11:19 | 24/07/2024

Giảng viên đại học là viên chức hay công chức?

Người đang làm công việc giảng viên đại học thì được xem là viên chức hay công chức?

Giảng viên đại học là viên chức hay công chức?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định như sau:

Cán bộ, công chức
...
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định về viên chức theo đó:

Viên chức
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 9 Luật Viên chức 2010 quy định về đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

Đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
b) Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).

Theo các quy định nêu trên thì nếu giảng viên đại học làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập (trường đại học công lập) theo hợp đồng làm việc thì sẽ được xem là viên chức.

Tuy nhiên, nếu giảng viên đại học làm việc theo hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập thì không được xem là viên chức mà là người lao động.

Giảng viên đại học là viên chức hay công chức?

Giảng viên đại học là viên chức hay công chức? (Hình từ Internet)

Trình độ tối thiểu của giảng viên đại học là gì?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định về trình độ tối thiểu của giảng viên đại học như sau:

Giảng viên
...
3. Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.
...

Như vậy, trình độ tối thiểu của giảng viên đại học như sau:

- Đối với giảng viên giảng dạy trình độ đại học thì trình độ tối thiểu là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng;

- Đối với giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì trình độ tối thiểu là tiến sĩ.

Lương giảng viên đại học là viên chức tính theo như thế nào?

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT, giảng viên là viên chức tại trường đại học được xếp lương theo từng hạng cụ thể như sau:

- Giảng viên cao cấp (hạng 1) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Giảng viên chính (hạng 2) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Giảng viên (hạng 3), trợ giảng (hạng 3) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Mức lương giảng viên đại học là viên chức sẽ được tính theo công thức quy định tại Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BNV như sau:

Lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở

Trong đó:

Mức lương cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP như sau:

Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
...

Như vậy, tiền lương của giảng viên đại học là viên chức sẽ tính theo hệ số lương và mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng và phụ cấp khác (nếu có).

Giảng viên đại học
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Chế độ, chính sách đối với giảng viên đại học công lập là Bí thư Đoàn trường ra sao?
Hỏi đáp Pháp luật
Giảng viên hạng 3 đại học công lập có mã số mấy?
Hỏi đáp Pháp luật
Giảng viên đại học là viên chức hay công chức?
Hỏi đáp Pháp luật
Giảng viên chính trường đại học công lập có bắt buộc phải có bằng tiến sĩ không?
Hỏi đáp Pháp luật
Lương của giảng viên chính trường đại học công lập hiện nay là bao nhiêu?
Hỏi đáp Pháp luật
Tiêu chuẩn đối với giảng viên đại học được cử ra nước ngoài ra sao?
Hỏi đáp Pháp luật
Giảng viên đại học được cử ra nước ngoài nghiên cứu khoa học có quyền và nghĩa vụ gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giảng viên chính đại học công lập như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Giảng viên đại học nghỉ hè trong thời gian bao lâu? Thời gian làm việc của giảng viên đại học trong năm học là bao nhiêu tuần?
Hỏi đáp Pháp luật
Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên đại học trong thời gian tập sự là bao nhiêu?
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;