TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐIỆN BIÊN ĐÔNG, TỈNH ĐIỆN BIÊN
BẢN ÁN 01/2017/DS-ST NGÀY 28/07/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN (TRÂU) VÀ ĐÒI TIỀN CÔNG CHĂN DẮT TRÂU
Ngày 28 tháng 7 năm 2017, tại phòng xử án Tòa án nhân dân huyện Điện Biên Đông xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2017/TLST-DS ngày 08/5/2017, về việc tranh chấp quyền sở hữu tài sản (trâu) và đòi tiền công chăn dắt trâu theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2017/QĐXX-ST ngày 11/7/2017 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Anh Lò Văn K – sinh năm 1975. Trú tại bản Kh, xã M, huyện B, tỉnh Điện Biên.
Bị đơn: Anh Quàng Văn B - sinh năm 1987. Trú tại bản Ch, xã P, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên bị đơn:
1. Ông Quàng Văn B – sinh năm 1952.
2. Bà Quàng Thị U – sinh năm 1963.
Cùng trú tại: Bản Ch, xã P, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
Người phiên dịch: Bà Lò Thị Ng – sinh năm 1984. Trú tại tổ 10, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện đề ngày 05/5/2017, các biên bản ghi lời khai, các biên bản hòa giải và trong quá trình xét xử, nguyên đơn anh Lò Văn K trình bày: gia đình anh K có một đàn trâu 04 con gồm 01 con trâu mẹ và 03 con trâu con. Trong 03 con trâu con có một con trâu đực đẻ vào tháng 10/2013 chưa bị sỏ mũi, màu lông đen, cắt tai phải và cắt lông đuôi. Gia đình chăn thả cùng đàn trâu của dân bản tại khu vực ranh giới giữa 04 bản Ch, bản A, xã P và bản Kh, bản H, xã M. Ngày 16/2/2017 khi đến xem trâu thì bị mất, gia đình đã đi tìm đến ngày 14/3/2017 thì nhìn thấy trong chuồng trâu của gia đình anh Quàng Văn B ở bản Ch, xã P. Từ đó hai bên xảy ra tranh chấp, tổ hòa giải ở bản, ở xã P và xã M đã phối hợp giải quyết nhiều lần nhưng không thành. Ngày 15/3/2017 tổ hòa giải ở bản đã tạm giao con trâu đang tranh chấp cho anh Quàng Văn B chăm sóc chờ kết quả Tòa án giải quyết. Do đó, anh K khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh Quàng Văn B trả lại con trâu đực trên cho gia đình anh. Tại phiên tòa hôm nay, anh Lò Văn K vẫn giữ nguyên yêu cầu trên, đề nghị Tòa án căn cứ vào Kết luận giám định ADN và sự nhất trí của bị đơn anh Quàng Văn B và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Quàng Văn B và bà Quàng Thị U trả lại con trâu đực, gần 4 tuổi trị giá 20.000.000đ cho gia đình anh sở hữu.
Về yêu cầu phản tố của bị đơn anh Quàng Văn B và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đòi tiền công chăn dắt trâu anh K không đồng ý vì cho rằng, anh Quàng Văn B đã có văn bản cam kết không đòi tiền công chăn dắt, gia đình anh cũng đã mất nhiều công sức, tiền của đi đòi tài sản nên không đồng ý trả tiền công chăn dắt cho anh Quàng Văn B và những người liên quan.
Bị đơn anh Quàng Văn B và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với phía bị đơn là ông Quàng Văn B, bà Quàng Thị U quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đều thống nhất trình bày: Gia đình anh B có một đàn trâu 06 con, trong đó có một con trâu đực đẻ vào tháng 3/2013; gia đình cũng cắt tai phải, xỏ mũi từ đầu năm 2016 nhưng sau đó bị đứt nên đã liền lại nhưng vẫn còn vết cũ, màu lông đen. Con trâu đang tranh chấp này cũng do con trâu mẹ trong đàn đẻ ra. Thời điểm gần tết Đinh Dậu gia đình anh thả trên khu vực H, giáp bản Ph và bản T, xã P. Sau ăn tết xong đến tìm thì bị mất, cả gia đình đã đi tìm và phát hiện trong đàn trâu nhà ông Nạ Văn Ch ở bản Ph, xã P. Ngày 18/2/2017 anh và vợ đến dắt về nhà chăn nuôi, đến ngày 14/3/2017 thì anh K đi tìm nhìn thấy con trâu trong chuồng nên tranh chấp. Chính quyền địa phương hòa giải nhiều lần nhưng không được, anh K khởi kiện ra Tòa án đòi trâu. Anh và gia đình không chấp nhận trả trâu. Tuy nhiên căn cứ vào kết luận giám định AND. Anh và ông Bg, bà U nhất trí sẽ trả Trâu cho gia đình anh K nhưng ngược lại, anh và gia đình đòi tiền công chăn dắt trong thời gian xảy ra tranh chấp là 10.000.000đ.
