Mẫu đóng vai anh đội viên kể lại câu chuyện Đêm nay Bác không ngủ? Năng lực văn học áp dụng cho học sinh lớp 6 quy định ra sao?
Top mẫu đóng vai anh đội viên kể lại câu chuyện Đêm nay Bác không ngủ?
Học sinh tham khảo Top mẫu đóng vai anh đội viên kể lại câu chuyện Đêm nay Bác không ngủ dưới đây:
Đóng vai anh đội viên kể lại câu chuyện Đêm nay Bác không ngủ Mẫu số 1: Là một người chiến sĩ, tôi may mắn được góp sức mình tham gia vào đoàn quân chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc. Để phục vụ chiến đấu, tôi thường cùng các em của mình di chuyển liên tục. Riêng lần này, trong tôi có thêm niềm vui sướng mới, bởi trong chuyến đi này, tôi đã được đồng hành cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tối hôm ấy, sau một ngày dài hành quân vất vả, cả quân đoàn quyết định dựng trại ở giữa rừng để nghỉ ngơi. Trời rét mướt, lại có mưa, cùng sự mệt nhọc trong người, tôi sung sướng chìm vào giấc ngủ trong chiếc chăn ấm áp. Sau một giấc ngủ ngắn, tôi chợt bừng tỉnh. Nhìn ra ngoài, thấy trời đã về khuya, mọi người đều đã đi ngủ cả. Đang chuẩn bị ngủ tiếp, tôi chợt nhìn thấy bên đống lửa cháy rực, Bác đang ngồi trầm tư suy nghĩ. Ánh lứa hắt lên khuôn mặt Bác, soi rõ những trăn trở, suy tư trong dáng vẻ của Người. Rồi Người đứng dậy, đi dém chăn cho từng đồng chí một. Người làm cẩn thận, tỉ mỉ, lại nhẹ nhàng, giống như một người cha đang chăm sóc cho đàn con của mình vậy. Nhìn hành động ấm áp ấy, tôi lại lần nữa chìm vào giấc ngủ với sự hạnh phúc, như niềm hạnh phúc của người con khi được ngủ dưới sự chăm lo của cha mình. Thế nhưng lần này, tôi không ngủ say như lần trước được, trong cơn mộng mị, tôi mơ màng nhìn thấy Bác lại trở về bên đống lửa, lại tiếp tục trầm ngâm, suy tư mà không hề có ý định đi nghỉ. Thế là, tôi liền hỏi Bác: - Bác ơi! Sao khuya rồi mà bác không đi ngủ? Bác ngồi đó có lạnh lắm không ạ? - Bác không sao cả. Chú cứ yên chí, nằm xuống ngủ đi cho khỏe, để mai còn sức mà đánh giặc - Bác ôn tồn trả lời tôi. Nghe Bác nói, tôi lại nằm xuống ngủ tiếp. Thế nhưng, tôi chẳng thể nào yên giấc được, khi những lo lắng cho Bác cứ quanh quẩn ở trong tôi. Chiến dịch thì vẫn còn rất dài, đường đi thì cheo leo, hiểm trở, thời tiết lại khắc nghiệt, Bác cứ thức như vậy thì mai lấy sức đâu mà đi. Mang theo những mê man ấy, tôi lại chìm vào giấc ngủ, nhưng sau đó lại nhanh chóng tỉnh giấc thêm lần thứ ba. Lần này tỉnh dậy, tôi nhìn ngay sang đống lửa, giật mình thấy Bác vẫn ngồi ở đó. Thấy tình hình không ổn, tôi liền chạy lại, ngồi xuống cạnh Bác để mời Bác đi ngủ cho bằng được. Đáp lại sự sốt sắng của tôi, Bác ôn tồn trả lời: - Chú cứ việc đi ngủ để lấy sức ngày mai đánh giặc. Còn Bác, Bác không thể ngủ được. Cứ nghĩ đến đoàn dân công đang phải nằm màn trời chiếu đất ngoài kia, Bác thương lắm, không tài nào nhắm mắt được. Nói rồi, Bác lại trầm tư nhìn vào đống lửa. Bác đang nghĩ gì vậy nhỉ? À, Bác đang nghĩ về chiến dịch, nghĩ về nhân dân, nghĩ những đường tối để đưa ngày độc lập đến thật gần. Càng thấu hiểu nỗi lòng Bác, tôi càng thêm vui sướng và phấn khởi. Bởi đất nước ta có một vị lãnh tụ yêu thương người dân ta đến thế. Vậy là, tôi quyết định xin được thức cùng Bác. Không chờ Bác đồng ý tôi đã ngồi lại gần Bác hơn, sửa lại đống lửa với niềm hạnh phúc vô bờ. Mẫu số 2: Đêm đã về khuya rồi. Ngoài trời gió lồng lộng thổi. Không còn tiếng chim kêu lích chích trong tán cây. Cảnh rừng Việt Bắc âm u, tĩnh mịch quá! Chẳng biết vì sao, tôi không ngủ được. Tôi suy nghĩ cho trận chiến nay mai, chiến dịch Điện Biên Phủ. Đang nghĩ ngợi mông lung thì tôi nghe có tiếng sột soạt rất khẽ. Tôi nhổm dậy. Là Bác ư? Khuya rồi, sao Người chưa ngủ nhỉ? Bác ngồi yên lặng bên cạnh bếp lửa hồng, vẻ mặt của Bác trầm ngâm như đang suy nghĩ việc gì đó. Ngoài mái lều