Thuế đối ứng là gì? Việt Nam có những loại thuế nhập khẩu bổ sung nào hiện nay?

Ý nghĩa của thuế đối ứng ra sao? Tại Việt Nam có những loại thuế nhập khẩu bổ sung nào?

Thuế đối ứng là gì?

Thuế đối ứng là loại thuế hoặc các rào cản phi thuế quan mà một quốc gia áp dụng đối với quốc gia khác, ‘có đi có lại’, nhằm đạt được sự cân bằng trong cán cân thương mại.

Nếu một quốc gia tăng thuế đối với hàng hóa từ một quốc gia khác, quốc gia bị ảnh hưởng có thể đáp trả bằng cách áp dụng thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia đầu tiên. Phản ứng này nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước, duy trì công ăn việc làm và khắc phục mất cân đối thương mại.

Như vậy, thuế đối ứng có thể hiểu là một trong các biện pháp phòng vệ thương mại do chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Biện pháp phòng vệ thương mại này giúp điều chỉnh cán cân thương mại, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước và duy trì sự ổn định của nền kinh tế nước nhà.

Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!

Thuế đối ứng là gì? Việt Nam có những loại thuế nhập khẩu bổ sung ra sao? (Hình ảnh từ Internet)

Việt Nam có những loại thuế nhập khẩu bổ sung nào?

Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 về 03 loại thuế nhập khẩu bổ sung bao gồm:

- Thuế chống bán phá giá thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

- Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

- Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nào?

Căn cứ khoản 3 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:

(i) Áp dụng thuế chống bán phá giá;

(ii) Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.

Đồng thời, căn cứ khoản 5 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 giải thích thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Như vậy, chỉ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được xác định bị bán phá giá gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là bao nhiêu năm?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định về thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá như sau:

Thuế chống bán phá giá
1. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:
a) Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
b) Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
2. Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá:
a) Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;
b) Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành điều tra và phải căn cứ vào kết luận điều tra theo quy định của pháp luật;
c) Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;
d) Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.
3. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn.

Như vậy, thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực.

Cùng chủ đề
Tác giả:
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;