Quy định lái xe liên tục 4 giờ phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với đối tượng nào? Hiện nay hoạt động chở khách tuyến cố định có chịu thuế giá trị gia tăng?
- Quy định lái xe liên tục 4 giờ phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với tài xế lái xe nào?
- Xe ô tô kinh doanh vận tải có mấy loại hình năm 2025?
- Hiện nay hoạt động chở khách tuyến cố định có chịu thuế giá trị gia tăng?
- Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chở khách tuyến cố định là bao nhiêu?
Quy định lái xe liên tục 4 giờ phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với tài xế lái xe nào?
Căn cứ theo Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định:
Thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ
1. Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều này.
Như vậy, quy định lái xe liên tục 4 giờ phải dừng nghỉ chỉ áp dụng cho tài xế lái các loại xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Đối với các tài xế lái xe ô tô không thuộc trường hợp trên thì không áp dụng quy định này.
Quy định lái xe liên tục 4 giờ phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với đối tượng nào? (Hình ảnh từ Internet)
Xe ô tô kinh doanh vận tải có mấy loại hình năm 2025?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 56 Luật Đường bộ 2024 có quy định về các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm
(1) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định;
(2) Kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
(3) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;
(4) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng;
(5) Loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.
Trong đó:
(1) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình xác định.
(2) Kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định điểm đầu, điểm cuối, các điểm dừng xe để đón, trả khách với lịch trình, hành trình xác định; bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt liên tỉnh, cụ thể như sau:
- Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
(3) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người dưới 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách; tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức sau đây:
- Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền;
- Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử;
- Tiền cước theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.
(4) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Hiện nay hoạt động chở khách tuyến cố định có chịu thuế giá trị gia tăng?
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng như sau:
Đối tượng chịu thuế
Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.
Đồng thời, đối chiếu theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được bổ sung bởi khoản 1 Điều 3 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 và được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13, khoản 1 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như sau:
Đối tượng không chịu thuế
...
16. Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện.
...
Như vậy, hoạt động chở khách tuyến cố định là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ trường hợp thực hiện hoạt động chở khách tuyến cố định bằng xe buýt, xe điện.
Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chở khách tuyến cố định là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về các trường hợp áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% như sau:
Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
...
Đồng thời, đối chiếu theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về các trường hợp áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%, 5%, thì hoạt động chở khách tuyến cố định sẽ chịu mức thuế suất là 10%.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 1 Nghị định 72/2024/NĐ-CP quy định về giảm thuế giá trị gia tăng như sau:
Giảm thuế giá trị gia tăng
1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
...
2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng
a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
...
Như vậy, hoạt động chở khách tuyến cố định sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng và chịu mức thuế suất là 8%.