Luật Đất đai 2024

Luật Dân quân tự vệ 2019

Số hiệu 48/2019/QH14
Cơ quan ban hành Quốc hội
Ngày ban hành 22/11/2019
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Bộ máy hành chính
Loại văn bản Luật
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 48/2019/QH14

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2019

 

LUẬT

DÂN QUÂN TỰ VỆ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Dân quân tự vệ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

2. Dân quân tự vệ tại chỗ là lực lượng làm nhiệm vụ ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là thôn) và ở cơ quan, tổ chức.

3. Dân quân tự vệ cơ động là lực lượng cơ động làm nhiệm vụ trên các địa bàn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.

5. Dân quân tự vệ biển là lực lượng làm nhiệm vụ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam.

6. Mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ là biện pháp bổ sung công dân trong độ tuổi chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quân nhân dự bị chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên cho đơn vị Dân quân tự vệ.

7. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức là tổ chức được thành lập ở cơ quan, tổ chức để thực hiện công tác quốc phòng.

Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức không bao gồm Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương được thành lập theo quy định của Luật Quốc phòng.

8. Công tác Dân quân tự vệ là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm cho Dân quân tự vệ.

Điều 3. Vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ

Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ

1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy đơn vị quân đội.

2. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ.

3. Xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp; tổ chức, biên chế của Dân quân tự vệ phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với địa bàn và nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, tổ chức; thuận tiện cho lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý và phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ quan, tổ chức.

Điều 5. Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ

1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.

2. Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.

4. Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.

6. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Thành phần của Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ tại chỗ.

2. Dân quân tự vệ cơ động.

3. Dân quân thường trực.

4. Dân quân tự vệ biển.

5. Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.

Điều 7. Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ

Ngày 28 tháng 3 hằng năm là ngày truyền thống của Dân quân tự vệ.

Điều 8. Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình

1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.

2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại Điều này.

Điều 9. Đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ

1. Việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như sau:

a) Tháng 4 hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

b) Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi thay đổi nơi cư trú đến đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Trường hợp thay đổi nơi làm việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

c) Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

2. Việc quản lý Dân quân tự vệ được quy định như sau:

a) Dân quân tự vệ khi vắng mặt trong thời gian thực hiện nhiệm vụ phải báo cáo với người chỉ huy trực tiếp để xem xét, quyết định;

b) Dân quân tự vệ tạm vắng trong thời gian từ 03 tháng trở lên phải báo cáo với Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức hoặc người chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;

c) Chính phủ quy định phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ.

Điều 10. Tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ

1. Công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, có đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn vào Dân quân tự vệ:

a) Lý lịch rõ ràng;

b) Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

c) Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.

2. Việc tuyển chọn vào Dân quân tự vệ được quy định như sau:

a) Bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật;

b) Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp tuyển chọn.

3. Quân nhân dự bị chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được tuyển chọn vào đơn vị Dân quân tự vệ.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Điều 11. Tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình

1. Công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;

c) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân;

d) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;

đ) Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

e) Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;

g) Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

h) Người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

2. Công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:

 a) Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ;

b) Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên;

d) Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

đ) Người làm công tác cơ yếu.

3. Công dân thuộc diện tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ quy định tại các điểm c, d, đ, e, g khoản 1 và các điểm a, b, d khoản 2 Điều này nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn vào Dân quân tự vệ.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Điều 12. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ

1. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn trong trường hợp sau đây:

a) Dân quân tự vệ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Dân quân tự vệ nam một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;

c) Hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất không có điều kiện tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác nhận;

d) Có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; có quyết định tuyển dụng vào công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an;

đ) Có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; người có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

2. Đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:

a) Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích, đã chết;

b) Bị khởi tố bị can;

c) Bị tước danh hiệu Dân quân tự vệ;

d) Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

đ) Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ.

Điều 13. Hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ đã phục vụ đủ thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

2. Công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhưng còn trong độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đăng ký, quản lý để sẵn sàng mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ.

3. Dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công nhận công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Điều 14. Các hành vi bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ

1. Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức, huấn luyện, điều động, sử dụng Dân quân tự vệ trái pháp luật.

2. Trốn tránh, chống đối, cản trở việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

3. Giả danh Dân quân tự vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được giao xâm phạm lợi ích của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Sản xuất, vận chuyển, mua bán, thu gom, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái pháp luật vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trang phục, sao mũ, phù hiệu, tài sản của Dân quân tự vệ.

6. Phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ.

Chương II

TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ, VŨ KHÍ, TRANG BỊ CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 15. Tổ chức Dân quân tự vệ

1. Thôn tổ chức tổ, tiểu đội hoặc trung đội dân quân tại chỗ.

2. Cấp xã tổ chức trung đội dân quân cơ động. Cấp xã ven biển, đảo tổ chức trung đội dân quân cơ động và tiểu đội hoặc trung đội dân quân biển.

Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, cấp xã tổ chức khẩu đội cối, tổ hoặc tiểu đội dân quân trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế; cấp xã trọng điểm về quốc phòng tổ chức tiểu đội hoặc trung đội dân quân thường trực.

3. Cơ quan, tổ chức tổ chức tiểu đội, trung đội, đại đội hoặc tiểu đoàn tự vệ. Cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển tổ chức tiểu đội, trung đội, hải đội hoặc hải đoàn tự vệ.

4. Trên cơ sở tổ chức đơn vị Dân quân tự vệ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, cấp huyện tổ chức trung đội hoặc đại đội Dân quân tự vệ cơ động, trung đội Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, tiểu đội hoặc trung đội dân quân thường trực; cấp tỉnh tổ chức đại đội Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh; cấp tỉnh ven biển tổ chức hải đội dân quân thường trực.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy mô, tổ chức, biên chế đơn vị Dân quân tự vệ; quyết định cấp xã trọng điểm về quốc phòng.

Điều 16. Mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ

1. Mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:

a) Khi thực hiện lệnh động viên cục bộ, tổng động viên;

b) Khi ban bố tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định kế hoạch, thẩm quyền quyết định mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ.

Điều 17. Điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp được xem xét quyết định thành lập đơn vị tự vệ khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện;

2. Theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đề án, kế hoạch tổ chức Dân quân tự vệ của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động và phù hợp với tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

3. Đã hoạt động từ đủ 24 tháng trở lên;

4. Có số lượng người lao động đủ tiêu chuẩn tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ để tổ chức ít nhất 01 tiểu đội tự vệ.

Điều 18. Hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Tư lệnh quân khu, Tư lệnh quân chủng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh binh chủng, Tư lệnh binh đoàn.

4. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh.

5. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

6. Người đứng đầu doanh nghiệp quân đội có tổ chức tự vệ.

7. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

8. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

9. Tiểu đoàn trưởng, Hải đoàn trưởng, Đại đội trưởng, Hải đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng đơn vị Dân quân tự vệ.

10. Thôn đội trưởng.

Điều 19. Chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức bao gồm:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó.

2. Các chức vụ chỉ huy của đơn vị Dân quân tự vệ bao gồm:

a) Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn, Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn, Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn;

b) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội, Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội;

c) Trung đội trưởng;

d) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng;

đ) Thôn đội trưởng kiêm chỉ huy đơn vị dân quân tại chỗ.

Điều 20. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã. Thành phần Ban chỉ huy quân sự cấp xã bao gồm:

a) Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;

b) Chính trị viên do Bí thư cấp ủy cấp xã đảm nhiệm;

c) Chính trị viên phó do Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã đảm nhiệm;

d) Phó Chỉ huy trưởng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

2. Ban chỉ huy quân sự cấp xã có trụ sở hoặc nơi làm việc riêng, được sử dụng con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

3. Ban chỉ huy quân sự cấp xã có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác quốc phòng và kế hoạch khác có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã;

c) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, ngành, đoàn thể ở cấp xã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;

d) Tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập cho dân quân; chỉ huy dân quân thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quyết định của cấp có thẩm quyền;

đ) Đăng ký, quản lý, bảo quản và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của đơn vị dân quân thuộc quyền theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền;

e) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác quốc phòng địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Thôn đội trưởng có nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chi bộ thôn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở thôn; quản lý, chỉ huy trực tiếp dân quân thuộc quyền; phối hợp thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

5. Chính phủ quy định số lượng Phó Chỉ huy trưởng; tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

Điều 21. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức

1. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được xem xét thành lập khi cơ quan, tổ chức có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam;

b) Có đơn vị tự vệ của cơ quan, tổ chức.

2. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thành phần gồm Chỉ huy trưởng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chính trị viên là Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy cùng cấp, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó.

3. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được sử dụng con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

4. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Tham mưu cho cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác quốc phòng, công tác tự vệ và kế hoạch khác có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức; phối hợp thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;

c) Tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập cho tự vệ; chỉ huy tự vệ thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quyết định của cấp có thẩm quyền;

d) Đăng ký, quản lý, bảo quản và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của các đơn vị tự vệ thuộc quyền theo quy định của pháp luật;

đ) Tham mưu cho cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác quốc phòng.

5. Chính phủ quy định số lượng Phó Chỉ huy trưởng; tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

Điều 22. Thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức

1. Thẩm quyền thành lập đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, trừ đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:

a) Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thành lập đại đội Dân quân tự vệ pháo phòng không, đại đội Dân quân tự vệ pháo binh;

b) Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết định thành lập tiểu đoàn tự vệ; hải đội Dân quân tự vệ, hải đội dân quân thường trực; hải đoàn Dân quân tự vệ;

c) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định thành lập đại đội tự vệ, đại đội dân quân cơ động; trung đội Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh; trung đội Dân quân tự vệ biển; tiểu đội, trung đội dân quân thường trực;

d) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định thành lập trung đội Dân quân tự vệ cơ động; tiểu đội, trung đội Dân quân tự vệ tại chỗ; khẩu đội Dân quân tự vệ pháo binh; tổ, tiểu đội dân quân trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế; tiểu đội Dân quân tự vệ biển;

đ) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã quyết định thành lập tổ dân quân tại chỗ sau khi báo cáo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định thành lập;

e) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

2. Cấp có thẩm quyền quyết định thành lập thì có quyền quyết định giải thể đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội; trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

Điều 23. Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, trừ chức vụ chỉ huy tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:

a) Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy tiểu đoàn, hải đoàn Dân quân tự vệ;

b) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đại đội, hải đội Dân quân tự vệ; Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy hải đội tự vệ thuộc quyền quản lý;

c) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định bổ nhiệm Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng và Khẩu đội trưởng Dân quân tự vệ;

d) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

2. Miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được quy định như sau:

a) Miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ khi thay đổi vị trí công tác, thay đổi tổ chức mà không còn biên chế chức vụ đang đảm nhiệm hoặc không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện thực hiện chức vụ hiện tại;

b) Cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ nào thì có quyền quyết định miễn nhiệm chức vụ đó.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ tại Điều này và thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội; quy định sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ trong trường hợp cần thiết.

Điều 24. Trang phục, sao mũ, phù hiệu của Dân quân tự vệ

Các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Dân quân tự vệ được cấp phát, sử dụng trang phục, sao mũ, phù hiệu theo quy định của Chính phủ.

Điều 25. Trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị, đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của Dân quân tự vệ.

Chương III

ĐÀO TẠO CHỈ HUY TRƯỞNG BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ; TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG CÁC CHỨC VỤ CHỈ HUY; HUẤN LUYỆN DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 26. Đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải được đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc đại học tại nhà trường quân đội.

Điều 27. Tập huấn, bồi dưỡng các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình cho từng đối tượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tình hình của địa phương, cơ quan, tổ chức.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chương trình, nội dung, thời gian, danh mục vật chất huấn luyện, phân cấp và cơ sở tập huấn, bồi dưỡng các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ.

Điều 28. Huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập cho Dân quân tự vệ

1. Trong thời bình, thời gian huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật hằng năm được quy định như sau:

a) Dân quân tự vệ năm thứ nhất là 15 ngày, trừ dân quân thường trực;

b) Dân quân tự vệ từ năm thứ hai trở đi là 12 ngày đối với Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế; 07 ngày đối với Dân quân tự vệ tại chỗ;

c) Dân quân thường trực là 60 ngày.

2. Trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Dân quân tự vệ được huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tình hình của địa phương, cơ quan, tổ chức.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chương trình, nội dung, danh mục vật chất cho huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập cho Dân quân tự vệ.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 29. Hoạt động sẵn sàng chiến đấu

1. Duy trì và thực hiện chế độ hoạt động sẵn sàng chiến đấu của Dân quân tự vệ.

2. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch về Dân quân tự vệ.

3. Làm nòng cốt xây dựng thôn, xã, phường, thị trấn chiến đấu; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở địa phương.

4. Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và hoạt động khác.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 30. Hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu

1. Mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

2. Bảo vệ việc phòng tránh, sơ tán của cơ quan, tổ chức, Nhân dân và mục tiêu được giao.

3. Đánh địch bảo vệ thôn, xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức trong khu vực phòng thủ.

4. Phục vụ chiến đấu trong khu vực phòng thủ.

5. Tham gia đấu tranh chính trị; xây dựng, củng cố thôn, xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức bám trụ chiến đấu.

Điều 31. Hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng chức năng trong các hoạt động sau đây:

a) Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam;

b) Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;

c) Tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội;

d) Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 32. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ

1. Trong trường hợp chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp, lệnh thiết quân luật, giới nghiêm, khi cần thiết sử dụng Dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thì thẩm quyền điều động được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam điều động Dân quân tự vệ trong phạm vi cả nước;

b) Tư lệnh quân khu điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn quân khu sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Dân quân tự vệ được điều động;

c) Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều động Dân quân tự vệ biển sau khi thống nhất với Tư lệnh quân khu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có Dân quân tự vệ biển được điều động;

d) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn thành phố Hà Nội sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;

đ) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp tỉnh sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tư lệnh quân khu;

e) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp huyện sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh;

g) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã điều động dân quân thuộc quyền trong phạm vi cấp xã sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;

h) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức điều động tự vệ thuộc quyền trong phạm vi cơ quan, tổ chức sau khi được sự nhất trí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;

i) Người đứng đầu doanh nghiệp quân đội điều động tự vệ thuộc quyền trong phạm vi của doanh nghiệp.

2. Trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm thì việc điều động, sử dụng Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Luật Quốc phòng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có Dân quân tự vệ được điều động phải chấp hành nghiêm quyết định điều động của cấp có thẩm quyền; tiếp nhận, bố trí công việc cho tự vệ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Chương V

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ NHIỆM VỤ CHI CHO DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 34. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ

1. Chế độ, chính sách đối với dân quân khi làm nhiệm vụ được quy định như sau:

a) Đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế được trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm tiền ăn; được hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động; được trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Khi làm nhiệm vụ trên biển được hưởng phụ cấp đặc thù đi biển; khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi và về;

b) Đối với dân quân biển được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm a khoản này; khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn tăng thêm; trường hợp là thuyền trưởng, máy trưởng được hưởng phụ cấp trách nhiệm tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển;

c) Đối với dân quân thường trực được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm a khoản này; được hưởng trợ cấp một lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình; được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.

2. Đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; đối với tự vệ biển khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng thêm lương, ngạch bậc và tiền ăn tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển.

