WWW là gì? WWW ra đời năm nào? Học sinh ở lớp mấy thì bắt đầu học môn Tin học?
WWW là gì? WWW ra đời năm nào?
Để biết WWW là gì? WWW ra đời năm nào? học sinh có thể tham khảo bài viết dưới đây:
WWW là viết tắt của cụm từ World Wide Web, đây là thuật ngữ đề cập tới tất cả các trang HTML kết nối với nhau và có thể truy cập thông qua Internet. WWW là một tập hợp các trang web được tìm thấy trên mạng máy tính và trình duyệt web cần sử dụng internet để truy cập.
Chức năng chính mà World wide web hỗ trợ người dùng trong quá trình truy cập một địa chỉ website nào đó đó là khởi tạo những thông báo truyền thông để tìm nạp các thông tin, dữ liệu cần thiết và hiển thị website được yêu cầu lên màn hình người dùng, cũng như đảm bảo hiện thị đầy đủ những yêu cầu từ người truy cập!
WWW ra đời năm nào:
WWW được phát triển bởi một nhà khoa học người Anh Sir Tim Berners-Lee vào năm 1989 tại CERN, tổ chức nghiên cứu hạt nhân ở Thụy Sĩ. Ban đầu, ý tưởng của WWW là tạo ra một hệ thống để chia sẻ thông tin giữa các nhà nghiên cứu và nhà khoa học trên khắp thế giới.
Năm 1990, Berners-Lee viết ra ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản (HTML) và giao thức truyền tải siêu văn bản (HTTP) để tạo ra các trang web và truyền tải thông tin. Ông cũng phát triển trình duyệt web đầu tiên có tên là WorldWideWeb.
Sau đó, vào năm 1993, CERN công bố rằng WWW sẽ được phát triển như một công nghệ mã nguồn mở. Cho phép mọi người trên thế giới tham gia và đóng góp vào sự phát triển của nó. Điều này đã mở ra cánh cửa cho sự lan rộng và phổ biến của WWW trên toàn cầu.
Từ đó, WWW đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày. Nó đã thay đổi cách chúng ta truy cập thông tin, giao tiếp, mua sắm và tiếp cận các dịch vụ trực tuyến. WWW đã tạo ra sự kết nối và giao lưu xã hội trên một quy mô chưa từng có trước đây.
*Trên đây là các thông tin về WWW là gì? WWW ra đời năm nào? mà các bạn học sinh có thể tham khảo.
WWW là gì? WWW ra đời năm nào? Học sinh ở lớp mấy thì bắt đầu học môn Tin học? (Hình từ internet)
Học sinh ở lớp mấy thì bắt đầu học môn Tin học?
Tại Chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có quy định như sau:
Thời lượng dành cho các nội dung ở mỗi lớp cấp tiểu học (tỉ lệ % số tiết)
Chủ đề | Lớp 3 | Lớp 4 | Lớp 5 |
Chủ đề A. Máy tính và em | 40% | 11% | 9% |
Chủ đề B. Mạng máy tính và Internet | 6% | 6% | 6% |
Chủ đề C. Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin | 14% | 14% | 11% |
Chủ đề D. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số | 3% | 3% | 3% |
Chủ đề E. Ứng dụng tin học | 14% | 37% | 20% |
Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính | 17% | 23% | 45% |
Đánh giá định kì | 6% | 6% | 6% |
Chú thích: Với mỗi nội dung, thời lượng thực hành khoảng 35%.
Như vậy, có thể thấy học sinh lớp 3 bắt đầu học môn Tin học. Thời lượng môn Tin học lớp 3 là 70 tiết/năm
Quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tin học thế nào?
Cụ thể hoá các quan điểm của Chương trình tổng thể, Chương trình môn Tin học chú trọng các 04 quan điểm xây dựng căn cứ theo Mục 2 Chương trình giáo dục phổ thông môn tin học được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT bao gồm:
(1) Tính kế thừa và phát triển
- Kế thừa chương trình môn Tin học hiện hành
Chương trình môn Tin học kế thừa và phát triển những ưu điểm cơ bản của chương trình hiện hành là tính hệ thống và tính khoa học, đồng thời tránh thiên về lí thuyết trong một số nội dung và sự trùng lặp giữa các cấp học, gây quá tải.
