Nguyên tắc dạy thêm, học thêm là gì? Các trường hợp không được dạy thêm?

Trường hợp nào không được dạy thêm? Việc dạy thêm, học thêm phải đảm bảo các nguyên tắc gì?

Các trường hợp không được dạy thêm?

Theo khoản 1 Điều 2 Quy định về dạy, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Căn cứ tại Điều 4 Quy định về dạy, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì các trường hợp không được dạy thêm gồm:

- Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

- Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm là gì? Các trường hợp không được dạy thêm?Nguyên tắc dạy thêm, học thêm là gì? Các trường hợp không được dạy thêm? (Hình từ Internet)

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm là gì?

Căn cứ tại Điều 3 Quy định về dạy, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Theo đó, nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau:

- Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

- Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

- Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

- Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

- Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Thu và quản lý tiền học thêm được quy định như thế nào?

Căn cứ tại Điều 7 Quy định về dạy, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì việc thu và quản lý tiền học thêm được quy định như sau:

- Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

+ Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;

+ Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;

+ Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

- Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:

+ Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.

+ Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.

Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có trách nhiệm gì?

Căn cứ tại Điều 20 Quy định về dạy, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau:

- Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

- Quản lý và đảm bảo quyền của người học thêm, người dạy thêm. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp phép và thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất là 30 ngày. Hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học thêm tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan.

- Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: hồ sơ cấp giấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; danh sách người học thêm; thời khóa biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện qui định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý.

Dạy thêm
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm là gì? Các trường hợp không được dạy thêm?
Hỏi đáp Pháp luật
Giáo viên dạy thêm trong nhà trường thì mức thu tiền học thêm sẽ như thế nào?
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;