Các chế độ ưu đãi về tài chính đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú ra sao?

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu đãi gì về tài chính?

Các chế độ ưu đãi về tài chính đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú ra sao?

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT thì chế độ ưu đãi về tài chính đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú như sau:

(1). Học phí: miễn học phí.

(2). Học bổng:

- Học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh, huyện được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và được hưởng 12 tháng trong năm, đối với các chương trình đào tạo có thời gian dưới 01 năm hoặc có thời gian học năm cuối không đủ 12 tháng thì học bổng được cấp theo số tháng thực học của năm học đó.

- Trường hợp học sinh bị kỷ luật buộc thôi học thì không được nhận học bổng chính sách.

- Trường hợp học sinh bị đình chỉ học tập thì không được nhận học bổng trong thời gian bị đình chỉ, trừ trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban hoặc dừng học vì lý do khác (không do kỷ luật hoặc tự thôi học).

- Trường hợp học sinh không được lên lớp (lưu ban) thì năm học lưu ban đó chỉ được hưởng 1/2 suất học bổng, đến năm thứ 3 vẫn không đạt yêu cầu học tập thì trả về địa phương. Mỗi học sinh chỉ được phép lưu ban 1 lần trong mỗi bậc học.

- Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú diện được hưởng học bổng chính sách, nhưng đồng thời là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi thì vẫn được hưởng chế độ trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi.

(3). Chế độ thưởng:

Học sinh nếu học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên (ở năm học trước đó) được Nhà trường thưởng một lần/năm như sau:

- 400.000 đồng nếu đạt khá;

- 600.000 đồng nếu đạt giỏi;

- 800.000 đồng nếu đạt xuất sắc.

(4). Trang cấp hiện vật:

Học sinh khi nhập trường được Nhà trường trang cấp bằng hiện vật 1 lần một số đồ dùng cá nhân như sau:

- Chăn bông cá nhân;

- Màn cá nhân;

- Áo bông;

- Chiếu cá nhân;

- Nilon đi mưa;

- Quần, áo dài tay (đồng phục);

(5). Tiền tàu xe: Học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp tết hoặc dịp nghỉ hè.

(6). Hỗ trợ học phẩm: Hàng năm học sinh được cấp bằng hiện vật học phẩm theo tiêu chuẩn từng bậc học như sau:

(7). Sách giáo khoa: Nhà trường xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 01 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đó đang theo học. Trường có trách nhiệm tổ chức tốt việc cho mượn và bảo quản sách giáo khoa để được sử dụng lâu dài, có hiệu quả; hàng năm trường được mua bổ sung số sách giáo khoa bằng 10% số đầu sách giáo khoa của tủ sách dùng chung.

(8). Chi cho ngày tết nguyên đán, tết dân tộc:

Nhà trường được tổ chức hai lần trong năm cho số học sinh của trường ở lại trường không về nhà trong dịp Tết nguyên đán và Tết cổ truyền của dân tộc với mức chi 50.000 đồng/học sinh/lần ở lại.

(9). Chi hoạt động văn thể:

- Mỗi lớp được cấp:

+ Một tờ báo địa phương;

+ Một tờ báo của thanh thiếu niên hoặc báo “Giáo dục và thời đại” hoặc tập san văn nghệ dành cho các dân tộc phục vụ cho hoạt động giáo dục đặc thù của nhà trường.

- Chi các hoạt động vui chơi giải trí: các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, các hoạt động tuyên truyền và cổ động mang tính quần chúng của nhà trường (dự toán chi trong phạm vi 5% quỹ học bổng của học sinh).

(10). Chi bảo vệ sức khỏe:

- Chi mua sổ khám sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe hàng năm cho học sinh.

- Chi mua bảo hiểm Y tế, mua thuốc thông thường cho học sinh đặt tại tủ thuốc của trường.

(11). Chi tuyển sinh và thi tốt nghiệp:

Công tác tuyển sinh và thi kiểm tra, xét lên lớp, xét tốt nghiệp và chuyển trường … thực hiện theo các quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường được lập dự toán chi các khoản như sau:

- Làm hồ sơ tuyển sinh, trúng tuyển và tốt nghiệp theo quy định hiện hành.

- Làm thẻ học sinh và phù hiệu cá nhân của học sinh.

(12). Chi tiền điện, nước phục vụ việc học tập và sinh hoạt:

Nhà trường lập dự toán kinh phí chi về điện, nước cho học tập và sinh hoạt của học sinh như sau:

- Điện thắp sáng: bình quân 25KW/tháng/học sinh theo giá điện quy định tại địa phương.

- Nước sinh hoạt: bình quân 4m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương.

Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị lũ lụt, thiên tai bị mất điện thì nhà trường được chi để mua đèn dầu thắp sáng, chi dùng cho việc lắp máy nước hoặc đào giếng. Không cấp phát tiền điện, nước cho từng cá nhân.

(13). Chi nhà ăn tập thể: Hàng năm nhà trường được mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn tập thể với mức 50.000 đồng/học sinh/năm.

(14). Các quy định khác:

- Đối với học sinh không được học tiếp tại trường do không tốt nghiệp, bị kỷ luật buộc thôi học, thôi học do ốm đau dài hạn thực hiện theo quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và không được tiếp tục hưởng các khoản trợ cấp quy định trong Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT.

- Trường hợp bị tạm giam thì trong thời gian bị tạm giam không được hưởng học bổng.

- Học sinh nghỉ học để chữa bệnh vẫn được hưởng học bổng nhưng tối đa không quá ba tháng. Trong trường hợp học sinh phải trả về gia đình thì được thanh toán tiền tàu xe kể cả người đi theo phục vụ.

Các chế độ ưu đãi về tài chính đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú ra sao?

Các chế độ ưu đãi về tài chính đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú ra sao? (Hình từ Internet)

Đối tượng tuyển sinh vào trường phổ thông nội trú là những đối tượng nào?

Căn cứ tại Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT thì đối tượng tuyển sinh vào trường phổ thông nội trú gồm:

- Học sinh là người dân tộc thiểu số mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại: (1)

+ Xã, phường, thị trấn khu vực 3 và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền;

+ Xã, phường, thị trấn khu vực 2 và khu vực 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền.

- Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại Nghị định 57/2017/NĐ-CP. (2)

- Học sinh là người dân tộc Kinh mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trường PTDTNT được tuyển không quá 10% học sinh là người dân tộc Kinh trong tổng số chỉ tiêu tuyển mới hằng năm. (3)

* Trường hợp học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh quy định (1), (2), (3) nhỏ hơn quy mô của trường PTDTNT trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định thêm vùng tạo nguồn đào tạo nhân lực cho các dân tộc đế tuyển sinh thêm đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tại vùng này tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh.

Điều kiện dự tuyển trường phổ thông nội trú là gì?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT thì điều kiện dự tuyển trường phổ thông nội trú như sau:

- Thuộc đối tượng tuyển sinh;

- Đảm bảo các quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Chế độ ưu đãi
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Các chế độ ưu đãi về tài chính đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú ra sao?
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;