Sàn Bybit là gì? Thu nhập từ tiền điện tử có đóng thuế TNCN, thuế GTGT không?
Sàn Bybit là gì?
Bybit là một sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Dubai, chuyên cung cấp giao dịch hợp đồng tương lai (futures), spot, quyền chọn (options) và các sản phẩm tài chính phái sinh khác.
Bybit được thành lập vào năm 2018 và nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng giao dịch phổ biến trong giới trader nhờ vào tính thanh khoản cao, phí giao dịch cạnh tranh và các công cụ giao dịch chuyên nghiệp.
Bybit được đánh giá là một trong những sàn giao dịch an toàn và đáng tin cậy nhờ hệ thống bảo mật tốt, quỹ bảo hiểm bảo vệ người dùng và khả năng xử lý lệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, do Bybit không có trụ sở cố định tại các quốc gia lớn như Hoa Kỳ hay Châu Âu, một số khu vực có thể bị hạn chế truy cập.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!
Sàn Bybit là gì? Thu nhập từ tiền điện tử có đóng thuế TNCN, thuế GTGT không? (Hình từ Internet)
Bộ Tài chính có nhiệm vụ gì trong tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến tiền điện tử?
Căn cứ theo Mục 2 Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2018 để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.
- Nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.
Thu nhập từ tiền điện tử có đóng thuế TNCN, thuế GTGT không?
(1) Về thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 quy định như sau:
Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.
...
(2) Về thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Căn cứ theo Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 như sau:
Đối tượng chịu thuế
Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.
Theo (1) và (2), cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền điện tử là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.
Theo đó, căn cứ theo Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định về định nghĩa hàng hóa như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Hàng hóa bao gồm:
a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
b) Những vật gắn liền với đất đai.
...
Như vậy, hàng hóa chỉ bao gồm: tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai chứ không hề quy định về tiền điện tử là hàng hóa. Và hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về khung pháp lý cho đối tượng này.
Theo đó, căn cứ Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn như sau:
Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Đồng thời, căn cứ khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động thanh toán như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán
...
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
...
Như vậy, có thể thấy tiền điện tử không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam nên việc mua bán, giao dịch tiền điện tử là bất hợp pháp.
Do đó, tiền điện tử không phải là đối tượng chịu thuế TNCN, thuế GTGT. Tuy nhiên lưu ý rằng nếu mua bán tiền điện tử nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Lưu ý: mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).