3. Cấp nào quyết định Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ thì cấp đó có trách nhiệm bảo đảm chế độ, chính sách.

4. Chính phủ quy định định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ quy định tại Điều này.

Điều 35. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh

1. Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ hoặc đang là học viên đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách sau đây:

a) Trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;

b) Trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí;

c) Trường hợp bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

2. Dân quân khi thực hiện biện pháp triệt sản, dân quân nữ khi thực hiện biện pháp đặt vòng tránh thai, dân quân nam có vợ sinh con được nghỉ thực hiện nhiệm vụ Dân quân tự vệ; thời gian được nghỉ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Chính phủ quy định điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 36. Nguồn kinh phí

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho Dân quân tự vệ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và địa phương. Việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Kinh phí bảo đảm cho tự vệ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thực hiện nhiệm vụ chi quy định tại Điều 39 của Luật này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo chế độ kế toán tài chính áp dụng đối với các đơn vị.

3. Các nguồn thu hợp pháp khác.

4. Đối với địa phương khó khăn về ngân sách được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách trung ương.

Điều 37. Nhiệm vụ chi của Bộ Quốc phòng

1. Trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm tiền ăn và các chi phí cho hoạt động của Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; kế hoạch của Tư lệnh quân khu, Tư lệnh quân chủng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phê duyệt.

2. Xây dựng và thực hiện chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, nghiên cứu khoa học quân sự về Dân quân tự vệ.

3. Thông tin, tuyên truyền về Dân quân tự vệ; hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của Dân quân tự vệ do Bộ Quốc phòng, cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.

4. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện quân sự, hội thi, hội thao, diễn tập và hoạt động của Dân quân tự vệ do Bộ Quốc phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức, trừ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

5. Đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở.

6. Xây dựng mô hình điểm về Dân quân tự vệ, công trình chiến đấu cho Dân quân tự vệ; xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện về quốc phòng, quân sự do Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu thực hiện.

7. Xây dựng chương trình, biên soạn, xuất bản, in, phát hành giáo trình, tài liệu, mẫu biểu đăng ký, quản lý thống kê, mẫu biểu kế hoạch, giấy phép, tài liệu thông tin khoa học quân sự về Dân quân tự vệ.

8. Sản xuất mẫu trang phục, sao mũ, phù hiệu, mô hình, học cụ, vật chất huấn luyện, băng, biển, cờ hiệu phục vụ hoạt động của Dân quân tự vệ.

9. Sản xuất, mua sắm mô hình, học cụ, vũ khí, trang bị chuyên dùng quân sự; sao mũ của Dân quân tự vệ, kỷ niệm chương; trang thiết bị phòng học chuyên dùng tại các nhà trường quân đội phục vụ đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

10. Bảo đảm vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.

11. Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự do Bộ Quốc phòng giao cho Dân quân tự vệ đảm nhiệm.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế về Dân quân tự vệ.

13. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác Dân quân tự vệ theo thẩm quyền.

14. Các nhiệm vụ chi khác cho Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Nhiệm vụ chi của địa phương

1. Xây dựng và thực hiện đề án, dự án, kế hoạch nghiên cứu khoa học quân sự về Dân quân tự vệ của địa phương.

2. Đăng ký, khám sức khỏe, tuyển chọn, quản lý, tổ chức xây dựng lực lượng, tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện quân sự, hội thi, hội thao, diễn tập, hoạt động của Dân quân tự vệ thuộc quyền; xây dựng kế hoạch và thực hiện quyết định mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ.

3. Thông tin, tuyên truyền về Dân quân tự vệ; hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của Dân quân tự vệ do địa phương tổ chức.

4. Bảo đảm chế độ, chính sách theo quy định tại Điều 33, khoản 1 Điều 34 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ phụ cấp các chức vụ trong Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, chức vụ chỉ huy đơn vị tự vệ của cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành trung ương, tổ chức kinh tế.

5. Bảo đảm chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh theo quy định tại Điều 35 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Mua sắm trang phục, phù hiệu cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, dân quân, tự vệ của cơ quan, tổ chức của địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 39 của Luật này.

7. Vận chuyển, sửa chữa, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, phương tiện, trang bị kỹ thuật; bảo đảm vũ khí thô sơ; công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang bị thiết yếu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị Dân quân tự vệ.

8. Xây dựng mới, sửa chữa kho tàng, công trình chiến đấu cho Dân quân tự vệ trong khu vực phòng thủ; nơi ăn, nghỉ của dân quân thường trực; trụ sở hoặc nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

9. Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự do địa phương giao cho Dân quân tự vệ đảm nhiệm.

10. Thực hiện hợp tác quốc tế về Dân quân tự vệ theo thẩm quyền.

11. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác Dân quân tự vệ theo thẩm quyền.

12. Các nhiệm vụ chi khác cho Dân quân tự vệ của địa phương theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao.

Điều 39. Nhiệm vụ chi của cơ quan, tổ chức

1. Đăng ký, khám sức khỏe, tuyển chọn, quản lý, tổ chức xây dựng lực lượng, tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện quân sự, hội thi, hội thao, diễn tập, hoạt động của tự vệ thuộc quyền.

2. Thông tin, tuyên truyền về Dân quân tự vệ; hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của Dân quân tự vệ thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức.

3. Bảo đảm phụ cấp các chức vụ của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, chức vụ chỉ huy đơn vị tự vệ của cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành trung ương, tổ chức kinh tế; chế độ, chính sách cho tự vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Mua sắm trang phục, phù hiệu cho Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức và tự vệ của cơ quan, tổ chức mình.

5. Vận chuyển, sửa chữa, bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền cấp; mua sắm, sửa chữa, bảo quản vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật thiết yếu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị tự vệ.

6. Kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác tự vệ theo thẩm quyền.

7. Các nhiệm vụ chi khác cho tự vệ của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 40. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Dân quân tự vệ.

2. Nội dung quản lý nhà nước về Dân quân tự vệ bao gồm:

a) Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về Dân quân tự vệ;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch về Dân quân tự vệ;

c) Tổ chức xây dựng lực lượng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm cho Dân quân tự vệ;

d) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Dân quân tự vệ;

đ) Hợp tác quốc tế về Dân quân tự vệ;

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ.

Điều 41. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về Dân quân tự vệ và có trách nhiệm sau đây:

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về Dân quân tự vệ;

2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng chiến lược, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch, nghiên cứu khoa học về Dân quân tự vệ;

3. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ;

4. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng lực lượng, huấn luyện quân sự, hoạt động, xây dựng kế hoạch và mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ;

5. Phối hợp với Bộ, ngành trung ương chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

6. Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng mô hình điểm về Dân quân tự vệ, công trình chiến đấu cho Dân quân tự vệ;

7. Thực hiện hợp tác quốc tế về Dân quân tự vệ;

8. Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ, ngành trung ương, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ theo thẩm quyền;

9. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Dân quân tự vệ;

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác về Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phối hợp hoạt động giữa các đơn vị Công an nhân dân và Dân quân tự vệ trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

2. Chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện pháp luật về Dân quân tự vệ.

Điều 43. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan, tổ chức

1. Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, trừ Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về Dân quân tự vệ và có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về Dân quân tự vệ liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý;

b) Tổ chức xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện quân sự, hội thi, hội thao, diễn tập và hoạt động của tự vệ;

c) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện đề án, dự án, kế hoạch về Dân quân tự vệ theo nhiệm vụ được giao;

d) Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ theo thẩm quyền;

đ) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Dân quân tự vệ;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này và có trách nhiệm sau đây:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan lập, trình Chính phủ dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên về Dân quân tự vệ do trung ương quản lý và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách, trình cấp có thẩm quyền;

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan phân bổ, bố trí ngân sách về các nhiệm vụ đầu tư cho Dân quân tự vệ do trung ương quản lý;

c) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã; về thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã;

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan chỉ đạo hướng dẫn về đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ trung cấp, cao đẳng ngành quân sự cơ sở;

đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo cơ sở giáo dục đại học xây dựng chương trình, hướng dẫn về đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ đại học ngành quân sự cơ sở;

e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với Dân quân tự vệ trong bảo vệ hải đảo, vùng biển, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; chỉ đạo, hướng dẫn việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu, thuyền trang bị cho Dân quân tự vệ biển theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp

1. Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phê chuẩn, quyết định đề án, dự án, kế hoạch về Dân quân tự vệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Quyết định ngân sách bảo đảm cho Dân quân tự vệ của địa phương;

c) Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về Dân quân tự vệ.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về Dân quân tự vệ và có trách nhiệm sau đây:

a) Trình Hội đồng nhân dân ban hành; ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác Dân quân tự vệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn, quyết định đề án, dự án, kế hoạch về Dân quân tự vệ;

c) Chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền tổ chức xây dựng lực lượng, tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện quân sự, hội thi, hội thao, diễn tập và hoạt động của Dân quân tự vệ;

d) Huy động tàu, thuyền, phương tiện dân sự bảo đảm cho Dân quân tự vệ tham gia bảo vệ hải đảo, vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện hợp tác quốc tế về Dân quân tự vệ được giao;

e) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quyết định mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ của cấp có thẩm quyền;

g) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ theo thẩm quyền;

h) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Dân quân tự vệ;

i) Thực hiện các nhiệm vụ khác về Dân quân tự vệ của địa phương theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao.

Điều 45. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về Dân quân tự vệ; giám sát việc thực hiện pháp luật về Dân quân tự vệ.

Chương VII

THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 46. Thi đua, khen thưởng

1. Cơ quan quân sự địa phương các cấp, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng liên quan thực hiện công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ.

2. Tổ chức phong trào thi đua trong Dân quân tự vệ gắn với phong trào thi đua của cơ quan, tổ chức, địa phương.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân và Dân quân tự vệ có thành tích trong thực hiện công tác Dân quân tự vệ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 47. Xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ nếu vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 48. Hình thức kỷ luật Dân quân tự vệ

1. Đối với chiến sĩ Dân quân tự vệ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Tước danh hiệu Dân quân tự vệ.

2. Đối với các chức vụ chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giáng chức;

d) Cách chức;

đ) Tước danh hiệu Dân quân tự vệ.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Dân quân tự vệ quy định tại Điều này.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 49. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến Dân quân tự vệ

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 4 như sau:

“a) Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 24 như sau:

“e) Dân quân thường trực đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ hoặc Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế đã qua huấn luyện tập trung đủ 03 tháng trở lên;”;

c) Bổ sung điểm h vào sau điểm g khoản 1 Điều 41 như sau:

“h) Dân quân thường trực.”.

2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 41 của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12Luật số 72/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 41 như sau:

“1. Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm thiếu úy sĩ quan dự bị;”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 41 như sau:

“3. Căn cứ vào nhu cầu biên chế, tiêu chuẩn chức vụ của sĩ quan, kết quả học tập quân sự và thành tích phục vụ quốc phòng, sĩ quan dự bị được bổ nhiệm chức vụ trong các đơn vị dự bị động viên hoặc giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được thăng cấp bậc quân hàm tương xứng với chức vụ đảm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với sĩ quan dự bị đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;”.

Điều 50. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

2. Luật Dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

641
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Luật Dân quân tự vệ 2019
Tải văn bản gốc Luật Dân quân tự vệ 2019

NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

Law No. 48/2019/QH14

Hanoi, November 22, 2019

LAW

MILITIA AND SELF-DEFENSE FORCES

Pursuant to Constitutions of Socialist Republic of Vietnam;

National Assembly promulgates Law on Militia and Self-defense Forces.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law prescribes obligations to join militia and self-defense forces; positions, functions, tasks, principles, organization, operations, benefits, policies and responsibilities of agencies, organizations and individuals to militia and self-defense forces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

In this Law, terms below are construed as follows:

1. “Militia and self-defense forces” refer to mass armed forces not separated from production and work, called “militia” if organized locally and “self-defense forces” if organized in regulatory authorities, political organizations, socio-political organizations, public service providers and economic organizations (hereinafter referred to as “agencies and organizations”).

2. “On-site militia and self-defense forces” refer to militia and self-defense forces operating in wards, communes, villages, hamlets and neighborhoods (hereinafter referred to as “villages”) and in agencies and organizations.

3. “Mobile militia and self-defense force” refer to mobile militia and self-defense forces operating in many divisions according to decisions of competent authorities.

4. “Standing militia” refers to standing forces operating in vital areas in terms of national defense.

5. “Marine militia and self-defense forces” refer to militia and self-defense forces operating in islands and territorial waters of Vietnam.

6. “Expansion of militia and self-defense forces” refers to conscription of citizens within the group age who have not participated in military duty, militia and self-defense force duties and citizens who have participated in militia and self-defense force duties and reservists who have not been conscripted into reserve forces for militia and self-defense forces.

7. “Military commands of agencies and organizations” refer to entities established in agencies and organizations to exercise national defense roles.

Military commands of agencies and organizations do not include military commands of central ministries established under Law on National Defense.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 3. Positions and functions of militia and self-defense forces

Militia and self-defense forces are constituents of people’s armed forces; forces to protect the Communist Party, government, lives and assets of the people, local and central agencies and organizations; core forces combating enemies with the people in local and central divisions during wartime.

Article 4. Organization and operation principles of militia and self-defense forces

1. Be placed under direction of the Communist Party of Vietnam, control of the President, joint management of Government, command of local governments and local level agencies affiliated to the Communist Party, heads of agencies and organizations; highest command of the Minister of National Defense; lead of the Chief of the General Staff of People’s Army of Vietnam, commanders of military units.

2. Comply with the Constitutions, regulations and law and international agreements to which Vietnam is a signatory; rely on the people, utilize total strength of the whole country and political system to perform tasks.

3. Develop militia and self-defense forces strengthened and widespread; organization and payroll of militia and self-defense forces must satisfy national defense and security tasks, linked with administrative divisions and tasks of local governments, agencies and organizations; enable lead, direction, command, management and conformity with socio-economic conditions of each local division, agency and organization.

Article 5. Tasks of militia and self-defense forces

1. Be ready to fight, fighting and assistance with fighting to protect local and central divisions, agencies and organizations.

2. Cooperate with People’s Army, People’s Public Security and other forces within the division to protect sovereignty, security of national border, islands, territorial waters and airspace of Vietnam; participate in developing people-based national defense, national security defense and protection zones, ensure social security and safety, and participate in prevention and fight against crimes and violations as per the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Participate in adopting measures regarding information warfare and cyberspace warfare according to regulations and law, and decisions of competent authorities.

5. Prevent, counter and remediate consequences of disasters, accidents, natural disasters, diseases, fire and explosion; search and rescue; protect forests and environment and conduct other civil protection tasks as per the law.

6. Publicize and mobilize the people to follow guidance and viewpoints of the Communist Party, policies and regulations and law of government on national defense and security; participate in developing local and central government strengthened, completed and adopt social policies.

7. Conduct other tasks as per the law.

Article 6. Composition of militia and self-defense forces

1. On-site militia and self-defense forces.

2. Mobile militia and self-defense forces.

3. Standing militia.

4. Marine militia and self-defense forces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 7. Militia and self-defense force traditional day

March 28 of each year shall be the traditional day for militia and self-defense forces.

