Từ 01/6/2025, bãi bỏ 08 quy định về hóa đơn chứng từ?

Bãi bỏ 08 quy định về hóa đơn chứng từ là gì? Quyền và trách nhiệm của người mua hàng hóa được quy định như thế nào theo Nghị định 70?

Từ 01/6/2025, bãi bỏ 08 quy định về hóa đơn chứng từ theo Nghị định 70?

Vừa qua, ngày 20 tháng 3 năm 2025 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2025.

=>>Xem chi tiết: Nghị định số 70/2025/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ...Tại đây

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP bãi bỏ 08 quy định về hóa đơn chứng từ như sau:

(1) Bãi bỏ khoản 10 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về việc hủy hóa đơn chứng từ như sau:

- Hủy hóa đơn chứng từ là làm cho hóa đơn chứng từ đó không có giá trị sử dụng.

(2) Bãi bỏ điểm g khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định đối với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ và dịch vụ ăn uống như sau:

- Đối với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại trụ sở chính (trụ sở chính trực tiếp ký hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ từng cửa hàng xuất cho khách hàng xuất qua hệ thống máy tính tiền của từng cửa hàng đứng tên trụ sở chính), hệ thống máy tính tiền kết nối với máy tính chưa đáp ứng điều kiện kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế, từng giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống có in Phiếu tính tiền cho khách hàng, dữ liệu Phiếu tính tiền có lưu trên hệ thống và khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử thì cuối ngày cơ sở kinh doanh căn cứ thông tin từ Phiếu tính tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập hóa đơn điện tử thì cơ sở kinh doanh lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng

(3) Bãi bỏ khoản 2 Điều 33 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về định dạng chứng từ điện tử khấu trừ thuế thu nhập cá nhân như sau:

- Tổ chức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân khi sử dụng chứng từ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2020/NĐ-CP theo hình thức điện tử tự xây dựng hệ thống phần mềm để sử dụng chứng từ điện tử đảm bảo các nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

(4) Bãi bỏ Điều 37 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về lập và ủy nhiệm lập biên lai như sau:

- Lập biên lai

+ Nội dung trên biên lai phải đúng với nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; biên lai phải được lập theo thứ tự liên tục từ số nhỏ đến số lớn.

+ Nội dung lập trên biên lai phải được thống nhất trên các liên có cùng một số biên lai, nếu ghi sai, hỏng thì người thu tiền không được xé khỏi cuống hoặc nếu đã xé thì phải kèm theo tờ biên lai đã ghi sai, hỏng; tổ chức thu phí, lệ phí khi lập biên lai phải đóng dấu của tổ chức thu phí, lệ phí vào góc trên, bên trái liên 2 của biên lai (liên giao cho người nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước).

- Biên lai được lập theo đúng hướng dẫn khoản 1 Điều Điều 37 Nghị định 123/2020/NĐ-CP là chứng từ hợp pháp để thanh toán, hạch toán và quyết toán tài chính.

Trường hợp không đáp ứng các hướng dẫn tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì không có giá trị thanh toán và không được hạch toán, quyết toán tài chính.

- Ủy nhiệm lập biên lai

+ Tổ chức thu phí, lệ phí ủy nhiệm cho bên thứ ba lập biên lai. Việc ủy nhiệm giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải theo hình thức văn bản, đồng thời phải gửi thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm theo Mẫu số 02/UN-BLG Phụ lục 1A ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, chậm nhất là 03 ngày trước khi bên nhận ủy nhiệm lập biên lai;

+ Nội dung văn bản ủy nhiệm phải ghi đầy đủ các thông tin về biên lai ủy nhiệm (hình thức, loại, ký hiệu, số lượng biên lai (từ số... đến số...); mục đích ủy nhiệm; thời hạn ủy nhiệm; phương thức giao nhận hoặc phương thức cài đặt biên lai ủy nhiệm (nếu là biên lai tự in); phương thức thanh toán biên lai ủy nhiệm;

+ Bên ủy nhiệm phải lập thông báo ủy nhiệm có ghi đầy đủ các thông tin về biên lai ủy nhiệm, mục đích ủy nhiệm, thời hạn ủy nhiệm dựa trên văn bản ủy nhiệm đã ký kết, có tên, chữ ký, dấu (nếu có) của đại diện bên ủy nhiệm cho bên nhận ủy nhiệm và gửi thông báo phát hành tới cơ quan thuế; đồng thời phải được niêm yết tại nơi tổ chức thu tiền phí lệ phí, tổ chức nhận ủy nhiệm;

+ Biên lai ủy nhiệm được lập vẫn phải ghi tên của tổ chức thu phí, lệ phí (bên ủy nhiệm) và đóng dấu bên ủy nhiệm phía trên bên trái của mỗi tờ biên lai (trường hợp biên lai được in từ thiết bị in của bên nhận ủy nhiệm thì không phải đóng dấu của bên ủy nhiệm);

