5+ Tả một người thân trong gia đình em? Học sinh tiểu học phải có nhiệm vụ như thế nào với người thân?

Tham khảo các bài văn tả một người thân trong gia đình em hay nhất? Học sinh tiểu học phải có nhiệm vụ như thế nào với người thân?

5+ Tả một người thân trong gia đình em?

Dưới đây là các bài văn tả một người thân trong gia đình em mà các bạn học sinh có thể tham khảo:

Tả một người thân trong gia đình em - mẫu số 1

Dưới mái nhà nhỏ của tôi có ba chị em: chị Gấu, em Bo và tôi. Khi tôi và chị đã lớn, mẹ mới sinh thêm Bo. Từ một cô em út được mọi người cưng chiều, tôi bỗng trở thành chị gái. Ban đầu, tôi không thích điều đó chút nào, thậm chí còn cảm thấy ghen tị với Bo. Nhưng theo thời gian, mọi thứ dần thay đổi.

Bo tròn trịa và đáng yêu lắm! Hai tay, hai chân mũm mĩm với những ngấn tròn như đeo vòng. Khuôn mặt em bầu bĩnh, đôi má phúng phính hồng hào khiến ai cũng muốn cưng nựng. Mùa đông, má em càng đỏ ửng, trông càng đáng yêu hơn. Mái tóc Bo ngắn tũn vì được bố cắt kiểu đầu húi cua, mỗi khi sờ lên, em lại cười tít mắt đầy thích thú. Đôi mắt đen láy, tròn xoe như hai hạt cườm, khi cười lại híp lại trông ngộ nghĩnh vô cùng.

Chiều hôm ấy, tôi phải trông em giúp mẹ. Bo bị sổ mũi, chiếc mũi nhỏ xinh cứ ươn ướt. Tôi lau mũi cho em rồi để em ngồi chơi với đống đồ chơi quen thuộc. Trong khi đó, tôi tranh thủ ngồi vào bàn vẽ tranh cho bài học. Nhưng em Bo chẳng chịu ngồi yên, cứ chạy tới quấy rầy tôi. Tôi bực mình quát em. Lần này, Bo không gào khóc như mọi khi mà chỉ mếu máo, nước mắt lăn dài trên đôi má bầu bĩnh. Em lặng lẽ quay về chỗ ngồi, không làm phiền tôi nữa. Bất chợt, tôi cảm thấy có lỗi và thương em vô cùng. Tôi liền vẽ một bức tranh có hình em đang cười rạng rỡ. Khi nhìn thấy bức tranh, Bo liền bật cười khanh khách, đòi bút vẽ cùng tôi. Dù chỉ là vài nét nguệch ngoạc, em cũng cố vẽ một người có nụ cười thật tươi và bảo: "Đây là chị Bee!". Lòng tôi chợt dâng lên một niềm xúc động, liền ôm em vào lòng.

Từ hôm đó, tôi thương Bo nhiều hơn. Chị em tôi gắn bó hơn, cùng nhau chơi đùa mỗi ngày, tiếng cười vang khắp nhà. Mỗi lần viết thư cho chị Gấu, tôi lại kể về những điều dễ thương của Bo. Tôi chợt nhận ra mình thật may mắn khi có một cậu em trai đáng yêu như vậy.

Tả một người thân trong gia đình em - mẫu số 2

Nếu có ai hỏi em: "Trong gia đình bé nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười này, em tự hào về ai nhất?" thì em sẽ không ngần ngại trả lời người đó rằng, anh trai em là người khiến em tự hào nhất.

