Thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản là khi nào?

Khi nào thì ban hành quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản? Biện pháp phong tỏa tài khoản áp dụng với đối tượng nào?

Thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản là khi nào?

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 31 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế
...
3. Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản
...
b) Quyết định cưỡng chế phải được ban hành tại các thời điểm sau:
b.1) Sau ngày thứ 90 kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;
b.2) Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế;
b.3) Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế);
b.4) Ngay trong ngày phát hiện người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.
Hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn được căn cứ vào các thông tin sau: người nộp thuế bị cưỡng chế thực hiện thủ tục chuyển nhượng, cho, bán tài sản, giải tỏa, tẩu tán số dư tài khoản một cách bất thường không liên quan đến các giao dịch thông thường trong sản xuất kinh doanh trước khi cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định cưỡng chế hoặc bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
c) Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản được gửi cho người nộp thuế bị cưỡng chế, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng nơi người nộp thuế bị cưỡng chế mở tài khoản và các tổ chức, cá nhân có liên quan kèm theo Lệnh thu ngân sách nhà nước ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế và được cập nhật trên trang thông tin điện tử của ngành thuế hoặc ngành hải quan.
...

Như vậy, quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản được ban hành tại các thời điểm sau:

- Sau ngày thứ 90 kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;

- Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế;

- Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế);

- Ngay trong ngày phát hiện người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

Thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản là khi nào?

Thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản là khi nào? (Hình từ Internet)

Quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản bao gồm những nội dung gì?

Theo khoản 1 Điều 127 Luật Quản lý thuế 2019 thì quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế nói chung và quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản nói riêng bao gồm những thông tin sau:

- Ngày, tháng, năm ra quyết định;

- Căn cứ ra quyết định;

- Người ra quyết định;

- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế;

- Lý do cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế;

- Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế;

- Thời gian, địa điểm thực hiện;

- Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Biện pháp phong tỏa tài khoản áp dụng với đối tượng nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 31 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì biện pháp phong tỏa tài khoản áp dụng với người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác.

Trong đó, đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

- Người nộp thuế thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019.

Đối với người nộp thuế còn nợ ngân sách nhà nước có số tiền thuế nợ đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định khoanh tiền thuế nợ hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì chưa thực hiện cưỡng chế đối với số tiền thuế nợ trong thời gian được nộp dần hoặc gia hạn hoặc khoanh nợ hoặc không tính tiền chậm nộp hoặc trong thời gian các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước xác định lại chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo văn bản đề nghị của người nộp thuế.

- Tổ chức tín dụng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.

- Tổ chức bảo lãnh nộp tiền thuế cho người nộp thuế: Quá thời hạn quy định 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp tiền thuế nợ theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế chưa nộp đủ vào ngân sách nhà nước thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.

- Kho bạc nhà nước, kho bạc nhà nước cấp tỉnh, kho bạc nhà nước cấp huyện (sau đây gọi chung là kho bạc nhà nước) không thực hiện việc trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế mở tại kho bạc nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế của cơ quan có thẩm quyền.

- Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế là chủ dự án ODA, chủ tài khoản nguồn vốn ODA và vay ưu đãi tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng thì không áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Cùng chủ đề
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;