Article 8. Age and duration of participation in militia and self-defense forces during peacetime

1. Male citizens from 18 years of age until 45 years of age inclusively, female citizens from 18 years of age until 40 years of age inclusively are responsible for joining militia and self-defense forces; in case of voluntary participation, militia and self-defense force duties may last up to the age of 50 inclusively for male and 45 inclusively for female.

2. Duration of participation in on-site, mobile, marine, anti-aircraft, artillery, scouting, information, engineering, chemical defense and medical militia and self-defense forces is 4 years; duration of participation in standing militia is 2 years.

Based on requirement and tasks of national defense and military of local governments, agencies and organizations, duration of participation in militia and self-defense forces may be extended for no more than 2 years; for marine militia, self-defense forces and commanders of militia and self-defense forces may be extended without exceeding the age specified in Clause 1 of this Article.

3. Chairpersons of People’s Committees of communes and districts that do not have communes, heads of agencies and organizations shall decide to prolong the age group and duration of participation of militia and self-defense forces as specified in this Article.

Article 9. Registration of citizens for participation in militia and self-defense forces and management of militia and self-defense forces

1. Registration of citizens for participation in militia and self-defense forces is prescribed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Chairpersons of People’s Committees of communes and districts that do not have communes are responsible for registering citizens within the age group eligible for participation in militia and self-defense forces that change residence or register temporary or permanent residence for participation in militia and self-defense forces.

In case of changes to workplace, heads of agencies and organizations are responsible for registering citizens for participation in militia and self-defense forces;

c) Persons with physical disability, persons with life-threatening diseases and mental illnesses are exempted from registration and participation in militia and self-defense forces as per the law.

2. Management of militia and self-defense forces is prescribed as follows:

a) Personnel of militia and self-defense forces that are absent during task period must report to direct commanders for consideration and decision;

b) Personnel of militia and self-defense forces that are temporarily absent for 3 months or more must report to military commands of communes or districts that do not have communes of are of residence, military commands of agencies and organizations or commanders of self-defense forces if military commands of agencies and organizations are not available;

c) Government shall regulate management hierarchies of militia and self-defense forces.

Article 10. Standards, selection and authorization for decision of citizens for participation in militia and self-defense forces

1. Eligibility to be selected in militia and self-defense forces in addition to being Vietnamese citizens and within the age groups:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Stringent compliance with policies and viewpoint of the Communist Party, policies, regulations and law of government;

c) Adequate health to perform tasks of militia and self-defense forces.

2. Selection for militia and self-defense forces is prescribed as follows:

a) Ensure public, democracy and compliance with regulations and law;

b) On a yearly basis, military commands of districts shall direct and instruct People’s Committees of communes, agencies and organizations to select citizens for participation in militia and self-defense forces; military commands of districts shall directly make the selection if the districts do not have communes.

3. Reservists who have not been conscripted for reserve forces shall be selected for militia and self-defense forces.

4. Chairpersons of People’s Committees of communes and districts that do not have communes, heads of agencies and organizations shall decide which citizens to participate in militia and self-defense forces.

5. Minister of National Defense shall elaborate Clause 1 of this Article.

Article 11. Delay and exemption from participation in militia and self-defense forces during peacetime

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) She is pregnant or raising a child under 36 months old; he is raising a child under 36 months old; or

b) He/she has inadequate health to perform tasks of militia and self-defense forces; or

c) He/she has a spouse who is an officer, professional servicemen, official, national defense employee, non-commissioned officer or soldier serving in People’s Army; or

d) He/she has a spouse who is an officer, non-commissioned officer, soldier or policeman serving for People’s Public Security; or

dd) He/she has a spouse who is official or youth volunteer assigned to extremely disadvantaged socio-economic area according the law provisions; or

e) He/she is the only breadwinner in a poor or near poor household; person directly taking care of relatives incapable of working or not in the age for working; person within a household heavily damaged in terms of humans and assets due to accidents, disasters or diseases confirmed by Chairperson of commune or district that do not have communes, or head of agency or organization where he/she lives; or

g) He/she is a spouse, child of sick soldiers, people infected with dioxin and suffering labor capacity reduction from 61% to 80%; or

h) He/she is studying in education institutions of regulatory authorities, political organizations, socio-political organizations and education institutions of formal education systems; he/she is working or studying abroad.

2. A citizen shall be exempted from participation in militia and self-defense forces in case:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) He/she is a spouse, child of sick soldiers, people infected with dioxin and suffering labor capacity reduction of 81% or more; or

c) He/she is a reservist and has been arranged in reserve forces; or

d) He/she is directly taking care of Vietnamese heroic Mothers; directly taking care of persons suffering labor capacity reduction of 81% or more; or

dd) He/she is working in cipher field.

3. Citizens delayed or exempted from participation in militia and self-defense forces specified in Points c, d, dd, e and g Clause 1 and Points a, b and d Clause 2 of this Article shall be considered for selection in case of voluntary.

4. Chairpersons of People’s Committees of communes and districts that do not have communes, heads of agencies and organizations shall decide which citizens to be delayed and exempted from participation in militia and self-defense forces.

Article 12. Dismissal from militia and self-defense forces before time limit and removal from list of militia and self-defense forces

1. A citizen shall be dismissed from militia and self-defense forces in case:

a) Female personnel of militia or self-defense force is pregnant or raising a child under 36 months old; male personnel of militia or self-defense force raising a child under 36 months old; or

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) His/her unexpected family hardships render inability to participate in militia and self-defense forces which is confirmed by Chairpersons of People’s Committees of communes and districts that do not have communes, heads of agencies and organizations; or

d) He/she is conscripted for army or People’s Public Security; employed as a national defense official or policeman; or

dd) He/she receives letter of admission in higher education institution, vocational education institution, school of regulatory authority, political organization or socio-political organization; receives notice and travels abroad for work or study.

2. A citizen shall be removed from list of militia and self-defense forces in case:

a) He/she is deceased or declared by the court to be missing or deceased; or

b) He/she is a suspect in a charge; or

c) He/she is revoked from the title of militia and self-defense forces; or

d) He/she is met with enforced entry to education institutions; or

dd) He/she is addicted to drugs according to confirmation of competent authority or met with enforced entry to rehabilitation centers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Chairpersons of People’s Committees of communes and districts that do not have communes, heads of agencies and organizations shall decide which citizens to be dismissed and removed from militia and self-defense forces.

Article 13. Completion of militia and self-defense force duties

1. Personnel of militia and self-defense forces completing time limit specified in Clause 2 Article 8 of this Law shall be recognized as having completed participation in militia and self-defense forces.

2. Citizens already completed participation in militia and self-defense forces while still remain within the age group specified in Clause 1 Article 8 of this Law shall be subject to registration and management of Chairpersons of People’s Committees of communes and of districts that do not have communes, heads of agencies and organizations so as to be ready for expansion of militia and self-defense forces.

3. Standing militia shall be recognized for completion of active military duty during peacetime according to Law on Military Service.

4. Chairpersons of People’s Committees of communes and districts that do not have communes, heads of agencies and organizations shall recognize completion of citizens in terms of militia and self-defense forces.

Article 14. Prohibited acts regarding militia and self-defense forces

1. Establish, participate, sponsor, train, deploy or use militia and self-defense forces against regulations and law.

2. Evade, oppose or obstruct organization, training, operation and responsibility to participate in militia and self-defense forces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Exploit and abuse titles, powers and tasks of personnel of militia and self-defense forces to violate interests of nation, legal rights and benefits of agencies, organizations and individuals.

5. Manufacture, transport, trade, collect, store, use and appropriate illegally weapons, military explosives, combat gears, equipment, technical devices, uniforms, star hat pins, badges or assets of militia and self-defense forces.

6. Display discrimination by gender during operation of militia and self-defense forces.

Chapter II

ORGANIZATION, PAYROLL, WEAPONS AND EQUIPMENT OF MILITIA AND SELF-DEFENSE FORCES

Article 15. Organization of militia and self-defense forces

1. Hamlets shall organize fireteams, squads or platoons of on-site militia.

2. Communes shall organize platoons of mobile militia. Coastal and island communes shall organize platoons of mobile militia and squads or platoons of marine militia.

Based on national defense and military requirements, communes shall organize mortar teams, fireteams or squads of scouting, information, engineering, chemical defense and medical militia; communes vital to national defense shall organize squads or platoons of standing militia.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. On the basis of organization of militia and self-defense forces divisions specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article, based on national defense and military requirements, districts shall organize platoons or companies of mobile militia and self-defense forces, platoons of anti-aircraft and artillery militia and self-defense forces, squads or platoons of standing militia; provinces shall organize companies of anti-aircraft and artillery militia and self-defense forces; coastal provinces shall organize flotillas of standing militia.

5. Minister of National Defense shall prescribe scale, organization and payroll of militia and self-defense forces; decide vital communes in terms of national defense.

Article 16. Expansion of militia and self-defense forces

1. Militia and self-defense forces shall be expanded when:

a) Decisions on local mobilization and general mobilization are implemented;

b) Emergencies namely disasters, diseases or serious threats to national security, social order and safety are declared.

2. Minister of National Defense shall prescribe plan and authorization for expansion of militia and self-defense forces.

Article 17. Conditions for organization of self-defense forces in enterprises

An enterprise shall be considered for organization of self-defense forces if it:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. satisfies national defense and security requirements, schemes and plans for organization of local militia and self-defense forces where the enterprise operates and fits production and trade activities of the enterprise; and

3. has operated for 24 months or more; and

4. has enough workers eligible for participation in militia and self-defense forces to organize at least 1 squad of self-defense force.

Article 18. Hierarchy of command of militia and self-defense forces

1. Minister of National Defense.

2. Chief of the General Staff of People’s Army of Vietnam.

3. High commands of military regions, high commands of military branches, high commands of Border Guard, high commands of coast guards, Capital High Command, high commands of specialties, high commands of corps.

4. High Command of Ho Chi Minh City, commanding officers of military commands of provinces.

5. Commanding officers of provincial military commands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

7. Commanding officers of military commands of agencies and organizations.

8. Commanding officers of military commands of communes.

9. Commanders in chief of battalions, naval squadrons, companies, flotillas, platoons, squads, captains of ships, commanders in chief of fireteams of militia and self-defense forces.

10. Hamlet leaders.

Article 19. Commanding titles of militia and self-defense forces

1. Commanding titles of military commands of communes and military commands of agencies and organizations include:

a) Commanding officers, political commissars;

a) Deputy commanding officers, deputy political commissars.

2. Commanding titles of militia and self-defense forces include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Commanders in chief of companies, political commissars of companies, commanders in chief of companies, deputy political commissars; Commanders in chief of flotillas, political commissars of flotillas, commanders in chief of flotillas, deputy political commissars;

c) Commanders in chief of platoons;

d) Commanders in chief of squads, fireteams and captains of ships;

dd) Hamlet leaders and commanding officers of on-site militia.

Article 20. Military commands of communes and hamlet leaders

1. Military commands of communes are standing agencies performing national defense tasks of communes. Compositions of military commands of communes include:

a) Commanding officers that are members of People’s Committees of provinces and reservists; during national defense emergencies and at war, shall be conscripted for active duty as specified in Law on People’s Army of Vietnam and shall continue to hold title of commanding officers of military commands of communes;

b) Political commissars shall be assigned to secretaries of Party Executive Committees of communes;

c) Deputy political commissars shall be assigned to secretaries of Ho Chi Minh Communist Youth Union;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Military commands of communes shall have separate head offices or workplaces and use separate seals as per the law.

3. Military commands of communes shall have following functions and tasks:

a) Act as advisors for Party Executive Committees and commune-level governments to facilitate lead, direction, management and guidance on implementation of national defense and military tasks as per the law;

b) Take charge and cooperate with ministries and departments in developing and organizing implementation of national defense plans and other plants related to national defense and military tasks of communes;

c) Cooperate with Vietnamese Fatherland Front Committees, ministries and departments of communes in publicizing policies and viewpoints of Communist Party, policies and regulations and law of government, educating on national defense and security; participating in developing total strengthened facilities; adopting rear service, incentives for people with meritorious services to the revolution policies;

d) Organize military training, political and law education, sports competitions and drills for militia; direct militia to conduct tasks as specified in this Law, other relevant law provisions and decisions of competent authorities;

dd) Register, manage, preserve and use military weapons, military explosives, combat gears, equipment, devices and technical instruments of militia under management in accordance with regulations and law and decisions of competent authorities;

e) Act as advisors to enable People’s Committees of communes to examine and take actions against violations, handle complaints and accusations, conduct preliminary reports and final reports, adopt competitions and commendations regarding local national defense as per the law.

4. Hamlet leaders shall act as advisors to enable Party Executive Committees and hamlet heads to direct, lead and organize implementation of national defense and military tasks in hamlets; manage and lead directly militia under management; cooperate in adopting policies on rear services and incentives for people with meritorious services to the revolution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 21. Military commands of agencies and organizations

1. Military commands of agencies and organizations shall be considered if the agencies and organizations:

a) establish the Communist Party of Vietnam; and

b) establish self-defense forces of agencies and organizations.

2. Military commands of agencies and organizations shall follow dual office holding regime and include commanding officers that are heads or deputies of the agencies and organizations, political commissars that are secretaries or deputy secretaries of Party Executive Committees of the same levels, deputy commanders and deputy political commissars.

3. Military commands of agencies and organizations may use separate seals as per the law.

4. Military commands of agencies and organizations shall have following functions and tasks:

a) Act as advisors for Party Executive Committees and heads of agencies and organizations to lead and direct national defense operations;

b) Develop and organize implementation of national defense plans, self-defense plans and other plans relating to national defense and military tasks of the agencies and organizations; cooperate in adopting policies of rear services and incentives for people with meritorious services to the revolution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Register, manage, preserve and use military weapons, military explosives, combat gears, equipment, devices and technical instruments of self-defense forces under management in accordance with regulations and law;

dd) Act as advisors to enable Party Executive Committees and heads of agencies and organizations to examine, take actions against violations, handle complaints and accusations, conduct preliminary reports and final reports, adopt competitions and commendations regarding national defense operations.

5. Government shall regulate number of deputy commanding officers; standards and equipment of military commands of agencies and organizations.

Article 22. Authorization for establishment and dissolution of militia, self-defense forces, military commands of communes and military commands of agencies and organizations

1. Authorization for establishment of militia, self-defense forces, military commands of communes and military commands of agencies and organizations, except for self-defense forces in military enterprises are prescribed as follows:

a) Chief of the General Staff of People’s Army of Vietnam shall decide establishment of companies of anti-aircraft militia and self-defense forces and companies of artillery militia and self-defense forces;

b) High commands of military regions, high command of navy and Capital High Command shall decide establishment of squads of self-defense forces; flotillas of militia and self-defense forces, flotillas of standing militia; naval squadrons of militia and self-defense forces;

c) Capital High Command and High Command of Ho Chi Minh City and commanding officers of military commands of provinces shall decide establishment of companies of self-defense forces, companies of mobile militia; platoons of anti-aircraft and artillery militia and self-defense forces; platoons of marine militia and self-defense forces; squads and platoons of standing militia;

d) Commanding officers of military commands of districts shall decide establishment of platoon of mobile militia and self-defense forces; squads and platoons of on-site militia and self-defense forces; fireteams of artillery militia and self-defense forces; teams and squads of scouting, information, engineering, chemical defense and medical militia; squads of marine militia and self-defense forces;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

e) Capital High Command, High Command of Ho Chi Minh City and commanding officers of military commands of provinces shall decide establishment of military commands of communes and military commands of agencies and organizations.