tranh cũ nát, mưa rơi lâm thâm, dai dẳng. Tôi ngước mắt nhìn Bác, càng nhìn, tôi càng thấy thương Bác hơn. Bác như một người cha vậy. Người cha ấy đang nhóm lửa cho tôi và đồng đội nằm ấm. Sau đó, Bác đi dém chăn cho chúng tôi: Từng người một. Như sợ các anh em giật mình, Bác nhón chân nhẹ nhàng, thật nhẹ. Bóng Bác ánh lên trước ngọn lửa, cao lồng lộng, bao trùm cả cán lều. Tôi có cảm giác mơ màng cái bóng của Bác như làm chúng tôi ấm áp hơn cả ngọn lửa hồng đang cháy hừng hực kia. Thổn thức nỗi lòng, tôi thầm thì hỏi: - Bác ơi, Bác chưa ngủ ạ? Bác có thấy lạnh không? Bác nhìn tôi, mỉm cười rồi trả lời bằng một giọng ấm áp: - Ừ, Bác chưa ngủ đâu. Chú cứ ngủ cho đẫy giấc, để mai còn đi đánh giặc nữa chứ! Vâng lời Bác, tôi nhắm mắt, nhưng vẫn bồn chồn. Tôi nằm mà vẫn lo Bác ốm, lòng tôi cứ bộn bề. Chiến dịch còn dài lắm! Rừng Việt Bắc lắm dốc, lắm ụ. Nếu Bác cứ không ngủ suốt thế này, thì Bác lấy sức đâu để mà đi? Thế rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Lần thứ ba tôi thức giấc thì đã canh tư. Nhìn thấy Bác vẫn đang ngồi, tôi hoảng hốt, giật thót mình. Bác vẫn chưa ngủ ư? Trời sắp sáng rồi!!! Tôi vội vã: - Bác ơi, trời sắp sáng rồi, Bác hãy ngủ để sáng mai có sức mà đi! Vẫn bằng giọng dịu dàng, Bác nói với tôi: - Chú cứ ngủ đi, còn Bác thức thì cứ mặc Bác. Bác không ngủ được đâu! Bác đang nghĩ về đoàn dân công, trời mưa như thế này, chắc họ lạnh lắm. Bác chỉ mong trời sáng cho nhanh thôi. Không biết các cô chú ấy có sao không? Tôi chợt hiểu ra, Bác thức vì chuyện ấy. Bác không chỉ chăm lo cho chúng tôi mà còn lo lắng cho cả những người ở xa chưa hề được gặp Bác. Tấm lòng của Bác thật cao cả. Lòng tôi vui sướng tràn trề và tôi quyết định thức luôn cùng với Bác. Đêm nay, Bác không ngủ vì Bác là người luôn lo cho mọi người hơn bản thân. Bác là người Cha già của nhân dân Việt Nam - Vì Bác là Hồ Chí Minh. |
*Lưu ý: Thông tin về top mẫu đóng vai anh đội viên kể lại câu chuyện Đêm nay Bác không ngủ chỉ mang tính chất tham khảo.
Mẫu đóng vai anh đội viên kể lại câu chuyện Đêm nay Bác không ngủ? Năng lực văn học áp dụng cho học sinh lớp 6 quy định ra sao? (Hình từ Internet)
Năng lực văn học áp dụng cho học sinh lớp 6 quy định ra sao?
Căn cứ mục 4 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định yêu cầu cần đạt về năng lực văn học của học sinh lớp 6 như sau:
- Nhận biết và phân biệt được các loại văn bản văn học: truyện, thơ, kịch, kí và một số thể loại tiêu biểu cho mỗi loại; phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học; hiểu nội dung tường minh và hàm ẩn của văn bản văn học.
- Trình bày được cảm nhận, suy nghĩ về tác phẩm văn học và tác động của tác phẩm đối với bản thân; bước đầu tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học.
- Nhận biết được đề tài, hiểu được chủ đề, ý nghĩa của văn bản đã đọc; nhận biết được truyện dân gian, truyện ngắn, thơ trữ tình và thơ tự sự; kí trữ tình và kí tự sự;
- Nhận biết được chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình và giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học;
- Nhận biết và phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật gắn với đặc điểm của mỗi thể loại văn học (cốt truyện, lời người kể chuyện, lời nhân vật, không gian và thời gian, vần, nhịp, hình ảnh và các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh).
Yêu cầu khi đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh lớp 6 là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định yêu cầu đánh giá kết quả rèn luyện học sinh lớp 6 như sau:
- Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.
- Đánh giá bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan.
- Đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.
- Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau.