11:12 | 24/07/2024

Giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi nào?

Theo quy định pháp luật hiện nay thì khi nào thì giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung?

Giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi nào?

Căn cứ tiểu mục 2 Mục 2 Thông tư 04/2005/TT-BNV quy định về điều kiện và tiêu chuẩn được hưởng phụ cấp như sau:

ĐIỀU KIỆN VÀ TIÊU CHUẨN ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP
...
2. Tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung:
Tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện như hai tiêu chuẩn nâng bậc l­ương thường xuyên quy định tại điểm 2.1 và điểm 2.2 Mục II Thông tư số 03/2005/TT-BNV trong suốt thời gian giữ bậc l­ương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ hoặc trong thời gian của năm xét hưởng thêm phụ cấp thâm niên vượt khung.

Căn cứ tiểu mục 2 Mục II Thông tư 03/2005/TT-BNV quy định về chế độ nâng bậc lương thường xuyên như sau:

II. CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG THƯỜNG XUYÊN
...
2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:
Cán bộ, công chức, viên chức có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh quy định tại điểm 1.1 mục II Thông tư này và qua đánh giá đạt đủ 2 (hai) tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương cũ thì được nâng một bậc lương thường xuyên:
2.1. Hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm theo quy định của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
2.2. Không vi phạm kỷ Luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc không bị bãi nhiệm trong thời gian giữ chức vụ bầu cử.

Căn cứ Điều 2 Luật viên chức 2010 quy định về viên chức như sau:

Viên chức
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Như vậy, giáo viên là viên chức. Nên giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi:

- Hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm theo quy định của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

-Không vi phạm kỷ Luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc không bị bãi nhiệm trong thời gian giữ chức vụ bầu cử.

Mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của giáo viên là bao nhiêu?

Căn cứ tiểu mục 1.1 Mục III Thông tư 04/2005/TT-BNV, được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BNV có quy định về mức phụ cấp và cách chi trả như sau:

III. MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH CHI TRẢ
1. Mức phụ cấp:
1.1. Cán bộ , công chức, viên chức có đủ điều kiện thời gian và tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung quy định tại điểm 1 và điểm 2 Mục II Thông tư này được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại tiết a điểm 1.1 Mục II Thông tư này, sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc l­ương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức l­ương của bậc l­ương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư­ trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.
b) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại tiết b điểm 1.1 Mục II Thông tư này, sau 2 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc l­ương cuối cùng trong ngạch được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức hưởng của bậc l­ương cuối cùng trong ngạch đó; từ năm thứ ba trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1% .
...

Như vậy, theo quy định nêu trên và cách xếp lương của giáo viên theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, mức phụ cấp thâm niên vượt khung của giáo viên được xác định như sau:

- Giảng viên Đại học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông: hưởng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó nếu sau 03 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng, từ năm thứ 4 trở đi được tính thêm 1%.

- Giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non: hưởng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch sau 02 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch. Từ năm thứ 3, mỗi năm tính thêm 1%.

Các trường hợp nào giáo viên không được tính vào thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung?

Căn cứ tiết 1.2 điểm 1 Mục II Thông tư 04/2005/TT-BNV được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BNV quy định về điều kiện và tiêu chuẩn được hưởng phụ cấp như sau:

II. ĐIỀU KIỆN VÀ TIÊU CHUẨN ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP
...
1. Điều kiện thời gian giữ bậc l­ương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ
...
1.2. Các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được xác định như các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét nâng bậc l­ương thường xuyên quy định tại điểm 1.2 và điểm 1.3 Mục II Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc l­ương thường xuyên và nâng bậc l­ương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2005/TT-BNV)

Căn cứ điểm 1.2 và điểm 1.3 Mục II Thông tư 03/2005/TT-BNV quy định về chế độ nâng bậc lương thường xuyên như sau:

II. CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG THƯỜNG XUYÊN
...
1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:
...
1.2. Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:
a) Thời gian cán bộ, công chức, viên chức nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của Nhà nước.
b) Thời gian cán bộ, công chức, viên chức nghỉ ốm, điều trị, điều dưỡng ở trong nước và ở nước ngoài cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc).
c) Thời gian cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thấm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
d) Thời gian đi học ở trong nước và ở nước ngoài (kể cả do nguyện vọng cá nhân) đã cắt khỏi danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị, sau khi học xong, nếu được tuyển dụng lại vào làm việc ở cơ quan, đơn vị cũ, thì thời gian thực tế học tập theo chương trình đào tạo (ghi trên chứng chỉ hoặc bằng đào tạo được cấp) được tính vào thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên; thời điểm hưởng bậc lương mới được tính kể từ ngày ký quyết định, thời gian nâng bậc lương lần sau được tính như các trường hợp nâng bậc lương thường xuyên khác.
1 3. Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương; thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quy định; thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương.

Như vậy, các trường hợp sau đây giáo viên không được tính vào thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung:

-Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

-Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quy định;

-Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam;

-Các loại thời gian không làm việc khác.

Phụ cấp thâm niên vượt khung
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi nào?
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;