2. An entity capable of making decisions on establishment of militia, self-defense forces, military commands of communes and military commands of agencies and organizations are also capable of making decisions on dissolution thereof.

3. Minister of National Defense shall prescribe authorization for establishment of self-defense forces in military enterprises; procedures for establishment and dissolution of militia, self-defense forces, military commands of communes and military commands of agencies and organizations.

Article 23. Designation and discharge of commanding titles of militia and self-defense forces

1. Authorization for designation of commanding titles of militia and self-defense forces, except for commanding titles of self-defense forces in military enterprises is prescribed as follows:

a) High commands of military regions, high commands of navy and Capital High Command shall decide designation of commanders in chief of battalions and naval squadrons of militia and self-defense forces;

b) Capital High Command, High Command of Ho Chi Minh City, commanding officers of military commands of provinces shall decide designation of commanders in chief of companies and flotillas of militia and self-defense forces; High commands of navy shall decide designation of commanding titles of flotillas under their management;

c) Commanding officers of military commands of districts shall decide designation of hamlet leaders, commanders in chief of platoons, squads, captains of ships and commanders in chief of fireteams of militia and self-defense forces;

d) Capital High Command, High Command of Ho Chi Minh City and commanding officers of military commands of provinces shall decide designation of commanding titles of military commands of agencies and organizations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Discharge of commanding titles of militia and self-defense forces is prescribed as follows:

a) Discharge commanding titles of militia and self-defense forces shall be performed upon changes to positions or organizations and no longer within payroll of current titles or eligible and satisfactory for holding of current titles;

b) A competent authority capable of deciding designation of titles shall also be capable of deciding discharge of said titles.

3. Minister of National Defense shall regulate procedures for designation and discharge of titles specified in this Article and authorization for designation of commanding titles of self-defense forces in military enterprise; regulate officers of People’s Army of Vietnam holding commanding titles of militia and self-defense forces where necessary.

Article 24. Uniforms, star hat pins and badges of militia and self-defense forces

Commanding titles of military commands of communes, military commands of agencies and organizations and militia and self-defense forces shall be provided and permitted to use uniforms, star hat pins and badges as per the law.

Article 25. Provision of military weapons, military explosives, combat gears, equipment, devices, technical instruments for militia and self-defense forces

1. Militia and self-defense forces shall be furnished with military weapons, explosives, combat gears, devices, equipment and technical instruments according to regulations and law on management and use of military weapons, military explosives and combat gears and relevant law provisions.

2. Minister of National Defense shall regulate provision, registration, management and use of military weapons, military explosives, combat gears, equipment, devices and technical instruments of militia and self-defense forces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

TRAINING COMMANDING OFFICERS OF MILITARY COMMANDS OF COMMUNES; COACHING AND IMPROVING COMMANDING TITLES; TRAINING MILITIA AND SELF-DEFENSE FORCES

Article 26. Training commanding officers of military commands of communes

Commanding officers and deputy commanders of military commands of communes must be trained for commanding officers of military commands of communes regarding basic military major in post-secondary, college or university levels in military education institutions.

Article 27. Coaching and improving commanding titles of militia and self-defense forces

1. During peacetime and emergencies regarding national defense and war, commanding titles of militia and self-defense forces shall be coached and improved according to programs devised for each title in a manner that satisfies requirements of national defense and security tasks and conditions of local areas, agencies and organizations.

2. Minister of National Defense shall regulate programs, contents, period, list of coaching materials, classification and facilities for coaching and improving commanding titles of militia and self-defense forces.

Article 28. Military training, political and law strengthening, sports games and drills for militia and self-defense forces

1. During peacetime, annual periods for military training, political and law education shall be prescribed as follows:

a) With respect to militia and self-defense forces in their first year except standing militia, the aforementioned period shall be 15 days;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) With respect to standing militia, the aforementioned period shall be 60 days.

2. During emergencies regarding national defense and at war, militia and self-defense forces shall receive military training and political and law education in a manner that satisfies requirements of national defense and security tasks and conditions of local areas, agencies and organizations.

3. Minister of National Defense shall regulate programs, contents, list of materials for military training, political and law education, sports competitions and drills for militia and self-defense forces.

Chapter IV

OPERATIONS OF MILITIA AND SELF-DEFENSE FORCES

Article 29. Standby and readiness for deploy

1. Maintain and implement standby and readiness for deploy of militia and self-defense forces.

2. Develop, revise and add plans for militia and self-defense forces.

3. Act as core forces to develop fighting communes, wards and towns; participate in developing totally strengthened facilities, defense zones, the people-based national defense and all-people national defense together with developing local people’s security and people’s security schemes.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Minister of National Defense shall elaborate Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 30. Fighting and assistance with fighting

1. Expand militia and self-defense forces according to decisions of competent authorities.

2. Protect prevention and evacuation of assigned agencies, organizations, people and targets.

3. Fight enemies to protect hamlets, communes, wards, towns, agencies and organizations within defense areas.

4. Assist with fighting within defense areas.

5. Participate in political enhancement; develop and strengthen fighting hamlets, communes, wards, towns, agencies and organizations.

Article 31. Cooperation of militia and self-defense forces

1. Militia and self-defense forces shall cooperate with regulatory authorities to:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) protect national security, ensure social security and order and take part in prevention and fight against crimes and violations;

c) publicize and encourage people to develop totally strengthened facilities; adopt society policies;

d) Prevent, counter and remediate consequences of disasters, accidents, natural disasters, diseases, fire and explosion; search and rescue; protect forests and environment and other civil defense acts.

2. Government shall elaborate this Article.

Article 32. Authorization of mobilization of militia and self-defense forces

1. Except for declaration of war, emergencies regarding national defense, martial law and curfews, militia and self-defense forces shall be mobilized where necessary according to following authorization:

a) Minister of National Defense and Chief of the General Staff of People’s Army of Vietnam shall mobilize militia and self-defense forces on a nationwide scale;

b) High commands of military regions shall mobilize militia and self-defense forces within the regions after reaching agreements with Chairpersons of People’s Committees of provinces where the militia and self-defense forces are mobilized;

c) High commands of navy shall mobilize marine militia and self-defense forces after reaching agreements with high commands of military regions, Chairpersons of People’s Committees of provinces and heads of agencies and organizations where the militia and self-defense forces are mobilizes;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) High Command of Ho Chi Minh City and commanding officers of military commands of provinces shall mobilize militia and self-defense forces within their divisions after reaching agreements with Chairpersons of People’s Committees of provinces and high commands of military regions;

e) Commanding officers of military commands of districts shall mobilize militia and self-defense forces within their divisions after reaching agreements with Chairpersons of People’s Committees of districts and commanding officers of military commands of provinces, Capital High Command and High Command of Ho Chi Minh City;

g) Commanding officers of military commands of communes shall mobilize militia within communes after reaching agreements with Chairpersons of People’s Committees of communes and commanding officers of military commands of districts;

h) Commanding officers of military commands of agencies and organizations shall organize mobilization of self-defense forces under their management within the agencies and organizations after reaching agreements with heads of the agencies and organizations and commanding officers of military commands of districts;

i) Heads of military enterprises shall mobilize self-defense forces under management of the enterprises.

2. During wartime, emergencies regarding national defense, marital law or curfew, mobilization and use of militia and self-defense forces shall comply with regulations under Law on National Defense and other relevant law provisions.

3. Chairpersons of People’s Committees and heads of agencies and organizations where militia and self-defense forces are mobilized must stringently comply with mobilization decisions of competent authorities; receive and assign tasks to self-defense forces after finishing affairs.

Chapter V

BENEFITS, POLICIES AND EXPENDITURE FOR MILITIA AND SELF-DEFENSE FORCES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Commanding titles of militia and self-defense forces specified in Article 19 of this Law shall benefit from title allowance.

2. Deputy commanders of military commands of communes shall benefit from monthly allowances, compulsory social insurance according Law on Social Insurance and health insurance according to Law on Health Insurance; a deputy commander that has not participated in social insurance and has been working consecutively for 60 months or more shall receive the benefit once upon retirement.

3. Deputy commanders of military commands of communes and commanding titles of mobile militia and standing militia shall receive national defense and military allowances.

4. Commanding officers, political commissars, deputy commanders and deputy political commissars of military commands of communes who have been working for 60 months or more shall benefit from seniority pay.

5. Hamlet leaders shall benefit from monthly allowance and allowance for dual holding titles of commanders in chief of squads or platoons of on-site militia.

6. Government shall elaborate this Article.

Article 34. Benefits and policies for militia and self-defense forces on missions

1. Benefits and policies for militia and self-defense forces on missions are prescribed as follows:

a) On-site militia, mobile militia, anti-aircraft, artillery, scouting, information, engineering, chemical defense and medical militia shall receive benefit for labor days and guaranteed allowances; receive benefits for being on missions from 10 p.m to 6 a.m the following day, days of rest, holidays, involve in heavy, toxic, dangerous matters or particularly heavy, toxic and dangerous matters according to regulations and law on labor; receive benefit for additional labor days in case of extended period of militia and self-defense forces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Marine militia shall receive interest and policies specified in Point a of this Clause; receive allowance for labor days and additional allowances while on missions to protect islands and territorial waters; captains and chief engineers shall receive responsibility allowance for actual number of days at sea;

c) Standing militia shall receive benefits and policies specified in Point a of this Clause; receive one-time benefit after being recognized for completion of active military duty during peacetime; receive social insurance and health insurance similar to non-commissioned officers and soldiers of People’s Army of Vietnam on active duty; assigned with places for daily routines.

2. Self-defense forces going on missions shall receive full salary, financial well-being, allowances, fees, benefits and policies as per the law; marine self-defense forces protecting islands and territorial waters shall receive additional salary, bonuses according to ranks and allowances for actual number of days at sea.

3. Authorities shall be responsible for ensuring benefits and policies for the militia and self-defense forces that they send on missions.

4. Government shall regulate base amount of benefits and allowances for each compositions of militia and self-defense forces specified in this Article.

Article 35. Benefits and policies for diseased, met with accidents, deceased, injured or perished militia and self-defense forces

1. Militia and self-defense forces that are on missions or training for commanding officers of military commands of communes in the major of basic military shall benefit from following benefits and policies:

a) Militia and self-defense forces that do not participate in health insurance shall be paid for medical examination and treatment fees in case of sickness, accident or injury;

b) Militia and self-defense forces that do not participate in social insurance shall be considered for benefit depending on level of labor capacity reduction in case of accident which reducing labor capacity as concluded by the Medical Examination Council or receipt of death benefits and funeral payment in case of decease;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Militia adopting sterilization methods, female militia using vaginal rings and male militia whose wives are expecting may temporary leave from militia and self-defense forces; leave period shall comply with regulations and law on social insurance.

3. Government shall regulate conditions, amount, procedures and agencies responsible for ensuring expenditure, benefits and policies for militia and self-defense forces specified in Point a and Point b Clause 1 of this Article

Article 36. Funding sources

1. State budget shall fund militia and self-defense forces of regulatory authorities, political organizations, socio-political organizations, public service providers and local governments. Preparation, compliance and making of statement of budget shall comply with regulations and law on state budget and other relevant law provisions.

2. Expenditure on self-defense forces of business entities and business service providers making payments specified in Article 39 of this Law shall be deducted when determining income subject to corporate income tax of the business entities and business service providers according to regulations and law on corporate income tax. Making of statement, payment and settlement of expenditure according to financial accounting policies are applied to all entities.

3. Other legitimate revenues.

4. Central government budget shall assist local government with budget difficulties regarding expenditure on implementation depending on balanced central government budget.

Article 37. Disbursement tasks of Ministry of National Defense

1. Benefit for labor days, daily allowances and other expenditure for operations of militia and self-defense forces on missions shall comply with decisions of Minister of National Defense, Chief of the General Staff of People’s Army of Vietnam; plans of high commands of military regions, high commands of army branches approved by Minister of National Defense and Chief of the General Staff of People’s Army of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Inform and publicize militia and self-defense forces; celebrate traditional day of militia and self-defense forces organized by Ministry of National Defense and agencies, entities affiliated to People’s Army of Vietnam.

4. Organize training, coaching, military training, sports competitions, drills and operations of militia and self-defense forces organized by Ministry of National Defense and agencies, entities affiliated to Ministry of National Defense, except for Capital High Command.

5. Train commanding officers of military commands of communes in the field of basic military.

6. Develop models of militia and self-defense forces and combat structures for militia and self-defense forces; develop totally strengthened facilities regarding national defense and military implemented by Ministry of National Defense and General Staff.

7. Develop programs, compose, publish, print and circulate text books, documents and schedules for registration, management, stocktaking, schedules for plans, license, permits and documents on military science information regarding militia and self-defense forces.

8. Manufacture sample uniforms, star hat pin, badges, models, study and training materials, ribbons, panels and colours serving operation of militia and self-defense forces.

9. Manufacture and purchase models, study and training materials, and military specialized equipment; star hat pins of militia and self-defense forces, memorial trophies; specialized equipment for classrooms in military education institutions serving training of commanding officers of military commands of communes.

10. Provision of military weapons, military explosives, combat gears, equipment, devices, technical instruments for militia and self-defense forces as per the law.

11. Manage and protect national defense structures and military zones assigned to militia and self-defense forces by Ministry of National Defense.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

13. Examine, inspect, take actions, handle complaints and accusations, conduct preliminary reports and final reports and provide commendations regarding militia and self-defense forces within powers.

14. Other disbursement for militia and self-defense forces as per the law.

Article 38. Disbursement tasks of local governments

1. Develop and implement military schemes, projects, plans and scientific research regarding local militia and self-defense forces.

2. Register and conduct medical examination, select, manage, organize forces, provide training, coaching, military training, sports competitions, drills, operations of militia and self-defense forces under management; develop plans and implement decisions on expansion of militia and self-defense forces.

3. Inform and publicize militia and self-defense forces; celebrate traditional day of militia and self-defense forces organized by local governments.

4. Ensure benefits and policies specified in Article 33, Clause 1 Article 34 of this Law and other relevant law provisions, except for allowances for titles in military commands of agencies, organizations, commanding titles of self-defense forces of agencies and organizations affiliated to central ministries and business entities.

5. Ensure benefits and policies for militia and self-defense forces that are diseased, met with accidents, deceased, injured or perished as specified in Article 35 of this Law and other relevant law provisions.

6. Purchase uniforms and badges for commanding military commands of communes, military commands of agencies and organizations, and militia and self-defense forces of local agencies and organizations, except for cases specified in Clause Article 39 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

8. Construct new, repair combat storage and structures for militia and self-defense forces in defense zones; places for daily routines of standing militia; head offices or workplaces of military commands of communes.

9. Manage and protect national defense structures and military zones assigned to militia and self-defense forces by local governments.

