/5/2002, Và Trường G sinh ngày 03/4/2004. Theo đơn khởi kiện ngày 30/4/2017 của chị S và các tài liệu, chứng cứ kèm theo gồm: Bản sao Sổ hộ khẩu gia đình chị Phá Thị S cấp ngày 04/4/2016, bản sao Giấy khai sinh của Và A P cấp lại ngày 24/4/2017, bản sao Giấy khai sinh của Và A S1 và Và A G đăng ký quá hạn ngày 29/8/2016 xác định chị S và anh D có 3 con chung là: Cháu Và A P sinh ngày 02/01/2001, cháu Và A S1 sinh ngày 15/8/2002 và cháu Và A G sinh ngày 08/7/2004. Xét tên và ngày, tháng, năm sinh của các cháu là căn cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp về cấp dưỡng và xác định thời gian cấp dưỡng nuôi con, cấp sơ thẩm không xác minh, làm rõ việc thay đổi tên và ngày, tháng, năm sinh của các cháu so với bản án giải quyết việc ly hôn năm 2014, không làm rõ cháu Và A X và Và A S1, Và Trường G và Và A G có phải là cùng một người hay không là thiếu sót, cần được khắc phục, bổ sung.
[5] Từ phân tích, nhận định trên thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục, bổ sung được. Để vụ án được giải quyết đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hai cấp xét xử và quyền kháng cáo của các đương sự thấy cần hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
[6] Cấp phúc thẩm không xem xét nội dung kháng cáo và người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm do án sơ thẩm bị hủy.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự.
1. Hủy bản án sơ thẩm số 19/2017/HNGĐ-ST ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sơn La về việc thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sơn La giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
2. Về án phí: Anh Và A D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm và được trả lại 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 04866 ngày 12/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Sơn La.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 05/12/2017)
Bản án 01/2017/HNGĐ-PT ngày 05/12/2017 về tranh chấp mức cấp dưỡng nuôi con
Số hiệu: | 01/2017/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sơn La |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 05/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về