- Khai thác chương trình môn Tin học phổ thông của các nước tiên tiến
Trong bối cảnh nhiều nước coi trọng phát triển chương trình giáo dục tin học nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình môn Tin học khai thác, chọn lọc vận dụng chương trình môn Tin học của các nước tiên tiến nhằm hội nhập, hướng tới trình độ quốc tế.
(2) Tính khoa học, hiện đại và sư phạm
Chương trình môn Tin học chọn lọc các nội dung cơ bản, phổ thông và hiện đại của ba mạch kiến thức DL, ICT,CS, đồng thời quan tâm đúng mức đến nội dung về đạo đức, pháp luật, văn hoá và ảnh hưởng của tin học đến xã hội, bảo đảm nguyên lí “vừa dạy chữ vừa dạy người” và coi trọng tính nhân văn trong thời đại có sự kết nối cao của thế giới thực và thế giới số.
Chương trình được thiết kế với các nguyên tắc sư phạm: bảo đảm tính vừa sức, phát triển mạch kiến thức vừa theo đường thẳng vừa đồng tâm, xây dựng hệ thống khái niệm cốt lõi.
Chương trình chọn lọc nội dung và yêu cầu phù hợp lứa tuổi, xen kẽ những nội dung lí thuyết với thực hành, trừu tượng với trực quan.
Các chủ đề lớn xuyên suốt các cấp học với yêu cầu cần đạt nâng cao dần. Các khái niệm cốt lõi được bắt đầu hình thành ở cấp tiểu học và được phát triển hoàn chỉnh dần ở các cấp học cao hơn.
(3) Tính thiết thực
- Phục vụ định hướng nghề nghiệp
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nhiều ngành nghề và việc làm mới xuất hiện đòi hỏi kiến thức, kĩ năng tin học chuyên sâu, Chương trình môn Tin học thể hiện khả năng kết nối và lan toả sâu rộng của tin học đến tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống, xác lập cho các đối tượng học sinh khác nhau một phổ rộng các ngành nghề chuyên sâu và các ngành nghề ứng dụng tin học.
- Thực hiện giáo dục STEM
Định hướng giáo dục STEM đang được triển khai như một hướng đi quan trọng trong giáo dục và đào tạo tại nhiều nước trên thế giới.
Với tư cách là công nghệ nền tảng, hội tụ đủ tất cả bốn yếu tố giáo dục STEM (Khoa học (S), Công nghệ (T), Kĩ thuật (E) và Toán học (M)), môn Tin học có vai trò trung tâm kết nối các môn học khác, đẩy mạnh giáo dục STEM, phát huy sáng tạo của học sinh nhằm tạo ra sản phẩm số có hàm lượng ICT cao.
Chương trình môn Tin học khai thác ưu thế về tích hợp liên môn bằng cách yêu cầu học sinh làm ra sản phẩm số của cá nhân và của nhóm học tập để thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục hàn lâm và thực tiễn.
(4) Tính mở
- Nội dung chương trình mở
Chương trình môn Tin học có các chủ đề bắt buộc, đồng thời có các chủ đề lựa chọn. Các chủ đề nội dung không phụ thuộc vào thiết bị phần cứng và phần mềm cụ thể, không phân biệt phần mềm và học liệu mở hay đóng, tạo thuận lợi cho việc vận dụng phù hợp với khả năng các địa phương và các đối tượng học sinh khác nhau.
Do đặc thù riêng, Chương trình môn Tin học cần được cập nhật và điều chỉnh theo định kì ngắn hạn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bảo đảm tính hiện đại và thời sự, đáp ứng sự phát triển rất nhanh của công nghệ kĩ thuật số, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
- Hình thức giáo dục đa dạng
Chương trình môn Tin học chọn lọc các chủ đề thiết thực và hấp dẫn, tạo điều kiện cho học sinh học tập và ứng dụng tin học không chỉ trong phạm vi môn Tin học mà cả trong các môn học khác, không chỉ trong khuôn viên nhà trường mà ở cả các môi trường ngoài khuôn viên trường học (ở nhà, qua mạng máy tính, trong câu lạc bộ và trong thực tế).