10. Perform international cooperation regarding militia and self-defense forces within powers.

11. Examine, inspect, take actions, handle complaints and accusations, conduct preliminary reports and final reports and provide commendations regarding militia and self-defense forces within powers.

12. Other disbursement for local militia and self-defense forces according regulations and law and assignment of competent authorities.

Article 39. Disbursement tasks of agencies and organizations

1. Register and conduct medical examination, select, manage, organize forces, provide training, coaching, military training, sports competitions, drills and operations of militia and self-defense forces under management.

2. Inform and publicize militia and self-defense forces; celebrate traditional day of militia and self-defense forces under management of agencies and organizations.

3. Ensure allowances for titles of military commands of agencies and organizations, commanding titles of self-defense forces of agencies and organizations affiliated to central ministries and business entities; benefits and policies for self-defense forces specified in Clause 2 Article 34 of this Law and other relevant law provisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Transport, repair and preserve weapons, combat gears, equipment and technical instruments provided by competent authorities; purchase, repair and preserve necessary cold weapons, combat gears, equipment and technical instruments satisfactory to requirements and tasks of self-defense forces.

6. Examine, take actions, handle complaints and accusations, conduct preliminary reports and final reports and provide commendations regarding self-defense forces within powers.

7. Other disbursement for self-defense forces of agencies and organizations as per the law.

Chapter VI

RESPONSIBILITIES OF AGENCIES AND ORGANIZATIONS REGARDING MILITIA AND SELF-DEFENSE FORCES

Article 40. Responsibilities of Government

1. Government shall perform joint state management regarding militia and self-defense forces.

2. Contents of state management regarding militia and self-defense forces include:

a) Issue and present competent authorities to promulgate and organize implementation of legislative documents on militia and self-defense forces;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Develop forces, train, coach, drill, operation and assure militia and self-defense forces;

d) Publicize and spread policies and viewpoints of Communist Party, policies and regulations and law of government regarding militia and self-defense forces;

dd) Perform international cooperation regarding militia and self-defense forces;

e) Examine, inspect, take actions, handle complaints and accusations, conduct preliminary reports and final reports and provide commendations regarding militia and self-defense forces.

Article 41. Responsibilities of Ministry of National Defense

Ministry of National Defense shall be responsible to government regarding implementation of state management regarding militia and self-defense forces and be responsible for:

1. requesting government and Prime Minister to issue and issuing legislative documents on militia and self-defense forces within powers;

2. taking charge and cooperating with relevant agencies and organizations in developing strategies, policies, schemes, projects, plans and scientific research regarding militia and self-defense forces;

3. taking charge and cooperating with relevant agencies and organizations in training commanding officers of military commands of communes in basic military majors; training and coaching commanding titles of militia and self-defense forces;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. cooperating with central ministries in directing and guiding local governments, relevant agencies and organizations to provide benefits and policies for militia and self-defense forces as specified in this law and other relevant law provisions;

6. taking charge, directing and guiding local governments, relevant agencies and organizations to develop core models of militia and self-defense forces and combat structures for militia and self-defense forces;

7. performing international cooperation regarding militia and self-defense forces;

8. taking charge or cooperating with central ministries, local governments and relevant agencies and organizations in examining, inspecting, taking actions, handling complaints, accusations, conducting preliminary reports, final reports, competing and commending regarding militia and self-defense forces within powers;

9. publicizing and spreading policies and viewpoints of Communist Party, policies and regulations and law of government regarding militia and self-defense forces;

10. conducting other tasks regarding militia and self-defense forces as per the law.

Article 42. Responsibilities of Ministry of Public Security

1. taking charge and cooperating with Ministry of National Defense in directing, guiding and organizing implementation of collaboration between People’s Public Security and militia and self-defense forces in protecting national security, ensuring social order and security, fighting and preventing crimes and violations against regulations and law.

2. directing local police to cooperate with military agencies of the same levels, relevant agencies and organizations in implementing regulations and law on militia and self-defense forces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Central ministries, agencies and organizations other than Ministry of Public Security, within their tasks and powers, shall cooperate with Ministry of National Defense in performing state management regarding militia and self-defense forces and shall be responsible for:

a) issuing instructional documents on militia and self-defense forces regarding specialized fields;

b) organizing development, training, military training, competitions, drills and operations of self-defense forces;

c) directing and organizing implementation of schemes, projects and plans regarding militia and self-defense forces according to assigned tasks;

d) taking charge or cooperating with Ministry of National Defense, local relevant agencies and organizations in examining, inspecting, taking actions, handling complaints, accusations, conducting preliminary reports, final reports, competing and commending regarding militia and self-defense forces within powers;

dd) publicizing and spreading policies and viewpoints of Communist Party, policies and regulations and law of government regarding militia and self-defense forces;

e) conducting other tasks regarding militia and self-defense forces as per the law.

2. Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of Home Affairs, Ministry of Labors - War Invalids and Social Affairs, Ministry of Education and Training and Ministry of Agriculture and Rural Development within their tasks and powers, shall exercise Clause 1 of this Article and shall be responsible for:

a) Ministry of Finance shall take charge and cooperate with Ministry of Planning and Investment, Ministry of Planning and Investment, local governments and relevant agencies and organizations in preparing, proposing government state budget estimates, measures to allocate central government budget to ensure regular tasks regarding militia and self-defense forces under central management, consolidating in budget estimates and proposing competent authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Ministry of Home Affairs shall take charge and cooperate with Ministry of National Defense in directing and guiding local governments, relevant agencies and organizations in planning, training, enhancing and assigning commanding officers, deputy commanders of military commands of communes; in implementing benefits and policies for commanding titles of military commands of communes;

d) Ministry of Labors – War Invalids and Social Affairs shall take charge and cooperate with Ministry of National Defense, Ministry of Finance and Ministry of Home Affairs in guiding local governments, agencies and organizations implementing benefits and policies for militia and self-defense forces as per the law; cooperate with Ministry of Education and Training, Ministry of National Defense and relevant agencies, organizations and local government in directing and providing guidelines on training commanding officers of military commands of communes in post-secondary and college levels of basic military majors;

dd) Ministry of Education and Training shall take charge and cooperate with Ministry of National Defense, relevant agencies and organizations in directing higher education institutions to develop programs and guidelines on training commanding officers of military commands of communes in higher education levels of basic military majors;

e) Ministry of Agriculture and Rural Development shall take charge and cooperate with Ministry of National Defense, relevant agencies and organization in directing agencies and entities within their powers to cooperate with militia and self-defense forces in protecting islands, territorial waters, natural disaster prevention and control, search and rescue, evacuation, protection, prevention and counter forest fire; directing, guiding registration, registration for control and issuance of fishery permit with respect to ships provided for marine militia and self-defense forces as per the law.

Article 44. Responsibilities of local governments of all levels

1. People’s Councils of all levels within their tasks and power are responsible for:

a) issuing legislative document; approving and deciding schemes, projects and plans regarding militia and self-defense forces as specified in this Law and other relevant law provisions;

b) deciding budget for assurance of local militia and self-defense forces;

c) monitoring compliance with Constitution, regulations and law and implementation of resolutions of People's Councils regarding militia and self-defense forces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) requesting People's Councils to issue; issuing legislative documents, instructional documents, guidelines and organizing implementation of militia and self-defense forces as specified in this Law and other relevant law provisions;

b) requesting People's Councils of the same levels to approve and decide schemes, projects and plans regarding militia and self-defense forces;

c) directing agencies and organizations under management to organize development, training, military training, competitions, drills and operations of militia and self-defense forces;

d) mobilizing ships, boats and civil vehicles to ensure participation of militia and self-defense forces in protecting islands and territorial waters of Vietnam as per the law;

dd) performing international cooperation regarding militia and self-defense forces as assigned;

e) developing plans and organizing implementation of decisions on expansion of militia and self-defense forces of competent authorities;

g) examining, inspecting, taking actions, handling complaints and accusations, conducting preliminary reports and final reports and providing commendations regarding militia and self-defense forces within powers;

h) publicizing and spreading policies and viewpoints of Communist Party, policies and regulations and law of government regarding militia and self-defense forces;

i) conducting other tasks regarding local militia and self-defense forces according regulations and law and assignment of competent authorities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Vietnamese Fatherland Front and member organizations thereof, within their tasks and powers, are responsible for publicizing and mobilizing people to exercise regulations and law regarding militia and self-defense forces; monitoring implementation of regulations and law regarding militia and self-defense forces.

Chapter VII

EMULATION, COMMENDATION AND SANCTIONS

Article 46. Emulation and commendation

1. Local military agencies of all levels, military commands of agencies and organizations shall take charge and cooperate with relevant authorities in conducting emulation and commendation regarding militia and self-defense forces.

2. Organize emulation among militia and self-defense forces connected with emulation within agencies, organizations and local governments.

3. Agencies, organizations, individuals and militia and self-defense forces with achievements in implementing militia and self-defense forces shall be commended as per the law.

4. Minister of National Defense shall provide guidelines for emulation and commendation regarding militia and self-defense forces as per the law.

Article 47. Sanctions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Militia and self-defense forces violating disciplines, regulations and law while on missions shall be disciplined, sanctioned or liable to criminal prosecution on a case-by-case basis as per the law.

Article 48. Discipline methods of militia and self-defense forces

1. Personnel of militia and self-defense forces shall be disciplined in form of:

a) Reprimands;

b) Warnings;

c) Revocation of the title of militia and self-defense forces.

2. Personnel holding commanding titles in militia and self-defense forces shall be disciplined in form of:

a) Reprimands;

b) Warnings;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Dismissal;

d) Revocation of the title of militia and self-defense forces.

3. Minister of National Defense shall regulate adoption of discipline forms, procedures, period, time limit and authorization for adoption of disciplines on militia and self-defense forces specified in this Article.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION

Article 49. Amendments to a number of Articles of laws relating to militia and self-defense forces

1. Amendments to a number of Articles of Law on Military Service No. 78/2015/QH13 as follows:

a) Amendments to Point a Clause 4 Article 4 as follows:

a) Standing militia with at least 24 months of active duty shall be recognized as having completed active military duty during peacetime decided by commanding officers of military commands of districts according to request of Chairpersons of People’s Committees of communes or heads of hamlets in case of no communes and heads of agencies and organizations;”;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

“e) Standing militia completing participation in on-site, mobile, marine, anti-aircraft, artillery, scouting, information, engineering, chemical defense and medical militia and self-defense forces that have undergone concentrated training for 3 months or more;”;

c) Addition of Point h after Point g Clause 1 Article 41 as follows:

“h) Standing militia.”.

2. Amendments to Clauses of Article 41 of Law on Officers of People’s Army of Vietnam No. 16/1999/QH10 amended according to Law No. 19/2008/QH12 and Law No. 72/2014/QH13 as follows:

a) Amendments to Clause 1 Article 41 as follows:

“1. Cadets graduating training for reservist officers, cadets graduating training for commanding officers of military commands of communes in basic military major shall be ranked as reserve junior lieutenant;”;

b) Amendments to Clause 3 Article 41 as follows:

“3. According to payroll, standards of officer titles, military study results and achievements in serving national defense, reservist officers shall be assigned with titles in reserve forces or hold titles of commanding officers of military commands of communes and promoted accordingly. Minister of National Defense shall regulate equivalent titles and highest ranks for reservist officer holding titles of commanding officers of military commands of communes;”.

Article 50. Entry into force

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Law on Militia and Self-defense Forces No. 43/2009/QH12 expires from the effective date hereof.

This Law is approved in the 8th session of the 14th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam in November 22, 2019.

CHAIRPERSON OF NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Thi Kim Ngan

Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Luật Dân quân tự vệ 2019
Số hiệu: 48/2019/QH14
Loại văn bản: Luật
Lĩnh vực, ngành: Bộ máy hành chính
Nơi ban hành: Quốc hội
Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 22/11/2019
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 12 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/12/2024
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
...
12. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 41 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở, căn cứ trình độ đã được đào tạo, kết quả học tập, rèn luyện được phong quân hàm sĩ quan dự bị.”.

Xem nội dung VB
Điều 49. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến Dân quân tự vệ
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 41 của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12 và Luật số 72/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 41 như sau:

“1. Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm thiếu úy sĩ quan dự bị;”;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 12 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/12/2024
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:

“3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại Điều này.”.

Xem nội dung VB
Điều 8. Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình
...
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại Điều này.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a ... khoản 1 như sau:

“a) Tháng tư hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

Xem nội dung VB
Điều 9. Đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ

1. Việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như sau:

a) Tháng 4 hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung ... điểm b khoản 1 như sau:
...
b) Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi thay đổi nơi cư trú đến đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Trường hợp thay đổi nơi làm việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;”;

Xem nội dung VB
Điều 9. Đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ

1. Việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như sau:
...
b) Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi thay đổi nơi cư trú đến đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Trường hợp thay đổi nơi làm việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 9 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:

“b) Dân quân tự vệ tạm vắng trong thời gian từ 03 tháng trở lên phải báo cáo với Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức hoặc người chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;”.

Xem nội dung VB
Điều 9. Đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ
...
2. Việc quản lý Dân quân tự vệ được quy định như sau:
...
b) Dân quân tự vệ tạm vắng trong thời gian từ 03 tháng trở lên phải báo cáo với Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức hoặc người chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 3 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 ... Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:

“b) Hằng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.”;

Xem nội dung VB
Điều 10. Tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ
...
2. Việc tuyển chọn vào Dân quân tự vệ được quy định như sau:
...
b) Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp tuyển chọn.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 3 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 3 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
3. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 4 Điều 10 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.”;

Xem nội dung VB
Điều 10. Tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ
...
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 3 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
4. Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 ... Điều 11 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 như sau:

“e) Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;”;

Xem nội dung VB
Điều 11. Tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình

1. Công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:
...
e) Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 4 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
4. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 4 Điều 11 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.”.

Xem nội dung VB
Điều 11. Tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình
...
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 4 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 5 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
5. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 12 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất không có điều kiện tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác nhận;”;

Xem nội dung VB
Điều 12. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ

1. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn trong trường hợp sau đây:
...
c) Hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất không có điều kiện tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác nhận;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 5 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 5 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
5. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 12 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 như sau:

“e) Bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, đặc khu.”;

Xem nội dung VB
Điều 12. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ
...
2. Đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:
...
e) Bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 5 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 5 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
5. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 12 như sau:
...
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ.”.

Xem nội dung VB
Điều 12. Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ
...
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 5 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 ... Điều 13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhưng còn trong độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đăng ký, quản lý để sẵn sàng mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ.”;

Xem nội dung VB
Điều 13. Hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ
...
2. Công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhưng còn trong độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đăng ký, quản lý để sẵn sàng mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
6. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 4 Điều 13 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công nhận công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.”.

Xem nội dung VB
Điều 13. Hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ
...
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công nhận công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 7 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 ... Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Cấp xã tổ chức trung đội dân quân cơ động. Cấp xã ven biển, đảo tổ chức trung đội dân quân cơ động và tiểu đội hoặc trung đội dân quân biển.

Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, cấp xã tổ chức khẩu đội cối, tổ hoặc tiểu đội dân quân trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế, trung đội Dân quân phòng không, pháo binh; cấp xã trọng điểm về quốc phòng tổ chức tiểu đội hoặc trung đội dân quân thường trực.”;

Xem nội dung VB
Điều 15. Tổ chức Dân quân tự vệ
...
2. Cấp xã tổ chức trung đội dân quân cơ động. Cấp xã ven biển, đảo tổ chức trung đội dân quân cơ động và tiểu đội hoặc trung đội dân quân biển.

Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, cấp xã tổ chức khẩu đội cối, tổ hoặc tiểu đội dân quân trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế; cấp xã trọng điểm về quốc phòng tổ chức tiểu đội hoặc trung đội dân quân thường trực.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 7 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 7 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
7. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 4 Điều 15 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trên cơ sở tổ chức đơn vị Dân quân tự vệ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, cấp tỉnh tổ chức đại đội Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh; cấp tỉnh ven biển tổ chức hải đội dân quân thường trực.”.

Xem nội dung VB
Điều 15. Tổ chức Dân quân tự vệ
...
4. Trên cơ sở tổ chức đơn vị Dân quân tự vệ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, cấp huyện tổ chức trung đội hoặc đại đội Dân quân tự vệ cơ động, trung đội Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, tiểu đội hoặc trung đội dân quân thường trực; cấp tỉnh tổ chức đại đội Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh; cấp tỉnh ven biển tổ chức hải đội dân quân thường trực.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 7 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17 như sau:

“1. Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp;”.

Xem nội dung VB
Điều 17. Điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp được xem xét quyết định thành lập đơn vị tự vệ khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện;
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 9 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 20 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:

“a) Chỉ huy trưởng là công chức, Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;”;

Xem nội dung VB
Điều 20. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã. Thành phần Ban chỉ huy quân sự cấp xã bao gồm:

a) Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 9 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 9 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 20 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 như sau:

“d) Phó Chỉ huy trưởng và Trợ lý là công chức.”;

Xem nội dung VB
Điều 20. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã. Thành phần Ban chỉ huy quân sự cấp xã bao gồm:
...
d) Phó Chỉ huy trưởng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 9 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 9 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 20 như sau:
...
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:

“c) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, ngành, đoàn thể ở cấp xã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, quân sự địa phương; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;”;

Xem nội dung VB
Điều 20. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng
...
3. Ban chỉ huy quân sự cấp xã có chức năng, nhiệm vụ sau đây:
...
c) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, ngành, đoàn thể ở cấp xã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 9 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 9 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 20 như sau:
...
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Chính phủ quy định vị trí việc làm đối với Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng, Trợ lý; số lượng Phó Chỉ huy trưởng, Trợ lý; tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.”.

Xem nội dung VB
Điều 20. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng
...
5. Chính phủ quy định số lượng Phó Chỉ huy trưởng; tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 và Điều 5 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương II PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐƠN VỊ DÂN QUÂN TỰ VỆ; SỐ LƯỢNG PHÓ CHỈ HUY TRƯỞNG BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC
...
Điều 4. Số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức

1. Số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã như sau:

a) Đơn vị hành chính cấp xã loại 1, xã biên giới, ven biển, đảo được bố trí không quá 02 Phó chỉ huy trưởng. Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trong số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

b) Đơn vị hành chính cấp xã không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bố trí 01 Phó chỉ huy trưởng.
...
Điều 5. Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, đơn vị dân quân thường trực

1. Tiêu chuẩn, định mức cơ bản trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định trang thiết bị nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cho phù hợp.

3. Hằng ngày, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, đơn vị dân quân thường trực được cấp 01 số Báo Quân đội nhân dân.

Địa phương bảo đảm kinh phí mua báo cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã, đơn vị dân quân thường trực; cơ quan, tổ chức bảo đảm kinh phí mua báo cho Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức mình.

Xem nội dung VB
Điều 20. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng
...
5. Chính phủ quy định số lượng Phó Chỉ huy trưởng; tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 9 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 và Điều 5 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
10. Sửa đổi, bổ sung điểm c ... khoản 1 Điều 22 như sau:

“c) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định thành lập đại đội tự vệ; trung đội; khẩu đội cối; khẩu đội, trung đội Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh; trung đội Dân quân tự vệ biển; tiểu đội, trung đội dân quân thường trực;

Xem nội dung VB
Điều 22. Thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức

1. Thẩm quyền thành lập đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, trừ đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:
...
c) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định thành lập đại đội tự vệ, đại đội dân quân cơ động; trung đội Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh; trung đội Dân quân tự vệ biển; tiểu đội, trung đội dân quân thường trực;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
10. Sửa đổi, bổ sung ... điểm d khoản 1 Điều 22 như sau:
...
d) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã quyết định thành lập tổ, tiểu đội, trung đội Dân quân tự vệ tại chỗ; tổ, tiểu đội dân quân trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế; tiểu đội Dân quân tự vệ biển sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh;”.

Xem nội dung VB
Điều 22. Thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức

1. Thẩm quyền thành lập đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, trừ đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:
...
d) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định thành lập trung đội Dân quân tự vệ cơ động; tiểu đội, trung đội Dân quân tự vệ tại chỗ; khẩu đội Dân quân tự vệ pháo binh; tổ, tiểu đội dân quân trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế; tiểu đội Dân quân tự vệ biển;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 11 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
11. Sửa đổi, bổ sung ... điểm b ... khoản 1 Điều 23 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b ... khoản 1 như sau:

“b) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đại đội, hải đội Dân quân tự vệ, hải đội dân quân thường trực; Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy hải đội tự vệ thuộc quyền quản lý;

Xem nội dung VB
Điều 23. Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, trừ chức vụ chỉ huy tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:
...
b) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đại đội, hải đội Dân quân tự vệ; Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy hải đội tự vệ thuộc quyền quản lý;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 11 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 11 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
11. Sửa đổi, bổ sung ... điểm ... c ... khoản 1 Điều 23 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung ... điểm c khoản 1 như sau:
...
c) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã quyết định bổ nhiệm Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng và Khẩu đội trưởng Dân quân tự vệ sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh;”;

Xem nội dung VB
Điều 23. Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, trừ chức vụ chỉ huy tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:
...
c) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định bổ nhiệm Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng và Khẩu đội trưởng Dân quân tự vệ;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 11 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 11 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
11. Sửa đổi, bổ sung ... điểm ... đ khoản 1 Điều 23 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 như sau:

“đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy, trợ lý của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.”.

Xem nội dung VB
Điều 23. Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, trừ chức vụ chỉ huy tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:
...
đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 11 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phương tiện cơ động cho Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phương tiện cơ động theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị, đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phương tiện cơ động cho Dân quân tự vệ.”.

Xem nội dung VB
Điều 25. Trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị, đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của Dân quân tự vệ.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 26 như sau:

“Điều 26. Đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng, Trợ lý Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải được đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở trình độ cao đẳng hoặc đại học tại nhà trường quân đội.”.

Xem nội dung VB
Điều 26. Đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải được đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc đại học tại nhà trường quân đội.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 29 như sau:

“3. Làm nòng cốt xây dựng thôn, xã, phường, đặc khu chiến đấu; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở địa phương.”.

Xem nội dung VB
Điều 29. Hoạt động sẵn sàng chiến đấu
...
3. Làm nòng cốt xây dựng thôn, xã, phường, thị trấn chiến đấu; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở địa phương.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 15 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 ... Điều 30 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Đánh địch bảo vệ thôn, xã, phường, đặc khu, cơ quan, tổ chức trong khu vực phòng thủ.”;

Xem nội dung VB
Điều 30. Hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu
...
3. Đánh địch bảo vệ thôn, xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức trong khu vực phòng thủ.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 15 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 15 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
15. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 5 Điều 30 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Tham gia đấu tranh chính trị; xây dựng, củng cố thôn, xã, phường, đặc khu, cơ quan, tổ chức bám trụ chiến đấu.”.

Xem nội dung VB
Điều 30. Hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu
...
5. Tham gia đấu tranh chính trị; xây dựng, củng cố thôn, xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức bám trụ chiến đấu.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 15 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
16. Sửa đổi, bổ sung điểm g ... khoản 1 Điều 32 như sau:

“g) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã điều động dân quân thuộc quyền trong phạm vi cấp xã sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh;

Xem nội dung VB
Điều 32. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ

1. Trong trường hợp chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp, lệnh thiết quân luật, giới nghiêm, khi cần thiết sử dụng Dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thì thẩm quyền điều động được quy định như sau:
...
g) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã điều động dân quân thuộc quyền trong phạm vi cấp xã sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
16. Sửa đổi, bổ sung ... điểm h khoản 1 Điều 32 như sau:
...
h) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức điều động tự vệ thuộc quyền trong phạm vi cơ quan, tổ chức sau khi được sự nhất trí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh;”.

Xem nội dung VB
Điều 32. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ

1. Trong trường hợp chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp, lệnh thiết quân luật, giới nghiêm, khi cần thiết sử dụng Dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thì thẩm quyền điều động được quy định như sau:
...
h) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức điều động tự vệ thuộc quyền trong phạm vi cơ quan, tổ chức sau khi được sự nhất trí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
17. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 33 như sau:

“3. Các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.”.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ
...
3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 38 như sau:

“8. Xây dựng mới, sửa chữa kho tàng, công trình chiến đấu cho Dân quân tự vệ trong khu vực phòng thủ; nơi ăn, nghỉ của dân quân thường trực; trụ sở làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.”.

Xem nội dung VB
Điều 38. Nhiệm vụ chi của địa phương
...
8. Xây dựng mới, sửa chữa kho tàng, công trình chiến đấu cho Dân quân tự vệ trong khu vực phòng thủ; nơi ăn, nghỉ của dân quân thường trực; trụ sở hoặc nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19, 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
19. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 43 như sau:

“2. Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này và có trách nhiệm sau đây:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan lập, trình Chính phủ dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ đầu tư cho Dân quân tự vệ do trung ương quản lý và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách, trình cấp có thẩm quyền;

b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng, Trợ lý Ban chỉ huy quân sự cấp xã; về thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức vụ của Ban chỉ huy quân sự cấp xã;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo cơ sở giáo dục đại học xây dựng chương trình, hướng dẫn về đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ đại học ngành quân sự cơ sở;

d) Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phối hợp với Dân quân tự vệ trong bảo vệ hải đảo, vùng biển, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; chỉ đạo, hướng dẫn việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu, thuyền trang bị cho Dân quân tự vệ biển, hải đội dân quân thường trực theo quy định của pháp luật.”.

20. Bãi bỏ ... điểm b và điểm d khoản 2 Điều 43.

Xem nội dung VB
Điều 43. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan, tổ chức
...
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này và có trách nhiệm sau đây:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan lập, trình Chính phủ dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên về Dân quân tự vệ do trung ương quản lý và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách, trình cấp có thẩm quyền;

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan phân bổ, bố trí ngân sách về các nhiệm vụ đầu tư cho Dân quân tự vệ do trung ương quản lý;

c) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã; về thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã;

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan chỉ đạo hướng dẫn về đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ trung cấp, cao đẳng ngành quân sự cơ sở;

đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo cơ sở giáo dục đại học xây dựng chương trình, hướng dẫn về đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ đại học ngành quân sự cơ sở;

e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với Dân quân tự vệ trong bảo vệ hải đảo, vùng biển, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; chỉ đạo, hướng dẫn việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu, thuyền trang bị cho Dân quân tự vệ biển theo quy định của pháp luật.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19, 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
20. Bãi bỏ khoản 5 Điều 18

Xem nội dung VB
Điều 18. Hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ
...
5. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
20. Bãi bỏ ... điểm đ khoản 1 Điều 22

Xem nội dung VB
Điều 22. Thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức

1. Thẩm quyền thành lập đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, trừ đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:
...
đ) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã quyết định thành lập tổ dân quân tại chỗ sau khi báo cáo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định thành lập;
Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
20. Bãi bỏ ... điểm e khoản 1 Điều 32

Xem nội dung VB
Điều 32. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ

1. Trong trường hợp chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp, lệnh thiết quân luật, giới nghiêm, khi cần thiết sử dụng Dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thì thẩm quyền điều động được quy định như sau:
...
e) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp huyện sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh;
Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân quân tự vệ
...
20. Bãi bỏ ... khoản 2 Điều 33

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ
...
2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 20 Điều 10 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 4 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự
...
2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 4 như sau:

“a) Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình do Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh (sau đây gọi là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh) quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;”.

Xem nội dung VB
Điều 49. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến Dân quân tự vệ

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 4 như sau:

“a) Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;”;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 4 Luật sửa đổi 11 Luật về quân sự, quốc phòng 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 93/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 22/12/2024
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ.

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng; căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
...
Điều 4. Trách nhiệm trong công tác thi đua, khen thưởng
...
Chương II TỔ CHỨC THI ĐUA, DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA

Điều 5. Hình thức thi đua
...
Điều 6. Nội dung tổ chức phong trào thi đua
...
Điều 7. Phạm vi tổ chức thi đua
...
Điều 8. Danh hiệu thi đua
...
Điều 9. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”
...
Điều 10. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”
...
Điều 11. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
...
Điều 12. Danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”
...
Điều 13. Danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”
...
Điều 14. Danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”
...
Chương III HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Điều 15. Các hình thức khen thưởng
...
Điều 16. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng”
...
Điều 17. “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”
...
Điều 18. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh
...
Điều 19. Bằng khen của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng
...
Điều 20. Giấy khen của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng
...
Điều 21. Giấy khen của Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, cục, vụ, viện và tương đương
...
Điều 22. Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc và trực thuộc Bộ, ban, ngành; Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
...
Chương IV THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH KHEN THƯỞNG VÀ TRAO TẶNG

Điều 23. Thẩm quyền quyết định khen thưởng
...
Điều 24. Trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
...
Chương V QUY TRÌNH, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Điều 25. Quy trình xét đề nghị khen thưởng
...
Điều 26. Hồ sơ xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
...
Điều 27. Thời điểm báo cáo hồ sơ đề nghị khen thưởng; thông báo kết quả thẩm định, kết quả khen thưởng
...
Chương VI QUỸ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG; MỨC TIỀN THƯỞNG

Điều 28. Thành lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng
...
Điều 29. Mức tiền thưởng
...
Chương VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Hiệu lực thi hành
...
Điều 31. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC MỘT SỐ MẪU VĂN BẢN ÁP DỤNG TRONG HỒ SƠ, THỦ TỤC KHEN THƯỞNG VỀ DÂN QUÂN TỰ VỆ

Mẫu số 01 - Danh sách đề nghị tặng KNC "Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng"
...
Mẫu số 02 - Tờ khai tặng KNC "Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng"

Xem nội dung VB
Điều 46. Thi đua, khen thưởng
...
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 93/2024/TT-BQP nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 62/2025/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 93/2024/TT-BQP ngày 08 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản, tên điều; thay thế, bỏ một số cụm từ của Thông tư số 93/2024/TT-BQP ngày 08/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

1. Bỏ cụm từ “Trợ lý Dân quân tự vệ thuộc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện” tại khoản 8 Điều 4.

2. Sửa đổi khoản 11 Điều 15 và tên Điều 21 như sau: “Giấy khen của Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, cục, vụ, viện và tương đương”

3. Bỏ cụm từ “Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện” tại khoản 12 Điều 15 và tên của Điều 22.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23 như sau:

“3. Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh và tương đương

a) Quyết định tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, Giấy khen cho cá nhân có chức vụ cao nhất đến tiểu đoàn trưởng Dân quân tự vệ hoặc tương đương;

b) Quyết định tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”, Giấy khen cho tập thể cao nhất đến cấp tiểu đoàn Dân quân tự vệ hoặc tương đương”.