Anh trai em tên là Hoàng, năm nay đã tròn hai mươi tuổi, anh hiện đang là sinh viên của trường đại học Y Hà Nội. Anh có đôi mắt tinh anh được che dấu sau gọng kính. Mái tóc được cắt tỉa gọn gàng càng làm khuôn mặt anh trở nên sáng sủa, đẹp trai hơn trong mắt người thân cùng bạn bè. Dáng người anh dong dỏng cao và hơi gầy bởi từ nhỏ anh rất dễ bị bệnh. Đó cũng là lí do anh theo học ở trường đại học Y, anh nói anh muốn giúp đỡ những đứa trẻ và những người không được may mắn về sức khỏe. Em từ lúc còn là một cô bé ngốc nghếch đã suốt ngày lẽo đẽo đi theo người anh trai này, lắng nghe từng lời anh chỉ dạy. Dù anh hơn em khá nhiều tuổi, sáu tuổi đối với nhiều người có lẽ không phải là con số quá lớn nhưng với em thì khác. Anh em em rất thân thiết với nhau bởi anh luôn chiều chuộng và nhường nhịn em từ món đồ chơi cho đến quyển sách, quyển vở.

Anh trai em hiền nhưng cũng rất nghiêm khắc, anh chưa một lần bao che cho khuyết điểm của em mà luôn giúp em hiểu rõ phải trái, đúng sai. Gọn gàng, ngăn nắp là một trong những đức tính tốt đẹp của anh, trái ngược lại hoàn toàn với em. Phòng của anh gọn gàng, thoáng mát bao nhiêu thì phòng của em ngược lại bấy nhiêu dù em đã cố làm theo lời chỉ dẫn của anh nhưng chẳng hiểu sao tình trạng căn phòng vẫn không được cải thiện. Anh chính là một tấm gương sáng, một hình mẫu lí tưởng để em học hỏi và noi theo.

Anh trai em còn có sở thích là đọc sách và nấu ăn. Sở thích nghe có vẻ hơi nữ tính, nhưng mà theo em thấy thì những món ăn anh nấu rất ngon và những quyển sách anh đọc cũng rất thú vị. Anh luôn quan tâm và lo lắng cho cô em gái ít tuổi hơn là em, từ bữa ăn giấc ngủ cho tới thói quen ngồi gần ti vi của em đều được anh sửa chữa. Bởi vì anh càng học lên cao, trình độ học càng khó hơn nên thời gian anh dành cho em cũng không còn nhiều được như trước nữa, ngày anh đi lên Hà Nội nhập học, em đã chúc anh với nụ cười hạnh phúc nở trên môi.

Em sẽ không vì sự ích kỉ của bản thân mình mà khiến cho anh phải buồn lòng bởi vì anh đã cho em rất nhiều thứ rồi, em muốn anh một ngày nào đó cũng sẽ nhìn em bằng ánh mắt tràn đầy tự hào ấy.

Tả một người thân trong gia đình em - mẫu số 3

Mẹ em là một đầu bếp giỏi, vì vậy những món ăn mẹ nấu lúc nào cũng thơm ngon và hấp dẫn. Mỗi khi vào bếp, mẹ luôn gọn gàng trong bộ đồ đầu bếp, mái tóc búi cao gọn gàng, đôi tay sạch sẽ sẵn sàng cho công việc nấu nướng yêu thích. Hôm nay là cuối tuần, mẹ quyết định chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt cho cả gia đình.

Trước tiên, mẹ lấy thịt trong tủ lạnh ra rã đông. Trong lúc chờ đợi, mẹ nhanh tay vo gạo, đong nước vừa đủ rồi bật nồi cơm. Khi thịt đã mềm, mẹ đặt lên thớt, tay trái giữ chắc miếng thịt, tay phải thoăn thoắt thái thành từng lát đều tăm tắp. Sau đó, mẹ ướp gia vị, trộn thật đều để thịt thấm đậm đà rồi bắt đầu gọt rau củ. Từng động tác của mẹ đều nhanh nhẹn và dứt khoát, mọi việc cứ thế diễn ra một cách liền mạch, trôi chảy. Chỉ trong chốc lát, rau củ đã được rửa sạch, sẵn sàng để chế biến.

