Tài sản nào được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo Nghị định 77 2025?
Tài sản nào được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo Nghị định 77 2025?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 77/2025/NĐ-CP có quy định tài sản dược xác lập quyền sở hữu toàn dân bao gồm:
(1) Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật, gồm:
- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
- Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự (sau đây gọi là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu).
(2) Bất động sản vô chủ, gồm:
- Bất động sản không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Bất động sản mà chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về dân sự.
(3) Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, gồm: Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận theo quy định của pháp luật về dân sự.
(4) Tải sản là di sản không có người thừa kế, gồm:
- Tài sản không có người nhận thừa kế theo quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự.
- Tài sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế nhưng không có người chiếm hữu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015.
- Phần quyền sở hữu bất động sản khi một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế theo quy định tại khoản 4 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015.
(5) Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ lại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan (sau đây gọi là hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan).
(6) Tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam không thuộc trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e, g, i và k khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 1 Nghị định 77/2025/NĐ-CP.
Việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho Nhà nước Việt Nam được thực hiện thông qua bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là bộ, cơ quan trung ương) hoặc chính quyền địa phương. Trường hợp khi chuyển giao đã xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận; nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận thuộc trung ương quản lý thì được xác định là chuyển giao thông qua bộ, cơ quan trung ương; nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận thuộc địa phương quản lý thì được xác định là chuyển giao thông qua chính quyền địa phương. Đối với tài sản do các chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam mà không xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, nếu dự án do trung ương quản lý thì được xác định là chuyển giao thông qua bộ, cơ quan trung ương; nếu dự án do địa phương quản lý thì được xác định là chuyển giao thông qua chính quyền địa phương.
(7) Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
(8) Tài sản được đầu tư theo phương thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án, gồm: Tài sản được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL), Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT).
(9) Tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, gồm: Tài sản được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo Nghị định 77 2025? (Hình ảnh từ Internet)
Đối với tài sản ngoại tệ bị tịch thu do vi phạm hành chính thì xử lý như thế nào theo Nghị định 77 2025?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 77/2025/NĐ-CP có quy định như sau:
Hình thức xử lý tài sản
...
2. Giao tài sản hoặc điều chuyển tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng như sau:
a) Giao tài sản được áp dụng trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận tài sản là đơn vị cấp dưới của cơ quan, người có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản.
b) Điều chuyển tài sản được áp dụng trong các trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này.
Việc giao, điều chuyển tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản này phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Riêng đối với tài sản là gỗ bị tịch thu được giao, điều chuyển để sử dụng vào mục đích theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc giao, điều chuyển cho cơ quan, đơn vị để xây dựng trụ sở, hình thành máy móc, thiết bị làm việc của cơ quan nhà nước, xây dựng các công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu dân sinh như cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục công lập, các trung tâm văn hóa, thể thao công lập, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
3. Nộp vào ngân sách nhà nước đối với:
a) Tiền Việt Nam.
b) Ngoại tệ.
...
Như vậy, đối với tài sản ngoại tệ bị tịch thu do vi phạm hành chính thì sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Hiện nay thu ngân sách nhà nước bao gồm những khoản nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, thu ngân sách nhà nước gồm các khoản sau đây:
(1) Thuế do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của các luật thuế.
(2) Lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật.
(3) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ.
(4) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phân được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật.
(5) Các khoản nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, gồm:
- Lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;
- Các khoản thu hồi vốn của Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế;
- Thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước;
- Thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước;
- Chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (bao gồm cả gốc và lãi), trừ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
(6) Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
(7) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước quản lý.
(8) Tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng khu vực biển; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
(9) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
(10) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật.
(11) Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
(12) Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cho cơ quan nhà nước ở địa phương.
(13) Thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại Điều 11 Luật ngân sách nhà nước 2015.
(14) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.