“4. Thủ trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

a) Quyết định tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, Giấy khen cho cá nhân có chức vụ cao nhất đến đại đội trưởng Dân quân tự vệ hoặc tương đương;

b) Quyết định tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”, Giấy khen cho tập thể cao nhất đến cấp đại đội Dân quân tự vệ hoặc tương đương”.

“5. Thủ trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực, lữ đoàn, trung đoàn và tương đương.

a) Quyết định tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Chiến sĩ tiên tiến”, Giấy khen cho cá nhân có chức vụ cao nhất đến đại đội trưởng Dân quân tự vệ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc tương đương;

b) Quyết định tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”, Giấy khen cho tập thể cao nhất đến cấp đại đội Dân quân tự vệ, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc tương đương”.

“6. Người đứng đầu Bộ, ngành trung ương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định khen thưởng đối với Dân quân tự vệ theo quy định tại các Điều 79, 80 và Điều 81 Luật Thi đua, khen thưởng và quy định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp”.

Xem nội dung VB
Điều 46. Thi đua, khen thưởng
...
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 57/2020/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 (VB hết hiệu lực: 22/12/2024)
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ.

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng
...
Điều 4. Trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng
...
Chương II TỔ CHỨC THI ĐUA, DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA

Điều 5. Hình thức tổ chức thi đua
...
Điều 6. Nội dung tổ chức phong trào thi đua
...
Điều 7. Phạm vi tổ chức thi đua
...
Điều 8. Danh hiệu thi đua
...
Điều 9. Đối tượng, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua
...
Điều 10. Tỷ lệ xét tặng danh hiệu thi đua
...
Chương III HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Điều 11. Các hình thức khen thưởng của Nhà nước đối với Dân quân tự vệ
...
Điều 12. Các hình thức khen thưởng của Bộ Quốc phòng đối với Dân quân tự vệ
...
Điều 13. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng”
...
Điều 14. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
...
Điều 15. Bằng khen của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng
...
Điều 16. Giấy khen của Thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Thủ trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện
...
Điều 17. Các hình thức khen thưởng của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
Chương IV THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH KHEN THƯỞNG VÀ TRAO TẶNG

Điều 18. Thẩm quyền quyết định khen thưởng
...
Điều 19. Trao tặng, đón nhân danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
...
Chương V QUY TRÌNH THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Điều 20. Quy trình thủ tục và tuyến trình khen thưởng
...
Điều 21. Hồ sơ khen thưởng
...
Điều 22. Thời điểm báo cáo hồ sơ, thời gian thẩm định, thời gian thông báo kết quả khen thưởng
...
Chương VI QUỸ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG; MỨC TIỀN THƯỞNG VÀ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Điều 23. Nguồn, múc trích quỹ; quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng
...
Điều 24. Tiền thưởng và chế độ ưu đãi
...
Chương VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC MỘT SỐ MẪU VĂN BẢN ÁP DỤNG TRONG HỒ SƠ, THỦ TỤC KHEN THƯỞNG VỀ DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Mẫu số 01 - Tờ trình đề nghị khen thưởng
...
Mẫu số 02 - Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
...
Mẫu số 03 - Khen thưởng thường xuyên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tập thể
...
Mẫu số 04 - Khen thưởng thường xuyên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cá nhân
...
Mẫu số 05a - Tuyên dương danh hiệu Anh hùng của tập thể
...
Mẫu số 05b - Tuyên dương danh hiệu Anh hùng của cá nhân
...
Mẫu số 06a - Khen thưởng đột xuất của tập thể
...
Mẫu số 06b - Khen thưởng đột xuất của cá nhân
...
Mẫu số 07 - Danh sách đề nghị tặng KNC "Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng"
...
Mẫu số 08 - Tờ khai tặng KNC "Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng"

Xem nội dung VB
Điều 46. Thi đua, khen thưởng
...
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 93/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 22/12/2024
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 93/2024/TT-BQP nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 62/2025/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 57/2020/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 (VB hết hiệu lực: 22/12/2024)
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương II PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐƠN VỊ DÂN QUÂN TỰ VỆ; SỐ LƯỢNG PHÓ CHỈ HUY TRƯỞNG BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 3. Phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ

1. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quản lý:

a) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc doanh nghiệp có tiểu đoàn tự vệ; Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc sở, ban, ngành và tương đương ở cấp tỉnh, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trên địa bàn;

b) Hải đội dân quân thường trực;

c) Đại đội pháo phòng không, pháo binh Dân quân tự vệ; tiểu đoàn tự vệ, hải đoàn tự vệ trong thời gian huấn luyện, hoạt động.

2. Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý:

a) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Đại đội pháo phòng không, pháo binh Dân quân tự vệ; tiểu đoàn tự vệ, hải đoàn tự vệ trừ thời gian huấn luyện, hoạt động;

c) Đơn vị dân quân thường trực của cấp huyện; đơn vị Dân quân tự vệ do cấp huyện tổ chức trong thời gian huấn luyện, hoạt động.

3. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức quản lý:

a) Đơn vị Dân quân tự vệ của cấp mình tổ chức;

b) Đơn vị Dân quân tự vệ do cấp trên tổ chức trừ thời gian huấn luyện, hoạt động.

4. Quân chủng Hải quân quản lý:

a) Đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp nhà nước có phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển;

b) Đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp thuộc Quân chủng Hải quân.

5. Người đứng đầu doanh nghiệp quân đội quản lý đơn vị tự vệ thuộc quyền.

Xem nội dung VB
Điều 9. Đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ
...
2. Việc quản lý Dân quân tự vệ được quy định như sau:
...
c) Chính phủ quy định phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương II PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐƠN VỊ DÂN QUÂN TỰ VỆ; SỐ LƯỢNG PHÓ CHỈ HUY TRƯỞNG BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 3. Phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ

1. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quản lý:

a) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc doanh nghiệp có tiểu đoàn tự vệ; Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc sở, ban, ngành và tương đương ở cấp tỉnh, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trên địa bàn;

b) Hải đội dân quân thường trực;

c) Đại đội pháo phòng không, pháo binh Dân quân tự vệ; tiểu đoàn tự vệ, hải đoàn tự vệ trong thời gian huấn luyện, hoạt động.

2. Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý:

a) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Đại đội pháo phòng không, pháo binh Dân quân tự vệ; tiểu đoàn tự vệ, hải đoàn tự vệ trừ thời gian huấn luyện, hoạt động;

c) Đơn vị dân quân thường trực của cấp huyện; đơn vị Dân quân tự vệ do cấp huyện tổ chức trong thời gian huấn luyện, hoạt động.

3. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức quản lý:

a) Đơn vị Dân quân tự vệ của cấp mình tổ chức;

b) Đơn vị Dân quân tự vệ do cấp trên tổ chức trừ thời gian huấn luyện, hoạt động.

4. Quân chủng Hải quân quản lý:

a) Đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp nhà nước có phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển;

b) Đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp thuộc Quân chủng Hải quân.

5. Người đứng đầu doanh nghiệp quân đội quản lý đơn vị tự vệ thuộc quyền.

Xem nội dung VB
Điều 9. Đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ
...
2. Việc quản lý Dân quân tự vệ được quy định như sau:
...
c) Chính phủ quy định phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 và Điều 5 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương II PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐƠN VỊ DÂN QUÂN TỰ VỆ; SỐ LƯỢNG PHÓ CHỈ HUY TRƯỞNG BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC
...
Điều 4. Số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức
...
2. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức bố trí 01 Phó chỉ huy trưởng. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm không quá 02 Phó Chỉ huy trưởng theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 5. Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, đơn vị dân quân thường trực

1. Tiêu chuẩn, định mức cơ bản trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định trang thiết bị nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cho phù hợp.

3. Hằng ngày, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, đơn vị dân quân thường trực được cấp 01 số Báo Quân đội nhân dân.

Địa phương bảo đảm kinh phí mua báo cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã, đơn vị dân quân thường trực; cơ quan, tổ chức bảo đảm kinh phí mua báo cho Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức mình.

Xem nội dung VB
Điều 21. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức
...
5. Chính phủ quy định số lượng Phó Chỉ huy trưởng; tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 và Điều 5 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 6. Trang phục, sao mũ, phù hiệu các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Dân quân tự vệ

1. Kiểu dáng, màu sắc, mẫu, tiêu chuẩn cấp phát, niên hạn trang phục, sao mũ, phù hiệu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Dân quân tự vệ được sử dụng trang phục khi làm nhiệm vụ.
...
PHỤ LỤC II TRANG PHỤC DÂN QUÂN TỰ VỆ

Xem nội dung VB
Điều 24. Trang phục, sao mũ, phù hiệu của Dân quân tự vệ

Các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Dân quân tự vệ được cấp phát, sử dụng trang phục, sao mũ, phù hiệu theo quy định của Chính phủ.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 14. Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương

1. Điều kiện

a) Dân quân tự vệ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo quyết định điều động, huy động hoặc làm nhiệm vụ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân, dân y theo quy định;

b) Dân quân tự vệ không được khám bệnh, chữa bệnh nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi: cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân hoặc tai nạn do mâu thuẫn của chính bản thân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến thực hiện nhiệm vụ hoặc tai nạn do sử dụng rượu, bia, sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy hoặc chất gây nghiện khác theo quy định của pháp luật.

2. Mức hưởng

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ. Trong thời gian điều trị nội trú được bảo đảm tiền ăn bệnh lý. Trường hợp Dân quân tự vệ đang điều trị nội trú, nhưng hết thời gian làm nhiệm vụ thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu hết 15 ngày bệnh vẫn chưa ổn định thì điều trị đến khi ổn định và được thanh toán 100% tiền khám, chữa bệnh.

3. Trình tự giải quyết

a) Dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính, môi trường điện tử đơn đề nghị thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh cho dân quân kèm theo phiếu xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn thu tiền, giấy ra viện cho cơ quan quân sự địa phương. Dân quân thuộc đơn vị Dân quân tự vệ của cấp nào tổ chức thì gửi đơn cho cơ quan quân sự địa phương cấp đó; trường hợp không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan quân sự địa phương phải có văn bản hướng dẫn gửi người nộp đơn để bổ sung, hoàn thiện;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị, cơ quan quân sự địa phương lập 01 bộ hồ sơ. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho dân quân;

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chi trả kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho dân quân; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện thực hiện chi trả; việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tiếp nhận ở cấp xã.

4. Hồ sơ:

a) Đơn đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân. Mẫu đơn quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Phiếu xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn thu tiền, giấy xuất viện;

c) Quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; quyết định điều động hoặc huy động hoặc kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Điều này do Ủy ban nhân dân cấp huyện bảo đảm đối với dân quân do cơ quan quân sự địa phương cấp huyện, cấp xã quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm kinh phí đối với dân quân do cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh quản lý.
...
PHỤ LỤC III MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ THANH TOÁN CHI PHÍ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Xem nội dung VB
Điều 35. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh

1. Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ hoặc đang là học viên đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách sau đây:

a) Trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 15. Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết

1. Dân quân tự vệ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Dân quân tự vệ trong trường hợp sau:

a) Thực hiện nhiệm vụ theo quyết định điều động hoặc huy động theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Các trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 bị tai nạn không được hưởng chế độ trợ cấp.

3. Mức hưởng

a) Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng như quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 7.450.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng;

*Điểm a khoản 3 Điều 15 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 7 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

a) Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 11.700.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng 1.170.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng 140.400.000 đồng*

b) Trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 53.640.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng;

*Điểm b khoản 3 Điều 15 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 7 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

b) Trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng 84.240.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 23.400.000 đồng*

c) Trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 7.450.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng.

*Điểm c khoản 3 Điều 15 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 7 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

c) Trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng 11.700.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 23.400.000 đồng*

4. Trình tự giải quyết

a) Dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính, môi trường điện tử đơn đề nghị trợ cấp tai nạn hoặc chết kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế cấp (nơi đã cấp cứu, điều trị cho Dân quân tự vệ), biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động hoặc giấy chứng tử, trích lục khai tử đối với trường hợp chết cho cơ quan quân sự địa phương. Dân quân thuộc đơn vị Dân quân tự vệ của cấp nào tổ chức thì gửi đơn đề nghị cho cơ quan quân sự địa phương cấp đó; trường hợp không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan quân sự địa phương phải có văn bản hướng dẫn gửi người nộp đơn để bổ sung, hoàn thiện;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị, cơ quan quân sự địa phương lập 01 bộ hồ sơ. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh quyết định;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trợ cấp cho dân quân;

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định trợ cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chi trả trợ cấp cho dân quân; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện thực hiện chi trả; việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tiếp nhận ở cấp xã.

5. Hồ sơ

a) Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn gồm: Đơn đề nghị trợ cấp tai nạn kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho Dân quân tự vệ) cấp theo mẫu quy định, biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên; trường hợp bị tai nạn giao thông thì có thêm biên bản điều tra của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

b) Hồ sơ hưởng trợ cấp chết gồm: Đơn đề nghị trợ cấp chết kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú, bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử; trường hợp bị tai nạn giao thông dẫn đến chết thì có thêm biên bản điều tra của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Mẫu đơn đề nghị trợ cấp tai nạn, trợ cấp chết quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 35. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh

1. Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ hoặc đang là học viên đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách sau đây:
...
b) Trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí;
Nội dung hướng dẫn Điểm này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như sau:
...
7. Sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 15 như sau:

“a) Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 11.700.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng 1.170.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng 140.400.000 đồng”.

b) Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 15 như sau:

“b) Trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng 84.240.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 23.400.000 đồng”.

c) Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 15 như sau:

“c) Trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng 11.700.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 23.400.000 đồng”.

Xem nội dung VB
Điều 35. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh

1. Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ hoặc đang là học viên đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách sau đây:
...
b) Trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí;
Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Nội dung hướng dẫn Điểm này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Chế độ chính sách đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ được hướng dẫn bởi Điều 11, 12 và 13 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 11. Định mức bảo đảm trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn, phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân khi làm nhiệm vụ, trừ dân quân thường trực

Dân quân khi có quyết định huy động, điều động làm nhiệm vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn, phụ cấp đặc thù đi biển, định mức quy định như sau:

1. Đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế:

a) Mức trợ cấp ngày công lao động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 119.200 đồng, trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 59.600 đồng;

*Điểm a khoản 1 Điều 11 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

a) Mức trợ cấp ngày công lao động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 327.600 đồng; trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng;

Trường hợp dân quân thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn; phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở khu vực nguy cơ lây nhiễm cao; cứu sập, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố thảm họa ở khu vực nguy hiểm đến tính mạng theo quyết định của Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp huyện trở lên, mức trợ cấp ngày công lao động tăng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng*

b) Mức tiền ăn bằng tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam;

*Điểm b khoản 1 Điều 11 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

b) Mức tiền ăn cơ bản, mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn cơ bản, mức tiền ăn thêm hiện hành các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam*

c) Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được bố trí nơi ăn, nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về như cán bộ, công chức cấp xã.