Tại phiên tòa, bị đơn Quàng Văn B và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án tính tiền công chăn dắt trâu là 150.000đ/ ngày. Tính từ ngày 15/3/2017 đến nay.
Quá trình giải quyết vụ án, theo yêu cầu của các đương sự Tòa án đã ra Quyết định trưng cầu giám định ADN số 01/2017 ngày 02/6/2017 trưng cầu Phòng thí nghiệm trọng điểm, công nghệ, tế bào động vật - Viện chăn nuôi xác định huyết thống con trâu đang tranh chấp với các con trâu mẹ mà các bên đưa ra làm mẫu đối ứng. Kết quả giám định số 24/PTNTĐ-KHCN ngày 09/6/2017 kết luận: mẫu trâu có ký hiệu T-01 (là con trâu đực đang tranh chấp) và con trâu có ký hiệu T-03 (là con trâu mẹ trong đàn trâu của anh Lò Văn K) có quan hệ huyết thống mẹ -con; mẫu trâu T-01và mẫu trâu T-02( là con trâu mẹ trong đàn trâu của anh Quàng Văn B) không có quan hệ huyết thống mẹ-con.
Tòa án cũng đã xác minh tại địa phương xem xét tập quán, phong tục trả tiền công chăn dắt và tiền công lao động phổ thông trên địa bàn xã Pú Hồng thể hiện giá lao động phổ thông tại địa phương là 120.000đ/ ngày/ người.
Viện kiểm sát tham dự phiên tòa có ý kiến:
Về thủ tục tố tụng thì Hội đồng xét xử, Thư ký ghi biên bản phiên tòa, người phiên dịch và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật;
Về nội dung vụ án đại diện Viện kiểm sát đề nghị:
Chấp nhận yêu cầu đòi lại trâu của anh Lò Văn K. Buộc anh Quàng Văn B trả lại con trâu đực 04 tuổi trị giá 20.000.000đ ( hai mươi triệu đồng) cho anh Lò Văn K.
Chấp nhận yêu cầu đòi tiền công chăn dắt trâu của anh Quàng Văn B. Buộc anh Lò Văn K phải trả cho anh Quàng Văn B số tiền công chăn dắt trâu tính từ ngày 15/3/2017 đến ngày tuyên án sơ thẩm. Mức công chăn dắt là 25.000đ/ ngày x 135 ngày = 3.375.000đ.
Về chi phí giám định và án phí dân sự sơ thẩm giá ngạch các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của anh Lò Văn K đòi lại con trâu đực 4 tuổi, trị giá 20.000.000đ hiện nay anh Quàng Văn Biên đang chăm sóc vì cho rằng thuộc quyền sở hữu của anh K. Do đó, căn cứ vào khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hội đồng xét xử xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Điện Biên Đông và xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết là “ Tranh chấp quyền sở hữu tài sản (trâu).
[2]. Quá trình giải quyết vụ án, ngày 6/7/2017 bị đơn anh Quàng Văn B và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Quàng Văn B và bà Quàng Thị U tham gia tố tụng với bên bị đơn cùng nhất trí làm đơn yêu cầu nguyên đơn anh Lò Văn K phải trả tiền công chăn dắt trâu là 10.000.000đ, tại phiên tòa yêu cầu tính tiền công chăn dắt là 150.000đ/ ngày. Đây là yêu cầu phản tố của bị đơn, có liên quan đến yêu cầu khởi kiện đòi lại tài sản của nguyên đơn cần giải quyết trong vụ án đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3]. Xét yêu cầu đòi lại trâu của nguyên đơn anh Lò Văn K. Tại phiên tòa hôm nay bị đơn anh Quàng Văn B và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Quàng Văn B, bà Quàng Thị U nhất trí trả lại con trâu đực, 4 tuổi, trị giá 20.000.000đ cho anh Lò Văn K. Hội đồng xét xử chấp nhận sự tự nguyện này vì:
