Thực hư sáp nhập 34 tỉnh thành? Tung thông tin sáp nhập 34 tỉnh thành sai sự thật thì bị xử phạt như thế nào?
Thực hư sáp nhập 34 tỉnh thành?
Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố, tiếp tục sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, tiến tới nghiên cứu bỏ cấp huyện nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực – hiệu quả của hệ thống chính trị đang là chủ trương quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu và triển khai khẩn trương trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có kết luận hay thông báo chính thức nào từ các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến số lượng cụ thể các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện sáp nhập, cũng như tên gọi hay vị trí trung tâm hành chính của các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.
Dưới đây là toàn bộ thông tin cập nhật theo các Kết luận mới nhất của Bộ Chính trị, các cuộc họp của Đảng ủy Chính phủ và Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, đồng thời gắn với việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong thời gian tới:
Căn cứ tại tiểu mục 1 Mục 2 Kết luận 127-KL/TW năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu về xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã như sau:
- Giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trong đó:
(1) Đối với cấp tỉnh: Ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới... làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp.
(2) Đối với cấp xã: Cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hoá, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo... Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã.
(3) Làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các sở chuyên ngành và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vực), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ các điều kiện bảo đảm để chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả trước, trong và sau khi sắp xếp.
- Đảng ủy Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ cụ thể như sau:
+ Báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp uỷ, tổ chức đảng chậm nhất ngày 09/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thiện đề án gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025.
+ Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ quan, hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 07/4/2025.
Như vậy, về đề án sáp nhập tỉnh thành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025 và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 07/4/2025.
Vì thế, cho đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ văn bản chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền về thông tin sáp nhập 34 tỉnh thành. Do đó, các hành vi lan truyền thông tin sáp nhập 34 tỉnh thành sai sự thật khi chưa có văn bản chính thức sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Thực hư sáp nhập 34 tỉnh thành? (Hình ảnh từ Internet)
Tung thông tin sáp nhập 34 tỉnh thành sai sự thật thì bị xử phạt như thế nào ?
Căn cứ khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) như sau:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
...
Như vậy, hành vi tung thông tin sáp nhập 34 tỉnh thành sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin theo quy định (khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người tung tin sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Danh sách địa chỉ trụ sở 20 Chi cục Thuế khu vực cả nước từ 01/03/2025?
Căn cứ theo Phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định 381/QĐ-BTC năm 2025 có quy định về tên gọi, trụ sở và địa bàn quản lý của chi cục thuế khu vực.
Cụ thể danh sách địa chỉ trụ sở 20 Chi cục Thuế khu vực như sau:
STT | Tên đơn vị | Địa bàn quản lý | Trụ sở chính |
1 | Chi cục Thuế khu vực 1 | Hà Nội, Hòa Bình | Hà Nội |
2 | Chi cục Thuế khu vực 2 | Thành phố Hồ Chí Minh | Thành phố Hồ Chí Minh |
3 | Chi cục Thuế khu vực 3 | Hải Phòng, Quảng Ninh | Hải Phòng |
4 | Chi cục Thuế khu vực 4 | Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình | Hưng Yên |
5 | Chi cục Thuế khu vực 5 | Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình | Hải Dương |
6 | Chi cục Thuế khu vực 6 | Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng | Bắc Giang |
7 | Chi cục Thuế khu vực 7 | Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang | Thái Nguyên |
8 | Chi cục Thuế khu vực 8 | Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai | Phú Thọ |
9 | Chi cục Thuế khu vực 9 | Sơn La, Điện Biên, Lai Châu | Sơn La |
10 | Chi cục Thuế khu vực 10 | Thanh Hóa, Nghệ An | Nghệ An |
11 | Chi cục Thuế khu vực 11 | Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị | Hà Tĩnh |
12 | Chi cục Thuế khu vực 12 | Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi | Đà Nẵng |
13 | Chi cục Thuế khu vực 13 | Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng | Khánh Hòa |
14 | Chi cục Thuế khu vực 14 | Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông | Đắk Lắk |
15 | Chi cục Thuế khu vực 15 | Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu | Bà Rịa - Vũng Tàu |
16 | Chi cục Thuế khu vực 16 | Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh | Bình Dương |
17 | Chi cục Thuế khu vực 17 | Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long | Long An |
18 | Chi cục Thuế khu vực 18 | Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng | Bến Tre |
19 | Chi cục Thuế khu vực 19 | An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang | Cần Thơ |
20 | Chi cục Thuế khu vực 20 | Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu | Kiên Giang |