Toàn văn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025? Bộ Tài chính có nhiệm vụ gì trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Đã có toàn văn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025? Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Toàn văn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025?

Ngày 19/02/2025, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15. Theo đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/04/2025

>>> Xem toàn văn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025...TẢI VỀ

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025...Tải về gồm:

(1) Hiến pháp.

(2) Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

(3) Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(4) Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

(5) Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(6) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

(7) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

(8) Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.

(9) Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

(10) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

(11) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

(12) Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

(13) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

(14) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Toàn văn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025?

Toàn văn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025? (Hình ảnh từ Internet)

Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 như thế nào?

Căn cứ Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025...Tải về có quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau:

- Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và không trái với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ đúng thẩm quyền, nội dung, hình thức và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc;kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ.

- Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới; bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, công khai, minh bạch, khoa học, kịp thời, ổn định, khả thi, hiệu quả.

- Bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Văn bản quy phạm pháp luật quy định thực hiện thí điểm phải xác định thời gian thực hiện thí điểm và phải được sơ kết, tổng kết để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chính thức.

- Bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với nội dung văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Bộ Tài chính có nhiệm vụ và quyền hạn gì trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 14/2023/NĐ-CP thì Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, trình và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, thuế, và các lĩnh vực quản lý khác thuộc phạm vi thẩm quyền. Dưới đây là các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể:

(1) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, nghị định, quyết định, chỉ thị:

Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

- Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm đã được phê duyệt, cũng như các dự án, đề án theo phân công của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.

- Trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn, hàng năm về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Trình dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi (như Luật 48/2024/QH15), Nghị định về quản lý ngân sách, hoặc Quyết định về chính sách thuế nhập khẩu.

(2) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi quản lý:

- Bộ Tài chính có quyền ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Các văn bản này bao gồm các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị định, như Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN, thuế TNCN, hoặc quy trình quản lý ngân sách nhà nước.

(3) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật:

Sau khi các VBQPPL được ban hành hoặc phê duyệt, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc phạm vi quản lý.

- Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân sách, v.v.

(4) Quy định cụ thể trong các lĩnh vực chuyên ngành:

- Trong từng lĩnh vực quản lý, Bộ Tài chính có quyền xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc tự ban hành VBQPPL:

+ Quản lý ngân sách nhà nước: Trình Chính phủ các nghị định về định mức phân bổ ngân sách, ban hành thông tư hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 5 năm, dự toán ngân sách hàng năm.

+ Quản lý thuế, phí, lệ phí: Trình Chính phủ và ban hành văn bản về chính sách thuế, quy trình thu nộp thuế, miễn giảm thuế.

+ Quản lý tài sản công: Trình Chính phủ và ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

+ Kế toán, kiểm toán: Ban hành chuẩn mực kế toán, kiểm toán, quy trình nghiệp vụ. (Điểm 12b).

+ Chứng khoán, bảo hiểm, giá cả: Trình Chính phủ và ban hành văn bản hướng dẫn về thị trường chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm, thẩm định giá.

(5) Tham gia xây dựng VBQPPL liên ngành:

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành khác để xây dựng và trình các VBQPPL liên quan đến tài chính trong các lĩnh vực như đầu tư công, quản lý nợ công, tài chính doanh nghiệp, hải quan,...

Cùng chủ đề
Tác giả: Ngô Trung Hiếu
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;