2. Đối với dân quân biển

a) Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển: Mức trợ cấp ngày công lao động bằng 178.800 đồng; trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; mức tiền ăn như hạ sĩ quan, binh sĩ hải quân trên tàu cấp 1 neo đậu tại căn cứ;

*Điểm a khoản 2 Điều 11 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 4 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

a) Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển: Mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; mức tiền ăn của dân quân thường trực khi tàu neo đậu tại cảng, đi biển làm nhiệm vụ bằng mức tiền ăn của hạ sĩ quan, binh sĩ Hải quân trên tàu loại 1 khi neo đậu tại cảng, đi biển làm nhiệm vụ*

b) Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển: Mức trợ cấp ngày công lao động mỗi người mỗi ngày bằng 372.500 đồng; mức tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 149.000 đồng;

Đối với thuyền trưởng, máy trưởng, mức phụ cấp trách nhiệm tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển, mỗi ngày bằng 119.200 đồng.

*Điểm b khoản 2 Điều 11 được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 4 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

b) Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển: Mức trợ cấp ngày công lao động bằng 585.000 đồng; mức tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 234.000 đồng;

Đối với thuyền trưởng, máy trưởng, lái tàu, thợ máy mức hưởng phụ cấp trách nhiệm được tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển, mỗi người, mỗi ngày bằng 187.200 đồng*

3. Mức phụ cấp đặc thù đi biển của dân quân khi làm nhiệm vụ trên biển thực hiện theo quy định của Nhà nước về chế độ bồi dưỡng đi biển đối với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng khi làm nhiệm vụ trên biển.

Điều 12. Định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực

1. Mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm, tiền ăn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 11 Nghị định này; đối với dân quân thuộc hải đội dân quân thường trực thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.

2. Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 2.980.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1.490.000 đồng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2.980.000 đồng.

*Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 5 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

2. Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 4.680.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 50% mức trợ cấp một năm phục vụ; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng một năm phục vụ*

3. Mức trợ cấp đặc thù đi biển theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này.

4. Mức hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

*Khoản 4 Điều 12 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

4. Chế độ bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực

a) Dân quân thường trực thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

b) Thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ khi có quyết định thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực đến khi có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trước thời hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

c) Mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng cho dân quân thường trực: Đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Dân quân thường trực có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trước thời hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định, nếu không có nguyện vọng bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;

đ) Dân quân thường trực chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì thân nhân theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo mức hưởng quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Dân quân thường trực chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần theo mức hưởng quy định tại Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;

e) Dân quân thường trực chết trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì người lo mai táng cho dân quân thường trực được nhận trợ cấp mai táng theo mức quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;

g) Dân quân thường trực nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà có đủ các điều kiện theo quy định tại các Điều 45 và Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 và các Điều 48, Điều 49, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55 và Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;

h) Kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực do ngân sách địa phương bảo đảm, hằng tháng ngân sách địa phương đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất quản lý;

i) Dân quân thường trực khi làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sỹ thì ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi người có công do ngân sách nhà nước bảo đảm, vẫn được thực hiện chế độ tai nạn lao động, tử tuất quy định tại điểm đ, điểm e, điểm g khoản này*

*Khoản 4a Điều 12 được bổ sung bởi Điểm c, d Khoản 5 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

4a. Chế độ bảo hiểm y tế cho dân quân thường trực thực hiện theo pháp luật về bảo hiểm y tế”.*

d) Bổ sung khoản 4b như sau:

“4b. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực do cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam*

5. Tiêu chuẩn vật chất hậu cần như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ.

Điều 13. Chế độ, chính sách đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ

1. Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo chế độ hiện hành.

2. Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng chế độ quy định tại khoản 1 Điều này và hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động, tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 149.000 đồng; nếu mức thực tế thấp hơn quy định trên thì được áp dụng điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định này.

*Khoản 2 Điều 13 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

2. Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng chế độ quy định tại khoản 1 Điều này và hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động, tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 234.000 đồng; nếu mức thực tế thấp hơn quy định trên thì được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định này*

Xem nội dung VB
Điều 34. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ
...
4. Chính phủ quy định định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ quy định tại Điều này.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 4, 5, 6 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như sau:
...
4. Sửa đổi Điều 11 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 11 như sau:

“a) Mức trợ cấp ngày công lao động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 327.600 đồng; trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng;

Trường hợp dân quân thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn; phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở khu vực nguy cơ lây nhiễm cao; cứu sập, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố thảm họa ở khu vực nguy hiểm đến tính mạng theo quyết định của Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp huyện trở lên, mức trợ cấp ngày công lao động tăng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng”.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 11 như sau:

“b) Mức tiền ăn cơ bản, mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn cơ bản, mức tiền ăn thêm hiện hành các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 11 như sau:

“a) Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển: Mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; mức tiền ăn của dân quân thường trực khi tàu neo đậu tại cảng, đi biển làm nhiệm vụ bằng mức tiền ăn của hạ sĩ quan, binh sĩ Hải quân trên tàu loại 1 khi neo đậu tại cảng, đi biển làm nhiệm vụ”.

d) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 11 như sau:

“b) Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển: Mức trợ cấp ngày công lao động bằng 585.000 đồng; mức tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 234.000 đồng;

Đối với thuyền trưởng, máy trưởng, lái tàu, thợ máy mức hưởng phụ cấp trách nhiệm được tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển, mỗi người, mỗi ngày bằng 187.200 đồng”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

a) Sửa đổi khoản 2 Điều 12 như sau:

“2. Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 4.680.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 50% mức trợ cấp một năm phục vụ; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng một năm phục vụ”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 12 như sau:

“4. Chế độ bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực

a) Dân quân thường trực thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

b) Thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ khi có quyết định thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực đến khi có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trước thời hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

c) Mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng cho dân quân thường trực: Đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Dân quân thường trực có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trước thời hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định, nếu không có nguyện vọng bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;

đ) Dân quân thường trực chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì thân nhân theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo mức hưởng quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Dân quân thường trực chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần theo mức hưởng quy định tại Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;

e) Dân quân thường trực chết trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì người lo mai táng cho dân quân thường trực được nhận trợ cấp mai táng theo mức quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;

g) Dân quân thường trực nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà có đủ các điều kiện theo quy định tại các Điều 45 và Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 và các Điều 48, Điều 49, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55 và Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;

h) Kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực do ngân sách địa phương bảo đảm, hằng tháng ngân sách địa phương đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất quản lý;

i) Dân quân thường trực khi làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sỹ thì ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi người có công do ngân sách nhà nước bảo đảm, vẫn được thực hiện chế độ tai nạn lao động, tử tuất quy định tại điểm đ, điểm e, điểm g khoản này”.

c) Bổ sung khoản 4a như sau:

“4a. Chế độ bảo hiểm y tế cho dân quân thường trực thực hiện theo pháp luật về bảo hiểm y tế”.

d) Bổ sung khoản 4b như sau:

“4b. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực do cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam”.

6. Sửa đổi khoản 2 Điều 13 như sau:

“2. Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng chế độ quy định tại khoản 1 Điều này và hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động, tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 234.000 đồng; nếu mức thực tế thấp hơn quy định trên thì được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định này”.

Xem nội dung VB
Điều 34. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ
...
4. Chính phủ quy định định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ quy định tại Điều này.
Chế độ chính sách đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ được hướng dẫn bởi Điều 11, 12 và 13 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 4, 5, 6 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 7. Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 312.900 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 298.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 223.500 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 178.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 149.000 đồng.

*Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng*

2. Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

*Tên Điều 8 được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng*

1. Đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

a) Mức phụ cấp hằng tháng thực hiện theo quy định của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

b) Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng.

*Điểm c khoản 1 Điều 8 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam*

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 745.000 đồng.

*Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng*

Điều 9. Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực

1. Mức phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự được tính bằng 50% tổng phụ cấp hiện hưởng gồm: Phụ cấp hằng tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên.

2. Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự, tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm, và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của tháng đó.

Điều 10. Chế độ phụ cấp thâm niên của các chức vụ chỉ huy ban chỉ huy quân sự cấp xã

1. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp được hưởng như sau: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác ở các ngành nghề khác nếu được hưởng phụ cấp thâm niên thì được cộng nối thời gian đó với thời gian giữ các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

3. Chế độ phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng và được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

*Khoản 3 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế*

4. Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian tự ý nghỉ việc;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc phụ cấp liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

a) Bổ sung tên điều như sau:

“Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng”.

b) Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 8 như sau:

“c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

c) Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:

“2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng”.

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 7. Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 312.900 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 298.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 223.500 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 178.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 149.000 đồng.

*Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng*

2. Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

*Tên Điều 8 được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng*

1. Đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

a) Mức phụ cấp hằng tháng thực hiện theo quy định của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

b) Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng.

*Điểm c khoản 1 Điều 8 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam*

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 745.000 đồng.

*Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng*

Điều 9. Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực

1. Mức phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự được tính bằng 50% tổng phụ cấp hiện hưởng gồm: Phụ cấp hằng tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên.

2. Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự, tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm, và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của tháng đó.

Điều 10. Chế độ phụ cấp thâm niên của các chức vụ chỉ huy ban chỉ huy quân sự cấp xã

1. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp được hưởng như sau: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác ở các ngành nghề khác nếu được hưởng phụ cấp thâm niên thì được cộng nối thời gian đó với thời gian giữ các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

3. Chế độ phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng và được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

*Khoản 3 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế*

4. Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian tự ý nghỉ việc;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc phụ cấp liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

a) Bổ sung tên điều như sau:

“Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng”.

b) Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 8 như sau:

“c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

c) Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:

“2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng”.

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 7. Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 312.900 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 298.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 223.500 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 178.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 149.000 đồng.

*Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng*

2. Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

*Tên Điều 8 được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng*

1. Đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

a) Mức phụ cấp hằng tháng thực hiện theo quy định của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

b) Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng.

*Điểm c khoản 1 Điều 8 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam*

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 745.000 đồng.

*Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng*

Điều 9. Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực

1. Mức phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự được tính bằng 50% tổng phụ cấp hiện hưởng gồm: Phụ cấp hằng tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên.

2. Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự, tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm, và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của tháng đó.

Điều 10. Chế độ phụ cấp thâm niên của các chức vụ chỉ huy ban chỉ huy quân sự cấp xã

1. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp được hưởng như sau: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác ở các ngành nghề khác nếu được hưởng phụ cấp thâm niên thì được cộng nối thời gian đó với thời gian giữ các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

3. Chế độ phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng và được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

*Khoản 3 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế*

4. Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian tự ý nghỉ việc;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc phụ cấp liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

a) Bổ sung tên điều như sau:

“Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng”.

b) Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 8 như sau:

“c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

c) Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:

“2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng”.

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 7. Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 312.900 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 298.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 223.500 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 178.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 149.000 đồng.

*Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng*

2. Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

*Tên Điều 8 được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng*

1. Đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

a) Mức phụ cấp hằng tháng thực hiện theo quy định của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

b) Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng.

*Điểm c khoản 1 Điều 8 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam*

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 745.000 đồng.

*Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng*

Điều 9. Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực

1. Mức phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự được tính bằng 50% tổng phụ cấp hiện hưởng gồm: Phụ cấp hằng tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên.

2. Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự, tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm, và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của tháng đó.

Điều 10. Chế độ phụ cấp thâm niên của các chức vụ chỉ huy ban chỉ huy quân sự cấp xã

1. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp được hưởng như sau: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác ở các ngành nghề khác nếu được hưởng phụ cấp thâm niên thì được cộng nối thời gian đó với thời gian giữ các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

3. Chế độ phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng và được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

*Khoản 3 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế*

4. Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian tự ý nghỉ việc;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc phụ cấp liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

a) Bổ sung tên điều như sau:

“Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng”.

b) Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 8 như sau:

“c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

c) Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:

“2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng”.

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 7. Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 312.900 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 298.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 223.500 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 178.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 149.000 đồng.

*Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng*

2. Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

*Tên Điều 8 được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng*

1. Đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

a) Mức phụ cấp hằng tháng thực hiện theo quy định của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

b) Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng.

*Điểm c khoản 1 Điều 8 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam*

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 745.000 đồng.

*Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng*

Điều 9. Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực

1. Mức phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự được tính bằng 50% tổng phụ cấp hiện hưởng gồm: Phụ cấp hằng tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên.

2. Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự, tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm, và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của tháng đó.

Điều 10. Chế độ phụ cấp thâm niên của các chức vụ chỉ huy ban chỉ huy quân sự cấp xã

1. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp được hưởng như sau: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác ở các ngành nghề khác nếu được hưởng phụ cấp thâm niên thì được cộng nối thời gian đó với thời gian giữ các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

3. Chế độ phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng và được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

*Khoản 3 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế*

4. Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian tự ý nghỉ việc;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc phụ cấp liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

a) Bổ sung tên điều như sau:

“Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng”.

b) Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 8 như sau:

“c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

c) Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:

“2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng”.

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
...
Chương III BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ
...
Điều 7. Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 312.900 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 298.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 223.500 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 178.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 149.000 đồng.

*Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng*

2. Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến ngày có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng

*Tên Điều 8 được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng*

1. Đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

a) Mức phụ cấp hằng tháng thực hiện theo quy định của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

b) Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng.

*Điểm c khoản 1 Điều 8 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam*

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 745.000 đồng.

*Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng*

Điều 9. Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực

1. Mức phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự được tính bằng 50% tổng phụ cấp hiện hưởng gồm: Phụ cấp hằng tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên.

2. Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự, tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm, và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của tháng đó.

Điều 10. Chế độ phụ cấp thâm niên của các chức vụ chỉ huy ban chỉ huy quân sự cấp xã

1. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp được hưởng như sau: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác ở các ngành nghề khác nếu được hưởng phụ cấp thâm niên thì được cộng nối thời gian đó với thời gian giữ các chức vụ chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

3. Chế độ phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng và được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

*Khoản 3 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025

3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế*

4. Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian tự ý nghỉ việc;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc phụ cấp liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:

a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;

b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;

c) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;

d) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;

đ) Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;

e) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;

g) Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;

h) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

a) Bổ sung tên điều như sau:

“Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng”.

b) Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 8 như sau:

“c) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

c) Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:

“2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng”.

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng.

Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.

Xem nội dung VB
Điều 33. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ quy định tại Điều 19 của Luật này được hưởng phụ cấp chức vụ.

2. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

3. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

4. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

5. Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng, phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng hoặc Trung đội trưởng dân quân tại chỗ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 10 Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2020
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Khoản 1 đến Khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/03/2025