Thông tư 07 năm 2025: Bộ Tài chính hướng dẫn nguồn kinh phí sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy ra sao?
Thông tư 07 năm 2025: Bộ Tài chính hướng dẫn nguồn kinh phí sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy ra sao?
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 07/2025/TT-BTC hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp bộ máy theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
Cụ thể theo Thông tư 07 năm 2025, Bộ Tài chính hướng dẫn nguồn kinh phí sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy như sau:
(1) Sử dụng dự toán ngân sách chi thường xuyên (khoản 1 Điều 2 Thông tư 07/2025/TT-BTC):
- Chi trả kinh phí bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bổ nhiệm chức vụ thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy.
- Tiếp tục trả nguyên tiền lương hiện hưởng (bao gồm các khoản phụ cấp) cho cán bộ, công chức được cử đi tăng cường công tác ở cơ sở.
- Thực hiện chính sách nâng bậc lương và chi tiền thưởng cho các đối tượng liên quan.
- Chi tiền thưởng cho các đối tượng theo quy định.
(2) Ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 2 Thông tư 07/2025/TT-BTC):
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang thuộc quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan trung ương khác, kinh phí sẽ do ngân sách trung ương đảm bảo.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các đơn vị do địa phương quản lý, kinh phí sẽ được tổng hợp vào nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương.
(3) Lập dự toán, phân bổ, sử dụng và quyết toán kinh phí (Điều 5 Thông tư 07/2025/TT-BTC):
- Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn. Trong đó:
- Đối với các bộ, cơ quan trung ương: Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với các địa phương:
+ Các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp vào nhu cầu cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước của địa phương.
+ Trường hợp nguồn cải cách tiền lương của địa phương không đủ, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ phần chênh lệch thiếu.
Lưu ý: Việc quyết toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được tổng hợp chung vào báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị hàng năm theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.
Xem chi tiết nội dung Thông tư 07 năm 2025 về hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp bộ máy theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP... tại đây
Thông tư 07 năm 2025: Bộ Tài chính hướng dẫn nguồn kinh phí sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy ra sao? (Hình ảnh từ Internet)
Cơ quan thuế có được tổ chức thu ngân sách nhà nước không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:
Tổ chức thu ngân sách nhà nước
1. Cơ quan thu ngân sách là cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
2. Chỉ cơ quan thu ngân sách được tổ chức thu ngân sách.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì cơ quan thuế được tổ chức thu ngân sách nhà nước
Trách nhiệm của cơ quan thuế trong thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước như thế nào?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 84/2016/TT-BTC quy định về Trách nhiệm của cơ quan thuế trong thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước
- Cập nhật kịp thời các thông tin về danh Mục dùng chung, dữ liệu về người nộp thuế, dữ liệu về Khoản thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
- Phối hợp với ngân hàng để ký và thực hiện thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước.
- Hỗ trợ ngân hàng/ cơ quan kho bạc nhà nước về nghiệp vụ và kỹ thuật trong quá trình triển khai phối hợp thu ngân sách nhà nước.
- Cấp tài Khoản giao dịch nộp thuế điện tử cho người nộp thuế theo quy định của Bộ Tài chính về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; hướng dẫn người nộp thuế trong việc lập bảng kê nộp thuế hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước; cung cấp cho người nộp thuế dữ liệu về Khoản thuế để phục vụ việc lập chứng từ nộp tiền đầy đủ và chính xác; xác nhận số thuế đã nộp theo đề nghị của người nộp thuế.
- Tiếp nhận thông tin về số thuế đã nộp từ cơ quan kho bạc nhà nước và các ngân hàng để phục vụ công tác quản lý thuế; thực hiện tra soát các Khoản thu nộp với cơ quan kho bạc nhà nước, ngân hàng, người nộp thuế; xử lý các vấn đề sai sót liên quan đến các Khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
- Phối hợp với cơ quan kho bạc nhà nước trong việc đối chiếu số liệu, đảm bảo khớp đúng về số đã nộp ngân sách nhà nước trước khi khóa sổ kế toán thuế.
- Xem xét đình chỉ hoặc chấm dứt việc tham gia phối hợp thu ngân sách nhà nước với ngân hàng nếu ngân hàng không đáp ứng thỏa thuận phối hợp thu ngân sách nhà nước hoặc có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý thuế.