Thông qua biên bản xác minh tại địa phương; lời khai của các đương sự thể hiện gia đình các đương sự đều có một con trâu đực khoảng 4 tuổi, do con mẹ trong đàn đẻ vào năm 2013. Do phong tục thả rông nên con trâu đực trên tách ra khỏi đàn trâu của gia đình các bên không biết, gia đình anh Lò Văn K phát hiện mất con trâu vào ngày 16/2/2017, gia đình anh Quàng Văn B phát hiện mất sau khi ăn tết Đinh Dậu ( không nhớ cụ thể ngày tháng nào). Cả hai gia đình đều tổ chức đi tìm và gia đình anh Quàng Văn B đã tìm thấy mang về ngày 18/2/2017 từ trong đàn trâu của gia đình ông Nạ Văn Ch ở bản Ph, xã P. Gia đình anh Lò Văn K đi tìm đến ngày 14/3/2017 nhìn thấy con trâu trong chuồng của gia đình anh B thì xảy ra tranh chấp. Như vậy, có căn cứ để xác định việc gia đình anh Lò Văn K và Quàng Văn B có con trâu đực gần 4 tuổi bị mất là sự thật. Việc gia đình anh Quàng Văn B đi tìm thấy và bắt giữ con trâu đang tranh chấp là hoàn toàn ngay tình vì cho rằng đó là con trâu của gia đình bị thất lạc. Tuy nhiên, theo kết luận giám định ADN số 24/PTNTĐ-KHCN ngày 09/6/2017 thể hiện con trâu mà gia đình anh B bắt về không cùng huyết thống với con trâu mẹ trong đàn trâu của gia đình anh B mà con trâu đang tranh chấp có cùng huyết thống với con trâu mẹ trong đàn nhà anh Lò Văn K cho nên gia đình anh B nhất trí trả trâu cho anh Lò Văn K là hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử cần chấp nhận sự tự nguyện trả lại trâu cho gia đình anh Lò Văn K sở hữu.
[4]. Xét yêu cầu phản tố đòi tiền công chăn dắt của bị đơn anh Quàng Văn B và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn. Hội đồng xét xử xét thấy mặc dù phía bị đơn anh Quàng Văn B có cam kết không đòi tiền công chăn dắt ( thể hiện tại bút lục số 75) tuy nhiên, vì tâm lý tự tin khẳng định con trâu đang tranh chấp là của gia đình nên mới có cam kết trên, hơn nữa xét thực tế trong thời gian chưa xác định được chính xác ai là chủ sở hữu con trâu thì gia đình anh Quàng Văn B được tiếp tục tạm giao để chăn dắt, chăm sóc con trâu tránh để xảy ra thiệt hại về tài sản là cần thiết; quá trình chăm sóc trâu đương nhiên phải mất công chăn dắt và chăm sóc Trâu. Do đó, việc bị đơn anh Quàng Văn B yêu cầu đòi tiền công chăn dắt là có căn cứ chấp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 232; Điều 583 của Bộ luật Dân sự 2015.
Về thời điểm tính tiền công chăn dắt, chăm sóc con trâu đang tranh chấp. Anh Quàng Văn B và ông Quàng Văn B, bà Quàng Thị U yêu cầu tính từ ngày 15/3/2017 (bút lục số 146) là có căn cứ. Vì đây là ngày xảy ra tranh chấp Trâu giữa các bên đương sự, tổ hòa giải lập biên bản tạm giao Trâu cho anh B chăm sóc. Do đó việc xác định ngày 15/3/2017 để tính tiền công chăn dắt là phù hợp.
Xét yêu cầu tính tiền công chăn dắt trâu của bị đơn anh Quàng Văn B đưa ra tại phiên tòa là 150.000đ/ ngày là quá cao bởi lẽ: Qua xem xét tình hình thực tế trên địa bàn xã P xác định, nếu nuôi chăn dắt trâu, bò trong thời gian ngắn thì tiền công chăn dắt tính theo ngày công lao động phổ thông là 120.00đ/ ngày ( bút lục số 121). Tại phiên tòa bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên bị đơn đều khẳng định từ ngày được tạm giao chăn nuôi con trâu đang tranh chấp gia đình nuôi chăn dắt, không thả rông; việc chăm sóc con trâu trên chỉ mất công chăn dắt trâu đi ăn cỏ ở rừng; gia đình chăn dắt con trâu đang tranh chấp cùng đàn trâu 05 con của gia đình. Như vậy, Hội đồng xét xử xét thấy trong một ngày công chăn dắt trâu, gia đình phía bị đơn không chỉ duy nhất chăn dắt một con trâu đang tranh chấp mà công chăn dắt tính cho cả đàn trâu 05 con của gia đình. Do đó, tiền công chăn dắt tính cho con trâu đang tranh chấp chỉ ở mức 25.000đ /ngày như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp.Như vậy, tiền công chăn dắt con trâu đang tranh chấp được xác định như sau: Tính từ ngày 15/3/2017( ngày xảy ra tranh chấp) đến ngày 28/7/2017 ( ngày Tòa án xét xử sơ thẩm) = 136 ngày x 25.000đ/ ngày = 3.400.000đ, anh Lò Văn K phải trả cho anh Quàng Văn B.