Bây giờ, mẹ bắt đầu công đoạn quan trọng nhất. Mẹ bật bếp, đặt chảo lên và đợi dầu nóng. Khi vừa cho thịt vào, một tiếng "xèo" vang lên vui tai, mùi thơm nức mũi nhanh chóng lan tỏa khắp gian bếp. Mẹ đảo thịt liên tục, để từng miếng thịt vàng ươm, săn lại thật hấp dẫn. Gương mặt mẹ ánh lên niềm vui khi nấu nướng, đôi mắt long lanh đầy thích thú. Cùng lúc đó, mẹ nấu thêm một nồi canh hầm, nhẹ nhàng vớt bọt để nước dùng trong hơn rồi cho rau củ vào.

Chẳng mấy chốc, bữa cơm thơm ngon đã sẵn sàng. Cả nhà quây quần bên nhau, thưởng thức món ăn mẹ nấu với niềm vui tràn ngập. Nhìn mẹ ân cần gắp thức ăn cho từng người, em cảm nhận được tình yêu thương mà mẹ gửi gắm trong mỗi món ăn. Những bữa cơm mẹ nấu không chỉ ngon mà còn đong đầy hạnh phúc.

Tả một người thân trong gia đình em - mẫu số 4

Ông em là một người rất yêu thích đọc sách và báo chí. Trong phòng làm việc của gia đình, ông có một tủ sách lớn chiếm gần hết một bức tường, xếp đầy những cuốn sách đủ thể loại. Mỗi buổi sáng, sau khi tập thể dục và ăn sáng xong, ông lại ngồi vào chiếc ghế tựa quen thuộc, cẩn thận đeo kính và bắt đầu đọc báo.

Tờ báo mà ông yêu thích là báo Công an Thành phố. Ông lật xem trang bìa trước, rồi từ tốn đọc từng trang bên trong. Đôi khi, kính của ông bị trễ xuống mũi, ông lại dùng ngón tay trỏ đẩy kính lên một cách điềm đạm. Khi gặp bài báo hay hoặc hình minh họa ấn tượng, ông gật gù tỏ ý đồng tình. Nhưng có lúc, ông lại chặc lưỡi, lắc đầu trước những tin tức không vui. Mỗi khi ông đọc báo, cả nhà đều giữ yên lặng để ông tập trung. Chúng em nếu có vào phòng cũng phải bước đi thật nhẹ nhàng, không gây tiếng động.

Sau khi đọc xong, ông đặt tờ báo ngay ngắn trên bàn và vui vẻ nói: "Hôm nay báo có nhiều tin hay lắm, ai muốn đọc thì cứ lấy xem nhé!" Nghe vậy, mẹ em mỉm cười đáp: "Dạ, con cảm ơn ba." Cả nhà đều quen với thói quen đọc báo của ông, và từ lâu, những tờ báo mỗi sáng đã trở thành một phần không thể thiếu trong nếp sống gia đình em.

Tả một người thân trong gia đình em - mẫu số 5

Gia đình là chốn bình yên nhất, nơi ta luôn nhận được tình yêu thương và sự che chở. Đối với em, bà ngoại chính là người mà em yêu quý và kính trọng nhất.

Bà em năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Trước đây, bà là một giáo viên tận tụy, nhưng giờ bà đã nghỉ hưu và dành nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Dáng người bà cao, khuôn mặt trái xoan hiền từ với những dấu vết của thời gian. Mái tóc dài của bà đã điểm những sợi bạc, nhưng trong mắt em, bà vẫn xinh đẹp và phúc hậu vô cùng. Đặc biệt, em rất thích nụ cười hiền hậu của bà, nụ cười khiến em cảm thấy ấm áp và bình yên.

Bố mẹ em thường bận rộn với công việc, vì thế bà chính là người chăm sóc em từ nhỏ. Bà kể rằng hồi bé, em rất hay quấy khóc, chỉ khi được bà bế dỗ dành mới chịu nín. Bà đã ở bên chứng kiến từng bước trưởng thành của em, từ khi em chập chững tập đi đến lúc bi bô tập nói. Những buổi tối được ngủ bên bà, nghe bà kể chuyện cổ tích là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Giọng bà ấm áp, truyền cảm, từng câu chuyện bà kể đã in sâu vào tâm trí em, trở thành một phần ký ức tuổi thơ tươi đẹp.

