Tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non mức 1 ra sao?

05 tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non mức 1? Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non có mấy bước?

Tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non mức 1 ra sao?

Căn cứ tại Mục 1 Chương 2 Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non mức 1 như sau:

(1). Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường

- Tiêu chí 1.1: Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường

+ Phù hợp với mục tiêu giáo dục mầm non được quy định tại Luật giáo dục, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn và các nguồn lực của nhà trường;

+ Được xác định bằng văn bản và cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Được công bố công khai bằng hình thức niêm yết tại nhà trường hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của nhà trường (nếu có) hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, trang thông tin điện tử của phòng giáo dục và đào tạo.

- Tiêu chí 1.2: Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục) và các hội đồng khác

+ Được thành lập theo quy định;

+ Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định;

+ Các hoạt động được định kỳ rà soát, đánh giá.

- Tiêu chí 1.3: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường

+ Các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường có cơ cấu tổ chức theo quy định;

+ Hoạt động theo quy định;

+ Hằng năm, các hoạt động được rà soát, đánh giá.

- Tiêu chí 1.4: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng

+ Có hiệu trưởng, số lượng phó hiệu trưởng theo quy định;

+ Tổ chuyên môn và tổ văn phòng có cơ cấu tổ chức theo quy định;

+ Tổ chuyên môn, tổ văn phòng có kế hoạch hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

- Tiêu chí 1.5: Tổ chức nhóm trẻ và lớp mẫu giáo

+ Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được phân chia theo độ tuổi; trong trường hợp số lượng trẻ trong mỗi nhóm, lớp không đủ 50% so với số trẻ tối đa quy định tại Điều lệ trường mầm non thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép hoặc lớp mẫu giáo ghép;

+ Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tổ chức học 02 buổi trên ngày;

+ Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 02 (hai) trẻ cùng một dạng khuyết tật.

- Tiêu chí 1.6: Quản lý hành chính, tài chính và tài sản

+ Hệ thống hồ sơ của nhà trường được lưu trữ theo quy định;

+ Lập dự toán, thực hiện thu chi, quyết toán, thống kê, báo cáo tài chính và tài sản; công khai và định kỳ tự kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định quy chế chi tiêu nội bộ được bổ sung, cập nhật phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành;

+ Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đúng mục đích và có hiệu quả để phục vụ các hoạt động giáo dục.

- Tiêu chí 1.7: Quản lý cán bộ, giáo viên và nhân viên

+ Có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên;

+ Phân công, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên rõ ràng, hợp lý, đảm bảo hiệu quả hoạt động của nhà trường;

+ Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đảm bảo các quyền theo quy định.

- Tiêu chí 1.8: Quản lý các hoạt động giáo dục

+ Kế hoạch giáo dục phù hợp với quy định hiện hành, điều kiện thực tế địa phương và điều kiện của nhà trường;

+ Kế hoạch giáo dục được thực hiện đầy đủ;

+ Kế hoạch giáo dục được rà soát, đánh giá, điều chỉnh kịp thời.

- Tiêu chí 1.9: Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

+ Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy định, quy chế liên quan đến các hoạt động của nhà trường;

+ Các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (nếu có) thuộc thẩm quyền xử lý của nhà trường được giải quyết đúng pháp luật;

+ Hằng năm, có báo cáo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

- Tiêu chí 1.10: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học

+ Có phương án đảm bảo an ninh trật tự; vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và phòng, chống bạo lực trong nhà trường; những trường có tổ chức bếp ăn cho trẻ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

+ Có hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân; đảm bảo an toàn cho cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên và trẻ trong nhà trường;

+ Không có hiện tượng kỳ thị, hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong nhà trường.

(2). Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

- Tiêu chí 2.1: Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng

+ Đạt tiêu chuẩn theo quy định;

+ Được đánh giá đạt chuẩn hiệu trưởng trở lên;

+ Được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý giáo dục theo quy định.

- Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên

+ Có đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quy định;

+ 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định;

+ Có ít nhất 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên.

- Tiêu chí 2.3: Đối với nhân viên

+ Có nhân viên hoặc giáo viên kiêm nhiệm để đảm nhiệm các nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công;

+ Được phân công công việc phù hợp, hợp lý theo năng lực; (chỉ báo này bị ngưng bị ngưng hiệu lực bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 29/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/10/2021)

+ Hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

(3). Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

- Tiêu chí 3.1: Diện tích, khuôn viên và sân vườn

+ Diện tích khu đất xây dựng hoặc diện tích sàn xây dựng bình quân tối thiểu cho một trẻ đảm bảo theo quy định;

+ Có cổng, biển tên trường, tường hoặc hàng rào bao quanh; khuôn viên đảm bảo vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện và an toàn cho trẻ;

+ Có sân chơi, hiên chơi, hành lang của nhóm, lớp; sân chơi chung; sân chơi - cây xanh bố trí phù hợp với điều kiện của nhà trường, an toàn, đảm bảo cho tất cả trẻ được sử dụng.

