Pi Network là gì? Thu nhập từ mua bán tiền ảo Pi Network có phải chịu thuế TNCN không?
Pi Network là gì?
Pi Network là một dự án tiền mã hóa (cryptocurrency) được phát triển bởi một nhóm cựu sinh viên Đại học Stanford. Dự án này ra mắt vào ngày 14/3/2019 với mục tiêu tạo ra một loại tiền mã hóa có thể khai thác (đào) trực tiếp trên điện thoại di động mà không tiêu tốn nhiều tài nguyên như Bitcoin hay Ethereum.
Pi Network có thể coi là một loại tiền ảo (tài sản số), nhưng chưa phải là một loại tiền mã hóa hoàn chỉnh vì chưa thể giao dịch chính thức và chưa có blockchain minh bạch như Bitcoin hay Ethereum.
*Cách thức hoạt động của Pi Network như sau:
- Người dùng tải ứng dụng Pi Network trên điện thoại và nhấn nút "mine" (đào) hàng ngày để nhận Pi.
- Việc đào không tiêu tốn nhiều tài nguyên thiết bị mà chủ yếu dựa vào mức độ tương tác và mạng lưới người dùng.
Pi Network là gì? Thu nhập từ mua bán tiền ảo Pi Network có chịu thuế TNCN không? (Hình từ Internet)
Tiền ảo Pi Network có phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam?
Hiện nay pháp luật chưa có quy định nào điều chỉnh về các loại tiền điện tử, tài sản ảo.
Tuy nhiên, có thể căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về phát hành tiền giấy, tiền kim loại như sau:
Phát hành tiền giấy, tiền kim loại
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
4. Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, tại Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có hướng dẫn như sau:
Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Thông qua những quy định trên, có thể thấy tiền ảo Pi Network không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Đồng thời, căn cứ khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động thanh toán như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán
...
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
...
Như vậy, tiền ảo Pi Network không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cho nên, nếu cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, cụ thể là tiền ảo Pi Network nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Lưu ý: mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP)
Thu nhập từ mua bán tiền ảo Pi Network có chịu thuế TNCN không?
Căn cứ Bản án 22/2017/HC-ST ngày 21/9/2017 về khiếu kiện quyết định truy thu thuế của Toán án nhân dân tỉnh Bến Tre như sau:
Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre nhận định: Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T đã căn cứ vào Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính nêu: “... hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua bán hàng hóa và được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại; tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tương chịu thuế thu nhập cá nhân…” là vượt quá thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức là Công văn số 4356/BTC- TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng pháp luật vượt quá các quy định của Bộ luật, Luật, Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mặc nhiên công nhận tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa nên được mua bán và xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại và phải chịu thuế theo quy định là không đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C, đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp.
Quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre: Chấp yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Việt C, tuyên xử: hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T, trong đó có quyết định truy thu tiền thuế GTGT và thuế TNCN đối với hành vi mua bán tiền ảo trên mạng Internet của ông C.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 quy định như sau:
Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.
...
Đồng thời, căn cứ Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn như sau:
Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Thông qua những căn cứ nêu trên, có thể thấy tiền ảo Pi Network không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam nên việc mua bán tiền ảo Pi Network làm phương tiện thanh toán là bất hợp pháp. Do đó, thu nhập từ việc mua bán tiền ảo Pi Network không thuộc đối tượng chịu thuế TNCN.