Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ cấu tổ chức như thế nào?

Giáo dục nghề nghiệp là gì? Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ cấu tổ chức như thế nào? Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ra sao?

Giáo dục nghề nghiệp là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì giáo dục nghề nghiệp được hiểu như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
2. Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp.
...

Như vậy, theo quy định trên thì giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

Có mấy loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp?

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp
1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
a) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp;
b) Trường trung cấp;
c) Trường cao đẳng.
2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây:
a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;
b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;
c) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy định trên thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 3 loại hình là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ cấu tổ chức như thế nào?

Theo Điều 10 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ cấu tổ chức như sau:

(1) Cơ cấu tổ chức của trường trung cấp, trường cao đẳng công lập, tư thục bao gồm:

- Hội đồng trường đối với trường trung cấp, trường cao đẳng công lập; hội đồng quản trị đối với trường trung cấp, trường cao đẳng tư thục;

- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng;

- Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;

- Các khoa, bộ môn;

- Các hội đồng tư vấn;

- Phân hiệu; tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).

(2) Cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục bao gồm:

- Giám đốc, phó giám đốc;

- Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;

- Các tổ bộ môn;

- Các hội đồng tư vấn;

- Các đơn vị phục vụ đào tạo; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).

(3) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về cơ cấu tổ chức.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ra sao?

Căn cứ Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp như sau:

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập;

+ Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo theo cam kết;

+ Có đủ chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;

+ Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;

+ Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

+ Có điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động.

- Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi thay đổi các nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì phải đăng ký bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng những ưu đãi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Mục đích công tác hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ cấu tổ chức như thế nào?
Tác giả: Nguyễn Như Quỳnh
Lượt xem: 644

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;