- Tiêu chí 3.2: Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và khối phòng phục vụ học tập

+ Số phòng của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tương ứng với số nhóm lớp theo độ tuổi;

+ Có phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ (có thể dùng phòng sinh hoạt chung làm phòng ngủ đối với lớp mẫu giáo); có phòng để tổ chức hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tối thiểu hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ;

+ Có hệ thống đèn, hệ thống quạt (ở nơi có điện); có tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học.

- Tiêu chí 3.3: Khối phòng hành chính - quản trị

+ Có các loại phòng theo quy định;

+ Có trang thiết bị tối thiểu tại các phòng;

+ Khu để xe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được bố trí hợp lý đảm bảo an toàn, trật tự.

- Tiêu chí 3.4: Khối phòng tổ chức ăn

+ Bếp ăn được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố;

+ Kho thực phẩm được phân chia thành khu vực để các loại thực phẩm riêng biệt, đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm;

+ Có tủ lạnh lưu mẫu thức ăn,

- Tiêu chí 3.5: Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi

+ Có các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ;

+ Các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tự làm hoặc ngoài danh mục quy định phải đảm bảo tính giáo dục, an toàn, phù hợp với trẻ;

+ Hằng năm các thiết bị được kiểm kê, sửa chữa.

- Tiêu chí 3.6: Khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước

+ Phòng vệ sinh cho trẻ, khu vệ sinh cho cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên đảm bảo không ô nhiễm môi trường; phòng vệ sinh đảm bảo sử dụng thuận lợi cho trẻ khuyết tật;

+ Có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường; hệ thống nước sạch đảm bảo nước uống và nước sinh hoạt cho giáo viên, nhân viên và trẻ;

+ Thu gom rác và xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

(4). Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

- Tiêu chí 4.1: Ban đại diện cha mẹ trẻ

+ Được thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh;

+ Có kế hoạch hoạt động theo năm học;

+ Tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động đúng tiến độ.

- Tiêu chí 4.2: Công tác tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, cá nhân của nhà trường;

+ Tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường;

+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục, về mục tiêu, nội dung và kế hoạch giáo dục của nhà trường;

+ Huy động và sử dụng các nguồn lực hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đúng quy định.

(5). Tiêu chuẩn 5: Hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ

- Tiêu chí 5.1: Thực hiện Chương trình giáo dục mầm non

+ Tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo kế hoạch

+ Nhà trường phát triển Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phù hợp quy định về chuyên môn của cơ quan quản lý giáo dục, với điều kiện nhà trường;

+ Định kỳ rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và có điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

- Tiêu chí 5.2: Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ

+ Thực hiện linh hoạt các phương pháp, đảm bảo phù hợp với mục tiêu nội dung giáo dục, phù hợp với trẻ mầm non và điều kiện nhà trường;

+ Tổ chức môi trường giáo dục theo hướng tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm;

+ Tổ chức các hoạt động giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng phù hợp với độ tuổi của trẻ và điều kiện thực tế.

- Tiêu chí 5.3: Kết quả nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ

+ Nhà trường phối hợp với cơ sở y tế địa phương tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ;

+ 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe, đo chiều cao, cân nặng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng theo quy định;

+ Ít nhất 80% trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì được can thiệp bằng những biện pháp phù hợp, tình trạng dinh dưỡng của trẻ cải thiện so với đầu năm học.

- Tiêu chí 5.4: Kết quả giáo dục

+ Tỷ lệ chuyên cần đạt ít nhất 90% đối với trẻ 5 tuổi, 85% đối với trẻ dưới 5 tuổi; trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 85% đối với trẻ 5 tuổi 80% đối với trẻ dưới 5 tuổi;

+ Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt ít nhất 85%; trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 80%;

+ Trẻ khuyết tật học hòa nhập, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường quan tâm giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân.

Tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non mức 1 ra sao?

Tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non mức 1 ra sao? (Hình từ Internet)

Mục đích kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non là gì?

Căn cứ tại Điều 3 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT thì mục đích kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non như sau:

- Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm xác định trường mầm non đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của trường mầm non; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định Chất lượng giáo dục.

- Công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho trường mầm non không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non ra sao?

Căn cứ tại Điều 4 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT thì quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non được thực hiện theo các bước:

Bước 1. Tự đánh giá.

Bước 2. Đánh giá ngoài.

Bước 3. Công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Trường mầm non
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Mức đầu tư tối thiểu để trường mầm non tư thục được hoạt động giáo dục?
Hỏi đáp Pháp luật
Thẩm quyền đình chỉ hoạt động cơ sở giáo dục mầm non độc lập?
Hỏi đáp Pháp luật
Từ 31/1/2025, trường mầm non được tăng quy mô nhóm, lớp?
Hỏi đáp Pháp luật
Cơ quan nào tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập trường mầm non tư thục?
Hỏi đáp Pháp luật
Trường mầm non công lập được bố trí bao nhiêu hiệu trưởng?
Hỏi đáp Pháp luật
Yêu cầu đối với tài liệu sử dụng trong trường mầm non như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục từ 20/11/2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Thủ tục thành lập trường mầm non từ 20/11/2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Điều kiện thành lập trường mầm non mới nhất từ 20/11/2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Trường mẫu giáo hoạt động nhưng được cho phép không đúng thẩm quyền thì có bị đình chỉ hoạt động không?

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;