Không chỉ yêu thương, chăm sóc em, bà còn dạy cho em nhiều bài học quý giá. Bà dạy em biết quan tâm đến mọi người, biết chia sẻ với những ai gặp khó khăn. Bà cũng luôn nhắc nhở em chăm chỉ học tập, rèn luyện tính tự giác. Những lúc gặp bài toán khó, em lại tìm đến bà để được chỉ bảo tận tình. Nhờ có bà mà em trưởng thành hơn mỗi ngày.

Bà ngoại chính là người em yêu thương nhất. Em luôn thầm mong bà khỏe mạnh và sống thật lâu bên em để em có thể bù đắp và chăm sóc bà như bà đã từng yêu thương em.

Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!

5+ Tả một người thân trong gia đình em?

5+ Tả một người thân trong gia đình em? Học sinh tiểu học phải có nhiệm vụ như thế nào với người thân? (Hình ảnh từ Internet)

Học sinh tiểu học phải có nhiệm vụ như thế nào với người thân?

Căn cứ tại Điều 34 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, quy định về nhiệm vụ của học sinh tiểu học như sau:

Nhiệm vụ của học sinh
1. Học tập, rèn luyện theo kế hoạch giáo dục, nội quy của nhà trường; có ý thức tự giác học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
2. Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
3. Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.
4. Chấp hành nội quy, bảo vệ tài sản nhà trường và nơi công cộng; chấp hành trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
5. Góp phần vào các hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, địa phương.

Như vậy, học sinh tiểu học nói riêng và học sinh nói chung phải có trách nhiệm hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Ngoài ra, phải kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.

Mục tiêu của giáo dục cấp tiểu học là gì?

Căn cứ theo Điều 29 Luật Giáo dục 2019, do giáo dục cấp tiểu học cũng thuộc hệ thống giáo dục phổ thông nên có mục tiêu như sau:

- Phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

Môn Tiếng Việt lớp 5
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
6+ Mẫu viết bài văn kể sáng tạo một câu chuyện có nhân vật chính là con vật hoặc đồ vật? Có mấy mức đánh giá học sinh tiểu học?
Hỏi đáp Pháp luật
5+ Tả một người thân trong gia đình em? Học sinh tiểu học phải có nhiệm vụ như thế nào với người thân?
Hỏi đáp Pháp luật
5 mẫu tả mùa thu hay chọn lọc? Môn Tiếng Việt lớp 5 có giúp bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính?
Hỏi đáp Pháp luật
5+ Mẫu viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một trải nghiệm của bản thân? Các hoạt động trải nghiệm học sinh tiểu học?
Hỏi đáp Pháp luật
5+ Bài văn tả bố hay nhất lớp 5? Xây dựng chương trình môn Tiếng Việt lớp 5 ra sao?
Hỏi đáp Pháp luật
5+ Kể lại một việc làm tốt em đã làm hoặc chứng kiến làm về tình bạn? Học sinh lớp 5 phải có những hành vi ứng xử như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
10+ Mẫu tả một ca sĩ đang biểu diễn lớp 5? Chương trình môn Tiếng Việt lớp 5 được xây dựng như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Top 10+ đoạn văn tả bạn thân lớp 5? Hiệu trưởng có thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình của học sinh tiểu học không?
Hỏi đáp Pháp luật
10+ bài văn tả thầy cô giáo mà em yêu quý? Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù ở môn Tiếng Việt lớp 5?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu viết đoạn văn nói về tình cảm của em với một người bạn lớp 5? Mục tiêu thứ 2 cần đạt khi dạy môn Tiếng Việt lớp 5 là gì?
Tác giả: Ngô Trung Hiếu
Lượt xem: 63

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;