09:49 | 24/07/2024

Thời gian nghỉ hè của giảng viên trường cao đẳng là bao lâu?

Theo quy định thì giảng viên trường cao đẳng được nghỉ hè bao lâu? Nhiệm vụ của giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 là gì?

Thời gian nghỉ hè của giảng viên trường cao đẳng là bao lâu?

Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo như sau:

Thời gian nghỉ hè của nhà giáo
1. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
b) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
c) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
d) Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
2. Ngoài thời gian nghỉ hè theo quy định tại khoản 1 Điều này, giáo viên, giảng viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.
3. Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trường chuyên biệt trên địa bàn.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên, giảng viên phù hợp với kế hoạch đào tạo và điều kiện cụ thể của từng trường.
4. Việc nghỉ hè của nhà giáo trong cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

Như vậy, thời gian nghỉ hè của giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Thời gian nghỉ hè của giảng viên trường cao đẳng là bao lâu?

Thời gian nghỉ hè của giảng viên trường cao đẳng là bao lâu? (Hình từ Internet)

Giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 có nhiệm vụ gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT thì nhiệm vụ của giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 như sau:

- Giảng dạy; hướng dẫn người học làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có);

- Giáo dục phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và tác phong làm việc cho người học thông qua quá trình giảng dạy. Đánh giá kết quả học tập, kết quả tốt nghiệp của người học;

- Tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo của chuyên ngành; đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học;

- Tham gia công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập; hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm và thực tập;

- Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;

- Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 phải đáp ứng các tiêu chuẩn gì về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT thì giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

- Nắm vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;

- Hiểu và thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc chuyên ngành đào tạo;

- Sử dụng có hiệu quả và an toàn các phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy học;

- Có khả năng nghiên cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào giảng dạy, sản xuất và đời sống;

- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng 3).

Giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 có bắt buộc phải có bằng thạc sĩ không?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 như sau:

Giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) - Mã số: V.07.08.22
...
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật);
c) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.

Như vậy, giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 không bắt buộc phải có bằng thạc sĩ. Theo đó, pháp luật chỉ yêu cầu giảng viên cao đẳng sư phạm hạng 3 có bằng đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy.

Giảng viên trường cao đẳng
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Thời gian nghỉ hè của giảng viên trường cao đẳng là bao lâu?
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;