Dạy học các chủ đề tích hợp lịch sử địa lí cấp trung học cơ sở thế nào?
Dạy học các chủ đề tích hợp lịch sử địa lí cho học sinh trung học cơ sở thế nào?
Căn cứ Chương trình giáo dục phổ thông Môn lịch sử và địa lí (cấp trung học cơ sở) ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, dạy học các chủ đề tích hợp lịch sử - địa lí được hướng dẫn như sau:
(1) Triển khai chủ đề gắn với từng phân môn, với mức độ kiến thức lịch sử, địa lí khác nhau
Trong Chương trình Lịch sử và Địa lí, phân môn Địa lí chọn cách tiếp cận về không gian, nên chọn cách thiết kế chương trình theo logic đại cương - thế giới - Việt Nam và cuối cùng là địa lí địa phương.
Còn Lịch sử chọn cách tiếp cận theo tiến trình lịch sử, nên thiết kế chương trình theo logic nguyên thuỷ - cổ đại - trung đại - cận đại - hiện đại.
Cách làm này khai thác thế mạnh của mỗi phân môn và tuỳ theo thiết kế của phân môn mà một chủ đề có thể dạy vào thời điểm thích hợp của mỗi phân môn.
(2) Triển khai chủ đề tích hợp lịch sử - địa lí
Việc xây dựng chủ đề chung, tích hợp lịch sử - địa lí dựa trên những nội dung gần nhau, giao nhau.
Trong chương trình môn Lịch sử và Địa lí, các chủ đề được lựa chọn là: Các cuộc đại phát kiến địa lí; Đô thị: Lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Dạy học các chủ đề tích hợp lịch sử - địa lí là tạo ra không gian môn học, ở đó học sinh có thể vận dụng các khái niệm cơ bản của lịch sử và địa lí, tìm hiểu thêm các tư liệu lịch sử và địa lí dưới sự hướng dẫn của giáo viên, rèn luyện tư duy lịch sử và tư duy địa lí.
- Chủ đề Các cuộc đại phát kiến địa lí: Các cuộc đại phát kiến địa lí có ý nghĩa hết sức to lớn về lịch sử giao thương trên thế giới, trong đó nổi bật là cuộc thám hiểm của Christopher Colombus tìm ra châu Mỹ (1492 -1502), cuộc thám hiểm của Ferdinand Magellan vòng quanh Trái Đất (1519 - 1522).
Hai cuộc đại phát kiến địa lí này đã mở đầu cho thời kì thực dân hoá các vùng đất mới, đánh dấu thời kì phát triển mới của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa, và cũng đánh dấu thời kì đầu của toàn cầu hoá.
Đối với địa lí học, nhờ các phát kiến địa lí cả về sau này (chuyến đi vòng quanh thế giới (1831 - 1836) của nhà bác học Charles Darwin và học thuyết tiến hoá các loài), địa lí học đã bước vào thời kì tích luỹ các dữ kiện khổng lồ về Trái Đất, phát triển nền địa lí học hiện đại cũng như các khoa học Trái Đất khác.
Các cuộc đại phát kiến địa lí được đề cập ở cả phân môn Địa lí và phân môn Lịch sử, đồng thời được tổ chức thành một chủ đề chung ở lớp 7
- Chủ đề Đô thị: Lịch sử và hiện tại. Chủ đề này được dạy một phần ở lớp 7 và trọng tâm ở lớp 9.
Đây là chủ đề được đề cập trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, từ cổ đại, trung đại đến cận đại và hiện đại.
Ở lớp 7, học sinh được học về các đô thị cổ đại và các nền văn minh cổ đại; các đô thị trung đại châu Âu và giới thương nhân (tương ứng với các thời đại lịch sử); đô thị và đô thị hoá (khi học địa lí các châu lục); một số xu hướng đô thị hoá trên thế giới (châu Âu, châu Á, châu Mỹ).
Ở lớp 9, học sinh được học sâu hơn về đô thị hoá trên thế giới. Học sinh hiểu được rằng các đô thị hiện đại là nơi tập trung quyền lực và các nguồn lực phát triển; đô thị hoá tạo ra động lực mạnh mẽ của sự phát triển, nhưng đô thị hoá không phù hợp có thể làm tăng thêm sự bất bình đẳng trong phát triển vùng;
Đồng thời còn có việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã thúc đẩy đô thị hoá ở Việt Nam.
- Chủ đề Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long: Chủ đề này được dạy ở lớp 8 và lớp 9. Chủ đề này có nội dung lịch sử và văn hoá nhiều hơn, nhưng tích hợp kiến thức địa lí.
Ở lớp 8, học sinh tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển châu thổ, chế độ nước của các dòng sông chính, quá trình con người khai khẩn và cải tạo, chế ngự tự nhiên cũng như thích ứng với môi trường thiên nhiên, từ đó hình thành nên các nền văn hoá đặc sắc ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long.
Ở lớp 9, học sinh hiểu được tại sao ở đồng bằng sông Hồng, ông cha ta chọn việc đắp đê, trị thuỷ kết hợp thuỷ lợi (dẫn thuỷ nhập điền); còn ở đồng bằng sông Cửu Long, ông cha ta lại chọn chung sống với lũ, cùng nhiều vấn đề khác về sự khác biệt của hai nền văn minh châu thổ.
Học sinh có dịp tìm hiểu, quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu đối với hai vùng châu thổ, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.