+ Trường hợp tổ chức thu phí, lệ phí có nhiều đơn vị trực thuộc trực tiếp thu phí hoặc nhiều cơ sở nhận ủy nhiệm thu cùng sử dụng hình thức biên lai đặt in có cùng ký hiệu theo phương thức phân chia cho từng cơ sở trong toàn hệ thống thì tổ chức thu phí, lệ phí phải có sổ theo dõi phân bổ số lượng biên lai cho từng đơn vị trực thuộc, từng cơ sở nhận ủy nhiệm. Các đơn vị trực thuộc, cơ sở nhận ủy nhiệm phải sử dụng biên lai theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn trong phạm vi số biên lai được phân chia;

+ Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải tổng hợp báo cáo định kỳ việc sử dụng các biên lai ủy nhiệm. Bên ủy nhiệm phải thực hiện báo cáo sử dụng biên lai với cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo hướng dẫn tại Nghị định này (bao gồm cả số biên lai của bên nhận ủy nhiệm sử dụng). Bên nhận ủy nhiệm không phải thực hiện thông báo phát hành biên lai và báo cáo tình hình sử dụng biên lai với cơ quan thuế;

+ Khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc chấm dứt trước hạn ủy nhiệm, hai bên phải xác định bằng văn bản, đồng thời thông báo cho cơ quan thuế và niêm yết tại nơi thu phí, lệ phí.

(5) Bãi bỏ khoản 2 Điều 50 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về dừng kết nối hệ thống của bên sử dụng thông tin với Cổng thông tin điện tử như sau:

- Bãi bỏ quy định về việc Tổng cục Thuế thực hiện việc dừng kết nối hệ thống của bên sử dụng thông tin với Cổng thông tin điện tử trong các trường hợp sau:

+ Khi có đề nghị từ đầu mối đăng ký của bên sử dụng thông tin;

+ Phát hiện trường hợp sử dụng thông tin hóa đơn điện tử không đúng mục đích, phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của bên sử dụng thông tin, không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước

(6) Bãi bỏ Điều 51 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn cung cấp thông tin hóa đơn điện tử như sau:

Trong thời gian không quá 05 phút kể từ khi nhận được yêu cầu, Cổng thông tin điện tử phản hồi cho bên sử dụng thông tin:

- Thông tin hóa đơn điện tử: Thông báo lý do trong trường hợp hệ thống gặp sự cố hoặc không có thông tin hóa đơn điện tử.

- Trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin với số liệu lớn thì thời hạn cung cấp thông tin hóa đơn điện tử do Tổng cục Thuế thông báo.

(7) Bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 52 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về triển khai, công bố địa chỉ thư điện tử và số điện thoại cung cấp thông tin hóa đơn điện tử như sau:

- Quy định về triển khai, công bố địa chỉ thư điện tử và số điện thoại phục vụ việc cung cấp thông tin hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử và xây dựng, công bố các yêu cầu kỹ thuật để kết nối với Cổng thông tin hóa đơn điện tử.

(8) Bãi bỏ khoản 5 Điều 53 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về đảm bảo việc xây dựng, triển khai, vận hành hệ thống tiếp nhận thông tin hóa đơn điện tử.

Từ 01/6/2025, bãi bỏ 08 quy định về hóa đơn chứng từ? Theo Nghị định 70 2025 quyền và trách nhiệm của người mua hàng hóa dịch vụ được quy định như thế nào?

Từ 01/6/2025, bãi bỏ 08 quy định về hóa đơn chứng từ? Theo Nghị định 70 2025 quyền và trách nhiệm của người mua hàng hóa dịch vụ được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

Theo Nghị định 70 2025 quyền và trách nhiệm của người mua hàng hóa dịch vụ như thế nào?

Theo khoản 36 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP quy định về quyền và trách nhiệm của người mua hàng hóa dịch vụ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2025 như sau:

(1) Người mua hàng hóa, dịch vụ có quyền:

- Yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.

- Cung cấp chính xác thông tin cần thiết để người bán lập hóa đơn.

- Ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc người mua ký trên hóa đơn.

- Tra cứu, nhận file gốc hóa đơn điện tử của người bán.

- Sử dụng hóa đơn hợp pháp theo quy định pháp luật cho các hoạt động kinh doanh; để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật. Hóa đơn dùng cho mục đích này phải là hóa đơn có thông tin xác định được người mua.

(2) Người mua hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm:

- Sử dụng hóa đơn đúng mục đích.

- Cung cấp thông tin trên hóa đơn cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in thì phải cung cấp hóa đơn bản gốc, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì thực hiện quy định về việc tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử.

Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn chứng từ?

Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn chứng từ như sau:

(1) Đối với công chức thuế

- Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;

- Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;

- Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

(2) Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan

- Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;

- Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;

- Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;

- Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

Cùng chủ đề
Tác giả:
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;