[5]. Về chi phí giám định. Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự yêu cầu Tòa án giám định ADN. Tòa án đã tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật, tổ chức lấy mẫu giám định và gửi mẫu yêu cầu Viện chăn nuôi giám định theo quy định của pháp luật. Tổng chi phí lấy mẫu giám định và phí giám định hết 6.086.000đ. Hai bên đương sự mỗi người đã nộp 3.043.000đ cho tổ chức giám định. Nay kết quả giám định xác định yêu cầu của anh Lò Văn K là có căn cứ cho nên anh Quàng Văn B sẽ phải chịu toàn bộ chi phí giám định là 6.086.000đ. Anh B phải trả lại cho anh Lò Văn K 3.043.000đ theo khoản 1 Điều 161; khoản 1 Điều162 của Bộ luật tố tụng Dân sự 2105.
[6]. Về án phí: Theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; khoản 2, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc. Anh Lò Văn K yêu cầu đòi lại tài sản con trâu trị giá 20.000.000đ và được Tòa án chấp nhận, cho nên anh Quàng Văn B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm giá ngạch. Yêu cầu phản tố đòi tiền công chăn dắt trâu của anh Quàng Văn B được Tòa án chấp nhận là 3.400.000đ cho nên anh Lò Văn K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu trả tiền công chăn dắt.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy anh Lò Văn K và anh Quàng Văn B đều là người dân tộc Thái ( dân tộc thiểu số), sinh sống ở các xã P, huyện Đ và xã M, huyện B là những xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí dân sự sơ thẩm giá ngạch cho anh B và án phí dân sự sơ thẩm cho anh K.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 161; khoản 1 Điều 162; điểm c khoản 2 Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;.
- Căn cứ vào khoản 2 Điều 232; Điều 583 của Bộ luật Dân sự 2015;
- Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu đòi lại trâu của anh Lò Văn K. Công nhận sự nhất trí của anh Quàng Văn B và ông Quàng Văn B, bà Quàng Thị U trả lại con trâu đực gần 04 tuổi trị giá 20.000.000đ ( hai mươi triệu đồng) mà anh Quàng Văn B đang được tạm giao chăn nuôi theo biên bản tạm giao ngày 15/3/2017 cho anh Lò Văn Kim.
Trường hợp bị đơn Quàng Văn B và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên bị đơn để xảy ra thiệt hại đối với con trâu thì phải bồi thường cho nguyên đơn Lò Văn K số tiền trị giá con trâu là 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).
2. Chấp nhận yêu cầu đòi tiền công chăn dắt trâu của anh Quàng Văn B và những người có quyền lợi, nghĩ vụ liên quan đứng về phía bị đơn là Quàng Văn B và bà Quàng Thị U. Buộc anh Lò Văn K phải trả cho anh Quàng Văn B và những người liên quan số tiền công chăn dắt trâu tính từ ngày 15/3/2017 đến ngày tuyên án sơ thẩm ngày 28/7/2017 là 3.400.000đ ( ba triệu bốn trăm nghìn đồng).
3. Anh Quàng Văn B phải chịu số tiền chi phí giám định là 6.086.000đ ( Sáu triệu không trăm tám mươi sáu nghìn đồng). Số tiền này anh Lò Văn K đã nộp 3.043.000đ ( ba triệu không trăm bốn mươi ba nghìn đồng) cho tổ chức giám định. Do đó, anh Quàng Văn Biên phải có nghĩa vụ trả lại cho anh Lò Văn K 3.043.000đ ( Ba triệu không trăm bốn mươi ba nghìn đồng).
4. Anh Lò Văn K và anh Quàng Văn B được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm giá ngạch.
5. Anh Lò Văn K; anh Quàng Văn B và ông Quàng Văn B, bà Quàng Thị U được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (28/7/2017).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, anh Lò Văn K chậm trả tiền công chăn dắt trâu theo quyết định của Tòa án thì phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; Anh Quàng Văn B chậm trả lại tiền chi phí giám định mà anh Lò Văn K đã nộp cho tổ chức giám định thì sẽ phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất chậm trả được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 01/2017/DS-ST ngày 28/07/2017 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản (trâu) và đòi tiền công chăn dắt trâu
Số hiệu: | 01/2017/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Điện Biên Đông - Điện Biên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/07/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về