- Chủ đề Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông: Chủ đề này được thiết kế một phần ở lớp 8 và một phần lớn hơn ở lớp 9. Những nội dung trong chủ đề này đan xen giữa Lịch sử và Địa lí.
Ở lớp 8, học sinh được nghiên cứu về quá trình các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, những bằng chứng về quá trình này, khẳng định “Biển là không gian sinh tồn của dân tộc Việt”.
Ở lớp 9, học sinh được nghiên cứu tiếp về quá trình thực thi chủ quyền đối với các vùng biển và hải đảo Việt Nam thời hiện đại.
Ở góc độ địa lí, học sinh có các khái niệm cơ bản về các vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Luật Biển Việt Nam;
Đồng thời còn có vai trò chiến lược của hệ thống đảo nước ta trong việc khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển và vùng thềm lục địa; cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; vai trò của kinh tế biển trong nền kinh tế Việt Nam hiện đại và trong việc phát huy chủ quyền biển đảo.
Dạy học các chủ đề tích hợp lịch sử địa lí cấp trung học cơ sở thế nào? (Hình từ Internet)
Thiết bị dạy học tối thiểu môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở là gì?
Căn cứ Mục 8 Chương trình giáo dục phổ thông Môn lịch sử và địa lí (cấp trung học cơ sở) ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, thiết bị dạy học tối thiểu môn Lịch sử và Địa lí bao gồm một số loại hình như sau:
- Các bản đồ giáo khoa treo tường (về thế giới, các khu vực, Việt Nam) phù hợp với nội dung từng chủ đề của từng lớp học và phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh;
- Các tập Atlat địa lí tự nhiên đại cương, Atlat địa lí các châu lục và Atlat địa lí Việt Nam, tập bản đồ lịch sử;
- Mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử,...;
- Các mẫu vật về tự nhiên;
- Các tranh ảnh (in trên giấy, hình digital tĩnh và động), các sơ đồ, lược đồ, các video clip được biên tập cho mục đích giáo dục, phù hợp với nội dung của từng chủ đề;
- Các phiếu học tập có các nguồn sử liệu; Các tờ bài tập (bản đồ, lược đồ, biểu đồ, sơ đồ);
- Các dụng cụ, thiết bị thông thường để quan sát tự nhiên (địa bàn, nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế);
- Một số dụng cụ thực hành, thực địa;
- Các thư viện digital chứa các kho tư liệu dạy học Lịch sử và Địa lí;
- Phần mềm dạy học.
Ở những địa phương có điều kiện nên tổ chức các phòng bộ môn.
Việc sử dụng các thiết bị dạy học có mục đích chủ yếu nhằm tạo điều kiện cơ sở vật chất kĩ thuật để tổ chức các hoạt động học tập, tự tìm tòi tri thức lịch sử và địa lí của học sinh một cách tích cực, sáng tạo.
Thời lượng thực hiện chương trình Môn lịch sử và địa lí cấp trung học cơ sở ra sao?
Căn cứ Mục 8 Chương trình giáo dục phổ thông Môn lịch sử và địa lí (cấp trung học cơ sở) ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, thời lượng thực hiện chương trình Môn lịch sử và địa lí cấp trung học cơ sở là 105 tiết/lớp/năm học.
Tỉ lệ % số tiết dành cho các mạch nội dung trong bảng sau:
Mạch nội dung | Lớp 6 | Lớp 7 | Lớp 8 | Lớp 9 | Toàn cấp |
Địa lí | 45 | 42 | 41 | 40 | 42 |
Địa lí tự nhiên đại cương | 45 | 11 | |||
Địa lí các châu lục | 42 | 11 | |||
Địa lí tự nhiên Việt Nam | 41 | 10 | |||
Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam | 40 | 10 | |||
Lịch sử | 45 | 42 | 41 | 40 | 42 |
Thế giới | 22 | 20 | 20 | 19 | 20 |
Việt Nam | 23 | 22 | 21 | 21 | 22 |
Chủ đề chung | 6 | 8 | 10 | 6 | |
Đánh giá định kì | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 |
- Hướng dẫn xử lý khi xảy ra bạo lực học đường?
- Vì sao nói Công xã Paris là nhà nước kiểu mới? Lớp học Lịch sử của học sinh lớp 8 được tổ chức thế nào?
- Mẫu văn tả chú bộ đội lớp 5 ngắn gọn hay nhất? Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học lớp 5 như thế nào?
- Top các mẫu đoạn văn về một nhân vật em yêu thích trong câu chuyện đã đọc, đã nghe? Học sinh lớp 3 được quyền chọn trường học không?
- Top 10 Mẫu viết đoạn văn về một cảnh đẹp thiên nhiên trong đó có sử dụng biện pháp tu từ so sánh hoặc ẩn dụ hay nhất?
- Mẫu viết đoạn văn khoảng 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ môn Ngữ văn lớp 7? Việc đánh giá học sinh lớp 7 có mục đích là gì?
- Trọn bộ đề thi cuối kì 1 Văn 11 kèm đáp án? Trường THPT chuyên được ưu tiên những gì để bảo đảm chất lượng giáo dục?
- Công dân học tập vn đăng nhập hướng dẫn chi tiết? Kinh phí thực hiện xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 2030?
- Mẫu Kịch bản tổ chức lễ Noel cho trẻ mầm non? Các loại hình của cơ sở giáo dục mầm non hiện nay?
- Tổng hợp đề thi cuối kì 1 môn Khoa học tự nhiên lớp 8 có đáp án? Hội đồng kỷ luật học sinh trong trường trung học cơ sở gồm những ai?