Từ 24/12/2024 dịch vụ viễn thông chỉ được cung cấp cho các thuê bao đã xác thực thông tin? Dịch vụ viễn thông có được giảm thuế GTGT?
Từ 24/12/2024 dịch vụ viễn thông chỉ được cung cấp cho các thuê bao đã xác thực thông tin?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 163/2024/NĐ-CP quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông cho thuê bao di động mặt đất sau khi đăng ký thông tin thuê bao như sau:
Cung cấp dịch vụ viễn thông cho thuê bao di động mặt đất sau khi đăng ký thông tin thuê bao
Doanh nghiệp viễn thông chỉ được cung cấp dịch vụ viễn thông cho thuê bao di động mặt đất sau khi bảo đảm đầy đủ các nội dung sau:
1. Thuê bao viễn thông di động mặt đất đã hoàn thành đăng ký thông tin thuê bao theo quy định.
2. Doanh nghiệp đã hoàn thành việc xác thực, lưu giữ thông tin thuê bao di động mặt đất đầy đủ, chính xác theo quy định.
Đồng thời, căn cứ Điều 18 Nghị định 163/2024/NĐ-CP quy định về xác thực thông tin thuê bao di động mặt đất như sau:
Xác thực thông tin thuê bao di động mặt đất
Sau khi nhận giấy tờ sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao (trực tiếp hoặc trực tuyến), doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quy định sau:
1. Đối chiếu, kiểm tra giấy tờ là trùng khớp với cá nhân, tổ chức thực hiện giao kết hợp đồng, đăng ký thông tin theo quy định.
2. Thực hiện các biện pháp xác thực thông tin thuê bao di động mặt đất (đối với cả hình thức đăng ký trực tiếp và trực tuyến) đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:
a) Xác thực, đảm bảo trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tối thiểu 03 trường thông tin trên giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này, bao gồm số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh;
b) Khi đăng ký, kích hoạt từ SIM thuê bao di động H2H thứ hai trở đi phải xác thực thông qua mã xác thực một lần (mã OTP) gửi đến SIM đăng ký, kích hoạt trước đó;
c) Áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình đăng ký thông tin thuê bao đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng qua phương thức gặp mặt trực tiếp, giải pháp video call phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau: đảm bảo an toàn, bảo mật theo quy định của pháp luật; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục, cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để đảm bảo nhận diện người thật, thể hiện hình ảnh nhân viên giao dịch và khách hàng đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất;
d) Trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc xác thực thông tin thuê bao di động mặt đất (bao gồm nghiên cứu, bổ sung việc xác thực trường thông tin ảnh chân dung trên giấy tờ tùy thân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
3. Từ chối giao kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ với các cá nhân, tổ chức không đáp ứng một trong các nội dung sau: xuất trình giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao không đúng quy định hoặc giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao được xuất trình không rõ, không bảo đảm việc số hóa giấy tờ được rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin hoặc giấy tờ tùy thân có thông tin không trùng khớp sau xác thực hoặc không xác thực được.
Như vậy, từ 24/12/2024, dịch vụ viễn thông chỉ được cung cấp cho các thuê bao đã xác thực thông tin và doanh nghiệp viễn thông có quyền từ chối cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao chưa đáp ứng một trong các nội dung về giấy tờ đăng ký thông tin thuê bao.
Từ 24/12/2024 dịch vụ viễn thông chỉ được cung cấp cho các thuê bao đã xác thực thông tin? Dịch vụ viễn thông có được giảm thuế GTGT? (Hình từ Internet)
Dịch vụ viễn thông có được giảm thuế GTGT không?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng như sau:
Đối tượng chịu thuế
Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.
Đồng thời, đối chiếu theo quy định tại Điều 4, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về các trường hợp không chịu thuế giá trị gia tăng và các trường hợp áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%, 5%, thì hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ chịu mức thuế suất là 10%.
Ngoài ra, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định 72/2024/NĐ-CP quy định về giảm thuế giá trị gia tăng như sau:
Giảm thuế giá trị gia tăng
1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
...
Như vậy, hoạt động dịch vụ viễn thông không được giảm thuế giá trị gia tăng và đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hoạt động dịch vụ viễn thông là khi nào?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng như sau:
Thời điểm xác định thuế GTGT
1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với dịch vụ viễn thông là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.
3. Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch là ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.
4. Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.
5. Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
6. Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Như vậy, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động dịch vụ viễn thông sẽ được dựa vào thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.
- Những đối tượng nào được nhận tiền thưởng đột xuất theo Nghị định 73? Các khoản tiền thưởng đột xuất có phải đóng thuế TNCN?
- Cơ quan quản lý thuế có được phép sử dụng kinh phí nhà nước để mua thông tin, tài liệu phục vụ công tác thuế không?
- Mẫu Bản nhận xét Đảng viên dự bị mới nhất năm 2025? Đảng viên dự bị có phải đóng Đảng phí không?
- Top 3 mẫu bài tham khảo Cuộc thi Gửi Tương Lai Xanh 2050? Tiền thưởng từ Cuộc thi Gửi Tương Lai Xanh 2050 có đóng thuế TNCN không?
- Hướng dẫn 02 cách tra cứu phạt nguội xe máy, ô tô online 2025 đầy đủ các bước? Các loại xe máy, ô tô nào phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
- Cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN có bị xử phạt vi phạm hành chính khi phát sinh số tiền thuế được hoàn không?
- Hướng dẫn kê khai thuế cho thuê nhà trực tiếp với cơ quan thuế năm 2025?
- Mức hưởng bảo hiểm y tế mới nhất năm 2025? Khoản chi đóng BHYT cho người lao động có được khấu trừ khi tính thuế TNDN không?
- Cấu trúc mã số thuế do cơ quan thuế cấp đối với nhà thầu nước ngoài từ 06/02/2025 như thế nào?
- Từ 06/02/2025 trình tự chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với tổ chức không hoạt động tại địa chỉ đăng ký?